2018
Chương 8: Sự Nổi Lên của Giáo Hội của Đấng Ky Tô
Tháng Mười năm 2018


Sự Trỗi Dậy của Giáo Hội của Đấng Ky Tô

Đây là chương 8 của bộ sách bốn tập tường thuật về lịch sử của Giáo Hội có tựa là Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau. Sách sẽ có sẵn bằng 14 ngôn ngữ dưới dạng bản in, trong phần Lịch Sử Giáo Hội của ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, và trực tuyến tại thanhhuu.lds.org. Các chương trước đây đã được xuất bản trong các số phát hành cũ và có sẵn bằng 47 ngôn ngữ trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm và tại thanhhuu.lds.org.

Copies of the Book of Mormon
Oliver Cowdery ordaining Joseph Smith

Oliver Cowdery Ordains Joseph Smith (Oliver Cowdery Sắc Phong Joseph Smith), tranh của Walter Rane

Vào đầu tháng Bảy năm 1828, với bản thảo trong tay, Joseph biết Chúa muốn ông xuất bản Sách Mặc Môn và truyền bá sứ điệp của sách đó khắp mọi nơi. Nhưng ông và gia đình ông không quen thuộc với công việc xuất bản. Ông phải giữ kín bản thảo, tìm một nhà in, và bằng cách nào đó làm cho sách đó đến được tay của những người sẵn sàng cân nhắc khả năng có được thánh thư mới.

Xuất bản một quyển sách dài như Sách Mặc Môn cũng không phải là không tốn kém. Tình trạng tài chính của Joseph vẫn chưa được khấm khá hơn kể từ khi ông bắt đầu công việc phiên dịch, và tất cả số tiền ông kiếm được đều được sử dụng để chu cấp cho gia đình ông. Cha mẹ ông cũng vậy, họ vẫn là những người nông dân nghèo cày xới đất đai họ không sở hữu. Người bạn duy nhất của Joseph mà có thể tài trợ cho dự án này là Martin Harris.

Joseph lập tức bắt đầu công việc. Trước khi ông hoàn tất công việc phiên dịch, ông đã đăng ký bản quyền cho sách đó để bảo vệ văn bản khỏi bất cứ ai có thể đánh cắp hoặc ăn cắp lời của sách.1 Với sự giúp đỡ của Martin, Joseph cũng bắt đầu tìm kiếm một nhà in mà có thể đồng ý xuất bản cuốn sách.

Ban đầu họ đến gặp Egbert Grandin, một chủ nhà in ở Palmyra trạc tuổi Joseph. Grandin lập tức từ chối đề nghị đó, cho rằng sách đó là gian lận. Không nản lòng, Joseph và Martin tiếp tục tìm kiếm và tìm được một nhà in sẵn lòng ở một thành phố gần bên. Nhưng trước khi chấp nhận đề nghị của nhà in này, họ trở lại Palmyra và hỏi Grandin thêm một lần nữa để xem ông ta có muốn xuất bản cuốn sách không.2

Lần này, Grandin dường như sẵn sàng hơn để chấp nhận dự án này, nhưng ông ta cũng muốn được trả $3000 trước khi ông ta có thể bắt đầu công việc in và đóng năm ngàn cuốn sách. Martin đã hứa sẽ giúp trang trải cho việc in ấn, nhưng để có được số tiền như thế, ông nhận thấy rằng ông có thể cần phải thế chấp trang trại của mình. Đó là một gánh nặng to lớn đối với Martin, nhưng ông ta biết rằng không có người bạn nào khác của Joseph có thể giúp ông ấy với số tiền đó.

Đầy lo lắng, Martin bắt đầu không chắc về việc tài trợ Sách Mặc Môn. Ông có một trong các trang trại tốt nhất trong vùng. Nếu ông thế chấp đất của mình, ông có thể bị rủi ro đánh mất trang trại. Tài sản mà ông đã dành cả đời để kiếm được có thể mất đi trong chốc lát nếu Sách Mặc Môn không bán chạy.

