Các Anh Em Có Đang Ngủ suốt Thời Kỳ Phục Hồi Không?
Là các cá nhân, gia đình, và Giáo Hội của Đấng Ky Tô, chúng ta có quá nhiều nguy cơ để chỉ bỏ ra một phần nỗ lực cho công việc thiêng liêng này.
Cách đây gần 200 năm, truyện ngắn Mỹ “Rip Van Winkle” ngay lập tức đã trở thành một tác phẩm hay. Nhân vật chính, Rip, là một người đàn ông không có tham vọng và rất giỏi trong việc tránh hai điều: làm việc và vợ của ông.
Một hôm, trong khi lang thang trong núi với con chó của mình, ông ta khám phá ra một nhóm người ăn mặc lạ lùng đang uống rượu và chơi trò chơi. Sau khi uống một chút rượu của họ, Rip bắt đầu thấy buồn ngủ và nhắm mắt một lúc. Khi mở mắt ra, ông ta ngạc nhiên thấy con chó của mình đã biến mất, cây súng của ông bị rỉ sét, và bây giờ ông ta có một bộ râu dài.
Rip đi về ngôi làng của mình và khám phá rằng mọi vật đều đã thay đổi. Vợ ông đã qua đời, bạn bè của ông không còn nữa, và bức ảnh của Vua George Đệ Tam treo trong quán rượu đã được thay thế bằng một bức ảnh của một người mà ông không nhận ra—Tướng George Washington.
Rip Van Winkle đã ngủ trong 20 năm! Và trong khi ngủ, ông đã không thấy một trong những thời kỳ thú vị nhất trong lịch sử của quốc gia ông— ông đã ngủ suốt Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ.
Vào tháng Năm năm 1966, Tiến sĩ Martin Luther King Jr đã sử dụng câu chuyện này để minh họa cho bài diễn văn của ông “Đừng Ngủ Suốt Cuộc Cách Mạng.”1
Hôm nay, tôi cũng muốn sử dụng cùng một đề tài này và đưa ra một câu hỏi cho tất cả chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế: các anh em có đang ngủ suốt công việc Phục Hồi không?
Chúng Ta đang Sống trong Thời Kỳ Phục Hồi
Đôi khi chúng ta nghĩ về Sự Phục Hồi của phúc âm như một điều gì đó đã hoàn tất, đã xảy ra rồi—Joseph Smith đã phiên dịch xong Sách Mặc Môn, ông đã nhận được các chìa khóa của chức tư tế, Giáo Hội đã được tổ chức. Thật ra, Sự Phục Hồi là một tiến trình liên tục; chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ đó vào lúc này. Sự phục hồi đó gồm có “tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải,” và “nhiều điều lớn lao và quan trọng” mà “Ngài chưa mặc khải nữa.”2 Thưa các anh em, nhưng sự phát triển đầy phấn khởi của ngày nay là một phần của thời gian chuẩn bị đã được báo trước từ lâu mà sẽ đạt đến đỉnh cao với Sự Tái Lâm đầy vinh quang của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.
Đây là một trong các thời kỳ đáng chú ý nhất của lịch sử thế giới! Các vị tiên tri thời xưa mong muốn được nhìn thấy thời kỳ của chúng ta.
Khi thời gian của mình trên trần thế đã hoàn tất, thì chúng ta sẽ có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào về những đóng góp của mình cho thời kỳ quan trọng này của cuộc sống và để đẩy mạnh hơn nữa công việc của Chúa? Chúng ta sẽ có thể nói rằng chúng ta đã lao nhọc siêng năng với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của mình không? Hoặc chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng vai trò của chúng ta hầu hết chỉ là quan sát mà thôi?
Tôi cho rằng có nhiều lý do tại sao là dễ dàng để không tham gia vào việc xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Tôi xin đề cập đến ba lý do quan trọng. Khi làm như vậy, tôi xin mời các anh em hãy suy ngẫm xem có lý do nào có thể áp dụng không. Nếu các anh em thấy có thể cải tiến được, thì tôi yêu cầu các anh em nên xem xét điều mình có thể làm để thay đổi thành người tốt hơn.
Tính ích kỷ
Trước hết, tính ích kỷ.
