2014
Noi Theo Vị Tiên Tri
Tháng 2014


Noi Theo Vị Tiên Tri

Từ một bài nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội tại trường Brigham Young University–Idaho vào ngày 5 tháng Năm năm 2013. Để có được toàn bộ bài nói chuyện này, xin vào trang mạng lds.org/broadcasts.

Anh Cả William R. Walker

Khi noi theo Chủ Tịch Monson và cố gắng để được giống như ông hơn, chúng ta chắc chắn sẽ thành công trong việc làm các môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cách đây vài năm, ngay trước khi đại hội trung ương, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy một bài học tuyệt vời. Lần này là buổi nhóm họp của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, là những người đã đi đến Salt Lake City, Utah, nhiều người đến từ khắp thế giới nơi họ đang phục vụ trong Các Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng. Chúng tôi đã cùng nhau đến để được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai hướng dẫn.

Khi sắp đến giờ họp, mọi người dường như đều có mặt ngoại trừ Chủ Tịch Monson. Vài phút trước khi buổi họp bắt đầu, chúng tôi dừng lại thăm hỏi nhau và ngồi nghiêm trang lắng nghe những khúc nhạc dạo, trông đợi vị tiên tri sẽ đến bất cứ lúc nào.

Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi 9 giờ sáng đến và rồi trôi qua. Một người nào đó đi ra phía cửa bên hông—rõ ràng là để xem có cần phụ giúp gì không. Khi trở lại, người này nói: “Chủ Tịch Monson sẽ đến ngay.”

Khoảng 15 phút sau, Chủ Tịch Monson bước vào phòng. Chúng tôi lễ phép đứng lên khi ông bước vào. Chúng tôi vui mừng khi thấy ông và hài lòng khi thấy ông khỏe mạnh. Hình như không có lý do hiển nhiên nào mà ông phải đến muộn như vậy.

Chủ Tịch Monson đi thẳng đến bục giảng và nói: “Thưa các anh em, tôi xin lỗi đến muộn, vợ tôi cần tôi buổi sáng hôm nay.”

Tôi cảm thấy rất cảm kích và hạ mình, và tôi không thể ngừng suy nghĩ về những lời của ông.

Đây là một buổi họp rất quan trọng. Toàn bộ giới lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội đã nhóm họp lại, nhưng Chủ Tịch Monson đã nêu gương cho tất cả chúng tôi. Vợ ông cần ông, và ông đã dành thời gian cần thiết để chăm sóc cho bà. Đó là một bài giảng tuyệt vời. Tôi không nhớ bất cứ điều gì khác đã được nói ra ngày hôm ấy, nhưng tôi vẫn nhớ bài giảng đó: “Vợ tôi cần tôi.”

Noi Theo Gương của Vị Tiên Tri

Tôi xin đề nghị năm cách chúng ta có thể noi theo gương của Chủ Tịch Monson:

1. Chúng ta có thể lạc quan, và chúng ta có thể được vui vẻ.

Trong sách Trân Châu Vô Giá, Tiên Tri Joseph Smith mô tả “bản tính vui vẻ” của ông (Joseph Smith—Lịch Sử 1:28). “Vui vẻ” cũng mô tả Chủ Tịch Monson.

Vào một dịp nọ, Chủ Tịch Monson nói: “Chúng ta … có thể chọn để có một thái độ lạc quan. Chúng ta không thể điều khiển cơn gió, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh cánh buồm. Nói cách khác, chúng ta có thể chọn để được vui vẻ và lạc quan, bất kể điều gì đang ở trước mắt chúng ta.”1

Một ngày nọ tôi đang chờ ở bên ngoài phòng họp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Tôi được mời đến đó để tham dự một buổi họp thảo luận về các vấn đề đền thờ. Tôi lặng lẽ ngồi một mình ở bên ngoài phòng. Tôi tưởng rằng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã bắt đầu họp rồi và tôi sẽ được mời vào họp cùng họ trong một vài phút nữa.

Khi ngồi đó, tôi có thể nghe một người nào đó đi vào hành lang và huýt sáo. Tôi tự nghĩ: “Một người nào đó không hiểu nghi thức ngoại giao thích hợp. Ta không đi dạo xung quanh và huýt sáo bên ngoài văn phòng của Chủ Tịch Giáo Hội như thế.”

Một lát sau người huýt sáo đi gần đến góc hành lang—đó chính là Chủ Tịch Monson. Ông rất vui vẻ, và đầy lạc quan. Ông chào hỏi tôi nồng nhiệt và nói: “Tôi chắc rằng chúng ta sẽ bắt đầu buổi họp trong một vài phút nữa.”