Martin kể cho Joseph về mối lo âu của mình và yêu cầu ông tìm kiếm điều mặc khải cho mình. Để đáp ứng, Đấng Cứu Rỗi phán về sự hy sinh của Ngài để làm theo ý muốn của Cha Ngài, bất chấp giá cả là gì. Ngài mô tả nỗi thống khổ cùng cực của Ngài trong khi trả cái giá cho tội lỗi để tất cả mọi người đều có thể hối cải và được tha thứ. Sau đó Ngài truyền lệnh cho Martin hãy hy sinh những mối quan tâm của riêng mình để mang đến kế hoạch của Thượng Đế.

Chúa phán: “Ngươi chớ tham giữ lấy những tài sản của mình, mà phải chia sẻ rộng rãi cho việc in Sách Mặc Môn.” Chúa đảm bảo với Martin rằng sách đó chứa đựng lời lẽ chân chính của Thượng Đế, và sách đó sẽ giúp những người khác tin tưởng vào phúc âm.3

Mặc dù hàng xóm của Martin sẽ không hiểu được quyết định của ông, nhưng Martin đã vâng lời Chúa và thế chấp trang trại của mình để bảo đảm có được tiền trả.4

Grandin ký hợp đồng và bắt đầu tổ chức dự án to lớn này.5 Joseph đã phiên dịch văn bản Sách Mặc Môn trong ba tháng, được phụ giúp bởi từng người sao chép bản thảo một. Grandin cùng khoảng chục người sẽ phải mất bảy tháng để in và đóng những cuốn sách dày 590 trang.6

Sau khi đã thuê được nhà xuất bản, vào tháng Mười năm 1829, Joseph quay trở lại Harmony để làm việc trong trang trại và ở bên Emma. Trong khi đó, Oliver, Martin, và Hyrum, trông coi việc in ấn và thường xuyên cập nhật thông tin cho Joseph về sự tiến triển trong công việc của Grandin.7

Nhớ đến nỗi tuyệt vọng mà ông đã cảm thấy sau khi đánh mất các trang đầu tiên mình phiên dịch, nên Joseph đã yêu cầu Oliver sao chép từng trang một của bản thảo Sách Mặc Môn, làm thành một bản sao để mang đến nhà in để có thể thêm vào dấu chấm câu và sắp chữ.8

Oliver rất thích chép lại cuốn sách, và những lá thư ông viết vào lúc đó đều tràn ngập lời lẽ của bản dịch. Bắt chước Nê Phi, Gia Cốp, và A Mu Léc từ Sách Mặc Môn, Oliver đã viết cho Joseph về lòng biết ơn của mình về Sự Chuộc Tội vĩnh cửu của Đấng Ky Tô.

Ông ấy nói với Joseph: “Khi tôi bắt đầu viết về lòng thương xót của Thượng Đế, tôi không biết phải ngừng lại vào lúc nào, nhưng lại không có đủ thời giờ và giấy mực để viết ra tất cả những gì tôi muốn viết.”9

Cùng tinh thần đó đã lôi cuốn những người khác đến với Sách Mặc Môn trong khi sách đang được in. Thomas Marsh, một người từng học nghề in, đã cố gắng tìm kiếm vị trí của mình trong các giáo hội khác, nhưng không có giáo hội nào dường như giảng dạy phúc âm ông tìm thấy trong Kinh Thánh. Ông tin tưởng rằng một giáo hội mới sẽ sớm được tổ chức mà sẽ giảng dạy lẽ thật đã được phục hồi.

Mùa hè năm ấy, Thomas cảm thấy được Thánh Linh dẫn dắt để hành trình hàng trăm cây số từ nhà ông ở Boston tới miền tây New York. Ông ở lại trong vùng ba tháng trước khi trở về nhà, không chắc lý do tại sao ông đã hành trình xa như thế. Tuy vậy, tại nơi nghỉ chân trên đường trở về nhà, bà chủ quán trọ hỏi xem ông đã nghe nói về “cuốn sách vàng” của Joseph Smith chưa. Thomas nói với bà ấy rằng ông chưa hề nghe nói và cảm thấy bắt buộc phải học hỏi thêm.

