2014
Thế Hệ Chọn Lọc
Tháng 2014


Thế Hệ Chọn Lọc

Các em đã được chọn để tham gia vào công việc của Ngài vào thời điểm này vì Ngài tin cậy rằng các em sẽ lựa chọn đúng.

Các em thiếu niên thân mến, có lẽ các em đã từng nghe nói rằng các em là một “thế hệ chọn lọc.” Điều đó có nghĩa là Thượng Đế đã chọn và chuẩn bị cho các em đến thế gian vào lúc này vì một mục đích quan trọng. Tôi biết điều này là có thật. Nhưng buổi tối hôm nay, tôi muốn ngỏ lời cùng các em là “thế hệ chọn lọc,” bởi vì chưa bao giờ trong lịch sử mà các cá nhân lại được ban phước với rất nhiều điều để lựa chọn. Thêm điều để lựa chọn có nghĩa là thêm cơ hội, và thêm cơ hội có nghĩa là thêm tiềm năng để làm điều tốt, và rủi thay, cũng làm điều xấu nữa. Tôi tin rằng Thượng Đế đã gửi các em đến đây vào lúc này vì Ngài tin cậy rằng các em sẽ thành công trong việc phân biệt giữa nhiều điều lựa chọn kỳ diệu khác nhau.

Năm 1974, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Tôi tin rằng Chúa đang thiết tha muốn đặt vào tay chúng ta các phát minh mà chúng ta là những người thường không thể nào tưởng tượng ra được” (“When the World Will Be Converted,” Ensign, tháng Mười năm 1974, 10).

Và quả thật Ngài đã làm như vậy! Các em lớn lên với một trong những công cụ hữu ích nhất trong lịch sử loài người: Internet. Vì có công cụ đó, nên chúng ta cũng có nhiều cách lựa chọn đa dạng. Tuy nhiên, việc có nhiều cách lựa chọn này cũng mang theo nhiều trách nhiệm. Internet tạo điều kiện cho các em truy cập điều tốt nhất lẫn điều tồi tệ nhất trên thế giới. Với Internet, các em có thể thực hiện những điều tuyệt vời trong một thời gian ngắn, hoặc các em có thể bị lôi cuốn vào vô số vấn đề không quan trọng mà sẽ lãng phí thời giờ và làm giảm tiềm năng của các em. Bằng cách bấm vào một nút trên máy vi tính của mình, các em có thể truy cập bất cứ điều gì mình mong muốn. Đó là nguyên tắc—các em mong muốn nhất điều gì? Điều gì lôi cuốn các em? Ước muốn của các em sẽ dẫn dắt đến đâu?

Hãy nhớ rằng Thượng Đế “ban cho loài người tùy theo sự mong muốn của họ” (An Ma 29:4) và rằng Ngài “sẽ phán xét tất cả mọi người tùy theo việc làm của họ, tùy theo những ước muốn trong lòng họ” (GLGƯ 137:9; xin xem thêm An Ma 41:3).

Anh Cả Bruce R. McConkie nói: “Trong một ý nghĩa thật sự nhưng có tính tượng trưng, sách sự sống là sách ghi chép các hành vi của loài người như sách này được viết lên trên thân thể của họ. … Có nghĩa là mọi ý nghĩ, lời nói và hành động đều [tác động] đến thân thể con người; tất cả những điều này đều để lại dấu vết của nó, mà có thể được Ngài là Đấng Vĩnh Cửu đọc dễ dàng như đọc những chữ trong một cuốn sách” (Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ 2 [1966], 97).

Internet cũng ghi lại những ước muốn của các em, được biểu lộ trong hình thức tìm kiếm và bấm chuột. Vô số nguồn tài liệu đang chờ đợi để đáp ứng những ước muốn đó. Khi lướt trên mạng Internet, các em để lại dấu vết của việc sử dụng Internet—các em giao tiếp với điều gì, các em đã xem các trang mạng nào, các em ở đó bao lâu, và những điều nào làm cho các em thích thú. Bằng cách này, Internet đã tạo ra một hồ sơ cá nhân trên mạng cho các em—trong một ý nghĩa nào đó, đó là “sách sự sống trực tuyến” của các em. Cũng như trong cuộc sống thật sự của các em, Internet sẽ càng ngày càng cung cấp thêm điều các em tìm kiếm. Nếu ước muốn của các em là thanh khiết, thì Internet có thể làm cho các ước muốn này được thanh khiết hơn, làm cho việc tham gia vào những sinh hoạt xứng đáng được dễ dàng hơn. Nhưng điều ngược lại cũng đúng như vậy.

