Những Người Thành Niên Trẻ Tuổi
Động Cơ Thúc Đẩy Chúng Ta Sống Theo Phúc Âm
Sẽ luôn luôn có “những lời thật khó.” Nhưng sẽ luôn luôn có quyền để chọn đức tin thay cho bất cứ nghi ngờ hoặc sự không chắc chắn nào.
Con đường môn đồ tràn đầy các phước lành—những phước lành chúng ta thấy được và cả những phước lành không nhận biết được.1 Mặc dù với những phước lành đó, nhưng có lúc con đường ấy không hề dễ dàng hay thuận tiện. Việc trở thành một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi chúng ta phải làm việc và hy sinh, và đôi khi thật khó để tìm được động cơ thúc đẩy chúng ta sống theo các giáo lệnh và thực hiện những sự hy sinh đó.
Là một người thành niên trẻ tuổi, anh chị em có lẽ cũng bận rộn dành ưu tiên cho các trách nhiệm mới, đưa ra những quyết định hệ trọng trong đời, và xác định xem con đường môn đồ của riêng mình sẽ như thế nào trong phần đời còn lại. Thêm vào đó, có lẽ có những điều trong chính sách hoặc lịch sử của Giáo Hội hay trong giáo lý phúc âm khiến anh chị em không hiểu cho lắm và có những cám dỗ anh chị em phải vật lộn, cũng như những phước lành vẫn đang mong đợi sẽ đến cùng các câu hỏi về kế hoạch của Thượng Đế dành cho anh chị em.
Một vài người chúng ta có lẽ nhiều lần tự hỏi rằng việc sống theo phúc âm có đáng với những phước lành chúng ta đã được hứa không. Chúng ta có lẽ tranh luận rằng chúng ta không được người khác chấp nhận, rằng có quá nhiều việc phải làm khi sống theo phúc âm, hoặc là các thắc mắc dường như lấn át những lời giải đáp. Nhưng việc sống theo phúc âm thật sự phụ thuộc chính yếu vào động lực thúc đẩy chúng ta. Tại sao anh chị em lại làm điều mình đang làm và sống theo cách mình đang sống? Tại sao anh chị em tiếp tục tuân giữ các giáo lệnh, thậm chí khi không một ai xung quanh chú ý xem mình có làm không?
Mặc cho anh chị em là ai và anh chị em đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, nhưng sự lựa chọn để tìm ra động cơ thúc đẩy bằng cách nuôi dưỡng đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài tùy thuộc vào quyết định của anh chị em.
Chúng Tôi Đi Theo Ai?
Việc tìm ra và giữ được động cơ thúc đẩy để sống theo phúc âm không phải là một thử thách riêng cho chúng ta thời nay. Ngay cả khi Đấng Cứu Rỗi sống trên thế gian, người ta vẫn gặp khó khăn để hiểu mà vâng theo các nguyên tắc Ngài dạy. Một số môn đồ của Ngài đang lắng nghe Ngài giải thích một khái niệm dường như xúc phạm họ—về vai trò của Ngài là “bánh của sự sống” (xin xem Giăng 6:35–58). Họ phản ứng một cách ngờ vực, nói rằng: “Lời này thật khó; ai nghe được?” (Giăng 6:60).
Đấng Ky Tô, thấy rằng họ đang gặp khó khăn để có thể tin hay chấp nhận giáo lý này, đã hỏi: “Điều đó xui cho các người vấp phạm sao?” (Giăng 6:61). Thay vì đặt đức tin trước nỗi nghi ngờ, nhiều môn đồ của Ngài “trở lui, không đi với Ngài nữa” (Giăng 6:66).
Nhưng khi Đấng Ky Tô hỏi các môn đồ còn lại xem họ cũng “muốn lui chăng,” thì Phi E Rơ đáp bằng câu trả lời đúng đắn duy nhất: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:67–68).
Nguồn Gốc Động Cơ Thúc Đẩy Chúng Ta
Phi E Rơ biết nguồn gốc động cơ thúc đẩy mình. Nó tùy thuộc chính vào lý do tại sao chúng ta làm những gì mình làm trong phúc âm: bởi chứng ngôn và đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Phi E Rơ tuyên bố: “Chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời” (Giăng 6:69; sự nhấn mạnh được thêm vào). Bằng việc đạt được đức tin mạnh mẽ đó nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thiên tính của Ngài, và công việc của Ngài, chúng ta cũng có thể tìm ra động cơ thúc đẩy mình tiếp tục sống theo phúc âm—kể cả khi điều đó dường như khó khăn, kể cả khi không ai khác chú ý, và kể cả khi chúng ta không chắc mình có muốn không.
Sẽ luôn luôn có “những lời thật khó.” Nhưng sẽ luôn luôn có quyền để chọn đức tin thay cho bất cứ nghi ngờ hoặc sự không chắc chắn nào. Như Anh Cả L. Whitney Clayton thuộc Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã nói: “Quyết định để tin là sự lựa chọn quan trọng nhất mà chúng ta từng có.”2
Thế thì chúng ta làm gì nếu nhận thấy bản thân mình nhận được một trong “những lời thật khó” đó?
