Rễ và Nhánh
Việc gấp rút làm công việc lịch sử gia đình và đền thờ trong thời kỳ chúng ta là thiết yếu cho sự cứu rỗi và tôn cao của gia đình.
Nhà văn gây ra nhiều tranh cãi là William Saroyan đã nói với báo chí ngay trước khi qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1981 rằng: “Mọi người đều phải chết, nhưng tôi luôn luôn tin là sẽ có ngoại lệ trong trường hợp của tôi. Bây giờ thì sao?”1
Câu hỏi “bây giờ thì sao” khi sắp lìa cuộc sống này và “bây giờ thì sao” khi suy ngẫm về cuộc sống sau khi chết là các câu hỏi quan trọng của tâm hồn mà phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô trả lời một cách tuyệt diệu trong kế hoạch của Đức Chúa Cha.
Trong cuộc sống này, chúng ta cười, chúng ta khóc, chúng ta làm việc, chúng ta chơi, chúng ta sống, và rồi chúng ta chết. Gióp đặt câu hỏi ngắn gọn: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?”2 Câu trả lời dứt khoát là “Có,” nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Một phần của lời mở đầu đa dạng của Gióp cho câu hỏi đó thật là thú vị: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày. … Người sanh ra như cỏ hoa, rồi bị phát. … Vì cây cối dẫu bị đốn còn trông cậy sẽ còn mọc lên nữa, Không thôi nức chồi. … Và đâm nhành như một cây tơ.”3
Kế hoạch của Đức Chúa Cha là về gia đình. Một số trong những câu thánh thư có ý nghĩa sâu sắc nhất của chúng ta đã dùng khái niệm về cái cây có rễ và nhánh để so sánh.
Trong chương kết thúc của Kinh Cựu Ước, khi mô tả Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, Ma La Chi đã sử dụng sự so sánh này một cách sống động. Khi nói về người kiêu ngạo và tà ác, ông nói họ sẽ bị đốt cháy như rạ và “chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành”4 Ma La Chi kết thúc chương này với lời hứa đầy trấn an của Chúa:
“Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê Li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê Hô Va chưa đến.
“Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy.”5
Vào lúc bắt đầu thời kỳ Phục Hồi, Mô Rô Ni đã nhấn mạnh lại sứ điệp này vào lúc ban đầu khi ông hướng dẫn thiếu niên Joseph Smith vào năm 1823.6
Các Ky Tô hữu và người Do Thái trên khắp thế giới chấp nhận câu chuyện về Ê Li trong Kinh Cựu Ước.7 Ông là vị tiên tri cuối cùng đã nắm giữ quyền năng gắn bó của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trước thời Chúa Giê Su Ky Tô.8
Ê Li Phục Hồi Các Chìa Khóa
Sự trở lại của Ê Li đã xảy ra trong Đền Thờ Kirtland vào ngày 3 tháng 4 năm 1836. Ông tuyên bố rằng ông đã làm tròn lời hứa của Ma La Chi. Ông đã trao các chìa khóa của chức tư tế để làm lễ gắn bó cho các gia đình trong gian kỳ này.9 Sứ mệnh của Ê Li đã được điều mà đôi khi được gọi là Thần Ê Li phụ giúp, và như Anh Cả Russell M. Nelson đã dạy, đó là “một sự biểu hiện của Đức Thánh Linh làm chứng về tính chất thiêng liêng của gia đình.”10
Đấng Cứu Rỗi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của phép báp têm. Ngài dạy: “Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.”11 Chính Đấng Cứu Rỗi đã chịu phép báp têm để nêu gương. Còn những người đã qua đời mà chưa được báp têm thì sao?
Giáo Lý về Đền Thờ và Công Việc Lịch Sử Gia Đình
Vào ngày 11 tháng Mười năm 1840, ở Nauvoo, Vilate Kimball đã viết thư cho chồng bà là Anh Cả Heber C. Kimball. Ông đang phục vụ truyền giáo ở nước Anh cùng với các thành viên khác thuộc Nhóm Mười Hai. Đại hội tháng Mười đã được tổ chức một vài ngày trước đó.
