Yếu Kém Không Phải Là Một Tội Lỗi
Tác giả sống ở Utah, Hoa Kỳ.
Những hạn chế và thiếu sót không phải là tội lỗi và không ngăn chúng ta khỏi việc sống trong sạch và xứng đáng với Thánh Linh.
“Tôi có thực sự xứng đáng để bước vào ngôi nhà của Thượng Đế không? Làm thế nào tôi có thể xứng đáng được nếu tôi không hoàn hảo?”
“Thượng Đế có thể thực sự làm cho sự yếu kém của tôi thành sức mạnh không? Tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện trong nhiều ngày để vấn đề này được cất ra khỏi tôi, nhưng dường như không có điều gì thay đổi cả.”
“Trong khi phục vụ truyền giáo, tôi đã sống theo phúc âm một cách kiên định hơn bất cứ lúc nào trong cuộc đời mình, nhưng tôi chưa bao giờ nhận thức rõ hơn về những nhược điểm của mình. Tại sao, khi tôi đang sống tốt lành, thì đôi khi tôi cảm thấy khó chịu như vậy?”
Khi chúng ta suy ngẫm những câu hỏi như vậy, thì điều quan trọng để hiểu rằng trong khi tội lỗi chắc chắn sẽ dẫn chúng ta rời xa Thượng Đế, thì ngược lại sự yếu kém có thể dẫn chúng ta hướng tới Ngài.
Phân biệt giữa Tội Lỗi và Sự Yếu Kém
Chúng ta thường nghĩ về tội lỗi và sự yếu kém như là các vết đen có kích thước khác nhau trong tâm hồn chúng ta, các mức độ nghiêm trọng khác nhau của sự phạm giới. Nhưng thánh thư ngụ ý rằng tội lỗi và sự yếu kém vốn đã khác nhau, đòi hỏi các giải pháp khác nhau, và có tiềm năng để tạo ra các kết quả khác nhau.
Hầu hết chúng ta quen thuộc với tội lỗi hơn là chúng ta muốn thừa nhận, nhưng chúng ta hãy xem xét lại: Tội lỗi là chọn không tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế hoặc chống đối Ánh Sáng của Đấng Ky Tô ở bên trong chúng ta. Tội lỗi là chọn để tin cậy Sa Tan hơn Thượng Đế, đặt chúng ta vào tình trạng thù địch với Đức Chúa Cha. Khác với chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô hoàn toàn không có tội và có thể chuộc tội cho chúng ta. Khi chúng ta chân thành hối cải—gồm có việc thay đổi tâm trí và hành vi của mình; đưa ra lời xin lỗi hay thú tội một cách thích hợp; nếu có thể được, thực hiện việc đền bồi; và không lặp lại tội lỗi đó trong tương lai—thì chúng ta có thể nhận được Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, được Thượng Đế tha thứ, và được trong sạch một lần nữa.
Việc trở nên trong sạch là điều cần thiết vì không có vật gì ô uế có thể ở trong sự hiện diện của Thượng Đế. Nhưng nếu mục tiêu duy nhất của chúng ta là để được vô tội như khi chúng ta rời khỏi sự hiện diện của Thượng Đế, thì tốt hơn hết, tất cả chúng ta đều nên nằm rúc vào cái nôi của mình trong cuộc đời còn lại của chúng ta. Thay vì thế, chúng ta đến thế gian để học hỏi kinh nghiệm nhằm phân biệt điều tốt với điều xấu, lớn lên trong sự khôn ngoan và kỹ năng, sống theo các giá trị chúng ta quan tâm, và có được các đặc điểm của sự tin kính—sự tiến triển mà chúng ta không thể có được nếu vẫn nằm trong một cái nôi an toàn.
