Sự Ra Đời của Sách Mặc Môn
Những sự kiện lịch sử và các nhân chứng đặc biệt của Sách Mặc Môn minh chứng rằng sự ra đời của sách này thật sự rất kỳ diệu.
Trong một cuộc họp cùng với những anh cả của Giáo Hội, Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố: “Nếu lấy đi Sách Mặc Môn và những điều mặc khải thì đâu là tôn giáo của chúng ta? Chúng ta không còn gì cả.”1 Thưa các anh chị em thân mến, sau Khải Tượng Thứ Nhất, sự ra đời kỳ diệu của Sách Mặc Môn là bước tiến quan trọng thứ hai trong Sự Phục Hồi đang hé mở của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong gian kỳ này. Sách Mặc Môn làm chứng về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái Ngài, về sự hy sinh chuộc tội thiêng liêng và vô vị kỷ của Chúa Giê Su Ky Tô, và về giáo vụ quan trọng nhất của Ngài giữa dân Nê Phi ngay sau khi Ngài phục sinh.2 Sách cũng làm chứng rằng phần còn lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên sẽ được hiệp một qua công việc ngày sau của Ngài và họ không bị khai trừ mãi mãi.3
Khi nghiên cứu về sự ra đời của quyển thánh thư thiêng liêng trong những ngày sau này, chúng ta nhận ra rằng toàn bộ công việc đó thật kỳ diệu—từ việc Tiên Tri Joseph Smith nhận được các bảng khắc bằng vàng từ một thiên sứ cho đến việc phiên dịch quyển sách bằng “ân tứ và quyền năng của Thượng Đế,”4 việc bảo toàn, và xuất bản quyển sách bởi bàn tay của Chúa.
Sự ra đời của Sách Mặc Môn đã bắt đầu từ lâu trước khi Joseph Smith nhận được các bảng khắc bằng vàng nhờ sự giúp đỡ của thiên sứ Mô Rô Ni. Các vị tiên tri thời xưa đã tiên đoán về sự xuất hiện của quyển sách thiêng liêng này trong thời đại của chúng ta.5 Ê Sai đã nói về một quyển sách được đóng ấn, rằng khi nó xuất hiện, loài người sẽ tranh cãi vì lời của Thượng Đế. Chi tiết này cung ứng bối cảnh về lúc Thượng Đế thực hiện “công việc vĩ đại và kỳ diệu” của Ngài, khiến cho “sự khôn ngoan của người khôn ngoan sẽ ra hư không, sự thông sáng của người thông sáng sẽ bị giấu” trong khi người nhu mì sẽ “được thêm sự vui vẻ trong Đức Giê Hô Va, những kẻ nghèo khổ trong loài người sẽ nhơn Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên mà mừng rỡ.”6 Ê Xê Chi Ên đã nói về cây gậy của Giu Đa (Kinh Thánh) và cây gậy của Ép Ra Im (Sách Mặc Môn) được mang trở lại thành một. Cả Ê Xê Chi Ên (trong Kinh Cựu Ước) và Lê Hi (trong Sách Mặc Môn) đã chỉ ra rằng chúng sẽ được “kết hợp lại” để khuynh đảo các giáo lý sai lạc, đem lại sự thuận hòa, và đem lại cho chúng ta sự hiểu biết về các giao ước.7
Vào tối ngày 21 tháng Chín, năm 1823, sau ba năm rưỡi kể từ khi Joseph nhận được Khải Tượng Thứ Nhất, thiên sứ Mô Rô Ni, vị tiên tri cuối cùng của dân Nê Phi tại Châu Mỹ cổ xưa, đã đến thăm ông ba lần, đây là kết quả của những lời cầu nguyện chân thành của ông. Trong những cuộc viếng thăm kéo dài suốt đêm của họ, Mô Rô Ni đã nói cho Joseph biết rằng Thượng Đế có một công việc kỳ diệu cho ông thực hiện—đó là phiên dịch và công bố cho thế giới biết những lời đầy soi dẫn của các vị tiên tri thời xưa ở lục địa Mỹ Châu.8 Ngày hôm sau, Joseph đã đi đến nơi đó, cách nhà ông không xa, là nơi mà các bảng khắc được Mô Rô Ni chôn giấu vào lúc cuối đời, hàng thế kỷ trước. Khi đến nơi, Joseph trông thấy Mô Rô Ni một lần nữa, và vị này đã chỉ dẫn ông cách tự chuẩn bị bản thân để nhận được các bảng khắc trong tương lai.
