2019
Đền Thờ Laie Hawaii: Một Trăm Năm Quy Tụ
Tháng Mười năm 2019


Đền Thờ Laie Hawaii: Một Trăm Năm Quy Tụ

Được làm lễ cung hiến cách đây 100 năm, Đền Thờ Laie Hawaii đã cho phép Các Thánh Hữu quy tụ để tiếp nhận các phước lành của đền thờ khi phúc âm bắt đầu lan tràn khắp thế gian.

Hình Ảnh
Laie Hawaii Temple rendering

Bản vẽ kiến trúc do kiến trúc sư Hyrum Pope và Harold W. Burton thực hiện.

Một trong các sứ mệnh quan trọng của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau là nhằm cung ứng các phước lành đền thờ cho mọi người trên thế gian, cả người sống lẫn người chết. Tiên Tri Joseph Smith dạy rằng “mục tiêu của việc quy tụ … dân của Thượng Đế trong bất kỳ thời đại nào của thế gian … là nhằm xây cất cho Chúa một ngôi nhà mà nơi đó Ngài có thể mặc khải cho dân Ngài các giáo lễ của ngôi nhà của Ngài.”1

Vào đầu thế kỷ 20, chỉ có bốn ngôi đền thờ đang hoạt động được tìm thấy trên thế gian, tất cả đều nằm ở Utah. Do đó, việc đích thân quy tụ đến Utah là cách thức chính yếu để tiếp nhận các phước lành của đền thờ. Vào năm 1919, điều đó đã thay đổi. Vào ngày 27 tháng Mười Một năm 1919, Chủ Tịch Heber J. Grant (1856–1945) đã làm lễ cung hiến Đền Thờ Laie Hawaii. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong Sự Phục Hồi khi các phước lành của đền thờ trở nên có sẵn cho nhiều quốc gia.

Trong nhiều phương diện, Đền Thờ Laie Hawaii là đền thờ quốc tế đầu tiên. Đền thờ này lập tức phục vụ các tín hữu đến từ Hawaii, New Zealand, Samoa, Tonga, Tahiti, Nhật Bản, và Úc. Trong khi Giáo Hội tiếp tục phát triển trong khắp Khu Vực Thái Bình Dương và Châu Á, con số các quốc gia đã được ban phước bởi ngôi đền thờ này tiếp tục gia tăng.

Năm nay đánh dấu 100 năm kỷ niệm sự kiện quan trọng này trong sự quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che.

Sự quy tụ từ Samoa

Các quần đảo thuộc Samoa nằm cách Hawaii khoảng 2.500 dặm (4.023 km). Vào năm 1919, John Q. Adams, chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Samoa, nói, “Với sự khánh thành của ngôi đền thờ ở Laie, các tín hữu của chúng ta dường như bỗng nhiên có một ước muốn để tích lũy đủ của cải thế gian để đi đến đền thờ.” Ví dụ như Aulelio Anae, đã phục vụ với tư cách là một người truyền giáo không được trả lương trong 20 năm. Chính do những năm tháng hy sinh này của anh, nên anh đã không có đủ tiền để hành trình đến Hawaii. Vì thế Anh Anae đã bán hết mọi thứ và xoay xở để dành dụm được tổng cộng là 600 hoặc 700 đô la.2 Anh Anae và các tín hữu người Samoa khác đã hy sinh tất cả những gì họ có thể để dọn đến Laie trong những năm 1920.

Một gia đình, gia đình Leotas, đặt chân đến Hawaii vào Ngày Tết Dương Lịch năm 1923. Bé Vailine Leota bảy tuổi nhớ lại: “Lần đầu tiên chúng tôi [trông thấy] đền thờ … thật là một quang cảnh tuyệt đẹp.”3 Chỉ hai tuần sau đó, cha mẹ của Vailine, Aivao và Matala, đã tiếp nhận lễ thiên ân của họ và được làm lễ gắn bó với tư cách là vợ chồng, và con cái của họ đã được làm lễ gắn bó với họ. Gia đình Leotas đã phục vụ trung tín trong ngôi nhà của Chúa trong 50 năm và được chôn cất “gần ngôi đền thờ mà họ vô cùng yêu mến.”4 Ngày nay, hàng trăm con cháu trung tín của họ sống rải rác khắp nơi ở Hawaii.