Yếu điểm của con người đóng một vai trò quan trọng trong những mục đích thiết yếu của cuộc sống trần thế. Khi Mô Rô Ni lo lắng rằng sự yếu kém của ông trong những lời ông viết sẽ làm cho dân Ngoại nhạo báng những sự việc thiêng liêng, thì Chúa trấn an ông với những lời này:
“Nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27; xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 15:42–44; 2 Cô Rinh Tô 12:7–10; 2 Nê Phi 3:21; và Gia Cốp 4:7).
Những ý nghĩa của câu thánh thư quen thuộc này rất sâu sắc và mời gọi chúng ta phân biệt tội lỗi (do Sa Tan khuyến khích) với sự yếu kém (được mô tả ở đây là một điều kiện do Thượng Đế “ban cho”).
Chúng ta có thể định nghĩa sự yếu kém là sự hạn chế về sự khôn ngoan, khả năng, và sự thánh thiện của chúng ta mà đi kèm theo với việc làm một con người. Là con người trần thế, chúng ta sinh ra với sự bất lực và phụ thuộc, với những khiếm khuyết về thể chất và khuynh hướng tự nhiên khác nhau. Chúng ta lớn lên và bị vây quanh bởi những người trần thế yếu kém khác, và những lời giảng dạy, những tấm gương và sự đối xử của họ đầy lỗi lầm và đôi khi tai hại. Trong trạng thái trần thế, yếu kém của mình, chúng ta chịu đựng bệnh tật về thể chất và cảm xúc, đói khát và mệt mỏi. Chúng ta trải qua những mối cảm xúc của con người như giận dữ, đau buồn, và sợ hãi. Chúng ta thiếu khôn ngoan, kỹ năng, khả năng chịu đựng, và sức mạnh. Và chúng ta chịu nhiều loại cám dỗ.
Mặc dù Ngài không có tội, nhưng Chúa Giê Su Ky Tô đã đến cùng chúng ta trong tình trạng hoàn toàn yếu kém của con người trần thế (xin xem 2 Cô Rinh Tô 13:4). Ngài sinh ra là một hài nhi yếu đuối trong một thể xác hữu diệt và được những người không hoàn hảo chăm sóc nuôi nấng. Ngài đã phải học cách đi đứng, nói chuyện, làm việc, và giao tiếp với những người khác. Ngài cảm thấy đói và mệt mỏi, có những cảm xúc của con người, và có thể bị bệnh, đau khổ, chảy máu, và chết. Ngài “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội,” Ngài phải chịu làm người trần thế để Ngài có thể “cảm thương sự yếu đuối chúng ta” và giúp đỡ chúng ta trong những sự yếu đuối hay yếu kém của chúng ta (Hê Bơ Rơ 4:15; xin xem thêm An Ma 7:11–12).
Chúng ta không thể hối cải chỉ vì bị yếu kém—cũng như sự yếu kém tự nó không làm cho chúng ta ô uế. Chúng ta không thể tăng trưởng phần thuộc linh trừ khi chúng ta từ bỏ tội lỗi, nhưng chúng ta cũng không tăng trưởng phần thuộc linh trừ khi chúng ta chấp nhận tình trạng yếu kém của con người chúng ta, đáp ứng bằng lòng khiêm nhường và đức tin, và qua sự yếu kém của chúng ta học cách tin cậy vào Thượng Đế. Khi Mô Rô Ni lo lắng về sự yếu kém của bài viết của ông, Thượng Đế đã không bảo ông phải hối cải. Thay vì thế, Chúa đã dạy ông phải khiêm nhường và có đức tin nơi Đấng Ky Tô. Khi chúng ta hiền lành và trung tín, Thượng Đế ban cho ân điển—chứ không phải sự tha thứ—để làm giải pháp cho sự yếu kém. Sách Hướng DẫnThánh Thư định nghĩa ân điển là quyền năng làm cho có khả năng từ Thượng Đế để làm điều chúng ta không thể tự mình làm được (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ân điển”)—giải pháp thích hợp của Thượng Đế mà qua đó Ngài có thể “làm những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.”
