2020
Hãy Đến và Thuộc Vào
Tháng Năm 2020


2:3

Hãy Đến và Thuộc Vào

Chúng tôi mời tất cả con cái của Thượng Đế trên toàn thế giới tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực tuyệt vời này.

Các anh chị em thân mến của tôi, những người bạn thân mến của tôi, mỗi tuần, các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế giới thờ phượng Cha Thiên Thượng yêu dấu của chúng ta, Thượng Đế và Vua của vũ trụ, và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta suy ngẫm về cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô—là Đấng vô tội duy nhất từng sống trên thế gian, Chiên Con không tì vết của Thượng Đế. Thường xuyên nhất có thể, chúng ta dự phần Tiệc Thánh trong sự tưởng nhớ đến sự hy sinh của Ngài và nhìn nhận rằng Ngài là trọng tâm trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta yêu thương Ngài và chúng ta vinh danh Ngài. Nhờ tình yêu thương sâu sắc và vĩnh cửu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng đau đớn và chết cho anh chị em và cho tôi. Ngài phá vỡ cánh cổng ngục giới, phá tan mọi rào cản ngăn cách bạn bè và những người thân yêu,1 và mang đến hy vọng cho người vô vọng, sự chữa lành cho người đau ốm, và sự giải thoát cho những người bị tù đày.2

Chúng ta dâng hiến tấm lòng, cuộc sống, và sự tận tâm hằng ngày của mình cho Ngài. Vì lý do này, “chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, [và] chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô. … để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”3

Thực Hành Vai Trò Làm Môn Đồ

Tuy nhiên, việc trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi nhiều hơn là nói và rao giảng về Đấng Ky Tô. Chính Đấng Cứu Rỗi đã phục hồi Giáo Hội của Ngài để giúp chúng ta trên con đường trở nên giống Ngài hơn. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được cấu trúc để cung ứng những cơ hội thực hành các nguyên tắc cơ bản của vai trò làm môn đồ. Qua việc tham gia hoạt động trong Giáo Hội, chúng ta học cách nhận biết và hành động theo những sự thúc giục của Đức Thánh Linh. Chúng ta phát triển khuynh hướng tìm đến người khác với lòng trắc ẩn và sự tốt bụng.

Đây là một nỗ lực của cả cuộc đời, và nó đòi hỏi sự thực hành.

Các vận động viên thành công đã dành vô số giờ để thực hành các nguyên tắc cơ bản trong môn thể thao của họ. Các y tá, người làm việc qua mạng, kỹ sư hạt nhân, và thậm chí là tôi, một đầu bếp hay tranh đua nấu nướng với Harriet chỉ trở nên có khả năng và kỹ năng khi chúng ta siêng năng thực hành công việc của mình.

Là một cơ trưởng của hãng hàng không, tôi thường huấn luyện các phi công sử dụng máy bay mô phỏng—là một cỗ máy tinh vi tái tạo trải nghiệm bay. Máy bay mô phỏng không chỉ giúp phi công học các nguyên tắc cơ bản của việc bay; mà nó còn cho phép họ trải nghiệm và phản ứng với những sự kiện bất ngờ mà họ có thể gặp phải khi họ điều khiển máy bay thật.

Các nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho vai trò làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Việc tích cực tham gia hoạt động trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô và nhiều cơ hội tuyệt vời trong Giáo Hội sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho những hoàn cảnh thay đổi trong cuộc sống, bất kể chúng có thể là gì và nghiêm trọng như thế nào. Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta được khuyến khích để đắm mình trong lời của Thượng Đế qua các vị tiên tri của Ngài, cả thời cổ xưa lẫn hiện tại. Nhờ sự cầu nguyện chân thành và khiêm nhường lên Cha Thiên Thượng, chúng ta học cách nhận biết tiếng nói của Đức Thánh Linh. Chúng ta chấp nhận những sự kêu gọi để phục vụ, giảng dạy, lên kế hoạch, phục sự, và điều hành. Những cơ hội này cho phép chúng ta phát triển về mặt thuộc linh, tâm trí, và tính cách.

Chúng sẽ giúp chúng ta chuẩn bị để lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng mà sẽ ban phước cho chúng ta trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau.

Hãy Đến, Tham Gia với Chúng Tôi!