Một Nhiệm Vụ Bất Khả Thi

Trong khi có nhiều tín hữu trong Khu Vực Thái Bình Dương rời khỏi quê hương của họ và di cư đến Hawaii, thì nhiều tiểu giáo khu và chi nhánh từ nhiều quốc gia khác nhau đã tổ chức những chuyến hành trình theo nhóm, gọi là những chuyến đi, tới đền thờ. Kiểu quy tụ này về phương diện thuộc linh cung ứng một cách thức cho các tín hữu Giáo Hội hành trình để tiếp nhận các giáo lễ đền thờ rồi sau đó trở về quê hương để xây dựng Giáo Hội trong quốc gia bản xứ của họ.

Tại buổi lễ cung hiến, Chủ Tịch Grant cầu nguyện lên Chúa để Ngài mở đường cho Các Thánh Hữu ở New Zealand và tất cả Các Quần Đảo Thái Bình Dương và giữ gìn các gia phả của họ được an toàn để họ có thể đến đền thờ và trở thành những vị cứu tinh cho tổ tiên của họ.

Những chuyến đi đền thờ bắt đầu với một nhóm Các Thánh Hữu Maori Saints ở New Zealand chỉ sáu tháng sau lễ cung hiến. Dù cách xa Hawaii 5.000 dặm (8.045 km), các Thánh Hữu này đã rất hân hoan khi nghe tin về lễ cung hiến.

Waimate và Heeni Anaru mong mỏi được thuộc vào nhóm đầu tiên hành trình đến đền thờ. Tuy nhiên việc đó dường như không thể vì cảnh nghèo khó của gia đình và đòi hỏi phải có 1.200 bạc tiền New Zealand cho chuyến đi—một số tiền rất lớn. Họ cần có một phép lạ.

Trong nhiều năm, gia đình Anaru tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri và thu thập hồ sơ gia phả của họ. Các hồ sơ này lúc đó đã chất thành từng chồng trong khi Anarus chờ phép lạ xảy ra. Con trai của họ, Wiwini, biết về đức tin của cha mẹ mình: “Mẹ tôi không bao giờ thất vọng rằng bà sẽ [không] được quỳ với Cha tôi trước bàn thờ trong đền thờ một ngày nào đó.”

Một phép lạ đã xảy ra. Waimate thắng được hợp đồng từ chính phủ New Zealand cho một dự án lớn để phát triển đất đai. Thu nhập của anh từ dự án này đã cung cấp đủ tiền mặt để trả trước nhằm trang trải cho chuyến đi tới Hawaii. Waimate và Heeni khắc phục nỗi sợ hãi phải du hành trên biển và đã hành trình đến Hawaii cùng với một nhóm gồm có 14 Thánh Hữu vào tháng Năm năm 1920. Họ đã tiếp nhận lễ thiên ân cho mình và được làm lễ gắn bó. Điều bất khả thi đã xảy ra.

Câu chuyện của gia đình Anarus chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện về Các Thánh Hữu Ngày Sau đã hành trình đến Đền Thờ Laie Hawaii để nhận được các giáo lễ và thỉnh cầu những lời hứa đã được Chúa ban cho trong ngôi nhà của Ngài. Việc này đòi hỏi sự hy sinh lớn lao, nhưng nó tạo ra Các Thánh Hữu vững mạnh hơn và họ là những người đã trở về quê hương của họ sẵn sàng để lãnh đạo Giáo Hội.5

