Đấng Cứu Chuộc Ky Tô
Sự hy sinh của [Đấng Cứu Chuộc] đã ban phước cho mọi người, từ A Đam, là người đầu tiên, đến người cuối cùng.
Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, sinh ra và chết đi trong những hoàn cảnh độc nhất vô nhị. Ngài đã sống và lớn lên trong các điều kiện khiêm tốn, không có của cải vật chất. Ngài tự nói về Ngài: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Lu Ca 9:58).
Ngài không bao giờ nhận được danh dự, ân huệ, được công nhận, cũng không được đối xử đặc biệt từ các nhà lãnh đạo chính trị của thế gian cũng như từ các nhà lãnh đạo tôn giáo trong thời kỳ của Ngài. Ngài cũng không ngồi vào những chỗ ngồi cao nhất trong các giáo đường.
Lời giảng dạy của Ngài thật giản dị, và mặc dù đám đông đi theo Ngài, nhưng giáo vụ của Ngài luôn luôn gồm có việc ban phước cho từng người một. Ngài đã thực hiện vô số các phép lạ trong số những người chấp nhận rằng Ngài là một Đấng được Thượng Đế sai đến.
Ngài đã ban thẩm quyền và quyền năng cho Các Sứ Đồ để làm phép lạ và “làm việc lớn hơn nữa” so với những việc Ngài đã thực hiện (Giăng 14:12), nhưng Ngài không bao giờ giao cho họ đặc ân để tha thứ tội lỗi. Kẻ thù của Ngài đã trở nên phẫn nộ khi nghe Ngài phán: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11) hoặc “Tội lỗi ngươi đã được tha rồi” (Lu Ca 7:48). Quyền đó chỉ thuộc vào Ngài vì Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế và vì Ngài sẽ chuộc trả các tội lỗi đó với Sự Chuộc Tội của Ngài.
Quyền Năng của Ngài đối với Cái Chết
Quyền năng của Ngài đối với cái chết cũng là một thuộc tính thiêng liêng khác. Giai Ru, một người cai nhà hội, đã khẩn nài “xin Ngài vào nhà mình. Vì người có con gái một, … gần chết” (Lu Ca 8:41–42). Đức Thầy nghe lời cầu xin của người ấy, và trong khi họ đang đi, thì một đầy tớ đến cho Giai Ru biết: “Con gái ông chết rồi; đừng làm phiền thầy chi nữa” (Lu Ca 8:49). Sau khi bước vào nhà, Chúa Giê Su phán bảo mọi người đi ra ngoài, và ngay lập tức, cầm lấy tay đứa bé, Ngài phán cùng nó: “Hãy chờ dậy!” (Lu Ca 8:54).
Trong một dịp khác, trong khi đang đi vào thành phố Na In, Ngài gặp một đám tang, một góa phụ đang khóc lóc vì đứa con trai độc nhất đã chết. Đầy lòng thương xót, Ngài rờ quan tài và phán: “Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy” (Lu Ca 7:14). Những người dân, khi nhìn thấy phép lạ, kêu lên: “Có đấng tiên tri lớn đã dấy lên giữa chúng tôi, và …Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân Ngài” (Lu Ca 7:16). Phép lạ này còn phi thường hơn vì họ đã tuyên bố là chàng thanh niên đó đã chết thật rồi và đang trên đường đi chôn. Với hai người trẻ tuổi được sống lại, bằng chứng về thẩm quyền và quyền năng của Ngài đối với cái chết đã làm cho các tín đồ sửng sốt và những người ghét Ngài phải sợ hãi.
Trường hợp thứ ba là ấn tượng nhất. Ma Thê, Ma Ry và La Xa Rơ là anh chị em với nhau và Đấng Ky Tô thường ghé thăm họ. Khi người ta báo cho Ngài biết là La Xa Rơ đang bệnh, Ngài ở lại thêm hai ngày nữa trước khi đi đến với gia đình họ. Trong khi an ủi Ma Thê sau khi anh của bà đã chết, Ngài đã làm chứng rõ ràng cùng bà: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25).