Sử Dụng Lòng Khiêm Nhường và Đức Tin
Từ ban đầu trong kinh nghiệm của Giáo Hội chúng ta, chúng ta được dạy về các yếu tố thiết yếu của sự hối cải, nhưng làm thế nào chúng ta bồi dưỡng sự khiêm nhường và đức tin một cách chính xác? Cân nhắc những điều sau đây:
-
Suy ngẫm và cầu nguyện. Vì yếu kém, nên chúng ta có thể không nhận ra là chúng ta đang đối phó với tội lỗi (điều này đòi hỏi phải có một sự thay đổi trong tâm trí và hành vi ngay lập tức và hoàn toàn) hoặc với sự yếu kém (điều này đòi hỏi phải có nỗ lực khiêm nhường bền bỉ, sự học hỏi, và cải thiện). Cách chúng ta nhìn những điều này có thể tùy thuộc vào cách chúng ta được nuôi dạy và mức độ trưởng thành của chúng ta. Có thể còn có các yếu tố của tội lỗi lẫn sự yếu kém chỉ trong cùng một hành vi. Việc nói một tội lỗi thật sự là một sự yếu kém sẽ dẫn đến việc hợp lý hóa tội lỗi thay vì thực hiện hối cải. Việc nói một sự yếu kém là một tội lỗi có thể dẫn đến nỗi xấu hổ, sự đổ lỗi, tuyệt vọng, và từ bỏ những lời hứa của Thượng Đế. Việc suy ngẫm và cầu nguyện giúp chúng ta phân biệt những điều này.
-
Sắp Xếp Ưu Tiên. Vì chúng ta yếu kém nên chúng ta không thể thực hiện tất cả mọi sự thay đổi cần thiết cùng một lúc. Khi chúng ta khiêm nhường và trung thành cố gắng khắc phục sự yếu kém của con người chúng ta, mỗi lần một vài khía cạnh, thì chúng ta có thể giảm dần sự thiếu hiểu biết, tạo ra thói quen tốt, gia tăng sức khỏe và khả năng chịu đựng của mình về thể chất và cảm xúc, và củng cố sự tin cậy của chúng ta nơi Chúa. Thượng Đế có thể giúp chúng ta biết bắt đầu từ đâu.
-
Kế Hoạch. Vì chúng ta yếu kém nên việc trở nên mạnh mẽ hơn sẽ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ một ước muốn ngay chính và rất nhiều sự tự giác. Chúng ta cũng cần phải có kế hoạch, học hỏi từ những lỗi lầm, phát triển các chiến lược hiệu quả hơn, sửa đổi các kế hoạch của chúng ta, và thử lại một lần nữa. Chúng ta cần sự giúp đỡ từ thánh thư, các sách thích hợp, và những người khác. Chúng ta bắt đầu với điều nhỏ, vui mừng trong sự cải thiện và chấp nhận rủi ro (mặc dù những rủi ro làm cho chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương và yếu kém). Chúng ta cần những hỗ trợ để giúp chúng ta có được những sự lựa chọn tốt ngay cả khi chúng ta mệt mỏi hoặc nản lòng và hoạch định trở lại đúng đường khi chúng ta làm lỗi lầm.
-
Sử dụng lòng kiên nhẫn. Vì chúng ta yếu kém, nên có thể cần có thời gian để thay đổi. Chúng ta không từ bỏ sự yếu kém của mình theo cách chúng ta từ bỏ tội lỗi. Các môn đồ khiêm nhường sẵn lòng làm điều cần thiết, học hỏi khả năng phục hồi nhanh sức mạnh, tiếp tục cố gắng, và không bỏ cuộc. Lòng khiêm nhường giúp chúng ta có được lòng kiên nhẫn với chính mình và với những người khác cũng yếu kém. Lòng kiên nhẫn là một biểu hiện của đức tin chúng ta nơi Chúa, lòng biết ơn đối với sự tin tưởng của Ngài nơi chúng ta, và sự tin cậy nơi những lời hứa của Ngài.
