“Bài Học 27 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Thúc Đẩy và Bảo Vệ Gia Đình Như Là Đơn Vị Cơ Bản của Xã Hội,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)
“Bài Học 27 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên
Bài Học 27 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Thúc Đẩy và Bảo Vệ Gia Đình Như Là Đơn Vị Cơ Bản của Xã Hội
Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Thế gian cần biết điều mà bản tuyên ngôn [về gia đình] giảng dạy, bởi vì gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, của nền kinh tế, của văn hóa và của chính phủ chúng ta. Và như Các Thánh Hữu Ngày Sau đã biết, gia đình cũng sẽ là đơn vị cơ bản trong vương quốc thượng thiên” (“Điều Quan Trọng Nhất Là Điều Tồn Tại Lâu Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 42). Khi anh chị em nghĩ về vai trò cơ bản của gia đình trong xã hội và thời vĩnh cửu, hãy cân nhắc điều gì anh chị em có thể làm để thúc đẩy và bảo vệ cho gia đình.
Phần 1
Những ảnh hưởng nào đang góp phần vào sự đổ vỡ trong gia đình?
Nhiều yếu tố trong xã hội hiện đại đang làm suy yếu gia đình. Bởi vì Chúa yêu thương chúng ta và muốn ban phước cho chúng ta, Ngài phán qua các vị tiên tri để cảnh báo chúng ta về những điều này và những mối nguy hiểm khác. Các vị tiên tri ngày sau đã khuyến cáo rằng “cảnh đổ vỡ trong gia đình sẽ mang lại cho cá nhân, cộng đồng và quốc gia những tai họa mà đã được các tiên tri thời xưa và hiện đại tiên đoán” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org).
Bằng chứng về “cảnh đổ vỡ trong gia đình” đang bao quanh chúng ta. Ví dụ, chúng ta thấy
-
sự gia tăng tình trạng sống chung mà không kết hôn, con số trẻ em sinh ra ngoài giá thú, và con số các gia đình chỉ có cha hoặc mẹ,
-
sự suy giảm trong hôn nhân và tỷ lệ sinh đẻ,
-
mức độ phổ biến của tình trạng phá thai, ly dị, lạm dụng-ngược đãi, và cuộc sống gia đình không êm ấm, và
-
các chính sách công khai và phương tiện truyền thông mà hủy hoại gia đình.
(Xin xem Dallin H. Oaks, “Bảo Vệ Trẻ Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 43; “Ly Dị,” Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 70)
Sứ Đồ Phao Lô cảnh báo về những mối nguy hiểm mà sẽ tồn tại trong những ngày sau.
Anh Cả Bruce D. Porter, cựu thành viên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, đã thảo luận một lý do tại sao cả nam lẫn nữ đều trở nên “tư kỷ” (2 Ti Mô Thê 3:2):
Sự đổ vỡ của hàng triệu gia đình xảy ra một phần bởi vì phương tiện truyền thông và văn hóa thịnh hành đã tôn vinh việc mưu cầu cho bản thân: khi một cá nhân hoàn toàn tự chủ không ràng buộc với các bổn phận xã hội hoặc đạo đức, thì được tự do theo đuổi bất kỳ điều gì người đó chọn miễn là nó không gây tổn hại về thể chất trực tiếp cho những người khác mà tìm kiếm lợi lộc. (“Defending the Family in a Troubled World,” Ensign, tháng Sáu năm 2011, trang 15)
Phần 2
Tôi có trách nhiệm nào để thúc đẩy và bảo vệ cho gia đình?
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra chỉ thị này: “Chúng tôi kêu gọi những công dân và viên chức chính quyền có trách nhiệm ở khắp mọi nơi hãy đẩy mạnh các biện pháp mà nhằm duy trì và củng cố gia đình như là một đơn vị cơ bản của xã hội” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới”).
Có nhiều cách chúng ta có thể làm tròn chỉ thị này từ vị tiên tri. Hãy cân nhắc một số những ý tưởng sau đây:
-
Cố gắng củng cố gia đình của chính anh chị em.
-
Tìm hiểu những vấn đề mà đang đe dọa gia đình nơi anh chị em sinh sống.
-
Ủng hộ hoặc bênh vực các nhà lãnh đạo chính trị, các tổ chức, và các chính sách công giúp thúc đẩy gia đình.
-
Sử dụng mạng truyền thông xã hội để truyền đạt các giá trị tích cực về gia đình.
-
Tìm kiếm những cơ hội để chia sẻ những lời giảng dạy phúc âm và cảm nhận của anh chị em về gia đình.
Hoàn cảnh gia đình chúng ta không cần phải hoàn hảo để cho chúng ta thúc đẩy hoặc bảo vệ cho gia đình. Tiếng nói của chúng ta là cần thiết, bất kể hoàn cảnh gia đình của chúng ta như thế nào đi nữa.
Trong khi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson đã dạy:
Chúng ta cần phải mạnh dạn bênh vực cho các giáo lý đã được mặc khải của Chúa mô tả về hôn nhân, gia đình, vai trò thiêng liêng của những người đàn ông và phụ nữ, và tầm quan trọng của mái gia đình là những nơi thánh thiện—cho dù thế gian đang la hét vào tai chúng ta rằng những nguyên tắc này đã lỗi thời, hạn chế, hoặc không còn phù hợp nữa. Tất cả mọi người, bất kể tình trạng hôn nhân là gì hoặc có bao nhiêu con cái thì cũng có thể là người bênh vực cho kế hoạch của Chúa như đã được mô tả trong bản tuyên ngôn về gia đình. (“Những Người Bênh Vực cho Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 15)
Có thể sẽ có lúc anh chị em cảm thấy sợ hãi để thúc đẩy hoặc bảo vệ cho gia đình bởi vì anh chị em có thể gặp phải sự chống đối. Hãy cân nhắc cách anh chị em có thể có được sức mạnh từ những hành động của Lãnh Binh Mô Rô Ni và dân Nê Phi, là những người đã dũng cảm đứng lên chống lại sự tấn công của dân La Man “để bảo vệ đất đai cùng nhà cửa và vợ con mình” (An Ma 43:9).