Khi Đấng Cứu Rỗi yêu cầu những người đang than khóc lăn hòn đá ra khỏi ngôi mộ, thì Ma Thê rụt rè thì thầm với Ngài: “Lạy Chúa, đã có mùi, vì người nằm đó bốn ngày rồi” (Giăng 11:39).
Bấy giờ Chúa Giê Su đã trìu mến nhắc nhở bà rằng: “Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?” (Giăng 11:40). Và sau khi phán xong lời này, Ngài kêu lớn:
“Hỡi La Xa Rơ, hãy ra!
“Người chết đi ra” (Giăng 11:43–44).
Sau khi sự kiện La Xa Rơ sống lại sau bốn ngày ở trong mộ, các kẻ thù của Vị Nam Tử của Thượng Đế đã phải đối phó với bằng chứng không thể chối cãi được mà chúng không thể bỏ qua, làm giảm giá trị, hoặc bóp méo, và “Từ ngày đó, chúng … lập mưu giết Ngài” (Giăng 11:53).
Giáo Lệnh Mới
Về sau, Đấng Ky Tô hằng sống, cùng với Các Sứ Đồ của Ngài tại Giê Ru Sa Lem, đã ăn lễ Vượt Qua cuối cùng, thiết lập giáo lễ Tiệc Thánh, và ban cho họ giáo lệnh phải yêu thương nhau qua sự phục vụ chân thành.
Nỗi Thống Khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê
Sau đó, trong cách thể hiện cao quý về tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại, và hành động trọn vẹn theo ý muốn của Ngài, Ngài đã bước đi dũng cảm và kiên quyết để đối phó với thử thách gay go nhất. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, trong nỗi cô đơn hoàn toàn, Ngài đã chịu đựng nỗi thống khổ dữ dội nhất, rớm máu từ mỗi lỗ chân lông. Trong khi hoàn toàn tuân phục trước mặt Cha Ngài, Ngài đã chuộc tội cho chúng ta và cũng đã mang lấy những bệnh tật và khổ sở của chúng ta để biết cách giúp đỡ chúng ta (xin xem An Ma 7:11–13).
Chúng ta mang ơn Ngài và Cha Thiên Thượng vì sự hy sinh của Ngài đã ban phước cho mọi người, từ A Đam, là người đầu tiên, đến người cuối cùng.
Sự Lên Án và Đóng Đinh Đấng Cứu Rỗi
Một khi nỗi thống khổ của Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê kết thúc, thì Ngài đã tự nguyện phó mạng sống cho các kẻ thù của Ngài. Vì bị một môn đồ phản bội, nên Ngài đã bị vội vã kết án, trong một cách thức bất công lẫn bất hợp pháp, trong một cuộc xét xử đầy mánh khóe lẫn không hoàn toàn. Cũng trong đêm đó, Ngài đã bị cáo buộc tội phạm thượng và bị kết án tử hình. Trong nỗi hận thù và ước muốn trả thù—vì Ngài đã làm chứng với họ rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế—các kẻ thù của Ngài đã âm mưu cho Phi Lát kết án Ngài. Do đó, họ đã thay đổi lời buộc tội phạm thượng thành tội nổi loạn để Ngài sẽ chết bằng cách bị đóng đinh.
Bản án của Ngài trong số những người La Mã còn tàn nhẫn hơn nữa: những điều chế giễu và khinh miệt về vương quốc thuộc linh của Ngài, họ làm nhục Ngài với lễ đăng quang bằng một mão gai, đánh đòn Ngài một cách dã man, và nỗi thống khổ kéo dài của việc đóng đinh Ngài trước công chúng đều là một lời cảnh cáo rõ ràng cho tất cả mọi người nào dám tuyên bố mình chính là môn đồ của Ngài.