Những người ích kỷ tìm kiếm lợi ích và niềm vui của mình trên hết. Đối với người ích kỷ, câu hỏi chủ yếu là “Tôi có được lợi ích gì trong điều này?”
Thưa các anh em, tôi chắc chắn các anh em có thể thấy rằng thái độ này rõ ràng là trái ngược với thái độ cần thiết để xây đắp vương quốc của Thượng Đế.
Khi chúng ta tìm cách tự phục vụ mình hơn là phục vụ người khác, thì ưu tiên của chúng ta trở nên chú trọng vào việc được công nhận và niềm vui của mình.
Các thế hệ trước đã đấu tranh với nhiều hình thức của tính ích kỷ và tự cao tự đại, nhưng ngày nay tôi nghĩ là chúng ta cũng có nhiều hình thức của hai tính đó hoặc nhiều hơn nữa. Có phải ngẫu nhiên không mà Tự Điển Oxford mới đây tuyên bố từ “selfie” có nghĩa là “tự chụp hình mình” là từ được sử dụng nhiều nhất trong năm?3
Tất nhiên, chúng ta đều mong muốn được công nhận, và không có gì sai trái với việc thư giãn và tận hưởng cả. Nhưng khi việc tìm kiếm “lợi lộc và sự ca tụng của thế gian”4 là một phần chính yếu của động lực của mình, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ những kinh nghiệm cứu chuộc và vui vẻ có được khi chúng ta hy sinh bản thân mình một cách rộng rãi cho công việc của Chúa.
Phương pháp sửa chữa là gì?
Như mọi khi, câu trả lời nằm trong lời phán của Đấng Ky Tô:
“Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.
“Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu.”5
Những người nào hết lòng hy sinh cho Đấng Cứu Rỗi và phục vụ Thượng Đế cũng như đồng loại đều khám phá ra cuộc sống phong phú và trọn vẹn mà người ích kỷ hay tự cao tự đại sẽ không bao giờ biết được. Người vị tha hy sinh bản thân mình. Đây có thể là những hành vi bác ái nhỏ nhưng có ảnh hưởng vô cùng tốt lành: một nụ cười, một cái bắt tay, một cái ôm chặt, thời gian dành ra để lắng nghe, một lời nói dịu dàng đầy khuyến khích, hoặc một cử chỉ chăm sóc. Tất cả những hành vi tử tế này có thể thay đổi tấm lòng và cuộc sống. Khi chúng ta tận dụng những cơ hội không giới hạn để yêu thương và phục vụ đồng loại của mình, kể cả người phối ngẫu và gia đình, thì khả năng của chúng ta để yêu mến Thượng Đế và phục vụ những người khác sẽ gia tăng đáng kể.
Những người nào phục vụ những người khác sẽ tham gia vào công việc phục hồi.
Thói nghiện
Một điều có thể khiến cho chúng ta không tham gia trong thời kỳ quan trọng này của thế gian là thói nghiện.
Thói nghiện thường bắt đầu một cách khó phát hiện. Thói nghiện là những hành động nhỏ mà nếu lặp đi lặp lại thì sẽ phát triển thành thói quen kiềm chế chúng ta. Thói quen xấu có tiềm năng trở thành thói nghiện dễ chi phối.
Các thói nghiện kiềm chế này có thể có nhiều hình thức, như hình ảnh sách báo khiêu dâm, rượu, tình dục, ma túy, thuốc lá, cờ bạc, thức ăn, việc làm, Internet, hoặc thực tế ảo. Sa Tan, kẻ thù chung của chúng ta, sử dụng nhiều cách ưa thích để cướp đoạt tiềm năng thiêng liêng của chúng ta trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình trong vương quốc của Chúa.
Cha Thiên Thượng rất buồn khi thấy một số con trai cao quý của Ngài đã sẵn lòng để bị thói nghiện nguy hại kiềm chế.
Thưa các anh em, chúng ta mang chức tư tế vĩnh cửu của Thượng Đế Toàn Năng. Chúng ta thật sự là các con trai của Đấng Tối Cao và được ban cho tiềm năng không kể xiết. Chúng ta được tạo ra để đạt được tiềm năng thiêng liêng lớn nhất của mình. Chúng ta không được tạo ra để tiềm năng thiêng liêng của mình bị giới hạn bởi những ham muốn của thế gian và bị kiềm chế bởi thói nghiện do con người tạo ra.