Suốt bốn năm tiếp theo, vào ngày 22 tháng Chín mỗi năm, Joseph đã nhận được những chỉ dẫn bổ sung từ Mô Rô Ni cung cấp sự hiểu biết về cách mà vương quốc của Chúa phải được cai quản trong những ngày sau. Sự chuẩn bị của Joseph cũng bao gồm những cuộc viếng thăm từ các thiên sứ của Thượng Đế, nhờ vậy mở ra vẻ oai nghiêm và vinh quang của những sự kiện mà sẽ xảy ra trong gian kỳ này.9
Việc ông kết hôn với Emma Hale trong năm 1827 là một phần của sự chuẩn bị đó. Bà đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Vị Tiên Tri trong suốt cuộc đời và giáo vụ của ông. Thật vậy, vào tháng Chín năm 1827, Emma đã đi cùng với Joseph đến ngọn đồi nơi giấu các bảng khắc, và bà đã đợi ông trong khi thiên sứ Mô Rô Ni giao các bảng khắc vào tay Joseph. Joseph đã nhận được lời hứa rằng các bảng khắc sẽ được bảo toàn nếu ông bỏ ra mọi nỗ lực để giữ cho chúng an toàn cho đến khi chúng được trao trả cho Mô Rô Ni.10
Các anh chị em tín đồ thân mến của tôi trong phúc âm, nhiều khám phá ngày nay về những thời xa xưa có được trong cuộc khai quật của ngành khảo cổ hoặc thậm chí được tình cờ phát hiện trong một dự án xây dựng. Tuy nhiên, Joseph Smith đã được chỉ dẫn đến các bảng khắc nhờ một thiên sứ. Chỉ riêng kết quả đó đã là một phép lạ.
Quá trình phiên dịch Sách Mặc Môn cũng là một phép lạ. Biên sử cổ xưa thiêng liêng này đã không được “phiên dịch” theo cách truyền thống của những học giả khi dịch các văn bản cổ xưa bằng cách học ngôn ngữ cổ. Chúng ta phải hiểu quá trình này giống như một “sự mặc khải” với sự phụ giúp của các dụng cụ được Chúa cung ứng, trái ngược với việc “phiên dịch” bởi một người có sự hiểu biết về các ngôn ngữ. Joseph Smith tuyên bố rằng bằng quyền năng của Thượng Đế, “[ông] đã phiên dịch Sách Mặc Môn từ những chữ viết tượng hình, kiến thức về những chữ viết tượng hình này đã bị mất trên thế gian, và [ông] đã hành động một mình trong sự kiện kỳ diệu này, một người trẻ tuổi ít học, để chống lại sự khôn ngoan của thế gian và việc thiếu hiểu biết gia tăng trong mười tám thế kỷ, với một điều mặc khải mới mẻ.”11 Sự giúp đỡ của Chúa trong việc phiên dịch các bảng khắc—hay nói cách khác, sự mặc khải—cũng rất rõ ràng khi nghĩ về thời gian ngắn một cách kì diệu mà Joseph Smith đã dành ra để phiên dịch.12
Những người ghi chép cho Joseph đã làm chứng về quyền năng của Thượng Đế được biểu lộ trong khi làm việc với bản dịch Sách Mặc Môn. Oliver Cowdery có lần đã nói: “Đây là những ngày mà tôi không bao giờ có thể quên được—khi ngồi lắng nghe giọng đọc được cất lên bởi sự soi dẫn của thiên thượng, làm thức tỉnh niềm biết ơn sâu xa nhất của tấm lòng này! Ngày qua ngày, tôi tiếp tục ghi xuống, mà không hề bị gián đoạn, những gì anh ấy đọc ra, trong khi phiên dịch … ‘Sách Mặc Môn.’”13
Những tư liệu lịch sử tiết lộ rằng ngay từ giây phút Joseph có được các bảng khắc vào năm 1827, nhiều nỗ lực đã được đưa ra để chiếm lấy các bảng khắc khỏi ông. Ông đã nhận thấy rằng “tất cả mọi cố gắng mãnh liệt đều được tận dụng triệt để nhằm chiếm đoạt [các bảng khắc] khỏi [mình]” và rằng “mọi mưu chước có thể nghĩ ra được đều nhằm vào mục đích đó.”14 Để tiếp tục công việc phiên dịch, Joseph và Emma cuối cùng bị buộc phải đi khỏi Manchester, New York và đến Harmony, Pennsylvania, để tìm một nơi an toàn tránh khỏi đám đông và những cá nhân muốn đoạt lấy các bảng khắc.15 Theo như một nhà sử học nhận xét thì: “Việc đó đã chấm dứt giai đoạn khó khăn đầu tiên của Joseph với trách nhiệm bảo vệ các bảng khắc. … Mặc dù vậy, các bảng khắc đã được an toàn, và trong những khó khăn của mình để bảo toàn chúng, Joseph chắc chắn đã học được nhiều điều về những đường lối của Thượng Đế và loài người mà sẽ giúp ích cho ông trong thời gian tới.”16
