Một Niềm Hy Vọng Hết Sức Xán Lạn
Bởi vì Sự Phục Hồi đã tái khẳng định lẽ thật nền tảng rằng Thượng Đế thực hiện công việc của Ngài trên thế gian này, nên chúng ta có thể hy vọng, chúng ta nên hy vọng, ngay cả khi phải đối mặt với tỉ lệ thành công rất thấp.
Vào tháng Mười năm ngoái, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời gọi chúng ta chuẩn bị trước cho đại hội tháng Tư năm 2020 này theo cách riêng của chúng ta khi tìm hiểu những sự kiện trong quá khứ để thấy sự oai nghiêm nơi bàn tay của Thượng Đế trong việc phục hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chị Holland và tôi tiếp nhận lời mời gọi mang tính tiên tri đó một cách nghiêm túc. Chúng tôi đã hình dung bản thân mình sống vào đầu những năm 1800, nhìn vào các tín ngưỡng tôn giáo thời đó. Trong bối cảnh tưởng tượng đó, chúng tôi tự hỏi: “Còn thiếu điều gì ở đây? Chúng tôi mong muốn điều gì? Chúng tôi hy vọng Thượng Đế sẽ ban cho điều gì để đáp ứng sự khao khát thuộc linh của mình?”
Trước hết, chúng tôi nhận ra rằng hai thế kỷ trước chúng tôi đã hy vọng rất nhiều vào việc khôi phục một khái niệm chân thật, thánh thiện về Thượng Đế hơn hầu hết mọi người thời đó, bị ẩn giấu vì dường như Ngài thường khuất phía sau hàng thế kỷ sai lầm và hiểu lầm. Mượn một cụm từ của William Ellery Channing, một nhân vật tôn giáo nổi bật thời đó, chúng tôi sẽ tìm kiếm “thiên tính làm cha mẹ của Thượng Đế,” là điều Channing gọi là “giáo lý quan trọng đầu tiên của Ky Tô Giáo.”1 Một giáo lý như vậy sẽ công nhận Thượng Đế là một Cha Thiên Thượng ân cần, thay vì là một phán quan xét xử theo công lý một cách hà khắc hoặc là một chúa đất vắng mặt, người đã từng giải quyết các vấn đề trần thế nhưng giờ đang bận tâm ở một nơi khác trong vũ trụ.
Vâng, niềm hy vọng của chúng tôi vào năm 1820 sẽ là để tìm kiếm một Thượng Đế phán truyền và hướng dẫn một cách cởi mở trong hiện tại như Ngài đã làm trong quá khứ, một người Cha thực sự, theo ý nghĩa yêu thương nhất của từ đó. Ngài chắc chắn sẽ không lạnh lùng và độc đoán, là người định trước một vài người được chọn để cứu rỗi và sau đó buộc những người còn lại trong gia đình phải bị nguyền rủa. Không, Ngài sẽ là Đấng mà theo lời phán truyền thiêng liêng sẽ làm mọi việc cho “lợi ích cho thế gian; vì Ngài rất yêu mến thế gian,”2 và mọi cư dân trên đó. Tình yêu thương đó là lý do lớn nhất của Ngài để gửi Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai Độc Sinh Yêu Dấu của Ngài, đến thế gian.3
Nói về Chúa Giê Su, nếu chúng tôi sống trong những năm đầu tiên của thế kỷ 19, chúng tôi sẽ nhận ra một cách đầy lo lắng rằng những nghi ngờ về tính chân thật của cuộc đời và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi đã bắt đầu có ảnh hưởng lớn bên trong giới Ky Tô Hữu. Do đó, chúng tôi sẽ hy vọng có bằng chứng để xác nhận với toàn thế giới về lời chứng trong Kinh Thánh rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, là Con Trai thực sự của