2015
Sự Tin Đạo Thanh Sạch
Tháng 2015


Sự Tin Đạo Thanh Sạch

Sự phục vụ vị tha—quên bản thân mình, đáp ứng nhu cầu của người khác, và dâng hiến cuộc đời của chúng ta để phục vụ họ—luôn luôn là một đặc tính của các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

composite of different families

Tranh do Annie Henrie minh họa

Trong Ma Thi Ơ chương 11, Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta một bài học quan trọng mà qua đó Ngài đã không trả lời cho một câu hỏi do các môn đồ của Giăng Báp Tít đặt ra:

“Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Ky Tô, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng:

“Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng?

“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: hãy về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy:

“Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành” (Ma Thi Ơ 11:2–5).

Thay vì ban cho một lời giải thích ngắn về giáo lý để mô tả rằng Ngài quả thật là “Đấng sẽ đến,” thì Đấng Cứu Rỗi đáp lại bằng điều Ngài đã làm—tấm gương phục vụ của Ngài.

Trong đại hội trung ương tháng Tư năm 2014, Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta phục vụ Cha Thiên Thượng hữu hiệu nhất bằng cách ảnh hưởng đến những người khác và phục vụ họ một cách ngay chính. Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô chính là tấm gương sáng nhất trên thế gian.”1

Sự phục vụ vị tha—quên bản thân mình, đáp ứng nhu cầu của người khác, và hiến dâng cuộc đời của chúng ta để phục vụ họ—luôn luôn là một đặc tính của các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi Vua Bên Gia Min giảng dạy hơn 100 năm trước khi sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17).

Gia Cơ nhắc nhở chúng ta rằng một khía cạnh thiết yếu của “sự tin đạo thanh sạch” được tìm thấy trong sự phục vụ của chúng ta đối với những người khác khi chúng ta “thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ” (Gia Cơ 1:27). “Sự tin đạo thanh sạch” có ý nghĩa nhiều hơn lời tuyên bố về niềm tin; đó là một cách thể hiện niềm tin.

Hãy Yêu Thương Đồng Loại của Mình

Vào giữa tháng Bảy năm 1984, chỉ vài tuần sau khi vợ tôi là Carol và tôi kết hôn trong Đền Thờ Los Angeles California, chúng tôi hành trình đi đến Utah, nơi tôi sẽ bắt đầu sự nghiệp của mình và Carol sẽ hoàn tất chương trình học đại học của cô ấy. Chúng tôi đi trên hai chiếc xe riêng. Chúng tôi đã chất tất cả mọi thứ chúng tôi có lên hai chiếc xe đó.

Khoảng nửa đường đi thì Carol lái xe song song với chiếc xe của tôi và bắt đầu ra dấu cho tôi thấy. Đây là trong thời kỳ trước khi điện thoại di động và điện thoại thông minh, nhắn tin và Twitter ra đời. Khi nhìn thấy vẻ mặt của cô ấy qua cửa kính xe, tôi có thể biết là cô ấy không được khỏe. Cô ấy cho biết rằng cô ấy có thể tiếp tục lái xe, nhưng tôi lo lắng cho người vợ mới cưới của mình.

Khi chúng tôi đến gần thị trấn nhỏ là Beaver, Utah, thì một lần nữa cô ấy lái xe song song với xe tôi, và tôi có thể biết là cô ấy cần phải ngừng xe lại. Cô ấy bị bệnh và không thể tiếp tục đi tiếp nữa. Chúng tôi có hai chiếc xe chất đầy quần áo và quà tặng đám cưới, nhưng rủi thay chúng tôi không có nhiều tiền. Chúng tôi không có đủ tiền để mướn một phòng khách sạn. Tôi không biết phải làm gì.

Không một ai trong chúng tôi đã từng đến Beaver, và tôi không thực sự biết mình đang tìm kiếm điều gì, chúng tôi lái xe loanh quanh trong một vài phút cho đến khi tôi nhìn thấy một công viên. Chúng tôi lái vào bãi đậu xe và tìm thấy một cái cây có một chút bóng râm, ở đó tôi trải ra một tấm chăn để Carol có thể nghỉ ngơi.

