Hỏi và Đáp
“Làm thế nào tôi có thể trở nên thoải mái đến mức có thể nói chuyện với vị giám trợ của tôi về các vấn đề hoặc mối quan tâm?”
Các em có thể cảm thấy lo lắng khi nói chuyện với vị giám trợ của mình về những điều các em đang gặp khó khăn, và điều đó là bình thường. Chúng ta thường cảm thấy lo lắng trước những kinh nghiệm mới mẻ hoặc trước khi nói chuyện với một người lớn.
Nhưng vị giám trợ của các em được Thượng Đế kêu gọi. Ông được kêu gọi vì ông là một môn đồ đầy lòng cam kết của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông sẽ làm hết sức mình để có thể nhân từ và thông cảm. Mục tiêu của ông là để giúp các em đến cùng Đấng Cứu Rỗi để các em có thể tìm thấy sự bình an. Ban đầu, các em có thể cảm thấy ngượng ngùng để nói chuyện với ông về những thắc mắc hoặc tội lỗi của mình, nhưng ông sẽ không nghĩ xấu về các em đâu. Trong thực tế, ông sẽ hài lòng vì các em có ước muốn cải thiện. Và ông sẽ giữ cho cuộc trò chuyện với các em được kín nhiệm.
Các em không cần phải một mình mang gánh nặng của mình. Vị giám trợ của các em có thể giúp các em tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi của các em, và nếu cần thiết, giúp các em hối cải và vượt qua những cảm nghĩ tội lỗi, tuyệt vọng, hoặc không xứng đáng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.
Khi nói chuyện với vị giám trợ của mình, các em sẽ cảm nhận được tình yêu thương của ông dành cho các em. Mặc dù ông ấy chịu trách nhiệm về toàn thể tiểu giáo khu hoặc chi nhánh, nhưng ông tập trung chủ yếu vào sự an lạc của các thiếu niên và thiếu nữ. Các em sẽ không làm phiền ông ấy khi yêu cầu được giúp đỡ.
Các em có thể cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng để có được sức mạnh và lòng can đảm để nói chuyện với vị giám trợ của mình. Ngài đã cho phép vị giám trợ của các em để giúp đỡ các em và vị giám trợ của các em thiết tha để làm như vậy. Nếu các em đi đến với một tấm lòng mở rộng và ước muốn để được tốt hơn, thì các em sẽ thấy rằng khi rời khỏi văn phòng của ông các em trở thành một người tốt hơn trước.
Ông Ấy Sẽ Không Nghĩ Xấu về Bạn Đâu
Vị giám trợ của tiểu giáo khu của bạn được ban cho thẩm quyền để hướng dẫn bạn qua các bước hối cải. Đôi khi việc tìm đến vị giám trợ của bạn là cách duy nhất để bạn có thể hối cải trọn vẹn nhờ vào Đấng Cứu Rỗi. Khi tôi cần nói chuyện với vị giám trợ của mình, thì ông đã giúp tôi tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi và khắc phục vết thương sâu nhất mà tôi từng có. Vị giám trợ của bạn muốn giúp đỡ bạn. Chức vụ kêu gọi của ông là chăm sóc bạn, và ông sẽ không nghĩ xấu về bạn vì điều mà bạn cần đến gặp ông.
Madison D., 18 tuổi, Utah, Hoa Kỳ
Vị Giám Trợ của Bạn Sẵn Lòng Giúp Đỡ
Tôi thường cảm thấy không thoải mái trong các cuộc phỏng vấn, nhưng cuối cùng tôi nhận biết rằng vị giám trợ của tôi luôn luôn sẵn lòng giúp tôi giải quyết các vấn đề của tôi. Hãy tin cậy vị giám trợ của bạn; ông là người chăn chiên và tiểu giáo khu là đàn chiên của ông.
Jaime R., 19 tuổi, Cochabamba, Bolivia
Ông Sẽ Không Phản Bội Sự Tin Cậy của Bạn
Tôi đã nhận được chứng ngôn rằng một vị giám trợ có lẽ là người lớn đáng tin cậy nhất mà một thiếu niên có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ ông. Ông sẽ không bao giờ phản bội sự tin cậy của bạn—tất cả mọi điều bạn chia sẻ với ông sẽ ở lại trong văn phòng của ông. Đôi khi rất khó để chia sẻ các vấn đề của bạn, nhưng việc nói chuyện trực tiếp với một người yêu thương, quan tâm và muốn điều tốt nhất cho bạn làm cho điều đó được dễ dàng hơn nhiều.