Anh Cả Neal A. Maxwell đã giải thích điều đó như sau:

“Điều chúng ta liên tục mong muốn, theo thời gian, là điều chúng ta cuối cùng sẽ trở thành và là điều mà chúng ta sẽ nhận được trong cuộc sống vĩnh cửu. …

“… Chỉ bằng cách phát huy những ước muốn của chúng ta một cách cẩn thận thì các ước muốn đó mới có thể tiếp tục phục vụ chúng ta thay vì làm hại chúng ta! (“According to the Desire of [Our] Hearts,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 21, 22).

Các em thân mến, nếu các em không chủ động trong việc phát huy các ước muốn của mình, thì thế gian sẽ làm điều đó cho các em. Mỗi ngày, thế gian tìm cách ảnh hưởng đến các ước muốn của các em, lôi kéo các em để mua một thứ gì đó, bấm vào một cái gì đó, chơi một cái gì đó, đọc hoặc xem một điều gì đó. Cuối cùng, sự lựa chọn là thuộc về các em. Các em có quyền tự quyết. Đó là quyền năng không những hành động theo ước muốn của các em mà còn làm tinh tế, thanh tẩy, và cải thiện ước muốn của các em. Quyền tự quyết là khả năng của các em để trở thành con người mà các em muốn trở thành. Mỗi sự lựa chọn đưa các em đến gần hơn hoặc xa hơn con người mà Thượng Đế dự định cho các em để trở thành; mỗi cái nhấp chuột của các em đều rất quan trọng. Hãy luôn luôn tự hỏi mình: “Lựa chọn này sẽ dẫn đến đâu?” Hãy phát huy khả năng hiểu được kết quả của các hành động của các em sẽ là gì.

Sa Tan muốn kiểm soát quyền tự quyết của các em để nó có thể kiểm soát con người mà các em sẽ trở thành. Nó biết rằng một trong những cách tốt nhất để làm điều này là bằng cách bẫy các em với thói nghiện. Những sự lựa chọn của các em xác định liệu công nghệ sẽ làm cho các em có thể làm nô lệ hoặc bắt các em làm nô lệ.

Tôi xin đưa ra bốn nguyên tắc để giúp đỡ các em, là thế hệ chọn lọc, phát huy ước muốn của các em và hướng dẫn các em sử dụng công nghệ.

Thứ Nhất: Việc Biết Được Các Em Thật Sự Là Ai Sẽ Giúp Các Em Đưa Ra Quyết Định Một Cách Dễ Dàng Hơn

Tôi có một người bạn đã học được lẽ thật này một cách rất riêng tư. Con trai của anh ấy lớn lên trong phúc âm, nhưng nó dường như xa cách với phúc âm. Nó thường từ chối các cơ hội để sử dụng chức tư tế. Cha mẹ của nó rất thất vọng khi nó tuyên bố là nó đã quyết định không phục vụ truyền giáo. Người bạn của tôi đã thiết tha cầu nguyện cho con trai của mình, hy vọng rằng nó sẽ thay đổi trong lòng. Những hy vọng đó đã tiêu tan khi đứa con trai của anh ta loan báo là nó đã đính hôn. Người cha khẩn khoản con trai mình là hãy đi nhận phước lành tộc trưởng của nó. Cuối cùng đứa con trai đã đồng ý nhưng khẳng định là chỉ một mình nó đi gặp vị tộc trưởng mà thôi.

Sau khi đi nhận phước lành tộc trưởng trở về, nó đã rất xúc động. Nó dẫn cô bạn gái ra ngoài để có thể nói chuyện riêng với cô ấy. Người cha liếc nhìn ra cửa sổ và thấy hai người đang lau nước mắt cho nhau.

Về sau, đứa con trai đó chia sẻ với cha nó điều đã xảy ra. Nó vừa xúc động vừa giải thích rằng trong lúc nhận phước lành tộc trưởng, thì nó đã nhận được một sự hiểu biết hạn chế về con người của nó trong tiền dương thế. Nó thấy nó đã dũng cảm và có ảnh hưởng biết bao trong việc thuyết phục người khác đi theo Đấng Ky Tô. Khi biết được nó thật sự là ai thì làm thế nào nó lại không thể không phục vụ truyền giáo được?