Bà ấy nói với ông rằng ông nên nói chuyện với Martin Harris và bảo ông nên đến Palmyra. Thomas đến đó ngay lập tức và tìm thấy Martin tại xưởng in của Grandin. Chủ nhà in đưa cho ông mười sáu trang của Sách Mặc Môn, và Thomas mang các trang đó trở lại Boston, nóng lòng chia sẻ hương vị đầu tiên của tôn giáo mới của ông với vợ của ông là Elizabeth.

Elizabeth đọc các trang đó, và bà cũng tin rằng đó là công việc của Thượng Đế.10

Mùa thu năm ấy, trong khi những người thợ in đều đặn xúc tiến in Sách Mặc Môn, một cựu thẩm phán tên là Abner Cole bắt đầu xuất bản một tờ báo về xưởng in của Grandin. Làm việc ban đêm ở xưởng in, sau khi nhân viên của Grandin đã về nhà, Abner tiếp cận được các trang đã in của Sách Mặc Môn mà chưa được đóng vào sách hoặc chưa sẵn sàng để bán.

Chẳng mấy chốc, Abner đã nhạo báng “Kinh Thánh Vàng” trong tờ báo của mình, và trong mùa đông, ông ta đã in ra các đoạn trích từ cuốn sách kèm theo những lời bình luận mỉa mai.11

Khi Hyrum và Oliver biết được điều Abner đang làm, họ đã đối đầu với ông. “Ông có quyền gì mà in Sách Mặc Môn theo kiểu này?” Hyrum hỏi. “Ông có biết là chúng tôi đã có bản quyền rồi không?”

Abner nói: “Đó không phải là chuyện của anh, tôi đã thuê một nhà in và tôi sẽ in điều gì tôi muốn.”

Hyrum nói: “Tôi cấm ông in thêm bất cứ dòng nào của sách đó trong tờ báo của ông.”

Abner đáp: “Tôi không quan tâm.”

Không biết chắc phải làm gì, Hyrum và Oliver báo cho Joseph ở Harmony, và ngay lập tức Joseph trở lại Palmyra. Joseph tìm được Abner tại văn phòng của xưởng in, và tình cờ ông ta cũng đang đọc tờ báo của chính mình.

Joseph nói: “Ông có vẻ làm việc siêng năng nhỉ.”

Abner đáp lại đầy mỉa mai: “Xin chào ông, Ông Smith.”

Joseph nói: “Ông Cole, Sách Mặc Môn và quyền xuất bản sách đó thuộc về tôi, và tôi cấm ông phá rối điều đó.”

Abner cởi băng cái áo choàng và xắn tay áo lên. Ông ta gào lên, hai tay nắm đập mạnh vào nhau: “Cậu có muốn đánh nhau không? Nếu muốn đánh, hãy lại đây.”

Joseph mỉm cười. Ông nói: “Ông nên mặc áo vào. Trời đang lạnh, và tôi sẽ không đánh nhau với ông đâu.” Ông bình tĩnh nói tiếp: “Nhưng ông phải ngừng in sách của tôi.”

Abner nói: “Nếu cậu nghĩ cậu là người giỏi hơn, thì hãy cởi áo ra và thử xem có thắng được tôi không.”

Joseph đáp: “Có luật pháp, và ông sẽ khám phá ra luật pháp đó nếu ông chưa biết. Nhưng tôi sẽ không đánh nhau với ông, vì làm như thế sẽ không mang lại lợi ích gì.”

