Viện Giáo Lý
Bài Học 24 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đối Phó Vấn Đề Sức Khỏe Tâm Thần với Hy Vọng và Lòng Cảm Thông


“Bài Học 24 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đối Phó Vấn Đề Sức Khỏe Tâm Thần với Hy Vọng và Lòng Cảm Thông,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên (năm 2022)

“Bài Học 24 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu Gia Đình Vĩnh Cửu dành cho Giảng Viên

hai người phụ nữ ôm lấy nhau

Bài Học 24 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đối Phó Vấn Đề Sức Khỏe Tâm Thần với Hy Vọng và Lòng Cảm Thông

Sức khỏe tâm thần và cảm xúc của chúng ta ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm nghĩ, hành vi, sức kiên trì của chúng ta, và nhiều thứ khác nữa. Ngay cả khi chúng ta cố gắng giữ gìn sức khỏe tốt, chúng ta cũng có thể trải qua những thử thách về sức khỏe tâm thần như lo âu và trầm cảm. Khi anh chị em nghiên cứu bài học này, hãy cân nhắc điều gì anh chị em có thể làm để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình. Cũng hãy nghĩ về cách anh chị em có thể trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn khi anh chị em tiếp xúc với người thân trong gia đình và những người khác mà có thể trải qua những thử thách loại này hoặc những người có thể có ý nghĩ tự tử.

Phần 1

Tôi có thể làm gì để lưu tâm nhiều hơn đến sự an lạc về mặt tâm thần, cảm xúc, và thuộc linh của mình?

Chúng ta đều có những ngày hoặc những giai đoạn mà chúng ta cảm thấy buồn chán, căng thẳng, hoặc lo âu. Điều quan trọng là phải lưu tâm đến cảm giác của mình và tại sao chúng ta cảm thấy như vậy và cố gắng hết sức để kiềm chế những cảm xúc này theo những cách thức lành mạnh.

Khi Đấng Cứu Rỗi hành trình khắp xứ Y Sơ Ra Ên, chắc hẳn Ngài đã cảm thấy gánh nặng từ giáo vụ của Ngài. Ngài kèm cặp Các Sứ Đồ của Ngài và kiên nhẫn với những yếu kém của họ. Các đám đông dân chúng chen chúc xô đẩy Ngài để chứng kiến các phép lạ của Ngài hoặc để được chữa lành. Kẻ thù của Ngài liên tục tìm kiếm cơ hội để công khai bôi nhọ Ngài. Ngài bị chế giễu, nhạo báng, khước từ, và phản bội. Quả thật, Ngài là Đấng “từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm” (Ê Sai 53:3).

Chúa Giê Su thường đến những nơi mà Ngài có thể ở một mình và cầu nguyện lên Thượng Đế (xin xem Ma Thi Ơ 14:22–23; Mác1:35; 6:31, 46; Lu Ca 5:16). Sự an lạc về mặt tâm thần, cảm xúc, và thuộc linh của chúng ta có thể được củng cố khi noi theo tấm gương của Ngài. (Lưu ý: Trong một số trường hợp khi mà những thử thách về sức khỏe tâm thần là nghiêm trọng hoặc khi có ý nghĩ tự tử, tốt hơn hết là nên ở cùng những người khác thay vì ở một mình.)

Chủ Tịch M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã hỏi những người thành niên trẻ tuổi:

Chủ Tịch M. Russell Ballard

Các em có bất kỳ thời gian yên tĩnh nào riêng cho mình không? …

… Khi thế giới của chúng ta trở nên chói chang hơn, ồn ào hơn, và bận rộn hơn, thì dường như khó hơn cho chúng ta để cảm nhận Thánh Linh trong cuộc sống của mình. Nếu cuộc sống của các em không có thời gian yên tĩnh---thì các em có bắt đầu tìm kiếm thời gian yên tĩnh đó trong buổi tối hôm nay không? (“Be Still, and Know That I Am God” [buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục Giáo Hội dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 4 tháng Tư năm 2014], broadcasts.ChurchofJesusChrist.org)

một người thành niên trẻ tuổi đang trầm ngâm suy ngẫm
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy tìm một nơi yên tĩnh để nghĩ về sự an lạc về mặt tâm thần, cảm xúc, và thuộc linh của anh chị em bằng cách suy ngẫm các câu hỏi sau đây:

  1. Tôi có dành ra thời gian mỗi ngày để giúp cho mối quan hệ của mình với Thượng Đế trở nên sâu sắc hơn không? Tôi có tích cực tìm kiếm những cách thức để phát triển mối quan hệ lành mạnh với gia đình và bạn bè không? Tôi có thường xuyên tập thể dục, ăn những bữa ăn lành mạnh, và ngủ đủ không? Tôi có công việc mang lại ý nghĩa và có dành thời gian cho các sinh hoạt giải trí lành mạnh không?

  2. Tôi lưu tâm đến sự an lạc về mặt cảm xúc của mình đến mức nào? Tôi có thể nhận biết khi nào tôi cảm thấy một cảm giác nào đó và tại sao không? Tôi có những cách thức lành mạnh để đối phó với những cảm xúc tiêu cực không? Khi tôi cảm thấy căng thẳng hoặc bồn chồn, tôi có những cách thức lành mạnh để nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần không?

