Những Người Tiền Phong trong Mọi Đất Nước
Nước Philippines: Sức Mạnh Thuộc Linh trên Các Hải Đảo
Trong khoảng thời gian ngắn 53 năm, Giáo Hội đã trải qua sức mạnh và sự tăng trưởng đáng kinh ngạc ở nước Philippines, được gọi là “Hòn Ngọc Phương Đông.”
Đối với Augusto A. Lim, thì sứ điệp được hai người truyền giáo trẻ tuổi từ Hoa Kỳ trình bày dường như để xác nhận các nguyên tắc mà anh ta đã biết là chân chính. Là một luật sư và một Ky Tô hữu trẻ tuổi, Augusto nhận thấy rằng các giáo lý về sự mặc khải tiếp tục là “những điều tôi vẫn tin ngay cả khi tôi còn học trung học và đại học.”1
Sau vài tháng, Augusto đã đồng ý tham dự các buổi lễ ngày Chủ Nhật và chấp nhận lời mời để đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn. Anh nhớ lại: “Tôi bắt đầu đọc Sách Mặc Môn một cách nghiêm túc trong một tinh thần giống như Mô Rô Ni đã khuyên chúng ta [phải có]. Khi tôi làm điều đó với ước muốn được biết sách đó có chân chính không—thì sau khi đọc được một vài hàng chữ—tôi đã đạt được một chứng ngôn.”2
Vào tháng Mười năm 1964, Augusto Lim chịu phép báp têm và trở thành một người tiền phong của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô ở Philippines, với vợ và gia đình của anh gia nhập một thời gian ngắn sau đó. Ngày nay, sau nhiều thập niên phục vụ trung thành trong Giáo Hội—bao gồm một sự kêu gọi vào năm 1992 để phục vụ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, người Philippines đầu tiên phục vụ trong chức vụ đó—Anh Lim tiêu biểu cho đức tin và lòng tận tụy của hàng trăm ngàn Thánh Hữu Ngày Sau đang sống ở “Hòn Ngọc Phương Đông.”
Một Đất Nước Phì Nhiêu
Khoảng 550 năm trước khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh, Chúa đã hứa ban Sách Mặc Môn cho tiên tri Nê Phi: “Ta cũng không quên những người sống trên các hải đảo,” và “ban trải những lời của ta cho con cái loài người, phải, cho tất cả các dân trên thế gian này” (2 Nê Phi 29:7). Đối với nhiều người đã đọc những lời quý báu này, một nhóm “các hải đảo” đã đến với tâm trí của họ: Nước Philippines.
Với dân số gần 100 triệu người, nước Cộng Hòa Philippines là một quần đảo lớn có khoảng 7.100 hòn đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển phía đông nam của châu Á. Đó là một xứ nhiệt đới tuyệt đẹp với dân cư thân thiện, đầy nghị lực, và khiêm tốn. Tuy nhiên, xứ này dễ bị động đất, bão tố, núi lửa phun trào, sóng thần và các thiên tai khác cũng như chịu đựng rất nhiều về vấn đề kinh tế xã hội. Cảnh nghèo khó lan rộng luôn luôn là một thử thách, và người dân Philippines đã phải chịu đựng những thời kỳ bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế.
Nhưng đối với những người đã quen thuộc với đường lối của Chúa, thì nước Philippines là mảnh đất phì nhiêu để trồng hạt giống phúc âm. Cùng với tiếng Tagalog và các ngôn ngữ bản xứ khác, nhiều người Philippines nói tiếng Anh, tiếng Anh cũng là một ngôn ngữ quốc gia nữa. Vì bị Tây Ban Nha thống trị trong một thời gian dài, nên hơn 90 phần trăm dân số ở đó là Ky Tô hữu; một phần đáng kể của thiểu số là người Hồi giáo.
Nỗ lực đầu tiên để giới thiệu Giáo Hội ở nước Philippines là vào năm 1898 trong Chiến Tranh Tây Ban Nha—Mỹ do Willard Call và George Seaman thực hiện, họ là hai quân nhân Thánh Hữu Ngày Sau người Utah và đã được phong nhiệm là những người truyền giáo trước khi họ lên đường. Khi có cơ hội, họ đã thuyết giảng phúc âm, nhưng không có phép báp têm theo sau đó.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, vài Thánh Hữu Ngày Sau di chuyển khắp các đảo với lực lượng Đồng Minh đang tiến quân. Trong năm 1944 và 1945, các nhóm quân nhân tổ chức các buổi họp Giáo Hội tại nhiều địa điểm, và có rất nhiều quân nhân Thánh Hữu Ngày Sau (THNS) và các nhân viên dịch vụ còn ở Philippines khi chiến tranh kết thúc. Trong số đó có Maxine Tate và người mới cải đạo tên là Jerome Horowitz. Cả hai người này đã giúp giới thiệu phúc âm với Aniceta Fajardo. Trong khi giúp xây cất lại căn nhà của Aniceta trong một khu vực bị dội bom ở Manila, Anh Horowitz đã chia sẻ tôn giáo mình mới tìm được với Aniceta và con gái của chị là Ruth.