Xây Dựng Laie

Nỗ lực của Giáo Hội để tạo ra một Laie hiện đại tiếp tục ban phước cho Các Thánh Hữu Ngày Sau trong khắp Khu Vực Thái Bình Dương. Trong những thập niên 1950 và 1960, những người truyền giáo đến từ Hawaii, Tonga, Samoa, New Zealand, Tahiti, Các Quần Đảo Cook, Fiji, và Bắc Mỹ đã được kêu gọi để đóng góp tài năng văn hóa và kỹ năng xây dựng nhằm giúp thành lập trường Church College of Hawaii (nay là trường Brigham Young University–Hawaii), Trung Tâm Văn Hóa Polynesia, và một trung tâm khách tham quan đền thờ mới. Bốn mươi bảy người truyền giáo đến từ Tonga và Samoa đã tiếp nhận các giáo lễ đền thờ của họ vào ngày 3 tháng Năm năm 1960—một ví dụ về các phước lành thuộc linh kèm theo với công việc thế tục của họ (xin xem Building Missionaries in Hawaii, năm 1960–1963, Church History Library, Salt Lake City, trang 100).

Một người truyền giáo, Matte Teʻo, đã bị bỏng nặng trước khi rời Samoa, nhưng anh ấy vẫn đi đến Hawaii. Các bác sĩ sợ rằng bàn tay bị cháy đen của anh có lẽ cần phải cắt cụt. Nhiều người bạn cùng truyền giáo với anh đã cầu nguyện cho anh. Trong khi ở trong đền thờ, Anh Teʻo kêu cầu lên Chúa: “Xin Ngài sờ vào bàn tay này.” Xin Ngài chữa bàn tay này để con có thể giúp đỡ một chút ít điều gì mà con có thể làm.” Anh bắt đầu được chữa lành ngay lập tức. Ngày nay bàn tay của anh không có vết sẹo nào. Anh hiện phục vụ với tư cách là người làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Laie Hawaii, anh nói “Đền thờ này … không những có ảnh hưởng mạnh mẽ trong khắp các cộng đồng này ở đây, mà còn trong khắp Khu Vực Thái Bình Dương” (trong Christensen, Stories of the Temple in Lāʻie, Hawaiʻi, trang 328–330).

Sự Quy Tụ Thuộc Linh từ Châu Á

Sau Thế Chiến Thứ Hai và sự tái lập của Giáo Hội ở Nhật Bản, Các Thánh Hữu đã tổ chức chuyến đi đền thờ đầu tiên từ Châu Á. Vào năm 1965, một chiếc máy bay chở đầy 165 Thánh Hữu tận tụy đã bay từ Tokyo đến Hawaii để họ tiếp nhận các giáo lễ đền thờ. Chuyến đi này mang đến sức mạnh lạ thường cho Giáo Hội ở Nhật Bản. Chín mươi lăm phần trăm các tín hữu đó vẫn tiếp tục tích cực trong Giáo Hội. Năm tín hữu về sau trở thành chủ tịch đền thờ ở quê hương của họ, trong đó có Anh Cả Yoshihiko Kikuchi, Vị Thẩm Quyền Trung Ương đầu tiên đến từ Nhật Bản.6

Vào năm 1970, một nhóm các tín hữu Hàn Quốc đi đến Laie. Choi Wook Whan, một chủ tịch chi nhánh, nói: “Chúng tôi đi đền thờ và nó đã mở mang tâm trí của chúng tôi và giúp chúng tôi nhận thức được cách thức để nhận được sự cứu rỗi. Kế hoạch vĩnh cửu trở nên sống động; chứng ngôn của chúng tôi đã được củng cố rất nhiều đến mức rất khó để giải thích. Thật là một phước lành lớn lao để người dân Hàn Quốc có được cơ hội tham dự đền thờ.”7

Hình Ảnh
Laie Hawaii Temple at night

Ảnh chụp bức tranh khắc trên tường của Đền Thờ Hawaii do nhã ý của Viện Bảo Tàng Lịch Sử của Giáo Hội; ảnh chụp Đền Thờ Laie Hawaii vào buổi tối do Carla Johnson chụp

