2019
Làm Thế Nào Tôi Đã Học Cách Phản Ứng Khi Một Người Nào Đó Thú Nhận Là Họ Đang Vật Lộn với Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm
Tháng Mười năm 2019


Chỉ Dành Cho Phiên Bản Kỹ Thuật Số: Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Làm Thế Nào Tôi Đã Học Cách Phản Ứng Khi Một Người Nào Đó Thú Nhận Là Họ Đang Vật Lộn với Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm

Tác giả hiện sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Tôi đã biết trong nhiều tháng là có chuyện gì đó đang xảy ra, nhưng mãi tới lúc này bạn tôi mới thừa nhận và trực tiếp nói với tôi sự thật: bạn ấy đã vật lộn với hình ảnh sách báo khiêu dâm nhiều năm nay, nói chung là suốt thời gian tôi quen biết bạn ấy.

Trong khi ngồi trong xe lắng nghe bạn ấy thú nhận, tôi cảm thấy biết ơn. Xin đừng hiểu lầm—tôi cảm thấy bị tổn thương vô cùng khi biết rằng bạn ấy đã vật lộn rất lâu mà tôi không hề biết gì—nhưng tôi thấy vui vì trong hoàn cảnh lúc đó tôi có thể phản ứng bằng tình yêu thương thay vì xét đoán.

Việc Trở Nên Không Tử Tế Không Bao Giờ Là Lý Do Chính Đáng

Đôi khi sự hiểu biết rằng hình ảnh sách báo khiêu dâm là xấu xa có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức về người khác. Tôi biết có lúc điều đó đã xảy đến với tôi. Khi tôi còn trẻ hơn, tôi có nghe nói về những người gặp khó khăn với hình ảnh sách báo khiêu dâm và phản ứng nội tâm của tôi là tức giận và thậm chí ghê tởm. Nhưng khi bạn tôi nói cho tôi biết về điều bạn ấy đang phải vật lộn, thì tôi đã có lòng trắc ẩn nhiều hơn để an ủi bạn ấy vì trong suốt cuộc đời tôi, tôi đã trở nên có ý thức hơn về tội lỗi và yếu điểm của chính mình.

Bây giờ tôi biết rằng việc trở nên không tử tế không bao giờ là lý do chính đáng cả. Chúa Giê Su Ky Tô, là tấm gương hoàn hảo của chúng ta, tìm đến những người bị người khác khinh bỉ. Ngài trò chuyện với người Sa Ma Ri và người phạm tội. Đấng Ky Tô, là Đấng không thể “nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận” (Giáo Lý và Giao Ước 1:31), nhìn “chúng ta, những người không hoàn hảo như vậy, mà không thoái lui vì kinh hoàng ghê tởm.”1 Vì thế sau cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa với bạn tôi, tôi đã cố gắng suy nghĩ xem Chúa Giê Su sẽ phản ứng ra sao. Câu chuyện về người đàn bà bị bắt quả tang vì tội tà dâm đã giúp tôi biết cách phản ứng.

Phản Ứng với Lòng Trắc Ẩn

Những người thầy thông giáo và người Pha Ri Si sống theo luật Môi Se vào thời gian giáo vụ của Chúa Giê Su đã không có nhiều lòng trắc ẩn. Trong luật đó có nhiều hình phạt cụ thể, thường rất tàn nhẫn dành cho tội lỗi, và tội tà dâm bắt buộc phải bị ném đá. Nhưng khi người đàn bà phạm tội tà dâm được dẫn đến cho Chúa Giê Su, Ngài đã không cảm thấy ghê tởm—Ngài đã cho bà ta thấy lòng trắc ẩn. Thay vì khen ngợi những kẻ buộc tội vì đã bắt quả tang người phạm tội, Ngài đã nhắc nhở những kẻ buộc tội về tội lỗi của chính họ (xin xem Giăng 8:3–7). Xét cho cùng, chúng ta “đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô Ma 3:23). Đấng Ky Tô đã không lên án kẻ phạm tội, và chúng ta chắc chắn cũng không nên làm như thế (xin xem Giăng 13:34–35).

Ngay khi những kẻ buộc tội đi khỏi, mất tinh thần vì mặc cảm tội lỗi của họ, Đấng Ky Tô đã nói với người đàn bà. Ngài chỉ nói vài lời nhưng lại rất sâu sắc. Trước tiên Ngài hỏi: “Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao?” Và khi bà ta trả lời rằng họ đã đi khỏi rồi, thì Ngài chỉ nói: “Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa.” (Giăng 8:10–11).

Việc kết tội sẽ không giúp người đàn bà này thay đổi, nhưng Đấng Cứu Rỗi biết rằng tình yêu thương có thể giúp ích.

Hãy Đi, Đừng Phạm Tội Nữa

Tình yêu thương thường là bước đầu tiên trong việc giúp đỡ một người nào đó vượt qua cám dỗ của hình ảnh sách báo khiêu dâm. Tiến trình chữa lành luôn luôn độc nhất vô nhị như cá nhân mỗi người vậy, nhưng có một số bước cơ bản mà mỗi người đang vật lộn với hình ảnh sách báo khiêu dâm cần phải làm. Hãy khuyến khích họ gặp với vị giám trợ của họ; ông sẽ có những nguồn phương tiện và công cụ để giúp đỡ. Khi thích hợp, giúp họ nhận ra điều gì đã gây ra hành động của họ và lập một kế hoạch để giúp họ tránh điều đó. Khuyến khích họ đi gặp một nhà chuyên môn hoặc tham gia một nhóm hỗ trợ. Và hãy tiếp tục yêu thương và hỗ trợ họ từng bước một.

Đấng Cứu Rỗi bày tỏ tình yêu thương đối với người đàn bà đó và đảm bảo rằng bà ta biết là Ngài không muốn bà tiếp tục phạm tội. Lòng bác ái thật sự không có nghĩa là chúng ta bỏ qua lỗi lầm của người khác; thay vì thế, nó là nguyên nhân để cho chúng ta thấy được tiềm năng của họ và khuyến khích chúng ta giúp họ tiếp tục tiến bước.

Một Cuộc Hành Trình về Đức Tin

Tôi đã yêu thương bạn của tôi rồi, nhưng tôi còn yêu thương bạn ấy nhiều hơn nữa sau khi bạn ấy tiết lộ bí mật của mình cho tôi. Bất kể điều gì anh chị em hay một người mà mình yêu thương đã làm, “Các anh chị em không thể nào chìm sâu hơn nơi mà ánh sáng vô tận của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô có thể chiếu đến.”2

Nếu anh chị em biết một người nào đó đang vật lộn với hình ảnh sách báo khiêu dâm, đừng bỏ mặc họ! Hãy tìm đến họ với tình yêu thương và lòng trắc ẩn giống như Đấng Cứu Rỗi đã làm. Việc đó không phải lúc nào cũng dễ dàng; sự vật lộn này không biến mất qua một đêm. Hãy kiên nhẫn với người thân yêu của mình và với bản thân mình. Việc học cách yêu thương và thấu hiểu một người nào đó đang trải qua một tình huống vô cùng khó khăn không phải lúc nào cũng đẹp đẽ hay dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng tất cả tình yêu thương chúng ta trao đi sẽ không bị uổng phí, bất kể cuộc hành trình của người thân của chúng ta kéo dài bao lâu hoặc kết quả ra sao.

Ghi Chú

  1. Dale G. Renlund, “Đấng Chăn Hiền Lành của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 30.

  2. Jeffrey R. Holland, “Những Người Làm Công trong Vườn Nho,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 33.

In