Tôi xin trích dẫn những đoạn từ lá thư riêng của Vilate: “Chúng ta đã có một đại hội lớn nhất và thú vị nhất chưa từng có kể từ khi Giáo Hội được tổ chức. … Chủ Tịch [Joseph] Smith đã nói về một đề tài mới và vinh quang. … Đó là việc chịu phép báp têm cho người chết. Phao Lô nói về điều đó trong sách 1 Cô Rinh Tô, Chương 15, câu 29. Joseph đã nhận được một lời giải thích đầy đủ hơn về điều này qua sự mặc khải. Ông nói rằng đó là đặc ân của [các tín hữu của] Giáo Hội này để được chịu phép báp têm cho tất cả tổ tiên của họ đã chết trước khi phúc âm này được mặc khải. … Khi làm như vậy, chúng ta hành động thay cho họ, và mang đến cho họ đặc ân để được bước ra trong lần phục sinh đầu tiên. Ông nói rằng những người chết sẽ có phúc âm được rao giảng cho họ trong ngục thất.”
Vilate viết thêm: “Em muốn được chịu phép báp têm thay cho mẹ em. … Đó không phải là một giáo lý vinh quang sao?”12
Giáo lý thiết yếu của việc kết hợp gia đình được mặc khải từng hàng chữ một và từng lời giáo huấn một. Các giáo lễ làm thay cho người khác là nguyên tắc chính của việc kết hợp các gia đình vĩnh cửu lại với nhau, kết nối rễ với nhánh.
Giáo lý về gia đình liên quan đến công việc lịch sử gia đình và đền thờ là rất rõ ràng. Trong điều mặc khải ban đầu của Ngài, Chúa đã nói về “phép báp têm cho những người chết của các ngươi.”13 Bổn phận về giáo lý của chúng ta là đối với tổ tiên của mình. Điều này là vì tổ chức thượng thiên giới dựa vào gia đình.14 Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã khuyến khích các tín hữu, nhất là giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi độc thân, phải chú trọng đến công việc lịch sử gia đình và các giáo lễ dành cho các tên của gia đình họ hoặc tên của các tổ tiên của các tín hữu trong tiểu giáo khu và giáo khu của họ.15 Chúng ta cần phải được kết nối với cả tổ tiên lẫn con cháu của chúng ta. Ý nghĩ về việc được kết nối trong thời vĩnh cửu quả thật là vinh quang.
Đền Thờ
Wilford Woodruff nói rằng Tiên Tri Joseph Smith đã sống đủ lâu để đặt nền tảng cho công việc đền thờ. “Lần cuối cùng ông ấy nhóm họp với Nhóm Túc Số Mười Hai là sau khi ông đã ban cho họ lễ thiên ân của bản thân họ.”16
Sau khi Vị Tiên Tri tử đạo, Các Thánh Hữu hoàn thành Đền Thờ Nauvoo, và quyền năng gắn bó đã được sử dụng để ban phước cho hàng ngàn tín hữu trung thành trước khi họ di cư về Vùng Núi Phía Tây. Ba mươi năm sau, khi hoàn thành Đền Thờ St George, Chủ Tịch Brigham Young đã giải thích rằng ý nghĩa vĩnh cửu của các giáo lễ cứu rỗi cuối cùng đã có sẵn cho cả người sống lẫn người chết.17
Điều này đã được Chủ Tịch Wilford Woodruff nói một cách giản dị: “Hầu như không có bất cứ nguyên tắc nào do Chúa mặc khải làm tôi vui mừng hơn là trong việc cứu chuộc người chết của chúng ta; rằng chúng ta sẽ có cha mẹ, vợ con ở với chúng ta trong tổ chức gia đình, vào buổi sáng phục sinh đầu tiên và trong Thượng Thiên Giới. Đây là những nguyên tắc vĩ đại và đáng bõ công hy sinh.”18
Thật là tuyệt vời được sống trong thời kỳ này. Đây là gian kỳ cuối cùng, và chúng ta có thể cảm nhận được mức độ gấp rút để làm công việc cứu rỗi trong mọi vấn đề cần đến một giáo lễ cứu rỗi.19 Bây giờ chúng ta có đền thờ ở hầu hết khắp nơi trên thế giới để cung ứng các giáo lễ cứu rỗi này. Việc tham dự đền thờ để có được sự khôi phục phần thuộc linh, sự bình an, an toàn, và sự hướng dẫn trong cuộc sống của chúng ta cũng là một phước lành lớn lao.20
Chưa đầy một năm sau khi Chủ Tịch Thomas S. Monson được kêu gọi với tư cách là sứ đồ, ông đã làm lễ cung hiến Thư Viện Gia Phả của Đền Thờ Los Angeles. Ông đã nói về các tổ tiên đã qua đời “đang chờ đợi ngày mà các anh chị em và tôi sẽ làm công việc sưu tầm cần thiết để dọn đường, … [và] cũng đi vào ngôi nhà của Thượng Đế và thực hiện công việc đó … mà [họ] không thể thực hiện được.”21
Khi Chủ Tịch Monson, lúc bấy giờ là Anh Cả Monson đưa ra những lời nhận xét trong lễ cung hiến đó vào ngày 20 tháng Sáu năm 1964, thì chỉ có 12 đền thờ đang hoạt động. Trong thời gian Chủ Tịch Monson phục vụ trong các hội đồng cao cấp của Giáo Hội, thì 130 trong số 142 đền thờ đang hoạt động của chúng ta đã có các lễ cung hiến đầu tiên. Thật là một phép lạ khi thấy mức độ gấp rút để làm công việc cứu rỗi trong thời kỳ của chúng ta. Hai mươi tám ngôi đền thờ nữa đã được công bố và đang trong giai đoạn hoàn thành. Tám mươi lăm phần trăm các tín hữu Giáo Hội hiện đang sống trong vòng 200 dặm (320 kilômét) của một đền thờ.
