2014
Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế
Tháng 2014


Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế

Các chìa khóa của chức tư tế hướng dẫn các phụ nữ cũng như những người đàn ông, và các giáo lễ của chức tư tế cũng như thẩm quyền chức tư tế đều liên quan đến cả nữ giới cũng như nam giới.

I.

Tại đại hội này, chúng ta đã thấy việc giải nhiệm một số anh em trung tín, và đã tán trợ các chức vụ kêu gọi của các anh em khác. Với những thay đổi này về chức vụ kêu gọi—là điều rất phổ biến trong Giáo Hội—chúng ta không phải “bị xuống chức” khi được giải nhiệm, và không “lên chức” khi được kêu gọi. Trong việc phục vụ Chúa, không có “lên chức hay xuống chức”. Chỉ có “tiến lên phía trước hoặc lùi về phía sau,” và sự khác biệt đó tùy thuộc vào cách chúng ta chấp nhận và hành động theo sự giải nhiệm và kêu gọi của mình. Có lần tôi chủ tọa ở buổi lễ giải nhiệm một chủ tịch giáo khu trẻ tuổi, anh đã phục vụ tận tâm trong chín năm và bấy giờ đang hân hoan trong sự giải nhiệm của mình và trong chức vụ kêu gọi mới mà vợ chồng anh mới vừa nhận được. Họ được kêu gọi với tư cách là những người lãnh đạo lớp ấu nhi trong tiểu giáo khu của họ. Chỉ trong Giáo Hội này điều đó mới được xem là cũng vinh dự!

II.

Trong khi ngỏ lời tại một buổi họp phụ nữ, chủ tịch trung ương Hội Phụ Nữ Linda K. Burton nói: “Chúng ta hy vọng mỗi người chúng ta sẽ thấm nhuần một ước muốn lớn hơn để hiểu rõ chức tư tế hơn.”1 Sự cần thiết đó áp dụng cho tất cả chúng ta, và tôi sẽ tiếp tục vấn đề đó bằng cách nói về các chìa khóa và thẩm quyền của chức tư tế. Vì những vấn đề này đều được cả nam lẫn nữ quan tâm đến nên tôi hài lòng thấy rằng những buổi họp này được phát sóng và xuất bản cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội. Quyền năng của chức tư tế ban phước cho tất cả chúng ta. Các chìa khóa của chức tư tế hướng dẫn các phụ nữ cũng như những người đàn ông, và các giáo lễ của chức tư tế và thẩm quyền chức tư tế đều liên quan đến cả nam cũng như nữ.

III.

Chủ Tịch Joseph F. Smith mô tả chức tư tế là “quyền năng Thượng Đế giao phó cho con người, nhờ đó con người có thể hành động trên thế gian vì sự cứu rỗi của gia đình nhân loại.”2 Các vị lãnh đạo khác đã dạy chúng ta rằng chức tư tế “là quyền năng tột bậc trên thế gian này. Đó là quyền năng mà qua đó thế gian đã được sáng tạo.”3 Thánh thư dạy rằng “Chức Tư Tế này đã có từ lúc khởi thủy, và cũng sẽ còn đến ngày tận thế nữa” (Môi Se 6:7). Như vậy, chức tư tế là quyền năng mà nhờ đó chúng ta sẽ được phục sinh và tiến tới cuộc sống vĩnh cửu.

Sự hiểu biết chúng ta tìm kiếm bắt đầu với một sự hiểu biết về các chìa khóa của chức tư tế. “Các chìa khóa của chức tư tế là thẩm quyền Thượng Đế đã ban cho [những người nắm giữ] chức tư tế để chỉ dẫn, kiểm soát, và chi phối việc sử dụng chức tư tế của Ngài trên thế gian.”4 Mỗi hành động hoặc giáo lễ được thực hiện trong Giáo Hội được thực hiện theo thẩm quyền trực tiếp hoặc gián tiếp của một người nắm giữ các chìa khóa cho chức năng đó. Như Anh Cả M. Russell Ballard đã giải thích: “Những người có các chìa khóa chức tư tế … thật sự làm cho tất cả những người phục vụ trung tín dưới sự hướng dẫn của họ có thể sử dụng thẩm quyền chức tư tế và được tiếp cận với quyền năng của chức tư tế.”5