Thượng Đế, là An Pha và Ô Mê Ga, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc vĩ đại và duy nhất của thế gian. Một trong những hy vọng lớn lao nhất của chúng tôi là các bằng chứng thánh thư khác sẽ được đưa ra, một điều gì đó có thể tạo thành một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô, mở rộng và nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về sự giáng sinh kỳ diệu, giáo vụ tuyệt vời, sự hy sinh cứu chuộc, và Sự Phục Sinh đầy vinh quang của Ngài. Thực sự một tài liệu như vậy sẽ “gửi sự ngay chính từ trên trời xuống; và lẽ thật quét qua thế gian.”4
Quan sát thế giới Ky Tô Giáo vào ngày đó, chúng tôi sẽ hy vọng tìm được ai đó được Thượng Đế ủy quyền với thẩm quyền chức tư tế thực sự, là người có thể báp têm cho chúng ta, ban ân tứ Đức Thánh Linh và thực hiện tất cả các giáo lễ phúc âm cần thiết cho sự tôn cao. Vào năm 1820, chúng tôi sẽ hy vọng được thấy những lời hứa hùng hồn của Ê Sai, Mi Chê và các tiên tri thời xưa khác về sự trở lại của ngôi nhà oai nghiêm của Chúa được làm tròn.5 Chúng tôi sẽ vui mừng khi thấy vinh quang của những đền thờ thánh được thiết lập lại, với Thánh Linh, các giáo lễ, quyền năng và thẩm quyền để giảng dạy những lẽ thật vĩnh cửu, chữa lành vết thương cá nhân và gắn bó các gia đình mãi mãi. Tôi sẽ kiếm bất kỳ đâu và bất kỳ chỗ nào để tìm ai đó được ủy quyền để nói với tôi và Patricia yêu dấu của tôi rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi trong hoàn cảnh như vậy đã được gắn bó cho thời vĩnh cửu, không bao giờ nghe hay bị áp đặt sự ám ảnh khó quên bởi câu nói “cho đến khi cái chết chia lìa hai người.” Tôi biết rằng “Trong nhà Cha [của chúng ta] có nhiều chỗ ở,”6 nhưng, nói một cách cá nhân, nếu tôi may mắn được thừa hưởng một trong số những chỗ đó, thì nó sẽ không khác gì một căn lều mục nát nếu Pat và các con của chúng tôi không cùng tôi chia sẻ di sản đó. Và đối với tổ tiên của chúng tôi, một số người đã sống và qua đời thời xưa mà chưa nghe đến danh của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng tôi sẽ hy vọng rằng các khái niệm công bằng và nhân từ nhất này trong Kinh Thánh sẽ được phục hồi—là sự thực hành của những người còn sống để dâng lên các giáo lễ cứu rỗi thay mặt cho những người thân đã mất của họ.7 Không có sự thực hành nào mà tôi có thể tưởng tượng sẽ bày tỏ một cách tuyệt diệu hơn về mối quan tâm của một Thượng Đế đầy yêu thương đối với mỗi đứa con trần thế của Ngài bất kể thời điểm họ sống cũng như nơi họ mất.
Danh sách hy vọng năm 1820 của chúng tôi có thể tiếp tục, nhưng có lẽ sứ điệp quan trọng nhất của Sự Phục Hồi là những hy vọng như vậy sẽ không vô ích. Bắt đầu từ Khu Rừng Thiêng Liêng và tiếp tục cho đến ngày nay, những ước muốn này bắt đầu thành sự thực và trở thành, như Sứ Đồ Phao Lô và những người khác đã dạy, là cái neo thực sự của linh hồn, vững vàng và bền chặt.8 Những gì đã từng chỉ là hy vọng thì bây giờ đã trở thành lịch sử.
