2014
Vì Chưng Của Cải Ngươi Ở Đâu
Tháng 2014


Vì Chưng Của Cải Ngươi Ở Đâu

Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bắt đầu theo đuổi vật chất hơn là tinh thần.

Ngay sau đại hội trung ương vào tháng Mười năm 2007, một trong các vị thẩm quyền cho tôi biết rằng trong khoảng bảy năm nữa thì tôi sẽ có được kinh nghiệm khổ sở này một lần nữa. Tôi thấy nhẹ nhõm và nói với ông rằng tôi sẽ xem điều đó như là “bảy năm được mùa dư dật” của tôi. Vâng, bây giờ tôi đang ở đây; bảy năm được mùa dư dật đã kết thúc rồi.

Cuối tháng Giêng vừa qua, người vợ yêu quý của tôi là Grace, và tôi được chỉ định đi thăm các tín hữu ở Philippines đã bị một trận động đất khủng khiếp và cơn đại phong tàn phá. Chúng tôi vui mừng vì chỉ định đó chính là sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của chúng tôi và một bằng chứng về lòng thương xót và nhân từ của Cha Thiên Thượng nhân ái. Việc này đã cho phép chúng tôi làm tròn ước muốn của mình để đích thân bày tỏ tình yêu thương và mối quan tâm của chúng tôi đối với họ.

Hầu hết các tín hữu chúng tôi gặp vẫn còn sống trong những nơi nương tựa tạm thời như lều, trung tâm cộng đồng, và nhà hội của Giáo Hội. Những ngôi nhà chúng tôi đến thăm chỉ còn một phần nóc hoặc không còn nóc gì cả. Những người này lúc đầu đã không có gì nhiều, và những gì ít ỏi mà họ có đều đã bị cuốn đi mất. Khắp nơi đều có bùn và nhiều mảnh vụn. Tuy nhiên, họ vô cùng biết ơn vì đã được giúp đỡ phần nào và có tinh thần vững vàng mặc dù đang ở trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Khi chúng tôi hỏi làm thế nào họ đối phó với cảnh khó khăn này, thì mọi người đều trả lời dứt khoát: “Chúng tôi ổn cả.” Hiển nhiên, đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã mang đến cho họ hy vọng rằng cuối cùng rồi tất cả sẽ được ổn thỏa. Ở từng nhà một, ở từng lều một, Chị Teh và tôi đã được giảng dạy bởi các Thánh Hữu trung tín này.

Trong thời gian thiên tai hoặc thảm kịch, Chúa có một cách để tái tập trung chúng ta và các ưu tiên của chúng ta. Đột nhiên, tất cả các vật chất chúng ta đã làm việc chăm chỉ để có được trở nên không quan trọng. Quan trọng là gia đình và mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Một chị phụ nữ hiền lành đã nói như sau: “Sau khi nước rút đi và đến lúc bắt đầu dọn dẹp, tôi nhìn xung quanh nhà mình và nghĩ: ‘Ôi chao, mình đã tích lũy rất nhiều rác trong nhiều năm qua.’”

Tôi nghĩ rằng chị phụ nữ này đã có được một quan điểm tốt hơn và từ đó sẽ rất thận trọng trong việc quyết định những thứ nào là cần thiết và những thứ nào thì chị ấy có thể thật sự sống mà không cần đến.

Trong khi làm việc với nhiều tín hữu trong những năm qua, chúng tôi đã rất hài lòng để thấy sức mạnh thuộc linh rất dồi dào. Chúng tôi cũng đã thấy của cải vật chất dồi dào lẫn thiếu hụt trong số các tín hữu trung thành này.

Vì nhu cầu nên hầu hết chúng ta đều phải tham gia vào việc kiếm tiền và mua một số hàng hóa của thế gian để có thể nuôi sống gia đình của mình. Điều này đòi hỏi một phần lớn thời giờ và sự chú ý của chúng ta. Thế gian không ngừng cung cấp cho chúng ta đủ thứ, vì vậy điều quan trọng là biết nhận ra khi nào “chúng ta có đủ rồi.” Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bắt đầu theo đuổi vật chất hơn là tinh thần. Lúc bấy giờ, việc theo đuổi tinh thần và sự vĩnh cửu của chúng ta sẽ là một ưu tiên thấp, thay vì phải ngược lại. Đáng buồn thay, dường như có khuynh hướng mạnh mẽ để có được càng nhiều của cải vật chất hơn và sở hữu những sản phẩm mới nhất và tinh vi nhất.