Abner biết mình đang vi phạm luật pháp. Ông ta bình tĩnh lại và đã ngừng in trên tờ báo của mình các đoạn trích từ Sách Mặc Môn.12

Trên đường đi đến Canada, một mục sư tên là Solomon Chamberlin, lần đầu tiên đã nghe nói về “Kinh Thánh Vàng” từ một gia đình mà ông ta ở trọ gần Palmyra. Giống như Thomas Marsh, ông ta đã di chuyển từ giáo hội này đến giáo hội khác trong suốt đời mình mà vẫn không cảm thấy thỏa mãn với điều ông thấy. Một số giáo hội thuyết giảng các nguyên tắc phúc âm và tin tưởng vào các ân tứ thuộc linh, nhưng họ không có các vị tiên tri của Thượng Đế hay chức tư tế của Ngài. Solomon cảm thấy sắp đến lúc Chúa sẽ cho ra đời giáo hội của Ngài.

Trong khi Solomon lắng nghe gia đình đó nói về Joseph Smith và các bảng khắc bằng vàng, ông ta cảm thấy như bị điện giật từ đầu đến chân, và ông ta quyết đình đi tìm gia đình Smith và học hỏi thêm về quyển sách đó.

Ông tìm đến nhà của gia đình Smith và gặp Hyrum ở ngoài cửa. Solomon nói: “Bình an cho căn nhà này.”

Hyrum đáp lại: “Tôi hy vọng căn nhà này sẽ được bình an.”

Solomon hỏi: “Có ai ở đây tin vào khải tượng hay những điều mặc khải không?”

Hyrum nói: “Có, mọi người trong nhà này đều tin vào khải tượng cả.”

Solomon kể cho Hyrum nghe về một khải tượng ông đã trông thấy cách đây nhiều năm. Trong khải tượng đó, một thiên sứ nói rằng Thượng Đế không có giáo hội nào trên thế gian nhưng sẽ sớm tổ chức một giáo hội mà có quyền năng giống như các vị sứ đồ thời xưa. Hyrum và mọi người trong nhà hiểu những gì Solomon nói và bảo với ông ta rằng họ có cùng niềm tin với ông.

Solomon nói: “Tôi mong rằng các bạn có thể chia sẻ những điều các bạn khám phá được. Tôi nghĩ rằng tôi có thể chấp nhận những điều này.”

Hyrum mời ông nghỉ lại trang trại của gia đình Smith và cho ông thấy bản thảo Sách Mặc Môn. Solomon nghiên cứu bản thảo đó trong hai ngày và đi cùng với Hyrum đến xưởng in của Grandin, ở đó chủ nhà in đã đưa cho ông sáu mươi tư trang đã được in xong. Với các trang còn chưa đóng thành sách, Solomon tiếp tục hành trình đến Canada, thuyết giảng mọi điều ông ta biết về tôn giáo mới trên đường đi.13

Đến ngày 26 tháng Ba năm 1830, các cuốn Sách Mặc Môn đầu tiên đã được đóng thành sách và có sẵn để bán tại tầng trệt của nhà in Grandin. Sách được đóng thành một quyển bằng da bò màu nâu và thơm mùi của da, hồ, và giấy mực. Những dòng chữ Sách Mặc Môn màu vàng in ở gáy của sách.14

Lucy Smith trân quý quyển thánh thư mới và xem sách đó là một dấu hiệu mà Thượng Đế sẽ sớm quy tụ con cái Ngài và phục hồi giao ước cổ xưa của Ngài. Trang tựa của sách tuyên bố rằng mục đích của sách là nhằm cho thấy những sự việc vĩ đại mà Thượng Đế đã làm cho con cái Ngài trước đây, ban cho cùng các phước lành cho con người ngày nay, và thuyết phục toàn thể thế gian tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian.15

Ở đằng sau của sách là các chứng ngôn của Ba Nhân Chứng và Tám Nhân Chứng, nói cho toàn thể thế gian biết rằng họ đã thấy các bảng khắc và biết rằng những điều được phiên dịch là đúng thật.16

Dù có các chứng ngôn này, nhưng Lucy biết một số người cho rằng sách này là hoang tưởng. Nhiều người hàng xóm của bà tin rằng, đối với họ, Kinh Thánh là đủ rồi, không hề nhận thấy rằng Thượng Đế đã ban phước cho nhiều hơn một quốc gia có được lời của Ngài. Bà cũng biết rằng một số người khước từ sứ điệp của sách bởi vì họ tin rằng Thượng Đế đã phán cùng thế gian một lần rồi và sẽ không phán nữa.