Bằng cách kiểm soát việc sử dụng thẩm quyền của chức tư tế, chức năng của các chìa khóa chức tư tế vừa có thể nới rộng lẫn giới hạn. Chức năng này nới rộng bằng cách làm cho thẩm quyền và các phước lành của chức tư tế có thể có sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế. Chức năng này giới hạn bằng cách chỉ dẫn ai sẽ được ban cho thẩm quyền của chức tư tế, ai sẽ nắm giữ các chức phẩm trong chức tư tế, cũng như cách truyền giao những quyền hạn và quyền năng của chức tư tế. Ví dụ, một người nắm giữ chức tư tế thì không thể truyền giao chức phẩm hoặc thẩm quyền của mình cho người khác, trừ khi được phép của người nắm giữ các chìa khóa đó. Nếu không có sự cho phép đó, thì giáo lễ sẽ không hợp lệ. Điều này giải thích lý do tại sao một người nắm giữ chức tư tế—bất kể chức phẩm nào—cũng không thể sắc phong cho một người trong gia đình mình hoặc thực hiện Tiệc Thánh trong nhà riêng của mình mà không được một trong những người nắm giữ các chìa khóa thích hợp cho phép.

Với ngoại lệ là các chị em phụ nữ làm công việc thiêng liêng trong đền thờ nhờ thẩm quyền của các chìa khóa được chủ tịch đền thờ nắm giữ, mà tôi sẽ mô tả sau, chỉ có người nắm giữ một chức phẩm của chức tư tế mới có thể thực hiện một giáo lễ của chức tư tế. Và tất cả các giáo lễ của chức tư tế được cho phép đều được ghi vào hồ sơ của Giáo Hội.

Cuối cùng, tất cả các chìa khóa của chức tư tế đều do Chúa Giê Su Ky Tô nắm giữ, chức tư tế thuộc về Ngài. Ngài là Đấng xác định các chìa khóa nào được ủy thác cho con người và các chìa khóa đó sẽ được sử dụng như thế nào. Chúng ta đã quen suy nghĩ rằng tất cả các chìa khóa của chức tư tế đều đã được truyền giao cho Joseph Smith trong Đền Thờ Kirtland, nhưng thánh thư ghi rằng tất cả những gì đã được truyền giao chính là “các chìa khóa của gian kỳ này.” (GLGƯ 110:16) Tại đại hội trung ương cách đây nhiều năm, Chủ Tịch Spencer W. Kimball nhắc nhở chúng ta rằng có các chìa khóa khác của chức tư tế đã không được ban cho con người trên thế gian, kể cả các chìa khóa của sự sáng tạo và sự phục sinh.6

Tính chất của những hạn chế đặt trên việc sử dụng các chìa khóa chức tư tế giải thích về sự tương phản quan trọng giữa các quyết định về các vấn đề điều hành Giáo Hội và các quyết định ảnh hưởng đến chức tư tế. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cùng Hội Đồng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai là những người chủ tọa Giáo Hội, đã được phép để đưa ra nhiều quyết định ảnh hưởng đến các chính sách và thủ tục của Giáo Hội—những vấn đề như địa điểm của các tòa nhà Giáo Hội và độ tuổi phục vụ truyền giáo. Nhưng mặc dù các vị thẩm quyền chủ tọa này nắm giữ và sử dụng tất cả các chìa khóa được ủy thác cho những người đàn ông trong gian kỳ này, nhưng họ cũng không được tự do để thay đổi khuôn mẫu đã được Chúa truyền lệnh rằng chỉ những người đàn ông mới nắm giữ các chức phẩm trong chức tư tế.

IV.

