2020
Một Nền Tảng Tốt để Đối Phó với Thời Gian Sắp Tới
Tháng Năm 2020


2:3

Một Nền Tảng Tốt để Đối Phó với Thời Gian Sắp Tới

Trong những năm tới, cầu xin rằng những sự cải tiến mà chúng ta thực hiện cho Đền Thờ Salt Lake sẽ thúc đẩy và soi dẫn chúng ta.

Lịch Sử của Đền Thờ Salt Lake

Hãy đi ngược trở về một buổi trưa hè nóng bức vào ngày 24 tháng Bảy năm 1847, khoảng 2 giờ trưa. Sau cuộc hành trình dài 111 ngày đầy gian nan với 148 tín hữu của Giáo Hội là những người đã thành lập nhóm đầu tiên đi về phía tây, Brigham Young, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, bị bệnh và yếu vì sốt, đã tiến vào Thung Lũng Salt Lake.

Hai ngày sau, trong khi đang phục hồi khỏi cơn bệnh, Brigham Young đã dẫn một vài thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và những người khác thực hiện một chuyến thám hiểm. William Clayton đã ghi lại: “Vào khoảng ba phần tư dặm về phía bắc của trại, chúng tôi đến một vùng đất xinh đẹp, bằng phẳng và sườn dốc thoai thoải hướng về phía tây.”1

Brigham Young tại địa điểm đền thờ
Brigham Young đánh dấu vị trí cho đền thờ
Đánh dấu vị trí cho đền thờ

Trong khi đang khảo sát vị trí này với nhóm, đột nhiên Brigham Young ngừng lại và đập cây gậy của ông xuống đất, và thốt lên: “Đền Thờ của Thượng Đế chúng ta sẽ được dựng lên ở đây.” Một trong những người bạn đồng hành của ông là Anh Cả Wilford Woodruff, nói rằng lời tuyên bố đó “đã làm cho [ông] giật cả mình,” và ông cắm một cành cây xuống đất để đánh dấu vị trí mà cây gậy của Chủ Tịch Young đã chỉ. Bốn mươi mẫu (16 hecta) đất đã được chọn cho ngôi đền thờ, và người ta đã quyết định rằng thành phố nên được bố trí thành “hình vuông hoàn hảo với bốn mặt theo các hướng rõ rệt Bắc & Nam, đông & tây” với ngôi đền thờ ở vị trí trung tâm.2

Vào đại hội trung ương tháng Tư năm 1851, các tín hữu của Giáo Hội đã bỏ phiếu nhất trí tán trợ lời đề nghị xây cất một đền thờ “cho danh của Chúa.”3 Hai năm sau, vào ngày 14 tháng Hai năm 1853, địa điểm này được Heber C. Kimball cung hiến trong một buổi lễ công cộng có sự tham dự của vài ngàn Thánh Hữu, và lễ động thổ được thực hiện để đặt nền móng cho Đền Thờ Salt Lake. Vài tháng sau, vào ngày 6 tháng Tư, những tảng đá góc đồ sộ của đền thờ đã được đặt và làm lễ cung hiến với các nghi lễ được chuẩn bị kỹ lưỡng mà gồm có một người cầm cờ và ban nhạc cùng một đoàn diễu hành do các vị lãnh đạo Giáo Hội dẫn đầu từ đại thính đường cũ đến địa điểm đền thờ nơi những bài nói chuyện và những lời cầu nguyện được dâng lên khi đặt xuống mỗi tảng đá trong số bốn tảng đá.4

Nền móng của Đền Thờ Salt Lake
Brigham Young

Tại buổi lễ động thổ, Chủ Tịch Young nhắc lại rằng ông đã thấy một khải tượng khi mới vừa đặt chân lên khu đất trong khi họ khảo sát đáy thung lũng, và nói rằng: “Tôi biết [lúc đó], cũng như tôi biết bây giờ, rằng đây là khu đất mà trên đó một ngôi đền thờ sẽ được xây lên—tôi thấy rõ đền thờ đó ngay trước mắt mình.”5

Mười năm sau, Brigham Young đã cho thấy một tầm nhìn tiên tri sâu xa sau đây tại đại hội trung ương tháng Mười năm 1863: “Tôi muốn thấy [ngôi] đền thờ được xây cất theo cách mà nó sẽ tồn tại suốt thiên niên kỷ. Đây không phải là ngôi đền thờ duy nhất chúng ta sẽ xây cất; mà sẽ có hàng trăm ngôi đền thờ được xây cất và cung hiến lên Chúa. Ngôi đền thờ này sẽ được biết đến là ngôi đền thờ đầu tiên được Các Thánh Hữu Ngày Sau xây cất trong các dãy núi. … Tôi muốn ngôi đền thờ đó … đứng vững như là một tượng đài uy nghi về đức tin, lòng kiên trì và tính cần cù của Các Thánh Hữu của Thượng Đế trong các dãy núi.”6