Chúng tôi mời tất cả con cái của Thượng Đế trên toàn thế giới tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực tuyệt vời này. Hãy đến xem! Ngay cả trong thời gian thử thách này của COVID-19, hãy gặp chúng tôi trực tuyến. Hãy gặp những người truyền giáo của chúng tôi trực tuyến. Hãy tìm hiểu cho chính mình tất cả mọi điều về Giáo Hội này! Khi thời gian khó khăn này trôi qua, hãy gặp chúng tôi tại nhà và nơi thờ phượng của chúng tôi!

Chúng tôi mời anh chị em đến và giúp đỡ! Hãy đến và phục vụ cùng chúng tôi, phục sự con cái của Thượng Đế, theo bước chân của Đấng Cứu Rỗi, và biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn.

Hãy đến và thuộc vào! Anh chị em sẽ giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn. Và anh chị em cũng sẽ trở nên tốt hơn, tử tế hơn, và hạnh phúc hơn. Đức tin của anh chị em sẽ ăn sâu và phát triển kiên cường hơn—có nhiều khả năng hơn để chống chọi với những sóng gió và thử thách bất ngờ của cuộc sống.

Và chúng ta bắt đầu bằng cách nào? Có rất nhiều cách thức khả thi.

Chúng tôi mời anh chị em đọc Sách Mặc Môn. Nếu anh chị em không có sách, anh chị em có thể đọc trên ChurchofJesusChrist.org4 hoặc tải ứng dụng Sách Mặc Môn. Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô và đi đôi với Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Chúng tôi yêu thích tất cả những thánh thư này và học hỏi từ đó.

Chúng tôi mời anh chị em dành một chút thời gian tại trang mạng ComeuntoChrist.org để tìm hiểu những điều các tín hữu của Giáo Hội giảng dạy và tin vào.

Hãy mời những người truyền giáo thăm viếng anh chị em trực tuyến hoặc gặp riêng trong nhà của anh chị em nếu có thể—họ có một sứ điệp về niềm hy vọng và sự chữa lành. Những người truyền giáo này là những người con trai và con gái quý giá của chúng tôi, những người phục vụ ở nhiều nơi trên thế giới bằng chính thời gian và tiền bạc của họ.

Trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em sẽ tìm thấy cả một gia đình gồm những người không quá khác biệt với anh chị em. Anh chị em sẽ tìm thấy những người cần sự giúp đỡ của anh chị em và những người muốn giúp đỡ anh chị em khi anh chị em nỗ lực trở thành con người tốt nhất của mình—con người mà Thượng Đế đã tạo ra anh chị em để trở thành.

Vòng Tay của Đấng Cứu Rỗi Rộng Mở cho Tất Cả Mọi Người

Anh chị em có thể nghĩ: “Tôi đã phạm sai lầm trong đời. Tôi không chắc mình bao giờ có thể thuộc vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Thượng Đế không thể quan tâm đến một người như tôi.”

Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, mặc dù Ngài là “Vua của các vị vua,”5 Đấng Mê Si, “Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống,”6 nhưng Ngài quan tâm sâu sắc đến từng người con của Thượng Đế. Ngài quan tâm bất kể vị thế của người đó—người đó nghèo hay giàu như thế nào, không hoàn hảo hay chín chắn ra sao. Trong cuộc sống trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã phục sự tất cả mọi người: người hạnh phúc và thành công, người đau khổ và lạc lối, và những người vô vọng. Thông thường, những người mà Ngài phục sự và phục vụ không phải là những người nổi tiếng, xinh đẹp, hay giàu có. Thông thường, những người mà Ngài nâng đỡ có rất ít để đáp lại ngoại trừ lòng biết ơn, một tấm lòng khiêm nhường, và ước muốn có được đức tin.

Nếu Chúa Giê Su đã dành cuộc đời trần thế của Ngài để phục sự “những người rất hèn mọn nầy,”7 thì không lẽ nào Ngài lại không yêu thương họ ngày nay sao? Không lẽ không có một nơi nào trong Giáo Hội của Ngài dành cho tất cả con cái của Thượng Đế sao? Ngay cả cho những người cảm thấy không xứng đáng, bị lãng quên, hoặc cô đơn sao?

Không có một mức độ hoàn hảo cụ thể nào mà anh chị em phải đạt tới để đủ điều kiện nhận được ân điển của Thượng Đế. Những lời cầu nguyện của anh chị em không cần phải to tiếng hay hùng hồn hay đúng ngữ pháp để lên đến thiên thượng.