Bây giờ tôi nói đến vấn đề về thẩm quyền chức tư tế. Tôi bắt đầu với ba nguyên tắc mới vừa được thảo luận: (1) chức tư tế là quyền năng của Thượng Đế được ủy thác cho con người để hành động cho sự cứu rỗi của gia đình nhân loại, (2) thẩm quyền chức tư tế được chi phối bởi những người nắm giữ chức tư tế là những người nắm giữ chìa khóa chức tư tế, và (3) vì thánh thư ghi rằng “Tất cả các thẩm quyền [và] chức vị khác trong giáo hội đều phụ thuộc vào chức tư tế [Mên Chi Xê Đéc] này” (GLGƯ 107:5), nên tất cả mọi điều được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chìa khóa chức tư tế đó đều được thực hiện với thẩm quyền chức tư tế.

Điều này áp dụng cho phụ nữ như thế nào? Trong một bài nói chuyện cùng Hội Phụ Nữ, Chủ Tịch Joseph Fielding Smith, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã nói điều này: “Mặc dù các chị em phụ nữ đã không được ban cho Chức Tư Tế, chức này đã không được truyền giao cho họ, nhưng điều đó không có nghĩa là Chúa đã không ban cho họ thẩm quyền. … Một người có thể có được thẩm quyền ban cho mình, hoặc ban cho một người phụ nữ, để làm những điều nào đó trong Giáo Hội là điều ràng buộc và hoàn toàn cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta, như công việc mà các chị em phụ nữ làm trong Nhà của Chúa. Họ có được thẩm quyền ban cho họ để làm một số điều quan trọng và tuyệt vời, thiêng liêng cho Chúa, và ràng buộc hoàn toàn như các phước lành được những người đàn ông nắm giữ Chức Tư Tế ban cho.”7

Trong bài nói chuyện trứ danh đó, Chủ Tịch Smith đã nói đi và nói lại rằng các phụ nữ đã được ban cho thẩm quyền. Ông nói với các phụ nữ rằng: “Các chị em có thể nói với thẩm quyền, vì Chúa đã đặt thẩm quyền đó lên trên các chị em.” Ngài cũng nói rằng Hội Phụ Nữ “[đã] được ban cho quyền năng và thẩm quyền để làm rất nhiều việc. Công việc mà họ làm được thực hiện bằng thẩm quyền thiêng liêng.” Và dĩ nhiên, công việc Giáo Hội được nam giới hoặc nữ giới thực hiện, cho dù trong đền thờ hoặc trong các tiểu giáo khu hay chi nhánh, đều được thực hiện dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế. Vì vậy, khi nói về Hội Phụ Nữ, Chủ Tịch Smith đã giải thích: “[Chúa] đã ban cho họ tổ chức vĩ đại này là nơi họ có thẩm quyền để phục vụ dưới sự hướng dẫn của các giám trợ của tiểu giáo khu… , tìm kiếm lợi ích của các tín hữu về mặt thuộc linh lẫn vật chất.”8

Do đó, đúng là đối với các phụ nữ, Hội Phụ Nữ không phải chỉ là một giai cấp dành cho phụ nữ mà còn là một điều gì đó họ thuộc vào–đó là một tổ chức phụ thuộc vào chức tư tế đã được Chúa thiết lập.9

Chúng ta không quen nói về việc các phụ nữ có thẩm quyền của chức tư tế trong chức vụ kêu gọi của họ trong Giáo Hội, nhưng điều đó có thể được thẩm quyền nào khác? Khi một phụ nữ—trẻ tuổi hay lớn tuổi—được phong nhiệm để thuyết giảng phúc âm với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian, thì người này được ban cho thẩm quyền chức tư tế để thực hiện một chức năng của chức tư tế. Điều này cũng đúng khi một người phụ nữ được phong nhiệm để hành động với tư cách là một chức sắc hay giảng viên trong một tổ chức Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Bất cứ ai hành động trong một chức phẩm hoặc chức vụ kêu gọi nhận được từ một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế đều sử dụng thẩm quyền chức tư tế trong việc thực hiện các bổn phận đã được chỉ định cho mình.

Bất cứ ai sử dụng thẩm quyền chức tư tế đều không nên quan tâm đến quyền hạn của mình mà nên tập trung vào các trách nhiệm của mình. Đó là một nguyên tắc cần thiết trong xã hội nói chung. Nhà văn nổi tiếng người Nga là Aleksandr Solzhenitsyn nói rằng: “Đã đến lúc … để bảo vệ không quá nhiều nhân quyền như các nghĩa vụ của con người.”10 Các Thánh Hữu Ngày Sau chắc chắn nhận ra rằng việc hội đủ điều kiện cho sự tôn cao không phải là một vấn đề khẳng định quyền hạn mà là một vấn đề của việc làm tròn trách nhiệm.