Đền Thờ Salt Lake đang được xây cất
Đền Thờ Salt Lake đang được xây cất

Việc xem lại phần tóm lược lịch sử này khiến tôi cảm thấy kinh ngạc trước sự tiên kiến của Brigham Young—trước hết, ông bảo đảm rằng, ở mức độ có thể thực hiện được và, bằng cách sử dụng các phương pháp xây cất có sẵn tại thời gian và địa điểm đó, Đền Thờ Salt Lake sẽ được xây cất theo cách mà nó sẽ tồn tại suốt Thời Kỳ Ngàn Năm và, thứ hai, ông tiên tri về sự gia tăng của các đền thờ trong tương lai trên toàn cầu, thậm chí lên tới hàng trăm ngôi đền thờ.

Trùng Tu Lại Đền Thờ Salt Lake

Giống như Brigham Young, vị tiên tri của chúng ta ngày nay trông nom rất cẩn thận Đền Thờ Salt Lake và tất cả những ngôi đền thờ khác. Trong những năm qua, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã thỉnh thoảng khuyên bảo Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa nên bảo đảm rằng nền móng của Đền Thờ Salt Lake được vững chắc. Khi tôi phục vụ trong Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, theo lời yêu cầu của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, chúng tôi đã xem xét toàn bộ phương tiện cơ sở của Đền Thờ Salt Lake, kể cả việc đánh giá những tiến bộ gần đây nhất trong thiết kế chống động đất và các kỹ thuật xây cất.

Sau đây là các phần xem xét đánh giá được cung cấp cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào thời điểm đó: “Trong cách thiết kế và xây cất Đền Thờ Salt Lake, kỹ thuật tốt nhất, lao động lành nghề, vật liệu xây cất, vật dụng và các tài nguyên có sẵn khác trong thời kỳ đó đã được sử dụng. Kể từ khi được làm lễ cung hiến vào năm 1893, ngôi đền thờ này đã đứng vững và là một biểu tượng về đức tin [và] hy vọng và là một ánh sáng cho các tín hữu. Người ta đã bỏ công chăm sóc, điều hành, lau chùi và bảo trì ngôi đền thờ được trong tình trạng tốt. Các thanh rầm bên ngoài và sàn nội thất bằng đá hoa cương và những cây đà để đỡ đều ở trong tình trạng tốt. Những nghiên cứu gần đây xác nhận rằng địa điểm được Brigham Young chọn cho ngôi đền thờ này có nền đất rất tốt và xuất sắc trong việc chịu đựng sức ép.”7

Bản xem xét đánh giá này đã kết luận rằng những sửa chữa và cải tiến thông thường là cần thiết để làm mới và hiện đại hóa ngôi đền thờ, kể cả khu vực quảng trường và khuôn viên xung quanh ngôi đền thờ, các hệ thống tiện ích đã lỗi thời và các khu vực làm báp têm. Tuy nhiên, cũng có phần đề nghị xem xét việc nâng cấp toàn diện hơn thiết kế chống động đất bắt đầu từ phần nền móng của đền thờ trở lên.

Nền Móng của Đền Thờ

Như anh chị em còn có thể nhớ, chính Chủ Tịch Brigham Young đã tích cực tham gia vào công trình xây cất nền móng của đền thờ nguyên thủy mà đã chịu tải trọng cho ngôi đền thờ một cách hữu hiệu kể từ khi được hoàn thành cách đây 127 năm. Toàn bộ gói nâng cấp thiết kế chống động đất mới được đề nghị cho đền thờ sẽ sử dụng kỹ thuật phân lập cấu trúc chính của đền thờ ra khỏi nền móng của nó mà không ai tưởng tượng được vào lúc xây cất đền thờ. Đây được coi là kỹ thuật mới nhất, tối tân nhất để bảo vệ đền thờ khi có động đất.

Kế hoạch trùng tu đền thờ
Kế hoạch trùng tu đền thờ

Công nghệ này, gần đây trong sự phát triển của nó, bắt đầu từ chính nền móng của ngôi đền thờ, cung cấp sự bảo vệ vững chắc chống lại thiệt hại từ một trận động đất. Trên thực tế, cấu trúc của nó củng cố ngôi đền thờ để được đứng vững, ngay cả khi trái đất và môi trường xung quanh nó trải qua một sự rung chuyển vì động đất.