Aniceta nhận được một chứng ngôn và mong muốn chịu phép báp têm, nhưng Giáo Hội không cho phép làm phép báp têm cho người Philippines vào lúc đó vì không có đơn vị cố định của Giáo Hội trên các đảo. Anh Cả Harold B. Lee (1899–1973) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ bắt đầu nhận biết về ước muốn của Aniceta, và với tư cách là chủ tịch Ủy Ban Quân Nhân Trung Ương, Anh Cả Lee đã chấp thuận cho Aniceta được làm lễ báp têm. Vào sáng Phục Sinh năm 1946, Aniceta Fajardo được quân nhân Loren Ferre làm phép báp têm và giờ đây được công nhận là người Philippines đầu tiên được biết đến là đã trở thành tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
Sự Khởi Đầu của Công Việc Truyền Giáo
Sau chiến tranh, các nhóm trong Giáo Hội đã được tổ chức tại hai căn cứ quân sự Mỹ—Clark Air Base và Subic Bay Naval Base—là các quân nhân Thánh Hữu Ngày Sau mong chờ sự hiện diện của Giáo Hội chính thức hơn được hình thành ở Philippines. Vào ngày 21 tháng Tám năm 1955, Chủ Tịch Joseph Fielding Smith (1876–1972) làm lễ cung hiến nước Philippines cho việc thuyết giảng phúc âm. Tuy nhiên, các hạn chế về pháp lý đã trì hoãn việc gửi những người truyền đạo đến Philippines cho đến năm 1961.
Năm 1960, Anh Cả Gordon B. Hinckley (1910–2008), lúc bấy giờ là Phụ Tá của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã đến thăm Philippines trong vài ngày: “Tôi đưa ra ý kiến rằng công việc truyền giáo sẽ được … thành công như nó đã được thành công ở nhiều nơi khác trên thế giới.”3 Năm sau, sau khi đã chuẩn kỹ càng và thủ tục giấy tờ đã được hoàn tất bởi các tín hữu như Maxine Tate Grimm và Chủ Tịch Robert S. Taylor của Phái Bộ Truyền giáo Southern Far East cũng như các bạn bè ở bên ngoài Giáo Hội, Anh Cả Hinckley đã trở lại các hải đảo để làm lễ tái cung hiến Philippines cho sự khởi đầu công việc truyền giáo.
Vào ngày 28 tháng Tư năm 1961, ở ngoại ô Manila, Anh Cả Hinckley đã họp với một nhóm nhỏ các quân nhân tín hữu, các cư dân Mỹ, và một tín hữu Philippines—là David Lagman—và dâng lên một lời cầu nguyện đặc biệt “là sẽ có hàng ngàn người nhận được sứ điệp này và do đó sẽ được ban phước.”4 Những lời nói đó thốt ra từ một người tôi tớ chân thật của Chúa, đã nhanh chóng trở thành lời tiên tri.
Bốn người truyền giáo đầu tiên—Raymond L. Goodson, Harry J. Murray, Kent C. Lowe, and Nester O. Ledesma—đã đến Manila vài tuần sau đó. Anh Cả Lowe nói: “Những người dân Philippines chấp nhận phúc âm một cách dễ dàng.” “Khi người chủ gia đình quyết định gia nhập Giáo Hội, thì trong nhiều trường hợp, cả gia đình cũng sẽ gia nhập Giáo Hội.”5
Giáo Hội Tiến Triển
Công việc tiến triển đến mức Phái Bộ Truyền Giáo Philippines được tổ chức vào năm 1967. Đến cuối năm đó, đã có 3.193 tín hữu trong phái bộ truyền giáo, 631 người trong số họ đã được cải đạo vào năm đó. Đến năm 1973 Giáo Hội ở Philippines đã nới rộng đến gần 13.000 tín hữu. Đến ngày 20 tháng Năm năm 1973, Giáo Khu Manila Philippines đã được thành lập, với Augusto A. Lim là chủ tịch. Năm 1974, phái bộ truyền giáo được chia ra, thiết lập Phái Bộ Truyền Giáo Philippines Manila và Phái Bộ Truyền Giáo Philippines Cebu City.