Công Nghệ Lịch Sử Gia Đình
Công nghệ lịch sử gia đình cũng đã tiến triển rất đáng kể. Chủ tịch Howard W. Hunter đã tuyên bố vào tháng Ba năm 1995: “Chúng ta đã bắt đầu sử dụng công nghệ thông tin để gấp rút làm công việc thiêng liêng nhằm cung ứng các giáo lễ cho người chết. Vai trò của công nghệ … đã được chính Chúa thúc đẩy. … Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ bắt đầu điều chúng ta có thể làm với những công cụ này.”22
Trong 19 năm kể từ khi vị tiên tri đưa ra lời tuyên bố này, công nghệ đã phát triển với tốc độ gần như khó tin. Gần đây một người mẹ 36 tuổi có con nhỏ đã kêu lên với tôi: “Chỉ nghĩ rằng chúng ta đã tiến triển từ những người đọc vi phim tại các trung tâm lịch sử gia đình đã được làm lễ cung hiến đến việc ngồi ở bàn ăn với máy vi tính để làm lịch sử gia đình sau khi con cái đi ngủ.” Thưa các anh chị em, trung tâm lịch sử gia đình hiện đang ở trong nhà của chúng ta.
Công việc đền thờ và lịch sử gia đình không phải chỉ là về chúng ta. Hãy suy nghĩ về những người ở phía bên kia bức màn che đang chờ đợi các giáo lễ cứu rỗi mà sẽ giải thoát họ khỏi ách nô lệ của ngục thất linh hồn. Ngục thất được định nghĩa là “một tình trạng giam giữ hoặc giam cầm.”23 Những người bị giam cầm có thể hỏi câu hỏi của William Saroyan: “Bây giờ thì sao?”
Một chị phụ nữ trung tín đã chia sẻ một kinh nghiệm thuộc linh đặc biệt trong Đền Thờ Salt Lake. Trong khi đang ở trong phòng làm lễ xác nhận, sau khi một giáo lễ xác nhận thay cho người khác đã được nói ra, thì chị nghe nói rằng: “Và người bị giam cầm sẽ được tự do!” Chị cảm thấy một ý thức lớn lao về mức độ khẩn cấp đối với những người đang chờ đợi công việc làm phép báp têm và lễ xác nhận được thực hiện cho họ. Khi trở về nhà, chị tìm kiếm trong thánh thư câu nói mà chị đã nghe. Chị bắt gặp lời tuyên bố của Joseph Smith trong tiết 128 của sách Giáo Lý và Giao Ước: “Hãy để cho tâm hồn mình được hân hoan và hết sức vui vẻ. Thế gian hãy vang lên tiếng hát. Những người chết hãy hát lên những bài ca tán mỹ vĩnh cửu Vua Em Ma Nu Ên, Đấng đã lập lên, trước khi có thế gian này, những gì giúp chúng ta có thể cứu chuộc được họ ra khỏi ngục tù của họ; vì những người bị giam cầm sẽ được tự do.”24
Câu hỏi là: chúng ta cần phải làm gì? Lời dạy của Tiên Tri Joseph là phải trình với đền thờ “lý lịch của những người chết của chúng ta, đó là một vật rất xứng đáng cho mọi sự thu nhận.”25
Giới lãnh đạo của Giáo Hội đã công bố một sự kêu gọi rõ ràng cho thế hệ đang vươn lên phải dẫn đầu trong việc sử dụng công nghệ để cảm nhận được Tinh Thần Ê Li, để tìm kiếm các tổ tiên của họ, và để thực hiện các giáo lễ đền thờ cho tổ tiên của họ.26 Các em, những người trẻ tuổi, sẽ thực hiện nhiều công việc khó khăn để gấp rút làm công việc cứu rỗi cho người sống lẫn người chết.27
Nếu giới trẻ trong mỗi tiểu giáo khu sẽ không những đi đến đền thờ và làm phép báp têm cho người chết mà còn làm việc với gia đình của mình và các tín hữu khác trong tiểu giáo khu để cung cấp những cái tên của gia đình cho công việc giáo lễ mà họ thực hiện, thì cả họ lẫn Giáo Hội sẽ được phước rất nhiều. Đừng đánh giá thấp ảnh hưởng của những người chết trong việc phụ giúp các nỗ lực của các em và niềm vui rằng cuối cùng các em sẽ gặp những người mình phục vụ. Việc kết hợp gia đình của chúng ta là một phước lành có ý nghĩa vĩnh cửu và hầu như vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.28