Một vài phút sau, một chiếc xe khác lái vào bãi đậu xe gần như trống và đậu lại bên cạnh hai chiếc xe của chúng tôi. Một người phụ nữ, khoảng chừng tuổi của mẹ chúng tôi, bước ra khỏi xe của mình và hỏi có điều gì cần được giúp đỡ không. Bà ta nói rằng bà thấy chúng tôi khi lái xe ngang qua đó và cảm thấy rằng bà nên dừng lại. Khi chúng tôi giải thích hoàn cảnh của mình thì ngay lập tức bà mời chúng tôi đi theo bà về nhà, để chúng tôi có thể nghỉ ngơi ở đó cho đến khi nào chúng tôi còn cần nghỉ ngơi.

Chẳng bao lâu chúng tôi thấy mình ở trên một chiếc giường thoải mái trong phòng ngủ tầng hầm mát mẻ của nhà bà. Ngay khi chúng tôi đã thấy thoải mái rồi thì người phụ nữ tuyệt vời này nói rằng bà có một số việc lặt vặt phải lo và rằng chúng tôi sẽ ở một mình trong một vài giờ. Bà ta nói với chúng tôi rằng nếu chúng tôi có đói thì chúng tôi cứ tự do ăn bất cứ thức ăn gì chúng tôi có thể tìm thấy trong nhà bếp, và nếu chúng tôi có đi trước khi bà trở về nhà, thì xin làm ơn đóng cửa trước lại.

Sau khi ngủ một giấc ngủ rất cần thiết, Carol cảm thấy khỏe hơn và chúng tôi tiếp tục chuyến đi của mình mà không cần phải vào nhà bếp của nhà bà ấy. Khi chúng tôi ra đi, người phụ nữ nhân từ này vẫn chưa trở về nhà. Chúng tôi rất thất vọng, chúng tôi đã không ghi địa chỉ và chưa bao giờ nói lời cám ơn thích hợp với người Sa Ma Ri nhân lành của mình, là người đã dừng lại trên đường và mở cửa nhà mình cho những người lạ đang hoạn nạn.

Khi tôi suy ngẫm kinh nghiệm này, thì tôi nghĩ đến những lời của Chủ Tịch Thomas S. Monson, là người nêu gương về lời dạy của Đấng Cứu Rỗi “hãy đi, làm theo như vậy” (xin xem Lu Ca 10:37) như bất cứ người nào trên thế gian: “Chúng ta không thể thực sự yêu mến Thượng Đế nếu không yêu thương đồng loại của mình trên trần thế này.”2

Bất cứ nơi nào chúng ta gặp phải “đồng loại”—trên con đường hoặc trong nhà của chúng ta, trong sân chơi hay trong trường học của chúng ta, tại nơi làm việc hoặc ở nhà thờ—khi chúng ta tìm kiếm, xem, và hành động, thì chúng ta sẽ trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi, ban phước và phục vụ dọc theo đường đi.

Tìm Kiếm

drawing of woman praying

Tranh do Annie Henrie minh họa

Anh Cả Neal A. Maxwell (1926–2004) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

“Không giống như Đấng Cứu Rỗi quý báu của mình, chúng ta chắc chắn không thể nào cứu chuộc tội lỗi của nhân loại! Hơn nữa, chúng ta chắc chắn không thể gánh chịu mọi bệnh tật, yếu đuối, và buồn phiền của con người (xin xem An Ma 7:11–12).

“Tuy nhiên, trên quy mô nhỏ của mình, cũng giống như Chúa Giê Su đã mời gọi, chúng ta có thể thực sự cố gắng để trở thành ‘phải giống như [Ngài] vậy’ (3 Nê Phi 27:27).”3

Khi tìm cách để trở thành giống như Ngài, với một ước muốn chân thành để ban phước cho “những người đồng loại của mình,” chúng ta sẽ được ban cho cơ hội để quên đi bản thân và nâng đỡ những người khác. Những cơ hội này thường thường có thể là bất tiện, nhằm thử thách ước muốn chân thành của chúng ta để trở thành giống như Đức Thầy, mà sự phục vụ vĩ đại nhất, Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, là bất cứ cái gì chỉ trừ thuận tiện. Ngài phán: “Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người” (GLGƯ 19:19).

Việc chân thành tìm cách để được giống như Đấng Cứu Rỗi hơn sẽ cho phép chúng ta thấy điều chúng ta có thể không thấy ở nơi nào khác. Người Sa Ma Ri nhân lành của chúng ta sống gần gũi với Thánh Linh đủ để đáp ứng một sự thúc giục và đến gần một người lạ đang hoạn nạn.