Trong khi phiên dịch Sách Mặc Môn, Joseph biết được rằng Chúa sẽ chọn các nhân chứng để cho thấy các bảng khắc.17 Đây là một phần trong những điều mà đích thân Chúa đã định khi Ngài phán: “hầu cứ lời hai, ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn.”18 Oliver Cowdery, David Whitmer, và Martin Harris là một vài trong số những người ban đầu sát cánh cùng Joseph để thiết lập công việc kỳ diệu của Thượng Đế trong gian kỳ này và là những nhân chứng đầu tiên được kêu gọi để đưa ra lời chứng đặc biệt về Sách Mặc Môn với thế gian. Họ làm chứng rằng một thiên sứ, là người đến từ nơi hiện diện của Chúa, đã cho họ thấy biên sử cổ xưa và họ đã trông thấy các ký tự được khắc ở trên các bảng đó. Họ cũng làm chứng rằng họ đã nghe tiếng của Thượng Đế từ trời tuyên phán rằng biên sử cổ xưa này được phiên dịch bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Và rồi họ được truyền lệnh phải làm chứng về sách này với cả thế giới.19
Một cách kỳ diệu, Chúa đã kêu gọi tám nhân chứng khác để chính mắt họ được trông thấy các bảng khắc bằng vàng và trở thành những nhân chứng đặc biệt về lẽ trung thực và tính chất thiêng liêng của Sách Mặc Môn với thế gian. Họ làm chứng rằng họ đã thấy và kiểm tra kỹ lưỡng các bảng đó và những chữ được khắc lên đó. Ngay cả ở giữa những nghịch cảnh, ngược đãi, đủ mọi khó khăn đủ kiểu, và thậm chí một vài người trong bọn họ sau này nao núng trong đức tin, thì mười một người được chọn làm nhân chứng cho Sách Mặc Môn đã không bao giờ phủ nhận chứng ngôn rằng họ đã trông thấy các bảng khắc. Joseph Smith không phải là người duy nhất biết về cuộc viếng thăm của Mô Rô Ni và các bảng khắc bằng vàng.
Lucy Mack Smith đã ghi lại rằng con trai của bà trở về nhà với niềm vui mừng khôn xiết sau khi các nhân chứng được cho thấy các bảng khắc. Joseph đã giải thích cho cha mẹ của mình rằng: “Con cảm thấy như mình đã trút được một gánh nặng, gần như là quá nặng đối với con; và lòng con vui sướng vì con không còn là người duy nhất biết điều này một cách cô độc trên thế gian nữa.”20
Joseph Smith phải đối mặt với nhiều sự chống đối để in ấn Sách Mặc Môn sau khi hoàn tất việc phiên dịch sách. Ông đã có thể thuyết phục một thợ in tên là Egbert B. Grandin tại Palmyra, New York, để in sách chỉ sau khi Martin Harris, trong một hành động biểu lộ đức tin và sự hy sinh lớn lao, đã thế chấp nông trại của ông cho chi phí in ấn. Một phần vì sự chống đối liên tục sau khi xuất bản Sách Mặc Môn, Martin Harris thật sự đã phải bán nông trại rộng 151 mẫu Anh (0.6 km2) của mình để thanh toán chi phí xuất bản. Qua một điều mặc khải được ban cho Joseph Smith, Chúa đã chỉ thị Martin Harris không được tham lam giữ lấy tài sản của mình và phải thanh toán chi phí in ấn quyển sách “chứa đựng lẽ thật và lời của Thượng Đế.”21 Vào tháng Ba năm 1830, 5.000 quyển Sách Mặc Môn đầu tiên đã được xuất bản, và ngày nay hơn 180 triệu bản đã được in ra bằng hơn một trăm ngôn ngữ.
Những sự kiện lịch sử và các nhân chứng đặc biệt của Sách Mặc Môn minh chứng rằng sự ra đời của sách này thật sự rất kỳ diệu. Tuy nhiên, quyền năng của quyển sách này không chỉ nằm ở lịch sử tuyệt vời của sách mà còn ở sứ điệp mạnh mẽ không gì sánh được mà đã thay đổi vô số cuộc sống—kể cả cuộc sống của tôi!