1. Noi theo gương của Phi E Rơ và các môn đồ khác mà vẫn trung tín ngay cả khi thật dễ dàng để “trở lui.” Hãy lắng nghe lời khuyên dạy của các vị tiên tri, sứ đồ và các vị lãnh đạo khác:
“Trong những giây phút đầy sợ hãi, nghi ngờ hoặc trong những lúc gặp rắc rối, hãy duy trì đức tin mà anh chị em đã có được. … Hãy bám chặt vào điều mà anh chị em đã biết và đứng vững cho đến khi hiểu biết thêm.”3
“Tiến tới với một bước đơn giản trong đức tin---và rồi một bước khác. … Tập trung vào các lẽ thật mà [anh chị em] thật sự đã tin và để cho những lẽ thật đó tràn đầy tâm trí mình. …
“… Bắt đầu với các lẽ thật phúc âm cơ bản.”4
2. Thường xuyên đọc thánh thư và làm theo những lời dạy trong đó:
“[Hãy] thành tâm học tập và suy ngẫm Sách Mặc Môn mỗi ngày.”5
“Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17).
“Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ” (Gia Cơ 1:22).
3. Tiếp tục tuân giữ các lệnh truyền.
“Các câu trả lời cho những câu hỏi chân thành của chúng ta đến khi chúng ta sốt sắng tìm kiếm và sống theo các lệnh truyền. … Đức tin của chúng ta có thể giúp chúng ta tin tưởng những điều không hợp lý đối với mình vào lúc ấy.”6
“Khi anh chị em tiếp tục vâng lời, … thì anh chị em sẽ được ban cho kiến thức và sự hiểu biết mà anh chị em đang tìm kiếm.”7
Cuối cùng, động cơ thúc đẩy chúng ta đơn giản là dựa vào điều Phi E Rơ đã nói. Chúng ta có tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, rằng Ngài dẫn dắt Giáo Hội của Ngài và có những lời của cuộc sống vĩnh cửu không? Đức tin của chúng ta nơi Ngài có lớn hơn “những lời thật khó” mà có lẽ chúng ta không hiểu được bây giờ không?
Những Phần Thưởng cho Việc Sống theo Phúc Âm
Khi chúng ta thật sự quyết định yêu thương và noi theo Thượng Đế cùng Chúa Giê Su Ky Tô và tuân giữ các lệnh truyền ngay cả khi không hiểu chúng một cách đầy đủ, thì những phần thưởng thật không đo lường nổi. Con người thiên nhiên hỏi rằng: ″Tôi có được lợi ích gì trong điều này?″ Những lời dạy trong phúc âm đáp rằng: “Sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau”; một nơi đã được chuẩn bị cho anh chị em trong các gian nhà của Thượng Đế; tất cả những gì Cha Thiên Thượng có; “hạnh phúc bất tận” (xin xem GLGƯ 59:23; Ê The 12:34; GLGƯ 84:38; Mô Si A 2:41); và, như Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nêu ra: “Anh chị em sẽ tìm thấy điều quý báu vô giá ở đây [trong Giáo Hội]. … Anh chị em sẽ tìm thấy ở đây những lời của cuộc sống vĩnh cửu, lời hứa của sự cứu chuộc thiêng liêng, con đường dẫn đến bình an và hạnh phúc.”8 Đây chỉ mới là một vài phước lành chúng ta được hứa.
Khi hiến mình theo Đấng Ky Tô và vâng theo các lệnh truyền của Ngài, chúng ta được hứa có tất cả những điều này và còn nhiều nữa. Đó không có nghĩa là con đường này sẽ luôn luôn dễ dàng hay có thể hiểu được, nhưng các phước lành được hứa khi chúng ta vẫn vững mạnh sẽ tiếp tục được tiết lộ trong suốt cuộc sống chúng ta và cả sau đó.
Tuy nhiên, dù các phước lành này thật đáng kinh ngạc, nhưng chúng không nên là động cơ chính thúc đẩy chúng ta sống theo phúc âm. Bất kể anh chị em có câu hỏi gì, bất kể anh chị em không hiểu được giáo lý nào, thì đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài sẽ là mấu chốt cho động cơ thúc đẩy anh chị em sống theo phúc âm của Ngài.
Anh Cả Uchtdorf phát biểu rằng: “Các động cơ và ý nghĩ của chúng ta cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các hành động của chúng ta. “Chứng ngôn về lẽ trung thực của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là sự thúc đẩy mãnh liệt trong cuộc sống của chúng ta. Chúa Giê Su đã nhiều lần nhấn mạnh đến quyền năng của các ý nghĩ tốt và những động cơ thích đáng: ‘Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi’ (GLGƯ 6:36).
“Chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi sẽ giúp chúng ta trong cuộc sống của mình để học biết về kế hoạch cụ thể của Thượng Đế dành cho chúng ta và rồi hành động theo kế hoạch đó. Kế hoạch đó cho chúng ta sự bảo đảm về sự xác thực, lẽ thật và lòng nhân từ của Thượng Đế, về những lời giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và về sự kêu gọi thiêng liêng của các vị tiên tri ngày sau.”9
Về phần tôi, tôi sẽ tiếp tục cố gắng, kể cả khi điều đó thật khó làm. Tôi sẽ tiếp tục dâng lên những lời cầu nguyện của mình và học tập thánh thư. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố chứng ngôn của tôi về Đấng Cứu Rỗi mỗi ngày. Và tôi sẽ tiếp tục cố gắng sống giống như Ngài muốn tôi sống và nương vào những lời của Ngài cùng các vị tiên tri và các sứ đồ tại thế để dạy tôi cách sống, dựa vào động cơ xuất phát không chỉ từ đức tin và tình yêu thương tôi dành cho Ngài mà còn từ sự hy sinh vĩnh cửu và tình yêu thương Ngài dành cho tôi.