Xin xem

drawing of three children with lantern

Tranh do Annie Henrie minh họa

Nhìn bằng đôi mắt thuộc linh là nhìn mọi sự việc theo hiện trạng của nó và nhận ra những nhu cầu chúng ta có thể đã không nhận thấy ở nơi nào khác. Trong ngụ ngôn chiên và dê, những người “được phước” cũng như những người bị “nguyền rủa” đã không nhận ra Đấng Cứu Rỗi nơi những người bị đói khát, thiếu mặc, hoặc bị tù. Họ phản ứng với phần thưởng của mình bằng cách hỏi, “Khi nào chúng tôi đã thấy Chúa?” (Xem Ma Thi Ơ 25:34–44).

Chỉ có những người đã thấy với mắt thuộc linh, nhận ra những nhu cầu, mới hành động và ban phước cho những người chịu đau khổ. Người Sa Ma Ri nhân lành của chúng tôi đã nhận ra nhu cầu khi bà ta nhìn thấy với đôi mắt thuộc linh.

Thi Hành

drawing of older woman and young man

Tranh do Annie Henrie minh họa

Chúng ta có thể thấy các nhu cầu xung quanh mình nhưng cảm thấy không thích hợp để đáp ứng, vì cho rằng điều chúng ta phải ban phát là không đủ. Khi chúng ta tìm cách để trở nên giống như Ngài và khi chúng ta thấy các nhu cầu ở những người đồng loại của mình qua đôi mắt thuộc linh, thì chúng ta cần phải tin rằng Chúa có thể làm việc qua chúng ta, và sau đó chúng ta phải hành động theo.

Khi bước vào đền thờ, Phi E Rơ và Giăng gặp một người “què từ lúc sanh ra”, người này xin họ bố thí (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1–3). Câu trả lời của Phi E Rơ là một tấm gương và một lời mời cho mỗi người chúng ta:

“Ta chẳng có vàng bạc chi hết, song điều ta có thì ta cho ngươi: nhân danh Đức Chúa Giê Su Ky Tô ở Na Xa Rét, hãy bước đi!

“Phi E Rơ nắm tay hữu người đỡ dậy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:6–7).

Chúng ta có thể hành động bằng cách ban phát thời giờ và tài năng của mình, nói lời tử tế, hoặc giúp đỡ. Khi tìm kiếm và nhìn thấy, chúng ta sẽ được đặt trong hoàn cảnh và tình huống mà chúng ta có thể hành động và ban phước. Người Sa Ma Ri nhân lành của chúng tôi đã hành động. Bà đã đưa chúng tôi về nhà bà và cung cấp cho chúng tôi những gì bà có. Bà chỉ nói: “Song điều ta có thì ta cho ngươi.” Đó chính là điều chúng tôi cần.

Chủ Tịch Monson đã dạy những nguyên tắc tương tự:

“Trong cuộc sống của mình trên thế gian, mỗi người chúng ta đều sẽ đi trên Con Đường Giê Ri Cô của mình. Kinh nghiệm của các anh chị em sẽ là gì? Kinh nghiệm của tôi sẽ là gì? Tôi sẽ lờ người bị gục ngã ở giữa bọn trộm cướp và cần tôi giúp đỡ không? Các anh chị em sẽ giúp đỡ không?

“Tôi sẽ là người nhìn thấy kẻ bị thương và nghe lời cầu xin của người ấy tuy nhiên tôi lại đi tránh qua phía bên kia không? Các anh chị em sẽ làm như vậy không?

“Hoặc tôi sẽ là người thấy, nghe, dừng lại và giúp đỡ không? Các anh chị em sẽ làm như vậy không?

“Chúa Giê Su ban cho khẩu lệnh: ‘Hãy đi, làm theo như vậy.’ Khi chúng ta tuân theo lời phán đó, thì một viễn cảnh niềm vui hiếm khi sánh bằng và không bao giờ bị vượt trội hơn được mở ra cho tầm nhìn vĩnh cửu của chúng ta.”4

Khi trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi bằng cách tìm kiếm, nhìn thấy, và hành động, thì chúng ta sẽ tiến đến việc biết được lẽ trung thực của những lời của Vua Bên Gia Min: “Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17).

Ghi Chú

  1. Richard G. Scott, “Ta Đã Làm Gương cho Các Ngươi,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 35.

  2. Thomas S. Monson, “Tình Yêu Thương—Thực Chất của Phúc Âm,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 91.

  3. Neal A. Maxwell, “Apply the Atoning Blood of Christ,” Ensign, tháng Mười Một năm 1997, 22.

  4. Thomas S. Monson, “Your Jericho Road,” Ensign, tháng Năm năm 1977, 71.