Phương pháp sửa chữa là gì?
Điều đầu tiên chúng ta phải hiểu là thói nghiện dễ được ngăn ngừa hơn là chữa lành. Theo lời của Đấng Cứu Rỗi: “Không được để một điều nào trong những điều này ăn sâu vào tim mình.”6
Cách đây vài năm, Chủ Tịch Thomas Monson và tôi đã có được cơ hội đi tham quan Air Force One (Không Lực Một)—chiếc máy bay tuyệt vời chuyên chở tổng thống Hoa Kỳ. Cơ Quan Mật Vụ đã kiểm soát an ninh chặt chẽ, và tôi mỉm cười một chút khi các nhân viên mật vụ khám xét vị tiên tri yêu quý của chúng ta trước khi lên máy bay.
Sau đó, người phi công điều khiển mời tôi ngồi vào ghế của phi công trưởng. Đó là một kinh nghiệm đáng kể để một lần nữa ngồi vào ghế lái chiếc máy bay tuyệt vời này giống như loại máy bay mà tôi đã lái trong nhiều năm. Ký ức về các chuyến bay trên đại dương và lục địa tràn ngập tâm trí tôi. Tôi tưởng tượng ra những lần cất cánh và hạ cánh đầy thú vị tại các sân bay trên khắp thế giới.
Gần như không suy nghĩ, tôi đặt tay lên bốn trục điều chỉnh của chiếc 747. Ngay lúc đó, một tiếng nói thân yêu và rõ ràng vang lên từ phía sau—tiếng nói của Thomas S. Monson.
Ông nói: “Dieter, đừng có nghĩ tới việc lái máy bay này nghe.”
Tôi không thú nhận gì cả, nhưng chỉ có Chủ Tịch Monson mới có thể đọc được ý nghĩ của tôi mà thôi.
Khi bị cám dỗ để làm những việc mình không nên làm, chúng ta hãy luôn luôn lắng nghe lời cảnh báo yêu thương đáng tin cậy của gia đình và bạn bè, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, và Đấng Cứu Rỗi.
Sự bảo vệ hữu hiệu nhất chống lại thói nghiện là đừng bao giờ bắt đầu.
Nhưng đối với những người đang vất vả chống lại sự kìm kẹp của thói nghiện thì sao?
Trước hết, hãy biết là vẫn còn có hy vọng. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thân yêu, các vị lãnh đạo Giáo Hội, và các cố vấn đã được huấn luyện. Giáo Hội giúp khắc phục thói nghiện qua các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương, Internet,7 và trong một số lãnh vực, LDS Family Services (Các Dịch Vụ dành cho Gia Đình Thánh Hữu Ngày Sau).
Hãy luôn nhớ rằng, với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, các anh em có thể khắc phục được thói nghiện. Con đường có thể là dài và khó khăn, nhưng Chúa sẽ không bỏ rơi các anh em đâu. Ngài yêu thương các anh em. Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng Sự Chuộc Tội để giúp các anh em thay đổi, để giải thoát các anh em khỏi vòng tù đày của tội lỗi.
Điều quan trọng nhất là phải tiếp tục cố gắng—đôi khi phải mất nhiều nỗ lực trước khi tìm thấy thành công. Do đó, đừng bỏ cuộc. Đừng đánh mất đức tin. Hãy giữ lòng mình gần gũi với Chúa, và Ngài sẽ ban cho các anh em quyền năng giải thoát. Ngài sẽ làm cho các anh em được tự do.
Các anh em thân mến, xin hãy luôn luôn tránh xa các thói quen có thể dẫn đến nghiện ngập. Những người nào làm như vậy sẽ có thể dâng hiến cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của họ để phục vụ Thượng Đế.
Họ sẽ tham gia vào công việc phục hồi.