Tôi đọc hết Sách Mặc Môn lần đầu tiên khi còn là một học sinh trẻ tuổi trong lớp giáo lý. Theo lời khuyến khích của các giảng viên, tôi bắt đầu đọc từ các trang giới thiệu của sách. Lời hứa trong những trang đầu tiên của Sách Mặc Môn vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi: “[Hãy] suy ngẫm trong lòng … và rồi cầu vấn Thượng Đế [với đức tin] … trong danh Đấng Ky Tô, để xem sách này có đúng thật không. Những ai theo đuổi con đường này … sẽ nhận được chứng ngôn về lẽ thật và tính chất thiêng liêng của sách bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.”22
Với lời hứa đó trong tâm trí, với lòng thiết tha tìm kiếm để biết thêm về lẽ thật của sách, và trong tinh thần cầu nguyện, tôi đã nghiên cứu Sách Mặc Môn, từng chút một, trong lúc hoàn tất các bài học hằng tuần trong lớp giáo lý. Tôi nhớ rằng, như thể mới hôm qua, một cảm nghĩ ấm áp bắt đầu lớn lên trong tôi và làm tràn ngập lòng tôi, soi sáng sự hiểu biết của tôi, và trở nên ngày càng thu hút, như đã được An Ma mô tả trong khi thuyết giảng lời của Thượng Đế cho dân của ông.23 Cảm nghĩ đó cuối cùng đã chuyển thành sự hiểu biết ghi sâu trong lòng tôi và trở thành nền tảng cho chứng ngôn của tôi về các sự kiện trọng đại và những lời giảng dạy được tìm thấy trong quyển sách thiêng liêng này.
Qua những kinh nghiệm cá nhân vô giá này, Sách Mặc Môn thật sự trở thành tảng đá đỉnh vòm chống đỡ cho đức tin của tôi nơi Chúa Giê Su Ky Tô và chứng ngôn của tôi về giáo lý của phúc âm Ngài. Nó trở thành một trong những điều cốt lõi làm chứng cho tôi về sự hy sinh chuộc tội thiêng liêng của Đấng Ky Tô. Nó trở thành tấm khiên che chắn tôi khỏi những nỗ lực của kẻ nghịch thù nhằm làm suy yếu đức tin và tiêm nhiễm nỗi nghi ngờ vào tâm trí tôi và cho tôi can đảm để mạnh dạn tuyên bố chứng ngôn của tôi về Đấng Cứu Rỗi với thế gian.
Thưa các bạn thân mến của tôi, chứng ngôn của tôi về Sách Mặc Môn đến từng hàng chữ một24 giống như một phép lạ cho tấm lòng tôi. Cho đến ngày hôm nay, chứng ngôn này tiếp tục lớn mạnh khi tôi liên tục tìm kiếm, với tấm lòng chân thành, để hiểu biết trọn vẹn hơn lời của Thượng Đế có trong quyển thánh thư phi thường này.
Đối với tất cả những ai lắng nghe tôi ngày hôm nay, tôi mời anh chị em trở thành một phần trong sự ra đời tuyệt diệu của Sách Mặc Môn trong chính cuộc sống của anh chị em. Tôi hứa với anh chị em rằng khi thành tâm và kiên định học hỏi những lời trong sách, anh chị em có thể dự phần vào những lời hứa của sách và có được những phước lành dồi dào trong cuộc sống của mình. Tôi khẳng định thêm một lần nữa lời hứa vang vọng suốt các trang sách: rằng nếu anh chị em “cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu [anh chị em] cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô,” thì với lòng nhân từ, Ngài “sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho [anh chị em] biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.”25 Tôi có thể cam đoan với anh chị em rằng Ngài sẽ ban câu trả lời cho cá nhân anh chị em theo một cách rất riêng, như Ngài đã ban cho tôi và nhiều người khác trên thế giới. Kinh nghiệm của anh chị em sẽ vinh quang và thiêng liêng đối với anh chị em giống như kinh nghiệm của Joseph Smith đối với ông, cũng như đối với các nhân chứng đầu tiên và đối với tất cả những ai đã tìm kiếm để nhận được một lời chứng về sự trọn vẹn và đáng tin cậy của quyển sách thiêng liêng này.
Tôi làm chứng rằng Sách Mặc Môn thật sự là lời của Thượng Đế. Tôi làm chứng rằng biên sử thiêng liêng này “mang lại các giáo lý phúc âm, phác họa kế hoạch cứu rỗi và cho loài người biết phải làm gì để nhận được sự bình an trong cuộc sống này và nhận được sự cứu rỗi vĩnh cửu trong cuộc sống tới.”26 Tôi làm chứng rằng Sách Mặc Môn là công cụ của Thượng Đế để mang đến sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên trong thời kỳ của chúng ta và để giúp mọi người biết Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống và yêu thương chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, là tảng đá góc nhà của tôn giáo chúng ta. Tôi nói những điều này trong thánh danh của Đấng Cứu Chuộc, Đức Thầy, và Chúa của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.