Việc trùng tu lại ngôi đền thờ mà sẽ sử dụng công nghệ này đã được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn loan báo năm ngoái. Dưới sự hướng dẫn của Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa, công trình xây cất đã bắt đầu cách đây vài tháng, vào tháng Một năm 2020. Công trình này được ước đoán sẽ được hoàn thành trong khoảng bốn năm.

Bảo Đảm Nền Tảng Cá Nhân của Anh Chị Em

Khi tôi suy ngẫm về bốn năm tới của thời gian tồn tại của ngôi Đền Thờ Salt Lake tuyệt mỹ, cao quý, thiêng liêng và vĩ đại này, tôi hình dung đó giống như một thời kỳ đổi mới thay vì nghĩ là thời gian đóng cửa! Theo cách tương tự, chúng ta có thể tự hỏi: “Sự đổi mới to lớn này của Đền Thờ Salt Lake có thể soi dẫn chúng ta để trải qua sự đổi mới, tái thiết, khôi phục, hồi sinh hoặc phục hồi phần thuộc linh của mình như thế nào?”

Việc tự suy xét lại bản thân có thể cho thấy rằng chúng ta và gia đình của mình cũng có thể được lợi ích từ việc chúng ta thực hiện một số công việc duy trì và đổi mới cần thiết, thậm chí là sự nâng cấp toàn diện! Chúng ta có thể bắt đầu một tiến trình như vậy bằng cách hỏi:

“Nền tảng của tôi đang như thế nào?”

“Chứng ngôn của tôi được đặt trên điều gì mà bao gồm các nền móng vững mạnh, chặt chẽ, kiên định vốn là nền tảng cá nhân của tôi?”

“Các yếu tố nền tảng nào về phần thuộc linh và cảm xúc của tôi mà sẽ cho phép tôi và gia đình mình luôn được bền bỉ và bất di bất dịch, thậm chí còn có thể chịu được những trận động đất và cơn địa chấn dữ dội mà chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc sống của chúng tôi?”

Các biến cố tương tự như một trận động đất thường rất khó đoán trước và có nhiều cường độ khác nhau—vật lộn với những câu hỏi hoặc nỗi nghi ngờ, đối mặt với nỗi buồn phiền hay nghịch cảnh, làm việc với các vị lãnh đạo, các tín hữu, giáo lý hoặc chính sách của Giáo Hội về những phạm giới của cá nhân. Sự bảo vệ tốt nhất chống lại những điều này nằm trong nền tảng thuộc linh của chúng ta.

Các nền tảng thuộc linh của cuộc sống cá nhân và gia đình của chúng ta có thể là gì? Chúng có thể là những nguyên tắc đơn giản, minh bạch và quý báu của việc sống theo phúc âm—cầu nguyện chung gia đình, học thánh thư, kể cả Sách Mặc Môn; tham dự đền thờ; và học phúc âm qua sách Hãy Đến Mà Theo Ta và buổi họp tối gia đình. Các nguồn tài liệu hữu ích khác để củng cố nền tảng thuộc linh của anh chị em có thể gồm có Những Tín Điều, bản tuyên ngôn về gia đình, và “Đấng Ky Tô Hằng Sống.”

Đối với tôi, các nguyên tắc mà được gồm vào trong các câu hỏi được thảo luận như là một phần của việc nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ chính là cơ sở vững mạnh cho một nền tảng thuộc linh—nhất là bốn câu hỏi đầu tiên. Tôi coi chúng như là các nền tảng thuộc linh.

Dĩ nhiên, chúng ta quen thuộc với những câu hỏi này, khi Chủ Tịch Russell M. Nelson đọc cho chúng ta nghe từng câu hỏi một trong lần đại hội trung ương trước.

  1. Anh (chị, em) có đức tin và chứng ngôn về Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu; Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh không?

    Thiên Chủ Đoàn
  2. Anh (chị, em) có chứng ngôn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và về vai trò của Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của mình không?

    Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô
  3. Anh (chị, em) có chứng ngôn về Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không?