Mặc dù với sức nặng của toàn thể Giáo Hội đặt trên vai của mình, nhưng ông vẫn là tấm gương về tính tình vui vẻ và ông luôn luôn có một thái độ lạc quan. Chúng ta cũng cần phải như vậy.

2. Chúng ta có thể tử tế và nhân từ đối với trẻ em.

Chúa Giê Su thường nói về trẻ em. Vị tiên tri của Ngài, Chủ Tịch Monson, cũng thường nói về trẻ em. Tôi đã đặc biệt nhìn thấy tại các buổi lễ cung hiến đền thờ. ông đã yêu mến trẻ em như thế nào và đã dạy chúng ta cách đối xử với chúng như thế nào qua tấm gương của ông. Tại mỗi buổi lễ cung hiến đền thờ, ông đều tập trung vào trẻ em. Ông thích mời chúng tham gia vào lễ đặt viên đá góc nhà và luôn luôn mời một vài em trét vữa vào viên đá góc nhà để tham gia vào biểu tượng hoàn tất đền thờ. Ông làm cho chúng cảm thấy thích thú với sự kiện này. Ông làm cho chúng ghi nhớ sự kiện này. Ông luôn luôn tươi cười với chúng. Ông khuyến khích và khen ngợi chúng. Đó là một điều tuyệt vời để thấy.

Lời chào hỏi nồng nhiệt của ông thỉnh thoảng gồm có việc xòe bàn tay ra vỗ vào bàn tay các em, nhúc nhích đôi tai của ông, khuyến khích các em phục vụ truyền giáo và kết hôn trong đền thờ.

Cách đây vài năm, Chủ Tịch Monson đã dự định sẽ làm lễ cung hiến Đền Thờ Oquirrh Mountain Utah vào ngày sinh nhật của ông. Khi ông đến đền thờ và đi đến phía cửa trước của đền thờ, thì đã có một nhóm thanh thiếu niên quy tụ lại. Rõ ràng là họ đã biết ngày đó là ngày sinh nhật của Chủ Tịch Monson, vì họ bắt đầu hát bài “Chúc mừng sinh nhật” cho ông. Ông ngừng lại và đứng đối diện họ với một nụ cười tươi. Ông còn bắt đầu vung vẩy hai tay, như thể ông đang hướng dẫn nhạc cho họ hát. Cuối cùng họ thêm vào điệp khúc “Và còn thêm nhiều sinh nhật nữa.” Ông nói với tôi: “Đó là phần ưa thích của tôi.”

Trẻ em và giới trẻ của Giáo Hội đều yêu mến ông, và các em tin rằng ông cũng yêu thương các em!

3. Chúng ta có thể tuân theo những thúc giục của Thánh Linh.

Lòng tận tụy của Chủ Tịch Monson đối với Chúa và sự cam kết của ông để tuân theo những thúc giục của Thánh Linh đã được chính ông phát biểu một cách tuyệt vời bằng những lời này: “Kinh nghiệm tuyệt vời nhất mà tôi biết trong cuộc sống là việc cảm thấy một thúc giục và hành động theo thúc giục đó, và về sau biết được rằng việc đó đã đáp ứng lời cầu nguyện hoặc nhu cầu của một người nào đó. Và tôi luôn luôn muốn Chúa biết rằng nếu Ngài cần một người chạy lo công việc của Ngài, thì Tom Monson sẽ chạy lo công việc đó cho Ngài.”2

Đó là một mẫu mực mà mỗi người chúng ta nên muốn noi theo.

4. Chúng ta có thể yêu mến đền thờ.

Chủ Tịch Monson sẽ được ghi lại trong lịch sử như là một trong những người tích cực xây cất đền thờ trong lịch sử của Giáo Hội. Kể từ khi trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội vào tháng Hai năm 2008, ông đã tiếp tục công việc vĩ đại xây cất đền thờ. Trong sáu năm làm vị tiên tri, Chủ Tịch Monson đã loan báo kế hoạch xây cất 33 ngôi đền thờ mới.

Chủ Tịch Monson đã nói: “Cầu xin cho mỗi người chúng ta sống cuộc sống xứng đáng với bàn tay trong sạch và tấm lòng thanh khiết để cho đền thờ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và gia đình của chúng ta.”3

Ông cũng đã đưa ra lời hứa tuyệt vời này: “Khi chúng ta yêu mến đền thờ, chạm tay vào đền thờ và tham dự đền thờ, thì cuộc sống của chúng ta sẽ phản ảnh đức tin của chúng ta. Khi chúng ta đến các ngôi nhà thánh này của Thượng Đế, khi chúng ta nhớ các giao ước chúng ta lập ở bên trong đó, thì chúng ta sẽ có thể chịu đựng mọi thử thách và khắc phục mỗi cám dỗ.4

Chúng ta hãy noi theo mẫu mực mà vị tiên tri đã nêu ra cho chúng ta trong việc yêu mến đền thờ.