Trong mỗi giây phút đau đớn của Ngài, Đấng Cứu Chuộc của thế gian cho thấy khả năng tự chủ phi thường. Ngài luôn luôn nghĩ tới việc ban phước cho những người khác; với lòng nhân từ và yêu thương, Ngài đã nhờ Giăng chăm sóc mẹ Ngài là Ma Ri. Ngài xin Cha Trên Trời tha thứ cho những tên đao phủ đã đóng đinh Ngài. Với công việc của Ngài trên thế gian đã được hoàn thành, Ngài dâng linh hồn lên Thượng Đế và trút hơi thở cuối cùng. Xác của Đấng Ky Tô được đưa đến ngôi mộ và ở đó ba ngày.
Công Việc của Đấng Cứu Chuộc ở giữa Người Chết
Trong khi các môn đồ của Ngài buồn bã, chán nản, và ngờ vực, thì trong một giai đoạn khác của kế hoạch vinh quang của Cha Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã phát triển giáo vụ của Ngài theo một cách mới. Trong ba ngày ngắn ngủi, Ngài đã không ngừng làm việc để tổ chức công việc cứu rỗi trọng đại ở giữa người chết. Những ngày đó đã trở thành những ngày đầy hy vọng cho gia đình của Thượng Đế. Trong chuyến viếng thăm đó, Ngài đã tổ chức các môn đồ trung tín của Ngài để họ sẽ mang tin mừng cứu chuộc đến những người không biết hoặc những người khước từ kế hoạch vinh quang. Giờ đây, họ sẽ có cơ hội để được giải thoát khỏi vòng nô lệ và được cứu chuộc bởi Thượng Đế của người sống lẫn người chết (xin xem GLGƯ 138:19, 30–31).
Các Trái Đầu Mùa của Sự Phục Sinh
Với công việc của Ngài đã hoàn thành trong thế giới linh hồn, Ngài trở lại thế gian—để tái hợp linh hồn và thể xác của Ngài vĩnh viễn. Ngay cả mặc dù Ngài hoàn toàn cho thấy quyền năng của Ngài đối với cái chết, nhưng các câu chuyện trong thánh thư về những người Ngài đã làm cho sống lại trước khi Ngài phục sinh cho thấy rằng họ chỉ sống lại để cuộc sống của họ được kéo dài một cách kỳ diệu; một ngày nào đó rồi họ cũng sẽ chết.
Đấng Ky Tô là người đầu tiên được phục sinh và không bao giờ chết nữa, và có được một thể xác hoàn hảo vĩnh cửu. Trong trạng thái phục sinh của Ngài, Ngài đã hiện ra cùng Ma Ri, là người đã bắt đầu thờ lạy Ngài ngay sau khi nhận ra Ngài. Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, với tình yêu thương bao la, đã cảnh báo bà về trạng thái mới và vinh quang của Ngài: “Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng Cha” (Giăng 20:17) cung ứng thêm một bằng chứng rằng giáo vụ của Ngài trong thế giới linh hồn là có thật và trọn vẹn. Sau đó, bằng cách sử dụng lời lẽ để xác nhận thực tế của Sự Phục Sinh của Ngài, Ngài phán: “Ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 20:17). Sau khi đi lên cùng Cha của Ngài, Ngài trở lại một lần nữa và hiện đến cùng Các Sứ Đồ của Ngài: “Ngài giơ tay và sườn mình cho môn đồ xem. Các môn đồ vừa thấy Chúa thì đầy sự mừng rỡ” (Giăng 20:20).
Đấng Cứu Chuộc Sẽ Trở Lại
Tôi làm chứng rằng Đấng Ky Tô sẽ trở lại trong một cách rất khác với lần giáng lâm thứ nhất của Ngài. Ngài sẽ đến trong quyền năng và vinh quang, với tất cả Các Thánh Hữu ngay chính và trung tín. Ngài sẽ đến với tư cách là Vua của các vua và Chúa của các chúa, là Hoàng Tử Bình An, Đấng Mê Si đã được hứa, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc, để phán xét người sống lẫn người chết. Tôi hết lòng yêu mến và phục vụ Ngài, và tôi cầu xin rằng chúng ta có thể phục vụ với niềm vui và một cách tận tâm, và chúng ta có thể vẫn luôn trung tín với Ngài cho đến cùng. Trong tôn danh của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.