Quả thật, Thượng Đế không thể hiện sự thiên vị8—những điều giá trị trên thế gian không có ý nghĩa gì với Ngài. Ngài biết tấm lòng của anh chị em và Ngài yêu thương anh chị em bất kể tước hiệu, tổng tài sản, hay số lượng người theo dõi trên Instagram của anh chị em.

Khi chúng ta hướng tấm lòng mình lên Cha Thiên Thượng và đến gần Ngài, chúng ta sẽ cảm thấy Ngài đến gần chúng ta.9

Chúng ta là con cái yêu dấu của Ngài.

Ngay cả những người chối bỏ Ngài.

Ngay cả những người, giống như đứa trẻ cứng đầu, ngang bướng, trở nên tức giận với Thượng Đế và Giáo Hội của Ngài, nói theo cách ẩn dụ, gói đồ đạc và xông ra khỏi cửa tuyên bố rằng chúng bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.

Khi một đứa trẻ bỏ nhà đi, nó có thể không chú ý đến cha mẹ lo lắng nhìn ra cửa sổ. Với trái tim nhân từ, họ dõi theo con của mình đi—hy vọng đứa con quý giá của mình sẽ học được điều gì đó từ kinh nghiệm đau lòng này và có lẽ nhìn cuộc sống với con mắt khác—và cuối cùng trở về nhà.

Điều đó cũng giống như với Cha Thiên Thượng yêu mến của chúng ta vậy. Ngài chờ đợi chúng ta trở về.

Đấng Cứu Rỗi của anh chị em, với nước mắt của tình yêu thương và lòng trắc ẩn trong ánh mắt Ngài, đang chờ anh chị em trở về. Ngay cả khi anh chị em cảm thấy xa Thượng Đế, Ngài sẽ nhìn thấy anh chị em; Ngài sẽ có lòng trắc ẩn với anh chị em và chạy đến ôm lấy anh chị em.10

Hãy đến và thuộc vào.

Thượng Đế Cho Phép Chúng Ta Học Hỏi từ Lỗi Lầm của Mình

Chúng ta là những người hành hương bước đi trên con đường trần thế trong công cuộc tìm kiếm lớn lao cho ý nghĩa và lẽ thật tối cao. Thông thường, tất cả những gì chúng ta thấy là đoạn đường ở ngay phía trước—chúng ta không thể thấy nơi mà những khúc cua trên đường sẽ dẫn tới. Cha Thiên Thượng yêu mến của chúng ta đã không cho chúng ta mọi câu trả lời. Ngài kỳ vọng chúng ta tự tìm ra nhiều điều cho bản thân. Ngài kỳ vọng chúng ta sẽ tin—ngay cả khi khó để tin.

Ngài kỳ vọng chúng ta sẽ tự tin và phát triển một chút quyết tâm—một chút nghị lực —và tiến thêm một bước nữa.

Đó là cách chúng ta học hỏi và phát triển.

Anh chị em có thực sự muốn mọi thứ được viết ra một cách chi tiết không? Anh chị em có thực sự muốn mọi câu hỏi được trả lời không? Anh chị em có thực sự muốn mọi điểm đến được vạch ra không?

Tôi tin rằng hầu hết chúng ta sẽ rất nhanh chóng mệt mỏi với kiểu quản lý vi mô thiên thượng này. Chúng ta học được những bài học quan trọng trong cuộc sống thông qua kinh nghiệm. Thông qua việc học hỏi từ những sai lầm của chúng ta. Thông qua việc tự mình hối cải và nhận ra rằng “sự tà ác không bao giờ là hạnh phúc.”11

Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, đã chết để những sai lầm của chúng ta không thể kết tội chúng ta và mãi mãi ngăn cản bước tiến của chúng ta. Nhờ có Ngài, chúng ta có thể hối cải, và những sai lầm của chúng ta có thể trở thành bậc thang dẫn đến vinh quang lớn hơn.

Anh chị em không cần phải bước đi một mình trên con đường này. Cha Thiên Thượng đã không bỏ mặc để chúng ta đi lang thang trong bóng tối.

Đây là lý do vào mùa xuân năm 1820, Ngài cùng với Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến với một cậu thiếu niên là Joseph Smith.

Hãy suy nghĩ về điều đó trong chốc lát! Thượng Đế của vũ trụ hiện đến cùng loài người!

