Phúc Âm Kinh Điển
Ngài Đã Sống Lại
David O. McKay sinh ngày 8 tháng Chín năm 1873. Ông được sắc phong Sứ Đồ vào ngày 9 tháng Tư năm 1906, vào lúc 32 tuổi, và vào ngày 9 tháng Tư năm 1951, ông được tán trợ với tư cách là Chủ Tịch thứ chín của Giáo Hội. Sau đây là một đoạn trích từ bài nói chuyện ông đưa ra tại đại hội trung ương tháng Tư năm 1966. Để có trọn bài nói chuyện, xin xem Conference Report, tháng Tư năm 1966, 55–59.
Một đức tin vững chắc nơi Đấng Ky Tô là nhu cầu quan trọng nhất của thế giới ngày nay.
Nếu phép lạ là một sự kiện siêu nhiên mà các sức mạnh trước đây của phép lạ vượt ra ngoài sự khôn ngoan hữu hạn của con người, thì Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô là phép lạ kỳ diệu nhất từ trước đến giờ. Qua sự Phục Sinh, sự toàn năng của Thượng Đế và sự bất tử của con người đã được tiết lộ ra.
Tuy nhiên, Sự Phục Sinh là một phép lạ chỉ trong ý nghĩa rằng nó vượt quá sự hiểu biết của con người. Đối với tất cả những ai chấp nhận Sự Phục Sinh là sự thật, thì nó chỉ là một sự biểu hiện về một luật pháp thông thường của cuộc sống. …
Nếu ta xem đó là một sự thật rằng Đấng Ky Tô quả thật đã sống lại và hiện đến với tư cách là một Đấng vinh hiển, phục sinh, thì các anh chị em có câu trả lời cho câu hỏi của mọi thời đại: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!” (Gióp 14:14).
Những Nhân Chứng của Sự Phục Sinh
Sự Phục Sinh thực sự của Đấng Ky Tô từ mộ phần là một thực tế cho các môn đồ, là những người biết Ngài rất rõ là một điều chắc chắn. Trong tâm trí của họ không hề có sự nghi ngờ. Họ là những nhân chứng của sự thật; họ biết vì mắt họ trông thấy, tai họ nghe, tay của họ cảm nhận được sự hiện diện hữu hình của Đấng Cứu Chuộc đã phục sinh.
Phi E Rơ, Vị Sứ Đồ trưởng, nhân dịp mười một sứ đồ đã nhóm họp lại để chọn một người thay thế cho Giu Đa Ích Ca Rốt, nói: “Vậy, nội những kẻ đã theo cùng chúng ta … phải có một người làm chứng cùng chúng ta về sự Ngài sống lại” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:21–22). …
Trong một dịp khác Phi E Rơ tuyên bố trước mặt kẻ thù của họ, chính là những người đã đóng đinh Chúa Giê Su đến chết trên cây thập tự: “Hỡi người Y Sơ Ra Ên, hãy nghe lời nầy; … Đức Chúa Giê Su nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:22, 32). …
Các Nhân Chứng Khác
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sát cánh cùng với Phi E Rơ, Phao Lô, với Gia Cơ, và với tất cả các Vị Sứ Đồ ban đầu khác, là những người đã chấp nhận Sự Phục Sinh không những là đúng theo nghĩa đen, mà còn là sự hoàn tất sứ mệnh thiêng liêng của Đấng Ky Tô trên thế gian.
Một ngàn tám trăm năm sau khi Chúa Giê Su chết trên cây thập tự, Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố rằng Chúa phục sinh đã hiện ra cùng ông và nói: “Tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17). …
Nếu chứng ngôn của Joseph Smith chỉ là chứng ngôn duy nhất chúng ta có, thì điều đó chẳng có ích gì, thể như Đấng Ky Tô nói về chứng ngôn của Ngài khi Ngài nói về chính Ngài; nhưng Chúa Giê Su có chứng ngôn của Thượng Đế và của các Sứ Đồ. Và Joseph Smith đã có các nhân chứng khác [là những người] xác nhận chứng ngôn [của ông], sự thật về điều đó đã được cho biết bởi sự hiện đến của thiên sứ Mô Rô Ni cùng các nhân chứng. …
… Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô [cũng] tuyên bố về khải tượng đầy vinh quang của Tiên Tri Joseph Smith:
“Và giờ đây, sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!” (GLGƯ 76:22). …
Khi cân nhắc các chứng ngôn vững chắc như vậy do Các Sứ Đồ thời xưa đưa ra—các chứng ngôn được ghi lại một vài năm tiếp theo Sự Phục Sinh—khi cân nhắc khải tượng kỳ diệu nhất trong thời đại này về Đấng Ky Tô hằng sống, thì dường như khó khăn thực sự để hiểu làm thế nào con người vẫn có thể chối bỏ Ngài và có thể nghi ngờ sự bất diệt của con người.
Điều Chúng Ta Cần Ngày Nay
Một đức tin vững chắc nơi Đấng Ky Tô là nhu cầu quan trọng nhất của thế gian ngày nay. Đức tin này còn nhiều hơn là một cảm giác đơn thuần. Đó là quyền năng mà đưa đến hành động, và phải là sức mạnh cơ bản nhất trong số tất cả các sức mạnh thúc đẩy trong đời sống con người. …
Nếu con người chỉ cần “làm theo ý muốn của Ngài,” thay vì nhìn một cách vô vọng vào ngôi mộ tối tăm và ảm đạm, thì họ sẽ hướng mắt nhìn lên trời và biết rằng Đấng Ky Tô đã phục sinh! …
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tuyên bố với tất cả thế giới rằng Đấng Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Chuộc của thế gian! Không có tín đồ chân chính nào được mãn nguyện để chấp nhận Ngài chỉ là một nhà cải cách vĩ đại, một Đức Thầy lý tưởng, hoặc thậm chí là một người hoàn hảo. Người ở Ga Li Lê—không phải theo nghĩa bóng, mà thực sự—là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. …
Thực Sự Được Sinh Lại
Không có một người nào có thể chân thành quyết tâm để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình những lời giảng dạy của Chúa Giê Su ở Na Xa Rét mà không cảm nhận được một sự thay đổi trong con người của mình một cách trọn vẹn. Cụm từ “được sinh lại” có một ý nghĩa sâu sắc hơn điều mà nhiều người mang đến cho cụm từ đó. … Một người hạnh phúc là người thực sự cảm nhận được sự cải thiện, quyền năng chuyển đổi đến từ sự gần gũi này với Đấng Cứu Rỗi, mối quan hệ này với Đấng Ky Tô hằng sống. Tôi biết ơn là tôi biết rằng Đấng Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc của tôi. …
Sứ điệp về Sự Phục Sinh … là sứ điệp đầy an ủi nhất, vinh quang nhất từng được ban cho con người, vì khi cái chết mang đi một người thân yêu của chúng ta, thì tâm hồn phiền muộn của chúng ta được an ủi bởi niềm hy vọng và sự bảo đảm của Thượng Đế được thể hiện trong lời nói: “Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi!” [xin xem Ma Thi Ơ 28:6; Mác 16:6].
Tôi hoàn toàn biết rằng cái chết đã bị Chúa Giê Su Ky Tô chiến thắng, và vì Đấng Cứu Chuộc của chúng ta sống nên chúng ta cũng sẽ sống.