Ngay cả khi chúng ta chân thành hối cải tội lỗi của mình, nhận được sự tha thứ, và trở nên trong sạch một lần nữa, thì chúng ta vẫn còn yếu kém. Chúng ta vẫn phải chịu bệnh tật, cảm xúc, sự thiếu hiểu biết, các khuynh hướng tự nhiên, mệt mỏi, và cám dỗ. Những hạn chế và thiếu sót không phải là tội lỗi và không ngăn chúng ta khỏi việc sống trong sạch và xứng đáng với Thánh Linh.
Từ Sự Yếu Kém đến Sức Mạnh
Mặc dù Sa Tan mong muốn sử dụng sự yếu kém của chúng ta để lôi kéo chúng ta phạm tội, nhưng Thượng Đế có thể sử dụng sự yếu kém của con người để giảng dạy, củng cố, và ban phước cho chúng ta. Tuy nhiên, trái với điều chúng ta có thể trông mong hay hy vọng, Thượng Đế không phải luôn luôn “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ” đối với chúng ta bằng cách loại bỏ sự yếu kém của chúng ta. Khi Sứ Đồ Phao Lô cầu nguyện nhiều lần lên Thượng Đế để loại bỏ một “cái giằm xóc vào thịt” mà Sa Tan dùng để hành hạ ông, thì Thượng Đế phán với Phao Lô rằng: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cô Rinh Tô 12:7, 9).
Có rất nhiều cách để Chúa làm cho “những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.” Mặc dù Ngài có thể loại bỏ sự yếu kém qua việc chữa lành một cách kỳ diệu mà chúng ta hy vọng có được, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì điều này là hơi hiếm. Ví dụ, tôi không thấy có bằng chứng rằng Thượng Đế loại bỏ sự yếu kém của Mô Rô Ni trong những lời ông viết sau câu thánh thư nổi tiếng trong Ê The 12. Thượng Đế cũng có thể làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ bằng cách giúp chúng ta cải thiện sự yếu kém của mình, có được một óc hài hước hay quan điểm thích hợp về sự yếu kém đó, và cải thiện sự yếu kém dần dần theo thời gian. Ngoài ra, những điểm mạnh và những điểm yếu thường có liên quan với nhau (như sức mạnh của lòng kiên trì và sự yếu kém của tính ngoan cố), và chúng ta có thể học cách quý trọng sức mạnh và kiềm chế sự yếu kém đi kèm theo.
Còn có một cách khác, thậm chí còn mạnh mẽ hơn mà Thượng Đế làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với chúng ta. Chúa phán cùng Mô Rô Ni trong Ê The 12:37, “Vì lẽ ngươi đã thấy được sự yếu kém của mình nên ngươi sẽ được làm cho mạnh, để được ngồi nơi mà ta đã chuẩn bị trong các gian nhà của Cha ta.”
Ỡ đây Thượng Đế không đề nghị thay đổi sự yếu kém của Mô Rô Ni mà là thay đổi Mô Rô Ni. Bằng cách cố gắng khắc phục sự yếu kếm của con người, Mô Rô Ni—và chúng ta—có thể học về lòng bác ái, trắc ẩn, nhu mì, kiên nhẫn, can đảm, nhịn nhục, sự khôn ngoan, sức chịu đựng, sự tha thứ, khả năng phục hồi nhanh sức mạnh, lòng biết ơn, sự sáng tạo, và một loạt các đức hạnh khác mà làm cho chúng ta trở thành giống như Cha Thiên Thượng. Đây chính là những đức tính chúng ta đến thế gian để trau dồi các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà chuẩn bị cho chúng ta được ở trong các gian nhà ở trên.
Không nơi nào mà tình yêu thương, sự thông sáng, và quyền năng cứu chuộc của Thượng Đế lại hiển nhiên hơn là trong khả năng của Ngài để biến cuộc vật lộn của chúng ta với sự yếu kém của con người thành các đức hạnh và sức mạnh thiêng liêng vô giá mà làm cho chúng ta giống như Ngài hơn.