Đây là lần đầu tiên trong nhiều cuộc gặp gỡ giữa Joseph với Thượng Đế và các nhân vật thiên thượng khác. Nhiều lời từ những nhân vật thiêng liêng này phán cùng ông được ghi lại trong thánh thư của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Những lời này có thể dễ dàng truy cập. Bất cứ ai cũng có thể đọc chúng và tự học hỏi sứ điệp mà Thượng Đế dành cho chúng ta trong thời đại của chúng ta.

Chúng tôi mời anh chị em tìm hiểu chúng cho chính mình.

Joseph Smith còn khá trẻ khi ông nhận được những sự mặc khải này. Hầu hết trong số chúng đến trước khi ông 30 tuổi.12 Ông thiếu kinh nghiệm, và đối với một số người, ông có lẽ dường như không xứng đáng để trở thành vị tiên tri của Chúa.

Nhưng Chúa đã kêu gọi ông—theo một mẫu mực mà chúng ta tìm thấy trong suốt thánh thư.

Thượng Đế đã không chờ đợi để tìm một người hoàn hảo để phục hồi phúc âm của Ngài.

Nếu Ngài làm vậy, Ngài có thể vẫn đang chờ đợi.

Joseph rất giống anh chị em và tôi. Mặc dù Joseph đã phạm sai lầm, nhưng Thượng Đế đã sử dụng ông để thực hiện các mục đích tuyệt vời của Ngài.

Chủ Tịch Thomas S. Monson thường lặp đi lặp lại lời khuyên này: “Hễ Chúa kêu gọi thì Ngài sẽ làm cho người được kêu gọi có đủ khả năng để phục vụ.”13

Sứ Đồ Phao Lô tranh luận với các Thánh Hữu ở Cô Rinh Tô: “Hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng.”14

Thượng Đế dùng người yếu kém và giản dị để mang lại mục đích của Ngài. Lẽ thật này là một chứng ngôn rằng nhờ có quyền năng của Thượng Đế, chứ không phải của con người, mà công việc của Ngài trên thế gian được hoàn thành.15

Hãy Nghe Lời Ngài, Noi Theo Ngài

Khi Thượng Đế hiện ra với Joseph Smith, Ngài đã giới thiệu Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và phán: “Hãy Nghe Lời Người!”16

Joseph đã dành phần còn lại của cuộc đời để nghe lời Ngài và noi theo Ngài.

Giống như Joseph, vai trò làm môn đồ của chúng ta bắt đầu bằng quyết định của mình để nghe lời và noi theo Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.

Nếu anh chị em mong muốn noi theo Ngài, hãy tập trung đức tin của mình và mang lên mình thập tự giá của Ngài.

Anh chị em sẽ thấy rằng mình thuộc vào trong Giáo Hội của Ngài—một nơi ấm áp và chào đón, nơi anh chị em có thể tham gia vào cuộc theo đuổi lớn lao vai trò làm môn đồ và niềm hạnh phúc.

Tôi hy vọng rằng, trong dịp kỷ niệm hai trăm năm Khải Tượng Thứ Nhất này, khi chúng ta suy ngẫm và tìm hiểu về Sự Phục Hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ nhận ra rằng đó không chỉ là một sự kiện lịch sử. Anh chị em và tôi đóng một phần quan trọng trong câu chuyện đang tiếp diễn tuyệt vời này.

Vậy thì bổn phận của anh chị em và tôi là gì?

Đó là học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô. Để học hỏi những lời của Ngài. Để nghe lời và noi theo Ngài bằng cách tích cực tham gia vào công việc vĩ đại này. Tôi mời gọi anh chị em hãy đến và thuộc vào!

Anh chị em không cần phải hoàn hảo. Anh chị em chỉ cần có mong muốn phát triển đức tin của mình và đến gần Ngài mỗi ngày.

Bổn phận của chúng ta là yêu thương và phục vụ Thượng Đế, và yêu thương và phục vụ con cái của Thượng Đế.

Khi anh chị em làm như vậy, Thượng Đế sẽ bao bọc anh chị em với tình yêu thương, niềm vui và sự hướng dẫn chắc chắn của Ngài trong suốt cuộc đời này, ngay cả trong những hoàn cảnh nghiêm trọng nhất, và thậm chí hơn thế nữa.

Tôi làm chứng về điều này, và để lại cho anh chị em các phước lành của tôi với lòng biết ơn và tình yêu thương sâu sắc cho mỗi anh chị em, trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Đấng Thầy của chúng ta—trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.