“Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Gia Đình Là Trọng Tâm Kế Hoạch của Cha Thiên Thượng,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)
“Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên
Bài Học 4 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Gia Đình Là Trọng Tâm Kế Hoạch của Cha Thiên Thượng
Các vị tiên tri và sứ đồ thời hiện đại đã tuyên bố rằng “gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Anh chị em có bao giờ suy ngẫm xem gia đình liên quan như thế nào đến các yếu tố cốt lõi khác trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng, như là Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô không? Khi anh chị em nghiên cứu, hãy suy ngẫm ý nghĩa mà những lời giảng dạy sau đây có thể mang lại cho những lựa chọn và hy vọng của anh chị em dành cho chính gia đình mình.
Phần 1
Làm thế nào Sự Sáng Tạo trái đất và Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va đã giúp mang lại các mục đích vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng dành cho gia đình?
Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Giáo lý về gia đình bắt đầu với cha mẹ thiên thượng. Nguyện vọng lớn nhất của chúng ta là trở thành giống như hai Ngài. (“The Challenge to Become,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 64)
Khi Thượng Đế phán với Môi Se trên núi, Ngài đã giải thích rằng công việc và vinh quang của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Cuộc sống vĩnh cửu là sống với Thượng Đế giống như Ngài hằng sống, có nghĩa là sống mãi mãi trong một gia đình vĩnh cửu. Đây là ân tứ lớn lao nhất mà Ngài có thể ban cho chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 14:7).
Sự Sáng Tạo trái đất và Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va là những phần quan trọng trong kế hoạch của Đức Chúa Cha để mang lại các mục đích vĩnh cửu này. Trong lịch sử ban đầu của Giáo Hội, Chúa đã tuyên phán tầm quan trọng của hôn nhân và con cái trong kế hoạch của Thượng Đế dành cho thế gian. Và trong Sách Mặc Môn, Lê Hi đã giải thích với con trai ông về mục đích thông sáng trong Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va.
Chủ Tịch Russell M. Nelson và Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
To lớn như nó vốn vậy, Trái Đất là một phần của một điều còn lớn lao hơn—chính là kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế. Tóm tắt một cách đơn giản thì trái đất được tạo ra để dành cho các gia đình. (“The Creation,” Ensign, tháng Năm năm 2000, trang 85)
Sự Sa Ngã là một phần thiết yếu của kế hoạch thiêng liêng của Cha Thiên Thượng. Nếu không có nó, thì A Đam và Ê Va sẽ không sinh con cái trên thế gian, và sẽ không có gia đình nhân loại để có được sự tương phản và sự tăng trưởng, quyền tự quyết về mặt đạo đức, và niềm vui phục sinh, sự cứu chuộc và cuộc sống vĩnh cửu. (“Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Ba năm 2008, trang 35)
Phần 2
Làm thế nào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho các gia đình có thể tồn tại vĩnh cửu?
Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va tạo điều kiện cho tội lỗi và cái chết xuất hiện trong thế giới của chúng ta. Cả hai điều này đều tách rời chúng ta ra khỏi Thượng Đế và cơ hội để có cuộc sống vĩnh cửu với gia đình mình.
Trong Sách Mặc Môn, Lê Hi mô tả cuộc sống thuở nhỏ của Gia Cốp phải chịu nhiều đau khổ và phiền muộn bởi các anh trai (xin xem 2 Nê Phi 2:1). Lê Hi cũng qua đời khi Gia Cốp còn khá trẻ. Mặc cho những thử thách này trong gia đình, Gia Cốp đã tìm thấy hy vọng nhờ sự hiểu biết của ông về sự hy sinh trong tương lai được thực hiện bởi Chúa Giê Su Ky Tô để giúp cho tất cả chúng ta cùng gia đình mình thoát khỏi cái chết và ngục giới.
Chủ Tịch Julie B. Beck, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, và Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy về cách mà Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cho phép các gia đình tồn tại vĩnh cửu:
Sự Chuộc Tội [của Chúa Giê Su Ky Tô] cho phép gia đình được làm lễ gắn bó vĩnh viễn với nhau. Sự Chuộc Tội cho phép các gia đình có được sự phát triển và hoàn hảo vĩnh viễn. Kế hoạch hạnh phúc, cũng được gọi là kế hoạch cứu rỗi, là một kế hoạch được tạo ra cho các gia đình. (“Teaching the Doctrine of the Family,” Ensign, tháng Ba năm 2011, trang 12)
Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta biết rõ tấm lòng của chúng ta. Mục đích của Ngài là để ban cho chúng ta hạnh phúc (xin xem 2 Nê Phi 2:25). Và vì thế Ngài ban cho ân tứ là Vị Nam Tử của Ngài để niềm vui về những mối ràng buộc gia đình tiếp tục mãi mãi có thể thực hiện được. Bởi vì Đấng Cứu Rỗi đã cắt đứt dây trói buộc của sự chết, nên chúng ta sẽ được phục sinh. Bởi vì Ngài chuộc tội lỗi cho chúng ta, nên chúng ta có thể, qua đức tin và sự hối cải, trở nên xứng đáng với vương quốc thượng thiên, là nơi mà gia đình có thể được ràng buộc với nhau vĩnh viễn trong tình yêu thương. (“Hy Vọng về Tình Yêu Thương của Gia Đình Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Tám năm 2016, trang 4)
Phần 3
Gia đình là trọng tâm trong kế hoạch của anh chị em như thế nào?
Để giải thích tầm quan trọng của gia đình trong thời vĩnh cửu, Anh Cả L. Tom Perry thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Toàn bộ thuyết thần học của phúc âm phục hồi của chúng ta tập trung vào gia đình và giao ước mới và vĩnh viễn của hôn nhân. …
Chúng ta cũng tin rằng kiểu gia đình truyền thống vững mạnh … là những đơn vị cơ bản của thời vĩnh cửu, của vương quốc và chính quyền của Thượng Đế.
Chúng ta tin rằng tổ chức và chính quyền của thiên thượng sẽ được xây dựng xung quanh gia đình và thân quyến. (“Tại Sao Hôn Nhân và Gia Đình Là Quan Trọng—Ở Khắp Nơi trên Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 41)
Vì tầm quan trọng của gia đình trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng, chúng ta có thể biết rằng Sa Tan sẽ chống lại những nỗ lực của chúng ta để gây dựng và củng cố gia đình mình. Sự hiểu biết của chúng ta về kế hoạch của Cha Thiên Thượng có thể giúp chúng ta thấy rõ những sự lừa gạt của Sa Tan. Anh Cả Hales đã dạy:
Triển vọng vĩnh cửu giúp cho chúng ta quyết định và hành động hàng ngày. Nó giữ vững tâm trí chúng ta. Khi những ý kiến đầy sức thuyết phục nhưng sai lầm về mặt vĩnh cửu vây quanh chúng ta thì chúng ta phải kiên định và vững vàng. …
Hôn nhân và gia đình đang bị tấn công vì Sa Tan biết rằng hôn nhân và gia đình là thiết yếu để đạt được cuộc sống vĩnh cửu—thiết yếu như Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, và Sự Chuộc Tội cùng Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Vì thất bại trong việc hủy diệt bất cứ phần nào của kế hoạch, nên Sa Tan tìm cách phá hoại sự hiểu biết và sự thực hành của hôn nhân và gia đình. (““Kế Hoạch Cứu Rỗi: Một Kho Báu Thiêng Liêng về Sự Hiểu Biết để Hướng Dẫn Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười năm 2015 trang 28, 29)