  3. Cuộc sống của tôi có thể được ban phước như thế nào khi tôi sống chậm lại và suy ngẫm về sự an lạc về mặt tâm thần, cảm xúc, và thuộc linh của mình?

Cân nhắc lắng nghe bài hát “Slow Down” (6:07), do Sissel và Đại Ca Đoàn Tabernacle Choir và Dàn Nhạc Giao Hưởng Orchestra at Temple Square trình diễn.

6:7

Phần 2

Tôi có thể làm gì để hiểu rõ hơn kinh nghiệm của việc gặp thử thách về sức khỏe tâm thần?

Trong giáo vụ trần thế của Đấng Cứu Rỗi, Ngài đã chữa lành đủ mọi nỗi thống khổ trong dân chúng (xin xem Ma Thi Ơ 4:23). Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã kết luận: “Chắc chắn là những sự chữa lành này gồm có các bệnh về cảm xúc, tâm thần, hay thuộc linh” (“Ngài Làm Vơi Gánh Nặng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 6).

Healing Hands (Bàn Tay Chữa Lành), tranh do Adam Abram họa

Như đã đề cập đến trước đây, chúng ta đều có những khoảnh khắc hay những ngày khi chúng ta cảm thấy quá nặng nề, buồn bã, hoặc lo âu. Nếu chúng ta đang vật lộn với những cảm giác này hoặc những cảm giác tương tự trong một thời gian dài, hoặc nếu những cảm giác này bắt đầu can thiệp vào cuộc sống thường ngày của chúng ta, thì điều quan trọng là phải tìm kiếm sự giúp đỡ (xin xem “How can I tell if I’m just having a hard time right now or if I’m struggling with a mental health challenge?,” ChurchofJesusChrist.org).

Mặc dù hành vi tội lỗi có thể gây ra đau khổ về mặt tâm thần, cảm xúc, và thuộc linh, điều quan trọng là chúng ta không quy tất cả những thử thách như vậy cho tội lỗi hoặc cho việc thiếu đức tin. Một số con cái trung tín của Chúa trải qua những thử thách về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo âu trầm trọng hoặc trầm cảm lâm sàng. Mặc dù chúng ta không biết hết mọi điều về bệnh tâm thần, nhưng chúng ta biết đó là một căn bệnh phức tạp. Bệnh tâm thần có thể liên kết với sự mất cân bằng hóa học trong não bộ, các yếu tố về di truyền và môi trường sống, những sự kiện gây sang chấn, chấn thương sọ não, hoặc lạm dụng chất kích thích. Trong thời kỳ của chúng ta, “trong số bốn người thì sẽ có một người bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh tâm thần hoặc cảm xúc vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ” (Bonnie L. Oscarson, “5 Resources to Help Youth Facing Emotional and Mental Illness,” ngày 21 tháng Mười Một năm 2017, ChurchofJesusChrist.org).

Nếu anh chị em bị bệnh tâm thần, thì việc nhịn ăn và cầu nguyện để được giải thoát, tìm kiếm các phước lành chức tư tế, và tham dự đền thờ thường có thể mang đến sức mạnh và sự chữa lành. Những lúc khác, căn bệnh có thể dai dẳng. Nếu tình trạng này xảy ra, xin hãy biết rằng các nỗ lực của anh chị em không phải là vô ích (xin xem 2 Cô Rinh Tô 12:7–10). Chúa đang trông nom anh chị em và có thể thánh hóa kinh nghiệm này vì lợi ích của anh chị em (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 122:7).

Hãy xem xét cách các nguyên tắc sau đây có thể hỗ trợ anh chị em trong những nỗ lực của anh chị em để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình:

  • Luôn tập trung vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Đặc biệt là khi rất khó để cảm nhận được ảnh hưởng của Hai Ngài, thì hãy chọn để hành động với đức tin nơi Hai Ngài. Nhớ lại về những lúc khi anh chị em cảm thấy sự ảnh hưởng của Hai Ngài. Hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi có thể luôn luôn giúp đỡ bởi vì Ngài “hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật” (Giáo Lý và Giao Ước 88:6). Ngài hoàn toàn thấu hiểu trọn vẹn nỗi tuyệt vọng và khó chịu của những người bị bệnh tâm thần. Tiên tri An Ma làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô biết “theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ” (An Ma 7:12).

  • Chia sẻ với người thân của mình những gì anh chị em đang trải qua. Việc giữ kín chứng bệnh tâm thần có thể gia tăng cảm giác cô lập và ngăn cản anh chị em nhận được sự giúp đỡ cần thiết, thậm chí là sự giúp đỡ mà có thể cứu được mạng sống của mình nữa. Việc giúp đỡ người khác hiểu những gì anh chị em trải qua sẽ gia tăng khả năng của họ để hỗ trợ anh chị em.

  • Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế có năng lực. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khuyên bảo:

Anh Cả Jeffrey R. Holland

Nếu những sự việc tiếp tục suy yếu, hãy tìm kiếm lời khuyên của những người có uy tín đã được huấn luyện và chứng nhận, những kỹ năng chuyên môn, và tìm kiếm các giá trị tốt. Hãy thành thật với họ về lịch sử và những nỗi vất vả của các anh chị em. (“Giống Như Một Cái Bình Bể Nát,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 41)

Nếu anh chị em có người trong gia đình hoặc biết có ai đang bị bệnh tâm thần, thì hãy nghĩ về cách mà việc hiểu rõ các nguyên tắc này cũng có thể giúp anh chị em hỗ trợ cho họ.

Khi một người nào đó chia sẻ một thử thách về sức khỏe tâm thần với anh chị em, hãy lắng nghe với tình yêu thương và tránh không xét đoán. Như Chị Reyna I. Aburto thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ đã dạy:

Chị Reyna I. Aburto

Việc lắng nghe với tình yêu thương là một trong những ân tứ lớn lao nhất chúng ta có thể cho đi và chúng ta có thể giúp gánh vác hoặc nâng đỡ nỗi khó khăn khủng khiếp mà đang hủy hoại người thân và bạn bè của mình [xin xem Rô Ma 2:19; 13:12] để qua tình yêu thương của chúng ta, họ có thể một lần nữa cảm nhận được Đức Thánh Linh và nhận ra ánh sáng đến từ Chúa Giê Su Ky Tô. (“Dẫu Khi Nắng Mưa Xin ở Cùng Với Tôi Hoài!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 58)

một người đang nắm tay một người khác
biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy nghĩ về việc tìm cách để hiểu rõ hơn những thử thách về sức khỏe tâm thần của một người có thể gia tăng sự kiên nhẫn và cảm thông của anh chị em như thế nào đối với những người trải qua những thử thách đó.

11:36

Phần 3

Tôi có thể làm gì để giúp ngăn ngừa tự tử hoặc giúp những người bị mất người thân vì tự tử?

Những thử thách nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử. “Hầu hết những người có mưu toan tự tử đều không muốn chết; họ chỉ muốn được giải thoát khỏi nỗi đau thể xác, tinh thần, tình cảm, hay thuộc linh mà họ đang trải qua” (“Ngăn Ngừa Việc Tự Tử và Việc Phản Ứng sau một Mất Mát,” ChurchofJesusChrist.org).

một người thành niên trẻ tuổi đang ngồi gục đầu vào hai đầu gối

Nếu anh chị em hoặc người nào đó anh chị em biết đang có ý nghĩ tự tử, thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức. Điều này có thể bao gồm việc đi đến phòng cấp cứu ở bệnh viện hoặc gọi đường dây hỗ trợ khủng hoảng miễn phí.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy đọc Mô Si A 18:8–9, và nghĩ xem đoạn thánh thư này có thể hướng dẫn anh chị em như thế nào trong việc giúp đỡ những người đang vật lộn với những thử thách về sức khỏe tâm thần hoặc có ý nghĩ tự tử. (Sau khi đọc đoạn thánh thư này, anh chị em có thể thấy hữu ích để đọc bài viết “Cách Giúp Đỡ Một Người Đang Gặp Khủng Hoảng” trên trang ChurchofJesusChrist.org.)

Khi có ai đó từ bỏ mạng sống của mình, chúng ta có thể cảm thấy đau buồn khôn nguôi. Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã lưu ý rằng có thể phải mất một thời gian dài để được chữa lành sau khi mất đi một người nào đó vì tự tử. Sau đó ông đã đưa ra lời khuyên bảo sau đây:

Anh Cả Dale G. Renlund

Chỉ cần cố gắng vượt qua ngày mai và rồi ngày mốt và rồi ngày kế tiếp. … Chúa sẽ giúp chúng ta với điều đó. … Ngài ở đó mỗi ngày. (“Grieving after a Suicide” [video], ChurchofJesusChrist.org)

2:7

Chúa Giê Su Ky Tô có sự thấu hiểu, đồng cảm, và tình yêu thương tuyệt đối. Chúng ta có thể và nên để mọi sự phán xét trong tay Ngài. Chủ Tịch Ballard đã dạy:

Chủ Tịch M. Russell Ballard

Rõ ràng là chúng ta không biết mọi hoàn cảnh xung quanh mỗi vụ tự tử. Chỉ có Chúa mới biết tất cả các chi tiết, và Ngài chính là Đấng sẽ phán xét hành động của chúng ta ở trên thế gian này.

Khi [Chúa] phán xét chúng ta, thì tôi cảm thấy Ngài sẽ cân nhắc kỹ mọi điều: thành phần cấu tạo về mặt di truyền và hóa học của chúng ta, trạng thái tâm thần của chúng ta, khả năng trí tuệ của chúng ta, những điều giảng dạy chúng ta đã nhận được, các truyền thống của cha ông chúng ta, sức khỏe của chúng ta, và vân vân. (“Suicide: Some Things We Know, and Some We Do Not,” Ensign, tháng Mười năm 1987, trang 8)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Hãy cân nhắc điều gì anh chị em có thể làm để giúp ngăn ngừa tự tử.

1:43