Làm thế nào để chúng ta chắc chắn là mình không bị lôi kéo theo con đường này? Gia Cốp đưa ra lời khuyên này: “Vậy nên, xin chớ tiêu phí tiền bạc về những gì không có giá trị, và cũng đừng lao nhọc sức lực về những gì không thể làm thỏa mãn được. Xin hãy chuyên tâm nghe tôi và nhớ lấy những lời tôi nói; hãy đến với Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên, và hãy nuôi dưỡng những gì không bị hư mất hay mục nát được, và hãy để cho tâm hồn các người vui thích trong sự béo bổ.”1

Tôi hy vọng rằng không có ai trong chúng ta tiêu phí tiền bạc vào những gì không có giá trị và cũng không lao nhọc cho những gì không thể làm thỏa mãn được.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy như sau cho người Do Thái lẫn dân Nê Phi:

“Chớ tích trữ của cải cho mình trên thế gian này, nơi có mối mọt và rỉ sét làm hư hỏng, và có kẻ trộm đào ngạch khoét vách lấy đi;

“Nhưng phải tích trữ của cải mình trên trời là nơi không có mối mọt hay rỉ sét làm hư hỏng, và cũng không có kẻ trộm đào ngạch hay khoét vách lấy được.

“Vì của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó.”2

Đấng Cứu Rỗi cũng đưa ra ngụ ngôn này trong một bối cảnh khác:

“Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm,

“Người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật.

“Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó;

“Rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ.

“Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?

“Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy.”3

Cách đây không lâu, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf cũng đưa ra lời khuyên dạy sau đây:

“Cha Thiên Thượng thấy được tiềm năng thật sự của chúng ta. Ngài biết những điều về chúng ta mà bản thân chúng ta không biết. Ngài thúc giục chúng ta trong suốt cuộc đời để làm tròn mục đích tạo dựng của mình trên thế gian, để sống một cuộc sống ngay chính, và trở lại nơi hiện diện của Ngài.

“Vậy thì tại sao chúng ta lại dành hết thời giờ và nghị lực của mình cho những thứ tạm bợ, không quan trọng, và nông cạn như vậy? Chúng ta có từ chối để thấy sự rồ dại trong khi theo đuổi điều tầm thường và nhất thời không?”4

Chúng ta đều biết rằng bản liệt kê của chúng ta về của cải thế gian bao gồm tính kiêu ngạo, sự giàu có, vật chất, quyền lực, và danh lợi của loài người. Những của cải này không đáng để bỏ thêm thời giờ và sự chú ý, vì thế nên tôi sẽ tập trung vào những gì tạo nên của cải của chúng ta ở trên trời.

Một số của cải ở trên trời mà chúng ta có thể tích trữ cho mình là gì? Để bắt đầu, sẽ là điều tốt để chúng ta có được các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô về đức tin, hy vọng, tính khiêm tốn, và lòng bác ái. Chúng ta đã nhiều lần được khuyên bảo phải “từ bỏ con người thiên nhiên và trở thành như một trẻ nhỏ.”5 Lời khuyên nhủ của Đấng Cứu Rỗi là để chúng ta cố gắng được hoàn hảo như Ngài và Cha Thiên Thượng.6

Thứ hai, chúng ta cần phải dành thêm một số thời giờ và nỗ lực trong việc củng cố mối quan hệ gia đình. Xét cho cùng, “gia đình là do Thượng Đế quy định. Đó là đơn vị quan trọng nhất trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.”7

Thứ ba, việc phục vụ những người khác là một đặc điểm của một tín đồ chân chính của Đấng Ky Tô. Ngài phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”8

Thứ tư, việc hiểu biết giáo lý của Đấng Ky Tô và củng cố chứng ngôn của chúng ta là một việc làm mà sẽ mang lại niềm vui thực sự và lòng mãn nguyện. Chúng ta cần phải liên tục học hỏi những lời của Đấng Ky Tô như được tìm thấy trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri tại thế. “Vì này, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm.”9

Tôi xin kết thúc với câu chuyện về một góa phụ 73 tuổi, là người chúng tôi đã gặp trong chuyến đi đến Philippines:

Khi động đất xảy ra ở đảo Bohol, căn nhà mà bà và người chồng quá cố của bà đã làm việc rất siêng năng để dựng lên đã sụp đổ xuống đất, làm thiệt mạng đứa con gái và cháu ngoại trai của bà. Bây giờ sống một mình, bà cần phải làm việc để tự nuôi sống. Bà bắt đầu nhận giặt đồ mướn (giặt bằng tay) và phải đi lên đi xuống một ngọn đồi khá lớn nhiều lần trong ngày để lấy nước. Khi chúng tôi đến thăm bà, bà vẫn còn sống trong một căn lều.

Đây là những lời của bà: “Thưa Anh Cả, tôi chấp nhận tất cả những gì Chúa đã đòi hỏi tôi phải trải qua. Tôi không buồn giận. Tôi trân quý giấy giới thiệu đi đền thờ của mình và giữ giấy đó ở dưới gối của tôi. Xin hãy biết rằng tôi đóng tiền thập phân đầy đủ với số thu nhập ít ỏi từ công việc giặt đồ muớn. Cho dù có vấn đề gì xảy ra đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ luôn luôn đóng tiền thập phân.”

Tôi làm chứng rằng các ưu tiên, khuynh hướng, thói quen, ước muốn, ham muốn, và đam mê của chúng ta sẽ có một ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái kế tiếp của chúng ta. Chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ những lời phán của Đấng Cứu Rỗi: “Vì của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó.” Cầu xin cho tấm lòng của chúng ta được đặt đúng chỗ là lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.