Các em thiếu niên thân mến, hãy nhớ các em thật sự là ai. Hãy nhớ rằng các em nắm giữ chức tư tế thánh. Điều này sẽ soi dẫn các em để có những sự lựa chọn đúng khi các em sử dụng Internet và trong suốt cuộc đời của mình.

Thứ hai: Tiếp Cận với Nguồn Điện Lực

Các em có sự khôn ngoan của mọi thời đại ngay ở trong tay của mình—quan trọng hơn nữa, là những lời của các vị tiên tri, từ thời Cựu Ước đến thời Chủ Tịch Thomas S. Monson. Nhưng nếu các em không thường xuyên nạp điện cho máy điện thoại di động của mình, thì máy điện thoại đó sẽ là vô ích, và các em sẽ cảm thấy bị mất phương hướng và mất liên lạc. Các em sẽ không nghĩ đến việc bỏ một ngày mà không nạp điện cho pin của mình.

Cũng quan trọng như việc rời khỏi nhà mỗi ngày với cái điện thoại đã nạp đầy điện, thì việc chuẩn bị kỹ phần thuộc linh còn quan trọng hơn nữa. Mỗi khi các em nạp pin cho điện thoại của mình, thì hãy sử dụng điều đó để nhắc nhở bản thân xem mình đã nạp vào nguồn thuộc linh quan trọng nhất chưa—tức là cầu nguyện và học thánh thư, là những điều sẽ mang đến cho các em sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh (xin xem GLGƯ 11:12–14). Điều đó sẽ giúp các em biết tâm trí và ý muốn của Chúa để đưa ra những điều lựa chọn nhỏ nhặt nhưng quan trọng hàng ngày, là những điều quyết định hướng đi của các em. Nhiều người trong chúng ta ngay lập tức ngừng lại điều gì mình đang làm để đọc một lời nhắn trên điện thoại—chúng ta có nên quan tâm nhiều hơn đến các sứ điệp từ Chúa không? Việc xao lãng không kết nối với nguồn điện lực này sẽ là điều không thể tưởng tượng nổi đối với chúng ta (xin xem 2 Nê Phi 32:3).

Thứ Ba: Sở Hữu một Điện Thoại Thông Minh Không Làm Cho Các Em Thông Minh; nhưng Sử Dụng Điện Thoại Một Cách Thông Minh Mới Làm Cho Các Em Thông Minh

Các em thiếu niên thân mến, đừng làm những điều rồ dại với điện thoại thông minh của các em. Các em đều biết ý tôi muốn nói gì (xin xem Mô Si A 4:29). Công nghệ có vô số cách để có thể làm cho các em xao lãng khỏi điều quan trọng nhất. Hãy tuân theo câu ngạn ngữ: “Ở đâu thì làm đó.” Khi các em đang lái xe, thì hãy lái xe. Khi các em đang ở trong lớp học, thì hãy tập trung vào bài học. Khi các em đang ở với bạn bè, thì hãy chú ý đến họ. Bộ não của các em không thể tập trung vào hai việc cùng một lúc. Việc cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc thật sự có nghĩa là các em đang tập trung từ một điều này đến một điều khác. Một câu tục ngữ xưa nói rằng: “Nếu ta đuổi theo hai con thỏ thì sẽ không bắt được con nào cả.”

Thứ tư: Chúa Tạo Nên Công Nghệ để Hoàn Thành Mục Đích của Ngài

Mục đích thiêng liêng của công nghệ là để gấp rút làm công việc cứu rỗi. Là thành viên của thế hệ chọn lọc, các em đều hiểu rõ công nghệ. Hãy sử dụng công nghệ để giúp các em tiến triển đến sự hoàn hảo. Vì được ban cho nhiều nên các em cũng phải ban phát (xin xem “Because I Have Been Given Much,” Hymns, số 219). Chúa kỳ vọng rằng các em sẽ sử dụng những công cụ tuyệt vời này để thúc đẩy công việc của Ngài, để chia sẻ phúc âm theo những cách mà thế hệ của tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra được. Khi xưa, những thế hệ trước chỉ có thể ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng và những người sống trong thị trấn của họ mà thôi, còn bây giờ các em có khả năng qua Internet và trang mạng truyền thông xã hội để truyền đạt cho mọi người ở khắp nơi và ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Tôi làm chứng rằng đây là Giáo Hội của Chúa. Các em đã được chọn để tham gia vào công việc của Ngài vào thời điểm này vì Ngài tin cậy rằng các em sẽ lựa chọn đúng. Các em là thế hệ chọn lọc. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.