Vào tháng Tám năm 1975, Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) đến Manila để chủ tọa đại hội giáo vùng đầu tiên của Philippines. Tháng Tám là tháng mưa bão, làm cho việc đi lại khó khăn hơn cho những người đến từ bên ngoài Manila. Một chuyến xe buýt chở Các Thánh Hữu từ Laoag City hầu như không chạy được, nhưng Các Thánh Hữu đã đẩy chiếc xe của họ ra khỏi một vũng bùn và năn nỉ người lái xe đừng quay lại. Một nhóm các Thánh Hữu nữa đã bất chấp bão biển trong ba ngày vì như một chị phụ nữ đã nói, điều quan trọng hơn hết là thấy và nghe một vị tiên tri tại thế của Thượng Đế.
Chủ Tịch Kimball đã đến thăm Philippines một lần nữa vào năm 1980 để chủ tọa một đại hội giáo vùng khác, và ông cũng đã có một buổi họp ngắn với tổng thống Philippines là Ferdinand Marcos. Buổi họp này đã chuẩn bị cho Giáo Hội để cuối cùng mở ra một trung tâm huấn luyện truyền giáo ở Philippines vào năm 1983 và làm lễ cung hiến Đền Thờ Manila Philippines trong năm sau. Vào năm 1987, Giáo Vùng Philippines/Micronesia được thành lập với trụ sở chính ở Manila.
Các tuyển tập của Sách Mặc Môn đã được phiên dịch ra tiếng Tagalog vào năm 1987. Bản dịch của Sách Mặc Môn hiện có sẵn trong vài ngôn ngữ của Philippines, kể cả Cebuano.
Các Phước Lành của Đền Thờ
Vào tháng Mười Hai năm 1980, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã gửi vị giám đốc của sở bất động sản của Giáo Hội đến Manila để tìm một địa điểm thích hợp cho một đền thờ. Sau khi xem xét một vài địa điểm, vị giám đốc đó đã nộp một đơn yêu cầu để mua 3 mẫu Anh 5 (1,4 hecta) ở Thành Phố Quezon. Địa điểm này nhìn ra Thung Lũng Marikina, và nằm ở vị trí tương đối dễ đi đến đối với nhiều tín hữu Giáo Hội. Vào tháng Giêng năm 1981, đơn yêu cầu đã được chấp thuận, và bất động sản đã được mua. Tên con đường đã được thay đổi thành Temple Drive theo lời yêu cầu của Giáo Hội.
Trong lễ động thổ vào ngày 25 tháng Tám năm 1982, bất chấp sự đe dọa của một cơn bão, khoảng 2.000 tín hữu Giáo Hội đã quy tụ lại từ khắp các hải đảo, họ đến bằng thuyền, xe lửa, và xe buýt. Chẳng bao lâu, công trình xây cất đền thờ bắt đầu, và đền thờ đã được sẵn sàng để làm lễ cung hiến vào tháng 8 năm 1984.
Gần 27.000 tín hữu và người ngoại đạo đến tham quan đền thờ trước khi lễ cung hiến đền thờ. Họ vẫn đến mặc dù có hai cơn bão—chỉ cách nhau 48 giờ đồng hồ—đã giáng xuống Philippines một vài ngày trước. Các Thánh Hữu đến từ các tỉnh xa, họ đều mệt mỏi nhưng vui vẻ. Trong nhiều trường hợp họ đã bị bắt buộc phải đi đường vòng để đến Manila vì các con đường đã bị ngập lụt và cầu bị hư hỏng vì các con sông bị ngập.
Vẻ đẹp của ngôi đền thờ để lại nhiều ấn tượng cho khách thăm quan, kể cả nhiều người Philippines nổi tiếng. Nhà văn Celso Carunungan nhận xét về “một cảm tưởng thánh thiện, mà khi vào bên trong ta sẽ gặp Đấng Sáng Tạo của mình.” Đại tá Bienvenido Castillo, trưởng tuyên úy của Lực Lượng Cảnh Sát Philippines, nói rằng đền thờ là “ một nơi ta có thể chiêm ngưỡng những sự việc thiên thượng vì ta đang ở trong một môi trường như vậy.” Hai nữ tu công giáo cảm thấy rằng ngôi đền thờ ấy “quả thật là một ngôi nhà của Chúa.” Eva Estrada--Kalaw, một thành viên của quốc hội Philippines, nói với người hướng dẫn tham quan: “Ước gì quý ông sẽ xây cất thêm nhiều đền thờ ở đây.”6
Chủ Tịch Hinckley, vào lúc ấy là Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã hướng dẫn lễ đặt viên đá góc nhà vào ngày thứ ba 25 tháng 9 năm 1984. Chín phiên lễ cung hiến tiếp theo được tổ chức tại phòng thượng thiên giới. Khoảng 6.500 Thánh Hữu từ 16 giáo khu và 22 giáo hạt trong Khu Vực Thái Bình Dương đã tham dự các phiên họp khác nhau.