Vì những lý do này và nhiều lý do khác nữa, hầu hết dân cư ở Palmyra đã không mua cuốn sách.17 Nhưng một số người đã nghiên cứu các trang của sách, cảm nhận được quyền năng của những lời giảng dạy của sách, và đã quỳ xuống cầu vấn Chúa xem sách đó có chân chính không. Bản thân Lucy biết Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế và muốn chia sẻ sách đó với người khác.18

Gần như ngay sau khi Sách Mặc Môn được xuất bản, Joseph và Oliver đã chuẩn bị để tổ chức giáo hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Vài tháng trước đó, các sứ đồ thời xưa của Chúa là Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng đã hiện đến với họ và truyền giao cho họ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, theo đúng như Giăng Báp Tít đã hứa. Thẩm quyền được thêm vào này đã cho phép Joseph và Oliver truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh lên những người họ làm phép báp têm. Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng cũng đã sắc phong họ làm các sứ đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.19

Vào khoảng thời gian đó, trong khi đang ở trong nhà của gia đình Whitmer, Joseph và Oliver đã cầu nguyện để có thêm sự hiểu biết về thẩm quyền này. Để đáp lại, tiếng nói của Chúa đã truyền lệnh cho họ sắc phong lẫn nhau làm các anh cả của giáo hội, nhưng chỉ khi những người tin ưng thuận tuân theo họ với tư cách là các vị lãnh đạo trong giáo hội của Đấng Cứu Rỗi. Họ cũng được cho biết phải sắc phong các chức sắc khác của giáo hội và truyền giao ân tứ của Đức Thánh Linh lên những người đã chịu phép báp têm.20

Vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, Joseph và Oliver đã gặp ở nhà của gia đình Whitmer để tuân theo lệnh truyền của Chúa và tổ chức giáo hội của Ngài. Để đáp ứng những đòi hỏi của luật pháp, họ đã chọn sáu người để trở thành các tín hữu đầu tiên của giáo hội mới. Khoảng chừng bốn mươi người nam và nữ cũng tụ họp bên trong và xung quanh căn nhà nhỏ để chứng kiến sự kiện này.21

Để vâng theo những lời chỉ dẫn của Chúa trước đây, Joseph và Oliver đã yêu cầu giáo đoàn tán trợ họ với tư cách là các vị lãnh đạo trong vương quốc của Thượng Đế và cho biết họ có tin rằng việc họ tổ chức với tính cách là một giáo hội có phải là đúng hay không. Mọi người trong giáo đoàn đều ưng thuận, và Joseph đã đặt tay của ông lên đầu Oliver và sắc phong ông làm một anh cả của giáo hội. Rồi họ đổi vị trí, và Oliver sắc phong cho Joseph.

Sau đó, họ ban phước cho bánh và rượu của tiệc thánh để tưởng nhớ tới Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Rồi họ đặt tay lên đầu của những người đã chịu phép báp têm, và xác nhận họ là các tín hữu của giáo hội và ban cho họ ân tứ Đức Thánh Linh.22 Thánh Linh của Chúa ngập tràn buổi họp đó, và một số người trong giáo đoàn bắt đầu nói tiên tri. Những người khác ngợi ca Chúa, và tất cả mọi người đều cùng nhau vui mừng.

Joseph cũng nhận được điều mặc khải đầu tiên được đưa ra cho toàn thể giáo hội mới. Chúa đã truyền lệnh: “Này, một biên sử phải được lưu giữ giữa các ngươi,” để nhắc nhở dân Ngài rằng họ sẽ viết về lịch sử thiêng liêng của họ, lưu giữ một câu chuyện về những hành động của họ và chứng kiến vai trò của Joseph với tư cách là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải.