Nicole S., 18 tuổi, Idaho, Hoa Kỳ
Bạn Có Thể Trông Cậy vào Ông Ấy
Vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh là một tôi tớ chân chính của Chúa. Bạn có thể trông cậy vào ông ấy để được hướng dẫn trong khi bạn tìm kiếm sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh và thánh thư. Bạn phải hiểu rằng vị giám trợ luôn sẵn sàng giúp đỡ và rằng ông được Thượng Đế hướng dẫn.
Stanislav R., 19 tuổi, Donetsk, Ukraine
Hãy Nhớ Rằng Vị Giám Trợ Yêu Thương Bạn
Nếu bạn có một điều gì đó bạn thực sự muốn thảo luận với vị giám trợ, có thể là điều dễ dàng hơn để trước hết trò chuyện với ông về trường học và những sự việc thông thường khác. Nếu bạn đang lo lắng vì bạn cần phải nói chuyện với ông về các vấn đề hối cải, thì chỉ cần nhớ rằng ông yêu thương bạn. Bạn không cần phải lo lắng về ông ấy sẽ nghĩ gì về bạn, vì tại sao ông lại coi thường bạn khi bạn muốn được gần gũi hơn với Đấng Ky Tô?
Ashley D., 17 tuổi, Arizona, Hoa Kỳ
Cầu Nguyện để Biết Được
Hãy tự hỏi tại sao bạn cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với vị giám trợ. Bạn có nghĩ rằng ông ta sẽ không thể giúp giải quyết các vấn đề của mình không? Hãy cầu nguyện để biết rằng vị giám trợ yêu thương bạn và đã được kêu gọi để giúp đỡ bạn.
Adam H., 13 tuổi, California, Hoa Kỳ
Cho Dù Bạn Làm Điều Sai Lầm
Có thể là điều khó khăn và ngượng nghịu để thú nhận với vị giám trợ của bạn, nhưng khi bước ra khỏi văn phòng đó, thì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, và bạn sẽ biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương bạn. Ngài muốn bạn được hạnh phúc, mặc dù có làm điều sai lầm.
Amanda W., 16 tuổi, Utah, Hoa Kỳ
Ông Ở Đây Là Để Giúp Đỡ
Vị giám trợ là người chăn chiên của tiểu giáo khu bạn. Hãy nhớ rằng ông sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ bạn và ông có quyền năng của Thượng Đế ở cạnh ông. Nếu cảm thấy sợ hãi, bạn có thể cầu nguyện để có được sức mạnh nhằm có thể nói chuyện với vị giám trợ của mình. Cuối cùng, bạn sẽ hài lòng là bạn đã đi đến gặp ông—và điều đó sẽ đáng bõ công.
Samuel H., 14 tuổi, Idaho, Hoa Kỳ
Hãy Tâm Sự với Ông
“Tìm kiếm lời khuyên bảo từ các vị lãnh đạo chức tư tế của các em, nhất là vị giám trợ của các em. Ông biết các tiêu chuẩn, và ông biết dạy cho các em điều gì. Hãy tìm kiếm cơ hội để gặp ông. Các em có thể trông mong ông đặt ra những câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc. Hãy tin cậy ông. Hãy tâm sự với ông. Hãy yêu cầu ông giúp các em hiểu điều Chúa kỳ vọng nơi các em. Hãy lập một cam kết để sống theo các tiêu chuẩn đạo đức của Giáo Hội. Một mối quan hệ quan trọng với một vị lãnh đạo thành niên là thiết yếu để giúp các em giữ mình được trong sạch và xứng đáng về mặt đạo đức.”
Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Purity Precedes Power,” Ensign, tháng Mười Một năm 1990, 37.
Câu Hỏi cho Kỳ Tới
“Tôi bị chế nhạo ở trường học vì là Thánh Hữu Ngày Sau. Tôi biết mình cần phải đứng lên bênh vực cho điều tôi tin tưởng, nhưng điều đó thật là khó khăn! Làm thế nào để tôi trở nên đủ can đảm để nói cho những người đó phải ngừng lại?”
Xin gửi nộp câu trả lời của các em và, nếu muốn, một tấm ảnh có độ phân giải cao trước ngày 1 tháng Năm năm 2015, tại liahona.lds.org, bằng email đến liahona@ldschurch.org, hoặc qua đường bưu điện (xin xem địa chỉ ở trang 3).
Chi tiết sau đây và giấy cho phép phải được gửi kèm theo trong e-mail hoặc thư bưu điện của các em: (1) họ và tên, (2) ngày tháng năm sinh, (3) tiểu giáo khu hoặc chi nhánh, (4) giáo khu hoặc giáo hạt, (5) giấy cho phép đăng câu trả lời của các em và nếu các em dưới 18 tuổi, thì cần phải có giấy phép của cha mẹ (e-mail được chấp nhận) để đăng câu trả lời và hình của các em.
Các câu trả lời có thể được hiệu đính để được ngắn gọn hoặc rõ ràng hơn.