Sử Dụng Kế Hoạch Cứu Rỗi để Trả Lời Những Câu Hỏi
Khi chúng ta hoặc những người khác có những câu hỏi về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có biết tìm kiếm những câu trả lời ở đâu không?
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy thú vị. Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đang “ra khỏi nơi mù mịt” (GLGƯ 1:30). Do đó, có thêm con cái của Cha Thiên Thượng không phải thuộc tín ngưỡng của chúng ta được nghe về “những người Mặc Môn.” Một số người nghe những điều kỳ lạ và khó hiểu. Những người khác nghe những điều làm họ cảm thấy quen thuộc và an ủi. Các cá nhân từ nhóm nào trong hai nhóm này cũng đều có thể đến với chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của họ. Nhiều câu trả lời được tìm thấy trong kế hoạch cứu rỗi, còn được gọi là “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” (An Ma 42:8).
Những câu hỏi thường gặp là “Tôi từ đâu đến?” “Tại sao tôi ở đây?” và “Tôi sẽ đi đâu sau cuộc sống này?” Tất cả những câu hỏi này có thể được trả lời bằng lẽ thật được tìm thấy trong kế hoạch cứu rỗi. Bài viết này chia sẻ một số các câu trả lời mà thánh thư và vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, đã đưa ra liên quan đến những câu hỏi này.
Tôi từ đâu đến?
Chúng ta là những con người vĩnh cửu. Chúng ta đã sống với Thượng Đế trước khi cuộc sống này với tư cách là con cái linh hồn của Ngài. Chủ Tịch Monson nói: “Sứ Đồ Phao Lô [đã dạy] rằng ‘chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời’ [Công Vụ các Sứ Đồ 17:29].” “Vì chúng ta biết rằng thể xác của mình là dòng dõi của cha mẹ trần thế, nên chúng ta cần phải tìm kiếm ý nghĩa của câu nói của Phao Lô. Chúa đã phán rằng ‘linh hồn cùng thể xác tạo thành bản thể con người’ [GLGƯ 88:15]. Do đó, linh hồn chính là dòng dõi của Thượng Đế. Tác giả sách Hê Bơ Rơ đã ám chỉ Ngài là ‘Cha về phần hồn’ [Hê Bơ Rơ 12:9].”1
Tại sao tôi ở đây?
Chủ Tịch Monson đã nói về cuộc sống của chúng ta trên thế gian: “Chúng ta biết ơn biết bao về một Đấng Sáng Tạo thông sáng đã tạo lập thế gian và đặt chúng ta ở nơi đây với một bức màn che để làm cho chúng ta quên đi cuộc sống trước đây của mình, để có thể trải qua một thời gian thử thách, một cơ hội để tự chứng tỏ, để được hội đủ điều kiện cho tất cả những gì Thượng Đế đã chuẩn bị cho chúng ta tiếp nhận.
“Hiển nhiên, một mục đích chính yếu của cuộc sống chúng ta trên thế gian là để nhận được một thể xác bằng xương bằng thịt. Chúng ta cũng được ban cho ân tứ về quyền tự quyết. Trong hằng ngàn cách, chúng ta được đặc ân để tự chọn lựa cho mình. Ở đây, chúng ta học hỏi được từ những đòi hỏi khó khăn của kinh nghiệm cá nhân. Chúng ta phân biệt điều thiện với điều ác. Chúng ta phân biệt điều cay đắng với điều ngọt ngào. Chúng ta khám phá ra rằng các hành động của mình có kèm theo những hậu quả.”2
Tôi đi đâu sau cuộc sống này?
Cái chết đến với tất cả nhân loại. Nhưng “nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” (Gióp 14:14). Chủ Tịch Monson nói: “Chúng ta biết rằng cái chết không phải là hết.” “Lẽ thật này đã được các vị tiên tri tại thế giảng dạy trong suốt các thời đại. Lẽ thật này cũng được tìm thấy trong thánh thư của chúng ta. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc những lời cụ thể và an ủi này:
‘Này, còn về trạng thái của linh hồn loài người giữa cái chết và sự phục sinh—Này, cha đã được một thiên sứ cho biết rằng, linh hồn của mọi người, khi vừa rời khỏi thể xác hữu diệt này, phải, linh hồn của mọi người, dù họ là người thiện hay người ác, đều được đem trở về với Thượng Đế là Đấng đã cho mình sự sống.
‘Và rồi chuyện rằng, linh hồn của những người ngay chính sẽ được đón nhận vào một trạng thái đầy hạnh phúc được gọi là thiên đàng, một trạng thái an nghỉ, một trạng thái bình an, là nơi mà họ sẽ được nghỉ ngơi khỏi mọi sự phiền nhiễu, lo âu và sầu muộn’ [An Ma 40:11–12].”3
Sau khi được phục sinh, chúng ta đi đến thượng thiên giới với vinh quang như mặt trời, trung thiên giới với vinh quang như mặt trăng, hạ thiên giới với vinh quang như các ngôi sao, hoặc vào nơi tăm tối bên ngoài (xin xem GLGƯ 76).