Chúa tuyên phán: “Ta đã cảm ứng hắn để xây dựng chính nghĩa Si Ôn trong quyền năng lớn lao để làm điều thiện. Các ngươi phải tiếp nhận lời nói của hắn với tất cả lòng kiên nhẫn và đức tin. Nếu làm được những điều này thì các cổng ngục giới sẽ không thắng được các ngươi.”23

Về sau, Joseph đứng bên bờ sông và chứng kiến phép báp têm của cha và mẹ ông vào giáo hội. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm lẽ thật bằng nhiều cách khác nhau, cuối cùng họ đã được hiệp nhất trong đức tin. Khi cha của ông bước ra khỏi nước, Joseph cầm tay ông, dẫn ông đến bên bờ sông, và ôm lấy ông.

Ông reo lên, gục mặt vào ngực của cha mình: “Hỡi Thượng Đế, tôi đã sống để thấy cha tôi chịu phép báp têm vào giáo hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô!”24

Tối hôm đó, Joseph lẻn vào khu rừng gần bên, lòng ông tràn ngập cảm xúc. Ông muốn được ở một mình, tách khỏi bạn bè và gia đình. Trong mười năm kể từ Khải Tượng Thứ Nhất, ông đã thấy các tầng trời mở ra, cảm nhận được Thánh Linh của Thượng Đế, và được các thiên sứ hướng dẫn. Ông cũng đã mắc phải tội lỗi và đánh mất ân tứ của mình, và qua sự hối cải, ông mới nhận được lòng thương xót của Thượng Đế, và phiên dịch Sách Mặc Môn bằng quyền năng và ân điển của Ngài.

Giờ đây, Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi giáo hội của Ngài và ban cho Joseph cùng chức tư tế mà các vị sứ đồ đã nắm giữ thời xưa khi họ mang phúc âm đến với thế gian.25 Đối với ông, hạnh phúc mà ông cảm thấy thật là quá nhiều để có thể kìm nén nổi, và ông đã khóc khi Joseph Knight và Oliver tìm thấy ông về sau trong đêm đó.

Lòng ông tràn ngập niềm vui. Công việc đã bắt đầu.26

Ghi Chú

  1. Copyright for Book of Mormon, June 11, 1829, trong JSP, D1:76–81.

  2. “Prospect of Peace with Utah,” Albany Evening Journal, May 19, 1858, [2]; “From the Troy Times,” Albany Evening Journal, May 21, 1858, [2]; John H. Gilbert, Memorandum, Sept. 8, 1892, bản sao chụp, Church History Library.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 19 (Revelation, circa Summer 1829, tại josephsmithpapers.org); xin xem thêm Historical Introduction to Revelation, circa Summer 1829 [DC 19], trong JSP, D1:85–89; và Knight, Reminiscences, 6–7.

  4. McBride, “Contributions of Martin Harris,” 1–9; Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 34, trong JSP, H1:352 (draft 2).

  5. John H. Gilbert, Statement, Oct. 23, 1887, Church History Library; Indenture, Martin Harris to Egbert B. Grandin, Wayne County, NY, Aug. 25, 1829, Wayne County, NY, Mortgage Records, volume 3, 325–26, microfilm 479,556, U.S. and Canada Record Collection, Family History Library; Historical Introduction to Revelation, circa Summer 1829 [DC 19], trong JSP, D1:85–89.

  6. Copyright for Book of Mormon, June 11, 1829, trong JSP, D1:76–81; John H. Gilbert, Memorandum, Sept. 8, 1892, bản sao chụp, Church History Library; Porter, “The Book of Mormon,” 53–54.

  7. John H. Gilbert, Memorandum, Sept. 8, 1892, bản sao chụp, Church History Library; Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 9, [8]; Joseph Smith to Oliver Cowdery, Oct. 22, 1829, trong JSP, D1:94–97.