Sự Xung Đột của Những Ưu Tiên
Một trở ngại thứ ba ngăn cản chúng ta tham gia hoàn toàn vào công việc này là chúng ta gặp phải những ưu tiên xung đột với nhau. Một số người trong chúng ta quá bận rộn đến mức cảm thấy giống như một cái xe được kéo bởi hàng chục con vật được dạy để làm việc—mỗi con kéo theo một hướng khác nhau. Cái xe sử dụng rất nhiều năng lượng, nhưng không đi tới đâu cả.
Chúng ta thường dành hết các nỗ lực tốt nhất của mình để theo đuổi một thú riêng, một môn thể thao, sở thích nghề nghiệp, và các vấn đề trong cộng đồng hoặc chính trị. Tất cả những điều này có thể là tốt và đáng kính, nhưng chúng có chừa lại cho mình thời gian và nghị lực cho điều cần phải được ưu tiên cao nhất không?
Phương pháp sửa chữa là gì?
Một lần nữa, phương pháp này có thể được tìm thấy từ những lời phán của Đấng Cứu Rỗi:
“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi
“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.
“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”8
Tất cả mọi điều khác trong cuộc sống chỉ là phụ đối với hai ưu tiên cao này.
Ngay cả trong sự phục vụ Giáo Hội, với tư cách là môn đồ của Chúa, thật là dễ dàng để dành rất nhiều thời giờ chỉ để làm mọi việc cho có lệ mà không hề suy nghĩ hay thật lòng hoặc không làm.
Thưa các anh em, chúng ta là những người mang chức tư tế đã cam kết là một dân tộc yêu mến Thượng Đế và người lân cận của mình và là những người sẵn lòng cho thấy tình yêu thương đó qua lời nói và hành động. Đó là thực chất của chúng ta với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.
Những người sống theo các nguyên tắc này sẽ tham gia vào công việc phục hồi.
Lời Kêu Gọi Đánh Thức
Sứ Đồ Phao Lô đã viết: “Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Ky Tô sẽ chiếu sáng ngươi.”9
Các bạn thân mến, hãy biết rằng các anh em là các con trai của sự sáng.
Đừng ích kỷ! Đừng cho phép mình có các thói quen mà có thể dẫn đến nghiện ngập! Đừng để cho các ưu tiên xung đột với nhau dẫn dắt các anh em vào tình trạng thờ ơ hoặc rời xa vai trò làm môn đồ được phước và làm cho sự phục vụ của chức tư tế được cao quý!
Là các cá nhân, gia đình, và Giáo Hội của Đấng Ky Tô, chúng ta có quá nhiều nguy cơ để chỉ bỏ ra một phần nỗ lực cho công việc thiêng liêng này.
Việc làm một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô không phải là một việc để làm mỗi tuần một lần hoặc một lần một ngày, mà đây là một việc để luôn luôn làm.
Lời hứa của Chúa cho những người nắm giữ chức tư tế chân chính của Ngài dường như cũng quá lớn lao để thấu hiểu.
Những người trung thành với Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc và làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ đều “được thánh hóa bởi Thánh Linh để thể xác của họ được đổi mới.” Do đó, tất cả những gì Đức Chúa Cha có đều sẽ được ban cho họ.10
Tôi làm chứng rằng quyền năng thanh tẩy của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng biến đổi của Đức Thánh Linh có thể chữa lành và giải cứu loài người. Chúng ta có đặc ân, bổn phận thiêng liêng, và niềm vui để lưu tâm đến lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi; noi theo Ngài với một tâm trí sẵn sàng và tấm lòng cương quyết. Chúng ta “hãy cởi bỏ mọi xiềng xích đang trói buộc [chúng ta], và hãy bước ra khỏi chốn tối tăm, và trỗi dậy khỏi bụi đất.”11
Chúng ta hãy thức tỉnh và không mệt mỏi để làm điều thiện, vì chúng ta “đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao,”12 chính là việc chuẩn bị cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi. Thưa các anh em, khi chúng ta thêm vào ánh sáng của tấm gương mình với tư cách là nhân chứng cho vẻ đẹp và quyền năng của lẽ thật phục hồi, thì chúng ta sẽ tham gia vào công việc phục hồi. Tôi làm chứng điều này và để lại cho các anh em phước lành của tôi trong thánh danh của Đấng Thầy chúng ta, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.