Phần 3
Làm cách nào tôi có thể trở nên tự tin hơn khi nói chuyện với người khác về những lời giảng dạy của Chúa về gia đình?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã lưu ý rằng những lời giảng dạy trong bản tuyên ngôn về gia đình “rõ ràng là khác biệt với một số luật pháp, lối sống, và sự tán thành của thế gian nơi chúng ta sinh sống” (“Kế Hoạch và Bản Tuyên Ngôn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 29). Trong suốt đời mình, nhiều khả năng anh chị em sẽ thảo luận những đề tài liên quan đến hôn nhân và gia đình với những người có quan điểm khác với anh chị em. Vào những lúc như vậy, hãy cố gắng đừng tranh cãi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 19:30). Thay vì thế, hãy cố gắng là một trong “những tín đồ hiền hòa của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:3; xin xem thêm các câu 4–5) và “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê Phê Sô 4:15).
Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về việc noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô trong cách chúng ta phản ứng với những người mà có thể chống đối niềm tin của chúng ta:
Cách phản ứng theo như Đấng Ky Tô không thể được viết ra sẵn hoặc dựa vào một công thức. Đấng Cứu Rỗi phản ứng khác nhau trong mỗi hoàn cảnh. Khi Ngài đương đầu với Vua Hê Rốt tà ác, Ngài đã giữ im lặng. Khi Ngài đứng trước Phi Lát, Ngài đã chia sẻ một chứng ngôn giản dị và mạnh mẽ về thiên tính và mục đích của Ngài. Khi đối phó với những người đổi bạc đang làm ô uế đền thờ, Ngài đã thi hành trách nhiệm thiêng liêng của Ngài là gìn giữ và bảo tồn những điều thiêng liêng. Khi bị treo lên cây thập tự, Ngài đã thốt ra câu nói không gì sánh bằng của Ky Tô Giáo: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu Ca 23:34).
Một số người lầm tưởng rằng những phản ứng bằng cách giữ im lặng, hiền lành, tha thứ và chia sẻ chứng ngôn khiêm nhường là thụ động hoặc yếu đuối. Nhưng, việc “yêu kẻ thù nghịch [của chúng ta], chúc phước cho người nguyền rủa [chúng ta], đối xử tốt với người ghét [chúng ta], và cầu nguyện cho người lợi dụng [chúng ta], và kẻ bắt bớ [chúng ta]” (Ma Thi Ơ 5:44) đòi hỏi đức tin, sức mạnh, và hơn hết là sự can đảm của Ky Tô hữu. (“Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 72)
Hãy xem xét cách mà các nguyên tắc sau đây có thể giúp anh chị em khi trò chuyện với người khác về hôn nhân và gia đình:
-
Tuân theo Thánh Linh. Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết điều gì nên nói và không nên nói (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 100:5–6). Ảnh hưởng của Ngài cũng có thể giúp anh chị em kiềm chế những cảm xúc của mình (xin xem Ga La Ti 5:22–23).
-
Cố gắng tích cực lắng nghe. Hãy hoàn toàn chú ý đến người khác khi họ đang nói chuyện. Tránh ngắt lời họ hoặc nghĩ đến một câu trả lời trong tâm trí anh chị em trong khi họ đang nói. Để chắc chắn rằng anh chị em hiểu những gì họ nói, anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi để làm sáng tỏ hoặc tóm tắt những gì anh chị em đã nghe từ họ.
-
Tìm cách để xây nên những nhịp cầu thấu hiểu. Đừng cho phép những sự khác biệt của anh chị em lấn át những điểm chung mà anh chị em có. Trong khi nói, hãy tìm kiếm những điểm chung và gây dựng trên những điều đó.
-
Hãy chia sẻ những lời giảng dạy của Chúa bằng lời lẽ giản dị, rõ ràng, và không gây xung đột. Tránh những cách nói khó hiểu chỉ dành riêng cho các tín hữu Giáo Hội (xin xem David A. Edwards, “Communication Breakdown,” New Era, tháng Mười năm 2012, trang 32–33). Thay vào đó, hãy sử dụng những từ ngữ chính xác, khuyến khích sự hiểu biết, và cho thấy thiện chí. Giữ cho câu trả lời của anh chị em được ngắn gọn. Hãy làm tràn đầy lòng mình với tình yêu thương để anh chị em trò chuyện với giọng tử tế.
-
Chia sẻ một chứng ngôn thanh khiết và đơn giản. Chứng ngôn của anh chị em không cần phải mở đầu bằng cách nói: “Tôi làm chứng …” Mà thay vào đó có thể nói như sau: “Cuộc sống tôi đã được phước vì … ,” “Tôi cảm thấy … ,” hoặc “Tôi thấy điều này quan trọng vì …”
-
Khi anh chị em không đồng ý, hãy chọn để không trở nên dễ bất đồng. Hãy bình tĩnh và có lòng tôn trọng để anh chị em có thể giữ vững tình bạn mà không tạo ra kẻ thù. Anh chị em có thể bày tỏ rằng mình tôn trọng quan điểm của người kia, đồng thời cũng ghi nhận rằng mình và người đó có thể không đồng thuận về một chủ đề cụ thể. Xin nhớ rằng bất kỳ tinh thần tranh chấp nào cũng sẽ khiến Đức Thánh Linh rút lui (xin xem 3 Nê Phi 11:29).