2015
Quyền Năng của Đức Tin
Tháng 2015


Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô

Quyền Năng của Đức Tin

Tác giả sống ở Oregon, Hoa Kỳ.

Nếu Cha Thiên Thượng giải thoát chúng ta khỏi những thử thách chỉ vì chúng ta đã cầu xin, thì Ngài sẽ từ chối không cho chúng ta những kinh nghiệm rất cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta.

A mother ssitting with her small daughter as the girl colors in a coloring book.

Có một năm nọ ở đại học, tôi đang làm bài thi thì cổ của tôi bắt đầu bị đau. Tôi vẫn còn đau khi sự căng thẳng với bài thi đã qua. Tôi tham khảo ý kiến với các bác sĩ và các nhà trị liệu và thử một loạt các phương pháp điều trị, nhưng cơn đau vẫn tiếp tục. Đến một năm sau, khi vật lộn để đối phó với cơn đau này, thì tôi cũng vật lộn để gia tăng đức tin của mình. Tôi đã dành nhiều thời gian ra để cầu nguyện, tôi đã học thánh thư, và tôi đã hỏi xin những phước lành của chức tư tế. Tôi cảm thấy rằng nếu tôi chỉ cần có đủ đức tin, thì tôi sẽ được chữa lành.

Chúa Giê Su Ky Tô chữa lành người bệnh, người mù, người què, người phung—“theo như đức tin [của họ]” (Ma Thi Ơ 9:29). Tôi biết rằng Ngài có quyền năng để chữa lành cho tôi như Ngài đã chữa lành cho rất nhiều người khác trong cuộc sống trên trần thế của Ngài. Do đó, tôi kết luận rằng chỉ vì việc thiếu đức tin đã ngăn giữ tôi khỏi việc được chữa lành, vì vậy tôi đã nỗ lực nhiều hơn nữa. Trong khi tiếp tục với vật lý trị liệu, tôi đã cầu nguyện, nhịn ăn, học hỏi và tin tưởng. Tuy nhiên, cơn đau của tôi vẫn kéo dài.

Thánh thư dạy chúng ta rằng với đức tin chúng ta có thể làm phép lạ (xin xem Ma Thi Ơ 17:20), tuy nhiên tôi vẫn không thể được làm giảm bớt cơn đau nhẹ này. Quyền năng nơi đức tin của tôi ở đâu? Cuối cùng, tôi lặng lẽ chấp nhận hoàn cảnh của mình, tìm cách đối phó với sự khó chịu của mình, và trở nên bằng lòng để đạt được sự hiểu biết trọn vẹn về đức tin và sự chữa lành trong tương lai.

Nhiều năm sau, tôi nói chuyện với một người bạn đang vật lộn với cơn buồn nôn khủng khiếp mà đã làm cho chị ấy phải đi bệnh viện nhiều hơn một lần trong thời gian chị ấy mang thai lần đầu. Erin muốn có thêm một đứa con nữa, nhưng chị sợ rằng mình sẽ phải chịu đựng những nỗi khó chịu mà chị đã đối phó khi mang thai lần đầu. Chị nói với tôi rằng chị đã nhịn ăn và cầu nguyện và rằng chị thực sự tin rằng Cha Thiên Thượng sẽ không bắt chị phải trải qua những cơn khó chịu đó lần thứ hai.

Trong khi chúng tôi nói chuyện, thì tôi nhớ đến câu thánh thư: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 46:10). Tôi nghĩ về kinh nghiệm của mình trong việc học cách yên lặng ở giữa cơn hoạn nạn và khuyên nhủ Erin nên tiếp tục có đức tin nhưng không làm cho đức tin đó tùy thuộc vào việc có hay không có kinh nghiệm với cơn buồn nôn khi mang thai lần tới.

Trong khi tiếp tục học nguyên tắc của đức tin, tôi đọc bài giảng của An Ma về đức tin, trong đó ông dạy rằng “nếu các người có đức tin, các người hy vọng những gì không trông thấy được mà có thật” (An Ma 32:21).

Khi suy ngẫm câu thánh thư này, tôi khám phá ra rằng đức tin không phải là điều như tôi nghĩ. Đức tin mà An Ma giảng dạy cho chúng ta là hy vọng nơi các nguyên tắc chân chính. Việc có đức tin không có nghĩa là chúng ta tin rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ luôn luôn ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin vào lúc chúng ta cầu xin. Việc có đức tin rằng Đấng Ky Tô sẽ chữa lành cổ của tôi hoặc Ngài sẽ làm cho Erin không buồn nôn khi mang thai là không có đức tin nơi các nguyên tắc chân chính. Tuy nhiên, chúng ta có thể có đức tin rằng Đấng Ky Tô có quyền năng để chữa lành, rằng Ngài quan tâm đến chúng ta, rằng Ngài sẽ củng cố chúng ta, và nếu chúng ta kiên trì chịu đựng thì chúng ta có thể hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa đã hứa: “Bất cứ điều gì ngươi xin với đức tin, và tin tưởng rằng mình sẽ được ban cho trong danh Đấng Ky Tô, thì ngươi sẽ nhận được.” (Ê Nót 1:15). Tôi tin rằng quyền năng trong lời hứa này nằm trong lời khuyên dạy nên tin “trong danh của Đấng Ky Tô.” Điều được ghi vào Bible Dictionary (Tự Điển Kinh Thánh) về lời cầu nguyện dạy chúng ta rằng: “Chúng ta cầu nguyện trong danh của Đấng Ky Tô khi tâm trí của chúng ta là tâm trí của Đấng Ky Tô, và ước muốn của chúng ta là ước muốn của Đấng Ky Tô—khi những lời của Ngài ở trong chúng ta (Giăng 15:7). Sau đó chúng ta cầu xin về những điều mà Thượng Đế có thể ban cho. Nhiều lời cầu nguyện vẫn chưa được đáp ứng vì những lời cầu nguyện đó không hề được dâng lên trong danh của Đấng Ky Tô; những lời cầu nguyện này không thể nào thể hiện tâm trí của Ngài mà là kết quả của tính ích kỷ của con người.”

Khi chúng ta cầu xin trong đức tin về một điều gì đó phù hợp với ý muốn của Thượng Đế, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta theo những ước muốn của chúng ta. Cha Thiên Thượng biết rõ chúng ta, yêu thương chúng ta, và mong muốn tất cả mọi điều cần thiết cho chúng ta để trở về nơi hiện diện của Ngài. Và đôi khi điều đó gồm có những chông gai, rắc rối và thử thách (xin xem 1 Phi E Rơ 1:7). Nếu Cha Thiên Thượng giải thoát chúng ta khỏi những thử thách chỉ vì chúng ta đã cầu xin, thì Ngài sẽ từ chối không cho chúng ta những kinh nghiệm rất cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta phải học cách tin cậy kế hoạch của Thượng Đế dành cho chúng ta và đặt ý muốn của chúng ta phục tùng ý muốn của Ngài. Khi sắp đặt ước muốn của mình theo ước muốn của Ngài và thừa nhận sự tùy thuộc hoàn toàn của mình vào Ngài, thì chúng ta có thể hội đủ điều kiện để nhận được “phần thưởng về đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình” (1 Phi E Rơ 1:9).