Đây là lý do chúng ta nhìn lại 200 năm tốt lành của Thượng Đế đối với thế gian. Nhưng chúng ta kỳ vọng điều gì sẽ diễn ra trong tương lai? Chúng ta vẫn có những hy vọng chưa được làm tròn. Ngay cả khi chúng tôi nói chuyện, chúng ta vẫn đang tiến hành một cuộc chiến “tổng lực” chống lại COVID-19, một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng một con vi rút9 nhỏ hơn 1.000 lần so với một hạt cát10 có thể khiến toàn bộ dân số và nền kinh tế toàn cầu phải khụy xuống. Chúng tôi cầu nguyện cho những người đã mất người thân vì bệnh dịch thời hiện đại này, cũng như cho những người hiện đang bị hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh. Chúng tôi chắc chắn cầu nguyện cho những người đang làm công việc chăm sóc sức khỏe tuyệt vời đó. Khi chúng ta chiến thắng được nó—và chúng ta sẽ—tôi hy vọng chúng ta có thể tận tâm như vậy để giải phóng thế giới khỏi vi rút của sự đói kém, giải phóng các khu dân cư và quốc gia khỏi vi rút của sự nghèo nàn. Chúng ta hãy hy vọng những ngôi trường nơi học sinh được giảng dạy—không sợ họ sẽ bị bắn—và phẩm giá cá nhân cho mọi đứa con của Thượng Đế, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ hình thức định kiến về chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo nào hết. Hỗ trợ cho tất cả những điều này là niềm hy vọng không ngừng nghỉ cho sự cống hiến lớn hơn cho hai lệnh truyền lớn nhất trong tất cả các lệnh truyền: yêu mến Thượng Đế bằng cách giữ lời răn của Ngài và yêu thương người lân cận của chúng ta bằng cách thể hiện lòng tốt và lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn và tha thứ.11 Hai lệnh truyền thiêng liêng này vẫn là—và mãi mãi sẽ là—hy vọng thực sự duy nhất mà chúng ta có để mang lại cho con cái chúng ta một thế giới tốt đẹp hơn thế giới mà chúng biết bây giờ.12
Ngoài việc có những mong muốn mang tính toàn cầu này, nhiều người trong cử tọa hôm nay còn có hy vọng cá nhân sâu sắc: hy vọng cho cuộc hôn nhân được cải thiện, hoặc đôi khi chỉ hy vọng được kết hôn, hy vọng một thói nghiện ngập sẽ được khắc phục, hy vọng một đứa con bướng bỉnh quay trở lại, hy vọng hàng trăm nỗi đau về thể xác và cảm xúc được chấm dứt. Bởi vì Sự Phục Hồi đã tái khẳng định lẽ thật nền tảng rằng Thượng Đế thực hiện công việc của Ngài trên thế gian này, nên chúng ta có thể hy vọng, chúng ta nên hy vọng, ngay cả khi phải đối mặt với tỉ lệ thành công rất thấp. Đó là ý nghĩa của thánh thư khi Áp Ra Ham có thể hy vọng khi chẳng còn lý do để hy vọng13—đó là, ông ấy có thể tin bất chấp mọi lý do để không tin—rằng ông và Sa Ra có thể thụ thai một đứa con khi điều đó dường như là không thể. Vì vậy, tôi hỏi: “nếu như rất nhiều hy vọng năm 1820 của chúng ta có thể bắt đầu được thực hiện bằng một tia sáng thiêng liêng đến với một cậu bé chỉ quỳ trong một rừng cây ở ngoại ô New York, thì tại sao chúng ta không hy vọng rằng những ước muốn ngay chính và những khao khát giống như Đấng Ky Tô vẫn có thể được Thượng Đế của sự trông cậy đáp ứng một cách kỳ diệu và phi thường?” Tất cả chúng ta cần phải tin rằng những gì chúng ta ước muốn trong sự ngay chính có thể một ngày nào đó và bằng cách nào đó sẽ thuộc về chúng ta.