Thật sự có Thượng Đế không? Sa Tan có thật không?
Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, và Sa Tan đều là một phần của Đại Hội Đồng trên Thiên Thượng được tổ chức trước khi chúng ta sinh ra. Là một phần của kế hoạch cứu rỗi, Cha Thiên Thượng đã yêu cầu một vị đến thế gian và chuộc tội lỗi của chúng ta. Ngài hỏi: “Ta sẽ phái ai đi đây? Và một vị [Chúa Giê Su Ky Tô] giống như Con của Người đáp: Tôi đây, xin phái tôi đi. Và một vị khác [Sa Tan] đáp và nói: Tôi đây, xin phái tôi đi. Chúa bèn phán: Ta sẽ phái người đầu tiên.
“Và người thứ hai [Sa Tan] tức giận, và không giữ trạng thái thứ nhất của mình; và, vào ngày đó, có nhiều kẻ đã đi theo người này” (Áp Ra Ham 3:27–28; xin xem thêm GLGƯ 29:36–37; Môi Se 4:1–4).
Chúng ta có quyền năng để chống lại những cám dỗ của Sa Tan không?
Một phần ba các linh hồn đã chọn đi theo Sa Tan sau khi Đại Hội trên Thiên Thượng bị đuổi ra cùng với nó. Họ và Sa Tan vẫn còn là linh hồn mà không có thể xác. Tiên Tri Joseph Smith dạy: “Tất cả những người có thể xác đều có quyền năng đối với những người không có thể xác.”4 Do đó Sa Tan có thể cám dỗ chúng ta, nhưng chúng ta có quyền năng để chống lại.
Tại sao đôi khi dường như Cha Thiên Thượng không đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi vậy?
“Sự cầu nguyện là hành động qua đó ý muốn của Đức Chúa Cha và ý muốn của đứa con được tương ứng với nhau. Mục đích của sự cầu nguyện không phải là để thay đổi ý muốn của Thượng Đế” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cầu nguyện”). Sự cầu nguyện là một công cụ giúp chúng ta quyết định xem chúng ta sẽ có sử dụng quyền tự quyết của mình để đem ý muốn của mình làm theo ý muốn của Thượng Đế không (xin xem Áp Ra Ham 3:25). Cha Thiên Thượng luôn luôn đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng những sự đáp ứng đó có thể đến dưới hình thức được, không được, hoặc chưa được. Thời điểm rất là quan trọng.
Tại sao tôi có những thử thách khi tôi cố gắng sống một cuộc sống tốt đẹp?
Những thử thách là một phần của kế hoạch cứu rỗi. Những thử thách làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, làm cho chúng ta tao nhã hơn, và thanh tẩy chúng ta khi chúng ta dựa vào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Cha Thiên Thượng giúp đỡ chúng ta trong những thử thách của chúng ta. Những thử thách của chúng ta sẽ “đem lại cho [chúng ta] một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho [chúng ta” (GLGƯ 122:7).
Làm thế nào tôi có thể biết được điều gì là đúng và điều gì là sai?
Tất cả con cái của Thượng Đế được sinh ra với Ánh Sáng của Đấng Ky Tô nhằm giúp chúng ta “biết phân biệt được thiện và ác” (Mô Rô Ni 7:16). Ngoài ra, Đức Thánh Linh còn có thể làm chứng với chúng ta về lẽ thật trong tâm trí của chúng ta với những cảm giác bình an và ấm áp (xin xem GLGƯ 8:2–3).
Tôi có thể được tha thứ cho dù tôi đã phạm tội nghiêm trọng không?
Thượng Đế biết rằng tất cả chúng ta sẽ phạm tội trong khi chúng ta học cách chọn giữa điều đúng với điều sai.5 Tuy nhiên, tất cả các tội lỗi đều kèm theo sự trừng phạt. Công lý đòi hỏi phải chịu sự trừng phạt. Với lòng thương xót của Ngài, Cha Thiên Thượng cho phép Chúa Giê Su Ky Tô thực hiện Sự Chuộc Tội và đáp ứng những đòi hỏi của công lý cho tất cả chúng ta (xin xem An Ma 42). Nói cách khác, nỗi đau khổ của Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và cái chết của Ngài trên Gô Gô Tha đã trả cái giá cho tất cả các tội lỗi của chúng ta nếu chúng ta tiếp cận Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô bằng cách hối cải và tiếp nhận các giáo lễ phúc âm. Tội lỗi của chúng ta sẽ được tha thứ (xin xem GLGƯ 1:31–32).