  8. John H. Gilbert, Memorandum, Sept. 8, 1892, bản sao chụp, Church History Library; Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 9, [2]; “Printer’s Manuscript of the Book of Mormon,” trong JSP, R3, Part 1:xxvi. Đề tài: In Ấn và Xuất Bản Sách Mặc Môn

  9. Oliver Cowdery to Joseph Smith, Nov. 6, 1829, trong JSP, D1:100–101; Mô Si A 3:18–19; 5:5–7; 4 Nê Phi 1:17; xin xem thêm Oliver Cowdery to Joseph Smith, Dec. 28, 1829, trong JSP, D1:101–4.

  10. Thomas B. Marsh, “History of Thomas Baldwin Marsh,” LDS Millennial Star, June 4, 1864, 26:359–60; June 11, 1864, 26:375–76.

  11. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 9, [9]. Để xem các ví dụ về các đoạn trích của Sách Mặc Môn mà Abner Cole đã xuất bản, xin xem “The Book of Mormon,” Reflector, Sept. 16, 1829, 10; “Selected Items,” Reflector, Sept. 23, 1829, 14; “The First Book of Nephi,” Reflector, Jan. 2, 1830, 1; và “The First Book of Nephi,” Reflector, Jan. 13, 1830, 1. Đề Tài: Những lời chỉ trích về Sách Mặc Môn

  12. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 9, [9]–[12]; Lucy Mack Smith, History, 1845, 166–68.

  13. Chamberlin, Autobiography, 4–11.

  14. Copyright for Book of Mormon, June 11, 1829, trong JSP, D1:76–81; John H. Gilbert, Memorandum, Sept. 8, 1892, bản sao chụp, Church History Library; “Book of Mormon,” Wayne Sentinel, Mar. 26, 1830, [3]. Một số sách được đóng bằng bìa làm bằng da cừu.

  15. Title Page of Book of Mormon, circa early June 1829, trong JSP, D1:63–65; xin xem thêm Lucy Mack Smith to Solomon Mack, Jan. 6, 1831, Church History Library.

  16. Testimony of Three Witnesses, Late June 1829, in JSP, D1:378–82; Testimony of Eight Witnesses, Late June 1829, in JSP, D1:385–87.

  17. Tucker, Origin, Rise, and Progress of Mormonism, 60–61.

  18. Xin xem Lucy Mack Smith to Solomon Mack, Jan. 6, 1831, Church History Library.

  19. Joseph Smith History, circa Summer 1832, 1, in JSP, H1:10; Giáo Lý và Giao Ước 27:12–13 (Revelation, circa Aug. 1830, trong bản sao chụp 50:3, 1835 edition, tại josephsmithpapers.org); Oliver Cowdery to Phineas Young, Mar. 23, 1846, Church History Library; “Joseph Smith Documents Dating through June 1831,” trong JSP, D1:xxxvii–xxxix; xin xem thêm Cannon và những người khác, “Priesthood Restoration Documents,” 163–207. Đề tài: Restoration of the Melchizedek Priesthood

  20. Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 27, trong JSP, H1:326–28 (draft 2).

  21. Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 37, trong JSP, H1:364 (draft 2); Stevenson, Journal, Dec. 22, 1877; Jan. 2, 1887; An Act to Provide for the Incorporation of Religious Societies (Apr. 5, 1813), Laws of the State of New-York (1813), 2:212–19. Đề Tài: Founding Meeting of the Church of Christ

  22. Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 37–38, trong JSP, H1:364–71 (draft 2).

  23. Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 37, trong JSP, H1:366; Giáo Lý và Giao Ước 21 (Revelation, Apr. 6, 1830, tại josephsmithpapers.org); “History of Joseph Smith,” Times and Seasons, Oct. 1, 1842, 3:928–29.

  24. Lucy Mack Smith, History, 1844–45, book 9, [12]; Knight, Reminiscences, 8; xin xem thêm Bushman, Rough Stone Rolling, 110.

  25. Joseph Smith History, 1838–56, volume A-1, 38, trong JSP, H1:372 (draft 2); Joseph Smith, “Latter Day Saints,” trong Rupp, He Pasa Ekklesia, 404–5, trong JSP, H1:506.

  26. Knight, Reminiscences, 7.