Sự Quy Tụ Những Người Thân Đã Qua Đời của Chúng Ta

Khi các giáo lễ đền thờ trở nên có sẵn cho một quốc gia, chúng mang đến các phước lành của Chúa không chỉ cho những người sống trong quốc gia đó mà còn cho những người từ quốc gia đó hiện đang sống ở bên kia bức màn che. Phước lành này đã được các tín hữu ở các quốc gia Châu Á cảm nhận được, nơi mà văn hóa của họ đã cẩn thận ghi chép gia phả trong hàng thế kỷ.

Cha mẹ của Kwai Shoon Lung di cư từ Trung Quốc tới Hawaii. Ông sinh ra ở Kauai vào năm 1894 và chịu phép báp têm năm 1944 vào ngày sinh nhật lần thứ 50 của mình. Anh Lung giảng dạy lịch sử gia đình ở nhà thờ và nói với lớp học của mình: “Tôi có một khải tượng vào một đêm nọ mà trong đó tôi thấy nhiều người thân đã qua đời của tôi đang ra hiệu cho tôi hãy làm công việc đền thờ cho họ.” Ba ngày sau ông nhận được gia phả của mình từ người cô ở Trung Quốc: 22 trang viết bằng chữ Trung Quốc tiết lộ thông tin về tổ tiên của ông bắt đầu từ năm 1221 sau Công Nguyên. Cùng với con trai của mình là Glenn và con dâu là Julina, họ đã hoàn tất hàng ngàn giáo lễ trong đền thờ cho gia đình của họ. Về sau Glenn và Julina Lung đã phục vụ trung tín với tư cách là chủ tịch và vợ của chủ tịch của Đền Thờ Laie từ năm 2001 đến năm 2004.8

Cuộn Sách Mà Sẽ Không Bị Cháy

Michie Eguchi đến Hawaii từ Nhật Bản vào đầu thập niên 1900 và mang theo một cuộn sách bằng lụa của Nhật. Cháu gái của bà là Kanani Casey đã phục vụ truyền giáo ở Nhật Bản và về sau khám phá ra rằng cuộn sách của bà mình truy nguyên tổ tiên của gia đình họ trở lại tới gần một ngàn năm.

Vào năm 2013, nhà của Kanani bị cháy. Chị và gia đình chị gần như mất hết mọi thứ trong trận hỏa hoạn. Họ đã để gia phả của họ trong những cái ống bằng nhựa dưới gầm giường. Sau trận hỏa hoạn, họ trở lại căn nhà, chỉ thấy mọi thứ đều cháy thành than.

Kanani nói:“Vật duy nhất mà tôi thực sự hy vọng tìm được là bản sao của cuộn sách có chứa những phần phiên dịch và lịch sử. Tôi thấy yên tâm rằng tất cả công việc đền thờ đều đã được thực hiện cho các tổ tiên người Nhật của tôi, nhưng bản sao của cuộn sách thật là quý báu đối với tôi.”

Khi Kanani và chồng của chị, Billy, lục lọi trong đống tro tàn, cuối cùng họ tìm thấy một cái túi bằng ny lông màu xanh. Trong túi, họ tìm thấy bản sao của cuộn sách, cùng với những phần phiên dịch và một cuốn sách lịch sử gia đình, kỳ lạ thay vẫn còn nguyên vẹn. Cuộn sách chỉ bị cháy một chút ở viền ngoài, nhưng đó là vật duy nhất trong phòng ngủ của họ là không bị thiêu hủy.

Kanani cảm thấy Chúa đã giữ gìn cuộn sách “vì lợi ích của con cháu tôi như là một chứng thư về tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và cho thấy tầm quan trọng của việc làm lịch sử gia đình và công việc đền thờ” (trong Christensen, Stories of the Temple in Lāʻie, Hawaiʻi, trang 172–174).