5. Chúng ta có thể tử tế, ân cần, và nhân từ.

Chủ Tịch Monson là một tấm gương yêu thương tuyệt vời đối với những người khác. Toàn bộ giáo vụ của ông đã đầy kín những chuyến đi thăm các gia đình; đặt tay lên trên đầu và ban cho phước lành; bất ngờ gọi điện thoại để an ủi và khuyến khích; gửi thư khuyến khích, khen ngợi và cám ơn; đi thăm các bệnh viện và các trung tâm chăm sóc; và tìm ra thời gian để tham dự tang lễ và lễ viếng xác mặc dù lịch trình của ông rất bận rộn.

Cũng giống như Đấng Cứu Rỗi thường làm, Thomas Monson đã đi khắp nơi làm phước (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38) và ban phước và yêu thương những người khác; điều này đã là động lực trong cuộc sống của ông.

Một ví dụ đáng kể về lòng nhân từ của Chủ Tịch Monson đã xảy ra vào năm 2012. Khi Đền Thờ Brigham City Utah tuyệt đẹp gần hoàn tất, tôi đã họp với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để thảo luận các kế hoạch cho lễ cung hiến đền thờ. Vì Brigham City chỉ nằm cách Salt Lake City có một giờ đồng hồ về phía bắc, nên sẽ rất dễ dàng để Chủ Tịch Monson đi đến đó dự lễ cung hiến.

Thay vì thế, Chủ Tịch Monson nói: “Brigham City là quê hương của Chủ Tịch Boyd K. Packer, Vị Sứ Đồ vĩ đại này đã ngồi bên cạnh tôi trong nhiều năm trong Nhóm Túc Số Mười Hai. Tôi muốn ông ấy có vinh dự và phước lành để làm lễ cung hiến đền thờ ở thành phố quê hương ông. Tôi sẽ không đi, và tôi sẽ chỉ định Chủ Tịch Packer làm lễ cung hiến Đền Thờ Brigham City. Tôi muốn đó là ngày đặc biệt của ông ấy.”

Đó là một ngày tuyệt vời đối với Chủ Tịch và Chị Packer, bà cũng lớn lên ở Brigham City. Tôi rất cảm động trước cử chỉ nhân từ và cao thượng của Chủ Tịch Monson đối với vị cùng Sứ Đồ với ông. Tất cả chúng ta cũng đều có thể giống như vậy. Chúng ta có thể chia sẻ và đối xử tử tế và nghĩ nhiều hơn đến những người xung quanh mình.

Mẫu Mực của một Vị Tiên Tri

Chủ Tịch Monson đã dạy chúng ta cách sống cuộc sống của mình với những sứ điệp tuyệt vời và đầy soi dẫn của ông tại đại hội trung ương. Ông đã dạy chúng ta cách để làm tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô bằng tấm gương phi thường và tuyệt vời của cá nhân ông. Quả thật Chúa đã ban cho chúng ta một mẫu mực trong tất cả mọi thứ, và một trong các mẫu mực mà chúng ta nên tìm cách noi theo là mẫu mực của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta.

Tôi làm chứng rằng có một Thuợng Đế ở trên trời, Ngài biết chúng ta và yêu thương chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta một vị tiên tri—để hướng dẫn, giảng dạy, và dẫn dắt chúng ta trong những ngày sau này. Tôi tin rằng Chúa trông mong chúng ta phải yêu mến vị tiên tri, tán trợ ông và noi theo gương của ông.

Tôi xem đó là một phước lành lớn lao để được sống trong thời kỳ mà Thomas S. Monson là vị tiên tri của Chúa. Khi tuân theo vị tiên tri và cố gắng để được giống như ông hơn, chúng ta chắc chắn sẽ thành công trong việc làm các môn đồ trung tín hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ghi Chú

  1. “Messages of Inspiration from President Monson,” Church News, ngày 2 tháng Chín năm 2012, 2.

  2. On the Lord’s Errand (DVD, 2008).

  3. Thomas S. Monson, “Các Phước Lành của Đền Thờ,” Liahona, tháng Mười năm 2010, 19.

  4. Thomas S. Monson, Hãy Cố Gắng Là Người Tốt Nhất (1979), 56; sự nhấn mạnh được thêm vào.