Trong số các tín hữu của Giáo Hội trên toàn cầu, 50 phần trăm người lớn hiện không có cha mẹ trong phần Family Tree của mạng Internet FamilySearch của Giáo Hội. 65 phần trăm người lớn không có ông bà nội ngoại được liệt kê trong đó.29 Hãy nhớ rằng, nếu không có tổ tiên và con cháu của mình thì chúng ta không thể được cứu. Các tín hữu Giáo Hội cần phải có và nhập vào thông tin quan trọng này.
Cuối cùng chúng ta có giáo lý, các đền thờ, và công nghệ dành cho các gia đình để thực hiện công việc cứu rỗi vinh quang này. Tôi đề nghị một cách để có thể thực hiện điều này. Gia đình có thể tổ chức một “Buổi Họp Mặt FamilyTree.” Điều này phải là một nỗ lực định kỳ. Mọi người sẽ mang theo lịch sử gia đình, những câu chuyện và hình ảnh hiện có, bao gồm cả tài sản trân quý của ông bà và cha mẹ. Những người trẻ tuổi của chúng ta sẽ phấn khởi để học hỏi về cuộc sống của những người trong gia đình—các tổ tiên của họ từ đâu đến và đã sống như thế nào. Nhiều người đã có lòng của họ trở lại cùng cha họ. Họ thích những câu chuyện và hình ảnh, và họ rất thành thạo về công nghệ quét và tải lên những câu chuyện và hình ảnh này vào FamilyTree và kết nối các nguồn tài liệu với các tổ tiên để bảo tồn những tài liệu này vĩnh viễn. Dĩ nhiên, mục tiêu chính là nhằm xác định các giáo lễ nào vẫn còn cần phải được thực hiện và chỉ định cho công việc đền thờ cần thiết. Cuốn Sách Nhỏ My Family (Gia Đình Tôi) có thể được sử dụng để giúp ghi lại thông tin gia đình, những câu chuyện và hình ảnh để sau đó có thể được tải lên FamilyTree.
Chúng ta cần đặt những cam kết và kỳ vọng của gia đình làm ưu tiên hàng đầu để bảo vệ vận mệnh thiêng liêng của chúng ta. Đối với những người đang tìm cách sử dụng ngày Sa Bát một cách hiệu quả cho cả gia đình, thì việc gấp rút làm công việc lịch sử gia đình này là một lý do hữu dụng. Một người mẹ vui mừng cho biết rằng đứa con trai 17 tuổi của chị đã ngồi vào máy vi tính sau khi đi nhà thờ về vào ngày Chủ Nhật để làm công việc lịch sử gia đình và cậu con trai 10 tuổi của chị ấy rất thích nghe những câu chuyện và xem hình tổ tiên của nó. Điều này đã ban phước cho cả gia đình của họ để cảm nhận được Tinh Thần Ê Li. Rễ và nhánh quý báu của chúng ta phải được nuôi dưỡng.
Chúa Giê Su Ky Tô đã phó mạng sống của Ngài với tính cách là một sự chuộc tội thay cho chúng ta. Ngài đã giải đáp câu hỏi cơ bản do Gióp đưa ra. Ngài đã vượt qua cái chết cho tất cả nhân loại, mà chúng ta không thể làm cho chính bản thân mình được. Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hiện các giáo lễ thay cho người khác và thực sự trở thành các cứu tinh trên núi Si Ôn30 cho gia đình của chúng ta để chúng ta cùng với họ có thể được tôn cao cũng như được cứu.
Tôi làm chứng về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi và sự chắc chắn của kế hoạch của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta và gia đình chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.