Thưa các anh chị em, chúng ta đã biết một số thiếu sót tôn giáo vào đầu thế kỷ 19. Hơn nữa, chúng ta biết một số thiếu sót của tôn giáo ngày nay vẫn còn để một số người đói khát và hy vọng của một số người chưa được thực hiện. Chúng tôi biết một loạt những bất mãn đó đang dẫn dắt một số người rời khỏi các tổ chức giáo hội truyền thống. Chúng ta cũng biết, như một nhà văn thất vọng đã viết, rằng “nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo [ở thời đó] dường như hoàn toàn không biết” cách giải quyết sự suy giảm này, đưa ra sự đáp ứng “vô bổ về sự ảo tưởng, hoạt động biểu tượng rẻ tiền, được che giấu một cách cẩn thận, [hoặc đôi khi chỉ là] vô nghĩa”14—và tất cả tại một thời điểm mà thế giới cần rất nhiều, khi thế hệ đang lên xứng đáng được nhiều hơn thế, và khi vào thời của Chúa Giê Su, Ngài đã ban phát rất nhiều hơn thế. Là môn đồ của Đấng Ky Tô, trong thời đại của chúng ta, chúng ta có thể vượt trội hơn những người Y Sơ Ra Ên thời xưa mà đã rên rỉ: “Lòng trông cậy chúng ta đã mất, chúng ta đã tuyệt diệt cả.”15 Thật vậy, nếu cuối cùng chúng ta mất hy vọng, thì chúng ta đã mất đi thứ cuối cùng để nâng đỡ mình. Chính trên cánh cổng ngục giới, Dante đã viết một lời cảnh báo cho tất cả những kẻ lữ hành trong trường ca Divina Commedia của ông, ông nói: “Đừng hy vọng gì nữa, một khi ngươi đã bước chân vào đây.”16 Thực sự khi hy vọng không còn nữa, thì những gì còn lại cho chúng ta là ngọn lửa ngục giới thiêu đốt ở mọi phía.
Vì vậy, khi chúng bị dồn đến chân tường, như bài thánh ca viết: “Lúc hết mong nhờ ai, tôi vô phương kêu nài,”17 ân tứ hy vọng quý giá này gắn bó chặt chẽ với đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế và lòng bác ái của chúng ta với người khác là một trong số những đức tính cần thiết nhất của chúng ta.
Trong lễ kỷ niệm hai trăm năm này, khi chúng ta nhìn lại để thấy tất cả những gì chúng ta đã được ban cho và vui mừng khi nhận ra rất nhiều hy vọng đã được đáp ứng, tôi nhắc lại suy nghĩ tương tự của một chị truyền giáo xinh đẹp đã mãn nhiệm, người đã nói chuyện với chúng tôi ở Johannesburg chỉ vài tháng trước: “[Chúng ta] đã không đi xa đến thế này chỉ để dừng lại ở đây.”18
Diễn giải một trong những lời chia tay soi dẫn nhất từng được ghi lại trong thánh thư, tôi nói cùng với vị tiên tri Nê Phi và chị truyền giáo đó:
“Hỡi anh [chị em] yêu dấu của tôi, tôi xin hỏi các người rằng, sau khi các người đã [nhận được những thành quả đầu tiên của Sự Phục Hồi] như vậy có thể gọi là xong được chưa? Này, tôi nói cho các người hay: Chưa. …
“… Vậy nên, các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, với một niềm hy vọng hết sức xán lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. … Nếu các người tiến tới[,] … Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu.”19
Tôi cảm ơn, các anh chị em của tôi, vì tất cả những gì chúng ta đã được ban cho trong gian kỳ cuối cùng và vĩ đại nhất này, là gian kỳ của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Những ân tứ và phước lành tuôn chảy ra từ phúc âm đó có ý nghĩa tất cả đối với tôi—tất cả—và trong nỗ lực để tạ ơn Cha Thiên Thượng cho những ân tứ và phước lành đó, tôi có “những lời hứa phải giữ, và những dặm đường để đi trước khi tôi nằm xuống, và những dặm đường để đi trước khi tôi nằm xuống.”20 Vì vậy, chúng ta có thể tiến tới với tình yêu thương trong lòng mình, bước đi trong “niềm hy vọng hết sức xán lạn”21 mà thắp sáng con đường hy vọng thánh thiện mà chúng ta đã đi trong 200 năm nay. Tôi làm chứng rằng tương lai sẽ đầy phép lạ và phước lành như quá khứ đã có. Chúng ta có mọi lý do để hy vọng các phước lành thậm chí còn lớn hơn những gì chúng ta đã nhận được, bởi vì đây là công việc của Thượng Đế Toàn Năng, đây là Giáo Hội của sự mặc khải liên tục, và đây là phúc âm của Đấng Ky Tô về ân điển và lòng nhân từ vô hạn. Tôi làm chứng về tất cả những lẽ thật này và thật nhiều hơn nữa trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.