V.

Chúa đã phán bảo rằng chỉ có những người đàn ông mới được sắc phong các chức phẩm trong chức tư tế. Nhưng, như nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội khác nhau đã nhấn mạnh, những người đàn ông không phải là “chức tư tế.”11 Những người đàn ông nắm giữ chức tư tế, với một bổn phận thiêng liêng để sử dụng chức này vì phước lành của tất cả con cái của Thượng Đế.

Quyền năng lớn lao nhất mà Thượng Đế đã ban cho các con trai của Ngài không thể được sử dụng nếu không có sự đồng hành của một trong các con gái của Ngài, vì Thượng Đế chỉ ban quyền năng cho các con gái của Ngài “để làm một người sáng tạo các thể xác mà thôi … để ý muốn và Kế Hoạch Vĩ Đại của Thượng Đế có thể đạt được thành quả.”12 Đó là những lời của Chủ Tịch J. Reuben Clark.

Ông nói tiếp: “Đây là vai trò của những người vợ và những người mẹ của chúng ta trong Kế Hoạch Vĩnh Cửu. Họ không phải là những người mang Chức Tư Tế; họ không được ban cho trách nhiệm phải làm các bổn phận và chức năng của Chức Tư Tế, họ cũng không phải gánh vác trách nhiệm của chức tư tế đó; họ là những người xây đắp và tổ chức theo quyền năng của chức tư tế đó, và dự phần vào các phước lành của chức tư tế đó, có được sự hỗ trợ của quyền năng Chức Tư Tế và một chức năng đã được Chúa kêu gọi, cũng có vai trò quan trọng vĩnh cửu như Chức Tư Tế vậy.”13

Trong những lời đầy soi dẫn đó, Chủ tịch Clark đã nói về gia đình. Như đã được nêu ra trong bản tuyên ngôn về gia đình, người cha chủ tọa trong gia đình, và người cha và người mẹ có trách nhiệm riêng biệt, nhưng họ “có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng.”14 Một vài năm trước khi có bản tuyên ngôn về gia đình, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã đưa ra lời giải thích đầy soi dẫn này: “Khi nói về hôn nhân là một quan hệ chung phần cộng tác, thì chúng ta hãy nói về hôn nhân như là một quan hệ chung phần cộng tác trọn vẹn. Chúng ta không muốn các phụ nữ Thánh Hữu Ngày Sau của mình là những người bạn đời im lặng hoặc hạn chế trong chỉ định vĩnh cửu đó! Xin hãy là một người bạn đời có đóng góptrọn vẹn.”15

Dưới mắt của Thượng Đế, cho dù trong Giáo Hội hoặc trong gia đình, phụ nữ và đàn ông đều bình đẳng với các trách nhiệm khác nhau.

Tôi kết thúc với một số lẽ thật về các phước lành của chức tư tế. Không giống như các chìa khóa chức tư tế và các lễ sắc phong chức tư tế, các phước lành của chức tư tế đều có sẵn cho các phụ nữ cũng như những người đàn ông với các điều kiện tương tự. Ân tứ Đức Thánh Linh và các phước lành của đền thờ là những điều minh họa quen thuộc về lẽ thật này.

Trong bài nói chuyện sâu sắc của Anh Cả M. Russell Ballard tại buổi họp Tuần Lễ Giáo Dục ở BYU vào mùa hè năm ngoái, ông đã đưa ra những lời dạy này:

“Giáo lý của Giáo Hội chúng ta đặt phụ nữ ngang bằng với nam giới nhưng khác với nam giới. Thượng Đế không coi giới tính nào là tốt hơn hoặc quan trọng hơn giới tính kia. …

“Khi những người nam và người nữ đi đền thờ, họ đều được làm lễ thiên ân với cùng một quyền năng, tức là quyền năng chức tư tế. … Việc tiếp cận với quyền năng và các phước lành của chức tư tế đều dành sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế.”16