    Sự Phục Hồi
  4. Anh (chị, em) có tán trợ Vị Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải và là người duy nhất trên thế gian có thẩm quyền sử dụng tất cả mọi chìa khóa của chức tư tế không?8

    Vị tiên tri, các

Anh chị em có thấy mình có thể coi những câu hỏi này là yếu tố quý giá như thế nào trong nền tảng cá nhân của mình để giúp xây đắp và củng cố nó không? Phao Lô đã dạy người Ê Phê Sô về một giáo hội mà được “dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa.”9

Đền thờ với một nền móng vững chắc

Một trong những niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi là được làm quen và được soi dẫn bởi các tín hữu của Giáo Hội trên khắp thế giới, là những tấm gương sống về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Họ có các nền tảng cá nhân vững mạnh mà cho phép họ chịu được những cơn địa chấn mà đã gây khó khăn cho cuộc sống của họ với sự hiểu biết vững vàng và niềm vui khôn xiết, dài lâu.

Để minh họa điều này ở mức độ cá nhân hơn, gần đây tôi đã nói chuyện tại đám tang của một người vợ, người mẹ trẻ đẹp và đầy nhiệt huyết (cũng là một người bạn của gia đình chúng tôi). Chị ấy là một cầu thủ đầy quyết đoán cho đội túc cầu Hạng Nhất khi gặp và kết hôn với người chồng của chị là sinh viên nha khoa. Họ được ban phước với một đứa con gái xinh đẹp, khôn trước tuổi. Chị ấy đã dũng cảm chiến đấu với nhiều dạng biến thể của ung thư trong sáu năm đầy thử thách. Bất kể nỗi đau thường xuyên về cảm xúc và thể xác mà chị đã trải qua, chị vẫn tin cậy nơi Cha Thiên Thượng nhân từ và thường được những người theo dõi trên mạng xã hội của chị trích dẫn rộng rãi câu nói nổi bật của chị: “Thượng Đế ảnh hưởng đến từng chi tiết trong cuộc sống chúng ta.”

Trên một trong những bài đăng trên mạng xã hội của mình, chị ấy đã viết rằng một người nào đó đã hỏi chị: “Làm thế nào chị vẫn có đức tin với tất cả nỗi đau khổ đang vây lấy chị?” Chị đã trả lời một cách kiên quyết với những lời này: “Bởi vì đức tin là điều giúp tôi vượt qua thời kỳ đen tối này. Việc có đức tin không có nghĩa là không có điều gì xấu sẽ xảy ra. Việc có đức tin cho phép tôi tin rằng sẽ có ánh sáng một lần nữa. Và ánh sáng đó sẽ còn tỏa sáng hơn nữa vì tôi đã bước qua bóng tối. Mặc dù tôi đã mục kích nhiều bóng tối ​​trong nhiều năm qua nhưng tôi cũng đã thấy có ​​nhiều ánh sáng hơn nữa. Tôi đã thấy các phép lạ. Tôi đã cảm nhận được sự hiện diện của các thiên thần. Tôi đã biết rằng Cha Thiên Thượng của tôi đang hỗ trợ tôi. Tôi sẽ không thể nào trải qua bất cứ kinh nghiệm nào trong số những kinh nghiệm đó nếu cuộc sống quá dễ dàng. Tương lai của cuộc sống này có thể là vô định nhưng đức tin của tôi thì vững vàng. Nếu tôi chọn không có đức tin thì tức là tôi chỉ chọn đi trong bóng tối. Vì không có đức tin, nên tất cả chỉ là bóng tối mà thôi.”10

Chứng ngôn vững vàng của chị ấy về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô—trong lời nói và hành động của chị ấy—là một nguồn soi dẫn cho người khác. Mặc dù thể xác của chị yếu ớt, nhưng chị đã nâng người khác lên để được mạnh mẽ hơn.

Tôi nghĩ đến vô số tín hữu khác của Giáo Hội, những chiến binh như chị ấy, là những người sống trong đức tin mỗi ngày, cố gắng trở thành các môn đồ chân chính và dũng cảm của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Họ học hỏi về Đấng Ky Tô. Họ thuyết giảng về Đấng Ky Tô. Họ cố gắng bắt chước theo gương Ngài. Cho dù những ngày tháng trong đời họ là vững vàng hay đầy dao động, thì nền tảng thuộc linh của họ vẫn mạnh mẽ và không lay động.

Đây là những người tận tụy hiểu được ý nghĩa sâu sắc của lời bài hát “Tìm đâu cho thấy một nền vững vàng bằng niềm tin” và “nơi nào ta nương thân được bằng trong bóng cánh Giê Su.”11 Tôi vô cùng biết ơn được sống giữa những người đã chuẩn bị một nền tảng thuộc linh xứng với danh nghĩa Thánh Hữu và những người đủ mạnh mẽ và an toàn để kiên trì chịu đựng những khó khăn của cuộc sống.

Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể phóng đại tầm quan trọng của một nền tảng như vậy trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Ngay cả khi còn nhỏ, các em trong Hội Thiếu Nhi cũng được giảng dạy khi chúng hát về chính lẽ thật này:

Người khôn xây nhà mình trên đá,

Và rồi khi mưa rơi xuống. …

Những cơn mưa trút xuống, và khi lũ lụt tràn tới,

Và ngôi nhà trên đá vẫn đứng vững.12

Thánh thư củng cố giáo lý cơ bản này. Đấng Cứu Rỗi đã dạy dân chúng ở Châu Mỹ:

“Và phước thay cho các ngươi nếu các ngươi luôn luôn làm những việc này, vì các ngươi được xây dựng trên đá của ta.

“Còn những kẻ nào trong các ngươi làm gì nhiều hơn hoặc ít hơn những điều này thì không được xây dựng trên đá của ta, mà xây dựng trên nền cát; và rồi khi mưa rơi xuống, lụt tràn tới và gió nổi lên, sẽ vùi dập chúng, khiến chúng sụp đổ.”13

Các vị lãnh đạo Giáo Hội chân thành hy vọng rằng những cuộc trùng tu quan trọng cho Đền Thờ Salt Lake sẽ góp phần làm ứng nghiệm ước muốn của Brigham Young để thấy “ngôi đền thờ được xây cất theo cách mà nó sẽ tồn tại suốt thiên niên kỷ.” Trong những năm tới, cầu xin rằng chúng ta cho phép những sự cải tiến đã được thực hiện cho Đền Thờ Salt Lake sẽ thúc đẩy và soi dẫn chúng ta, là những cá nhân và gia đình, để chúng ta cũng—nói một cách ẩn dụ—sẽ “được xây dựng theo cách mà mình sẽ tồn tại suốt thiên niên kỷ.”

Chúng ta sẽ làm như vậy khi làm tròn lời dạy của Sứ Đồ Phao Lô để “dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình, để [chúng ta] được cầm lấy sự sống thật.”14 Tôi thiết tha cầu nguyện rằng nền tảng thuộc linh của chúng ta sẽ được chắc chắn và bền bỉ, rằng chứng ngôn của chúng ta về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và vai trò của Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc sẽ trở thành đá góc nhà của chúng ta cho chính chúng ta. Tôi làm chứng về Ngài trong tôn danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Nhật ký của William Clayton, ngày 26 tháng Bảy năm 1847, Church History Library, Salt Lake City.

  2. Xin xem “At the Tabernacle, Presidents Woodruff and Smith Address the Saints Yesterday Afternoon,” Deseret Evening News, ngày 30 tháng Tám năm 1897, trang 5; “Pioneers’ Day,” Deseret Evening News, ngày 26 tháng Bảy năm 1880, trang 2; nhật ký của Wilford Woodruff, ngày 28 tháng Bảy năm 1847, Church History Library, Salt Lake City.

  3. “Minutes of the General Conference of the Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, held at Great Salt Lake City, State of Deseret, April 6, 1851,” Deseret News, ngày 19 tháng Tư năm 1851, trang 241.

  4. Xin xem “The Temple,” Deseret News, ngày 19 tháng Hai năm 1853, trang 130; “Minutes of the General Conference,” Deseret News, ngày 16 tháng Tư năm 1853, trang 146; “Minutes of the General Conference,” Deseret News, ngày 30 tháng Tư năm 1853, trang 150.

  5. “Address by President Brigham Young,” Millennial Star, ngày 22 tháng Tư năm 1854, trang 241.

  6. “Remarks by President Brigham Young,” Deseret News, ngày 14 tháng Mười năm 1863, trang 97.

  7. Phần trình bày của Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa về Đền Thờ Salt Lake cùng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Mười năm 2015.

  8. Xin xem Russell M. Nelson, “Lời Bế Mạc,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 121.

  9. Ê Phê Sô 2:20–21.

  10. Bài của Kim Olsen White đăng trên mạng xã hội.

  11. “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.

  12. “The Wise Man and the Foolish Man,” Children’s Songbook, trang 281; sự nhấn mạnh trong bản gốc đã được loại bỏ trong trường hợp này.

  13. 3 Nê Phi 18:12–13; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  14. 1 Ti Mô Thê 6:19; sự nhấn mạnh được thêm vào.