Ngay sau khi kết thúc phiên lễ cung hiến cuối cùng, Paulo V. Malit Jr. và Edna A. Yasona đã trở thành cặp vợ chồng đầu tiên kết hôn trong Đền Thờ Manila Philippines, vào ngày 27 tháng 9 năm 1984. Vị chủ tịch đầu tiên của ngôi đền thờ đó, W. Garth Andrus thực hiện lễ hôn phối.
Nhiều tín hữu của Giáo Hội xếp hàng để nhận lễ thiên ân, bắt đầu với những người thực hiện giáo lễ trong đền thờ. Công việc đền thờ tiếp tục suốt đêm cho đến ngày hôm sau.
Các tín hữu cảm thấy có một ước muốn gia tăng được vào đền thờ. Những người sống xa Manila đã phải hy sinh nhiều để đi đường rất xa bằng thuyền hoặc xe buýt. Nhưng họ vẫn đến và mang theo những câu chuyện về đức tin và sự quyết tâm.
Đối với Bernardo và Leonides Obedoza ở General Santos, việc đi đền thờ xa xôi ở Manila thì dường như không thể nào thực hiện được. Nhưng cũng giống như người lái buôn đã đi bán hết tất cả những gì mình có để mua một viên ngọc quí báu (xin xem Ma Thi Ơ 13:45–46), cặp vợ chồng này đã quyết định bán căn nhà của họ để trả tiền cho chuyến đi để cho họ và con cái của họ có thể được làm lễ gắn bó chung với một gia đình vĩnh cửu. Sau khi họ đã bán nhà và hầu hết tài sản, họ xoay sở để góp nhặt số tiền chính xác để trả tiền vé tàu đến Manila cho gia đình có chín người của họ. Leonides đã lo lắng vì họ sẽ không có nhà để trở về. Nhưng Bernardo đã bảo đảm với vợ mình rằng Chúa sẽ lo liệu. Họ đã được làm lễ gắn bó chung với gia đình cho thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu trong đền thờ vào năm 1985. Điều đó đáng bõ công cho mọi hy sinh của họ, vì trong đền thờ họ đã tìm thấy niềm vui vô song—viên ngọc vô giá của họ. Và đúng như lời của Bernardo, Chúa đã thật sự lo liệu. Trên đường trở về từ Manila, những người quen tử tế đã cho họ nơi để ở. Con cái của họ học xong, và cuối cùng gia đình họ đã mua nhà riêng ở một địa điểm mới.
Vào ngày 18 tháng Tư năm 2006, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã loan báo công việc xây cất Đền Thờ Cebu City Philippines. Khi nghe tin này, nhiều tín hữu Giáo Hội đã rơi nước mắt vì vui mừng. Cesar Perez Jr, giám đốc Viện Giáo Lý Tôn Giáo ở Cebu City, đã nói: “Chúng tôi được phước vì Chúa đã chọn Cebu City để làm địa điểm cho ngôi đền thờ kế tiếp.”
Một vài tháng sau lễ cung hiến Đền Thờ Cebu City Philippines, Các Thánh Hữu Ngày Sau Philippines một lần nữa đã tìm thấy lý do để vui mừng. Vào ngày 2 tháng Mười năm 2010, trong bài nói chuyện khai mạc tại đại hội trung ương, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã loan báo việc xây cất Đền Thờ Urdaneta Philippines, ở Pangasinan.
Điều Tốt Nhất Vẫn Chưa Đến
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô ở Philippines tương đối mới so với sự hiện diện của Giáo Hội ở các nước khác, nhưng số mệnh của Giáo Hội ở quốc đảo này thật đầy vinh quang. Sự tăng trưởng của Giáo Hội thật là tuyệt vời, nhưng điều tốt nhất vẫn chưa đến. Anh Cả Michael John U. Teh là Thầy Bảy Mươi, người Philippines thứ hai được kêu gọi để phục vụ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, đã nói: “Chúng ta [Các Thánh Hữu Ngày Sau Philippines] cần phải tự chuẩn bị phần thuộc linh hơn bao giờ hết vì công việc sẽ tiến bước dù có hoặc không có sự giúp đỡ của chúng ta.”7
Quả thật vậy, trong khi thế kỷ 21 trôi qua, Giáo Hội phục hồi sẽ tiếp tục tăng trưởng về kích thước và ảnh hưởng trong khi càng ngày càng có nhiều người Philippines chấp nhận sứ điệp của Giáo Hội và trở thành một phước lành cho dân tộc chọn lọc này trên các hải đảo. Đối với Anh Cả Teh và Các Thánh Hữu Philippines, “Những lời hứa vĩ đại của Chúa cho họ là những người trên các đảo của biển” (2 Nê Phi 10:21) hiện đang được ứng nghiệm.