Tôi làm chứng về quyền năng và các phước lành của chức tư tế của Thượng Đế, đều có sẵn cho các con trai và con gái của Ngài như nhau. Tôi làm chứng về thẩm quyền của chức tư tế, mà hoạt động trong khắp tất cả các chức phẩm và sinh hoạt của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng về chức năng đã được Chúa hướng dẫn của các chìa khóa chức tư tế, đã đuợc vị tiên tri/chủ tịch của chúng ta, Thomas S. Monson, nắm giữ và sử dụng. Cuối cùng và quan trọng hơn hết, tôi làm chứng về Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, mà chức tư tế này thuộc về Ngài và chúng ta là các tôi tớ của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Linda K. Burton, “Priesthood: ‘A Sacred Trust to Be Used for the Benefit of Men, Women, and Children’” (Bài ngỏ tại Đại Hội Phụ Nữ ở trường Brigham Young University, ngày 3 tháng Năm năm 2013), 1; ce.byu.edu/cw/womensconference/transcripts.php.

  2. Joseph F. Smith, Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 139.

  3. Boyd K. Packer, “Priesthood Power in the Home” (buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo của Giáo Hội toàn cầu, tháng Hai năm 2012);  lds.org/broadcasts; xin xem thêm James E. Faust, “Power of the Priesthood,” Ensign, tháng Năm năm 1997, 41–43.

  4. Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội; (2010), 2.1.1.

  5. M. Russell Ballard, “Men and Women in the Work of the Lord,” Liahona, tháng Tư năm 2014, 48; xin xem thêm Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society (2011), 138.

  6. Xin xem Spencer W. Kimball, “Our Great Potential,” Ensign, tháng Năm năm 1977, 49.

  7. Joseph Fielding Smith, “Relief Society—an Aid to the Priesthood,” Relief Society Magazine, tháng Giêng năm 1959, 4.

  8. Joseph Fielding Smith, “Relief Society—an Aid to the Priesthood,” 4, 5; xin xem thêm Teachings of Presidents of the Church: Joseph Fielding Smith (2013), 302.

  9. Xin xem Boyd K. Packer, “The Relief Society,” Ensign, tháng Năm năm 1998, 72; xin xem thêm Daughters in My Kingdom, 138.

  10. Aleksandr Solzhenitsyn, “A World Split Apart” (bài nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp tại Harvard University, ngày 8 tháng Sáu năm 1978); xin xem thêm Patricia T. Holland, “A Woman’s Perspective on the Priesthood,” Ensign, tháng Bảy năm 1980, 25; Tambuli, tháng Sáu năm 1982, 23; Dallin H. Oaks, “Rights and Responsibilities,” Mercer Law Review, tập 36, số 2 (mùa đông năm 1985), 427–42.

  11. Xin xem James E. Faust, “You Are All Heaven Sent,” Liahona, tháng Mười năm 2002, 113; M. Russell Ballard, “Đây Là Công Việc của Ta và Sự Vinh Quang của Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 19; Dallin H. Oaks, “Thẩm Quyền Chức Tư Tế trong Gia Đình và Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 26. Đôi khi chúng ta nói rằng Hội Phụ Nữ là một “đối tác với chức tư tế.” Nói chính xác hơn sẽ là trong công việc của Chúa thì Hội Phụ Nữ và các phụ nữ của Giáo Hội là “đối tác với những người nắm giữ chức tư tế.”

  12. J. Reuben Clark Jr., “Our Wives and Our Mothers in the Eternal Plan,” Relief Society Magazine, tháng Mười Hai năm 1946, 800.

  13. J. Reuben Clark Jr., “Our Wives and Our Mothers,” 801.

  14. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  15. Spencer W. Kimball, “Privileges and Responsibilities of Sisters,” Ensign, tháng Mười Một năm 1978, 106.

  16. M. Russell Ballard, Liahona, tháng Tư năm 2014, 48; xin xem thêm Sheri L. Dew, Women and the Priesthood (2013), nhất là chương 6, để có được các giáo lý có giá trị nêu lên ở đây mà được soạn thảo kỹ lưỡng.