Sự Quy Tụ qua Học Vấn

Các phước lành của Đền Thờ Laie Hawaii cũng được lan tràn tới những người đến quy tụ ở Laie để nhận được học vấn cao hơn. Kể từ thập niên 1950, hàng chục ngàn sinh viên đã đến nơi mà ngày nay được gọi là trường BYU-Hawaii từ khắp Khu Vực Thái Bình Dương và Châu Á. Nhiều người trong số các sinh viên này đã chịu phép báp têm thay cho người chết và phục vụ với tư cách là người làm việc phụ giúp thực hiện giáo lễ trong đền thờ. Đền Thờ Laie đã giúp các sinh viên phát triển một lòng yêu thích lịch sử gia đình và công việc đền thờ cũng như đã ban phước cho họ để được chuẩn bị kỹ hơn nhằm phục vụ khi đền thờ được xây cất ở quê hương họ.

Choon Chua James, người gốc Singapore, đã đến BYU–Hawaii vào thập niên1970 cùng với em gái của mình. Vào năm 1978, cả hai chị em đều lấy chồng đến từ các quốc gia khác. Chị James nhớ lại: “Hôn nhân của chúng tôi ở trong đền thờ Laie đã mang hai người cải đạo và hai nền văn hóa lại với nhau cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu—khởi đầu của điều mà chúng tôi hy vọng sẽ là một di sản lâu dài của các phước lành đền thờ trong gia đình chúng tôi. Hôn nhân của chúng tôi chỉ là hai trong số hàng trăm cuộc hôn nhân vĩnh cửu gắn liền với các sinh viên trường BYU–Hawaii mà đã được thực hiện trong đền thờ Laie, có lẽ là một trong những di sản tuyệt diệu nhất trong sáu mươi năm qua của trường đại học” (trong Christensen, Stories of the Temple in Lāʻie, Hawaiʻi, trang 236).

Sự Quy Tụ Vẫn Tiếp Tục

Tọa lạc ở ngã tư Thái Bình Dương giữa Châu Mỹ và Châu Á, Đền Thờ Laie Hawaii đã cung cấp các phước lành đền thờ cho nhiều quốc gia. Do đó, sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên trở nên chủ yếu là sự quy tụ về phần thuộc linh khi các tín hữu có thể tiếp nhận các phước lành đền thờ và sau đó trở về xây dựng Giáo Hội nơi quê hương của họ. Cơ hội này đã thêm vào sự lan tràn của phúc âm phục hồi tới nhiều nền văn hóa và dân tộc ở cả hai bên bức màn che.

Trong khi chúng ta kỷ niệm 100 năm Đền Thờ Laie Hawaii, chúng ta có đặc ân để chứng kiến một cái mốc lịch sử trong Sự Phục Hồi và việc làm ứng nghiệm lời tiên tri của tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn: “Vĩ đại thay những lời hứa mà Chúa đã ban cho những người ở trên các hải đảo” (2 Nê Phi 10:21).

Ghi Chú

  1. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 416.

  2. Xin xem James Adams Argyle, biên soạn, “The Writings of John Q. Adams,” trang 14, FamilySearch.org.

  3. Vailine Leota Niko, trong Clinton D. Christensen, biên soạn Stories of the Temple in Lāʻie, Hawaiʻi ( năm 2019), trang 70–71.

  4. Aivao Frank Leota (1878–1966), FamilySearch.org.

  5. Xin xem Christensen, Stories of the Temple in Lāʻie, Hawaiʻi, trang 64–65.

  6. Xin xem Christensen, Stories of the Temple in Lāʻie, Hawaiʻi, trang 114–17.

  7. Choi Wook Whan, trong “Going to the Temple Is Greatest Blessing,” Church News, ngày 17 tháng Tư năm 1971, trang 10.

  8. Xin xem Christensen, Stories of the Temple in Lāʻie, Hawaiʻi, trang 166.

In