2020
Hãy đến cùng Đấng Ky Tô—Sống với tư cách là Thánh Hữu Ngày Sau
Tháng Năm 2020


2:3

Hãy đến cùng Đấng Ky Tô—Sống với tư cách là Thánh Hữu Ngày Sau

Chúng ta có thể làm những việc khó và giúp người khác cũng làm như vậy, vì chúng ta biết chúng ta có thể đặt lòng tin cậy nơi ai.

Xin cảm ơn Anh Cả Soares, về chứng ngôn hùng mạnh và mang tính tiên tri của anh về Sách Mặc Môn. Mới gần đây, tôi đã có cơ hội đặc biệt để cầm một trang của bản thảo gốc của Sách Mặc Môn. Cụ thể trên trang giấy đó, lần đầu tiên trong gian kỳ này, những lời nói can đảm này của Nê Phi đã được ghi lại: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho con cái loài người mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền.”1

Trang bản thảo gốc của Sách Mặc Môn

Khi cầm trang giấy này, tôi ngập tràn lòng biết ơn sâu đậm về những nỗ lực của người thanh niên 23 tuổi - Joseph Smith, là người đã phiên dịch Sách Mặc Môn bằng “ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.”2 Tôi cũng cảm thấy biết ơn về những lời của thanh niên Nê Phi trẻ tuổi, là người đã được yêu cầu thực hiện một công việc vô cùng khó khăn là lấy các bảng khắc bằng đồng từ La Ban.

Nê Phi biết rằng nếu ông tiếp tục tập trung vào Chúa, ông sẽ được thành công trong việc làm tròn điều Chúa truyền lệnh cho ông. Ông tiếp tục tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong suốt cuộc đời ông mặc dù ông chịu đựng nhiều cám dỗ, khó khăn về vật chất, và thậm chí bị nhiều người trong gia đình phản bội.

Nê Phi biết ông có thể đặt lòng tin cậy nơi ai.3 Chẳng bao lâu sau khi thốt lên: “Ôi, khốn thay cho thân tôi! Phải, lòng tôi sầu khổ vì xác thịt của tôi,”4 Nê Phi tuyên bố: “Thượng Đế của tôi là nơi nương tựa của tôi; Ngài đã dẫn dắt tôi vượt qua mọi nỗi khổ đau trong vùng hoang dã; và Ngài đã bảo tồn tôi trên nước của vực sâu.”5

Là các tín đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta không được miễn khỏi những khó khăn và thử thách trong cuộc đời. Chúng ta thường được đòi hỏi phải làm những việc khó, mà nếu cố gắng làm một mình thì sẽ quá sức chịu đựng và có thể không thực hiện được. Khi chúng ta chấp nhận lời mời của Đấng Cứu Rỗi là “hãy đến mà theo ta,”6 thì Ngài sẽ mang đến sự hỗ trợ, an ủi, và bình an, mà đều là cần thiết, cũng giống như Ngài đã làm cho Nê Phi và Joseph. Ngay cả trong những thử thách khó khăn nhất, chúng ta có thể cảm thấy vòng tay ấm áp của tình yêu thương của Ngài khi chúng ta tin cậy Ngài và chấp nhận ý muốn của Ngài. Chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui dành riêng cho các môn đồ trung tín của Ngài, vì “Đấng Ky Tô chính là niềm vui”.7

Năm 2014, trong khi đang phục vụ truyền giáo toàn thời gian, một tình huống bất ngờ đã xảy đến với gia đình chúng tôi. Trong khi trượt ván xuống đường đồi dốc, con trai út của chúng tôi đã ngã và bị chấn thương sọ não ảnh hưởng đến tính mạng. Khi tình trạng của con tôi trầm trọng hơn, các nhân viên y tế vội vàng đưa nó vào phẫu thuật khẩn cấp.

Gia đình chúng tôi quỳ xuống dưới sàn của một căn phòng trống trong bệnh viện, và chúng tôi trút hết nỗi lòng lên Thượng Đế. Trong khoảnh khắc đầy hoang mang và đau khổ này, chúng tôi được tràn đầy tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và sự bình an.

Chúng tôi không biết tương lai rồi sẽ ra sao hay liệu chúng tôi có thấy lại được con trai mình còn sống không. Chúng tôi biết rất rõ rằng cuộc sống của nó nằm trong tay Thượng Đế, và từ một quan điểm vĩnh cửu, kết cục rồi sẽ tốt đẹp đối với nó và chúng tôi. Qua ân tứ của Thánh Linh, chúng tôi đã hoàn toàn chuẩn bị để chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra với con trai mình.

Việc đó không hề dễ dàng! Tai nạn đó khiến con trai chúng tôi phải nằm viện hai tháng trong khi chúng tôi chủ tọa hơn 400 người truyền giáo toàn thời gian. Con chúng tôi bị mất trí nhớ trầm trọng. Sự bình phục của nó là nhờ những phiên điều trị bằng liệu pháp vật lý, ngôn ngữ, và nghề nghiệp. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với thời gian chúng tôi đã chứng kiến được phép lạ.

Chúng ta hiểu rõ rằng không phải thử thách nào chúng ta gặp phải cũng mang đến kết quả mong ước. Tuy nhiên, khi chúng ta tiếp tục tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ cảm thấy bình an và thấy được các phép lạ của Thượng Đế, bất kể phép lạ đó là gì đi nữa, trong thời điểm của Ngài và theo cách thức của Ngài.

Sẽ có lúc mà chúng ta không thể thấy được bằng cách nào mà một tình trạng hiện tại sẽ kết thúc tốt đẹp và thậm chí chúng ta có thể thốt lên giống như Nê Phi: “Lòng tôi sầu khổ vì xác thịt của tôi.”8 Sẽ có lúc mà hy vọng duy nhất chúng ta có được nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Thật là một phước lành để có được niềm hy vọng và sự tin cậy đó nơi Ngài. Đấng Ky Tô là Đấng mà sẽ luôn luôn giữ lời hứa của Ngài. Tất cả những người nào tìm đến Ngài đều sẽ được yên nghỉ.9

Các vị lãnh đạo của chúng ta tha thiết mong muốn tất cả mọi người đều cảm thấy sự bình an và niềm an ủi mà có được qua việc tin cậy và tập trung vào Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.

Vị tiên tri tại thế của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã truyền đạt khải tượng của Chúa cho thế giới và cho các tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô: “Sứ điệp của chúng tôi rất giản dị và chân thành: chúng tôi mời tất cả các con cái của Thượng Đế ở cả hai bên tấm màn hãy đến cùng Đấng Cứu Rỗi của họ, tiếp nhận các phước lành của đền thờ thánh, có được niềm vui lâu dài và hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.”10

Lời mời này để “đến cùng Đấng Ky Tô” có ngụ ý cụ thể cho Các Thánh Hữu Ngày Sau.11 Là tín hữu của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta đã lập giao ước với Ngài và trở thành những người con trai và con gái thuộc linh yêu dấu của Ngài.12 Chúng ta cũng được ban cho cơ hội để lao nhọc cùng với Chúa trong việc mời gọi những người khác đến cùng Ngài.

Khi chúng ta lao nhọc cùng với Đấng Ky Tô, thì nỗ lực chúng ta tập trung vào nhiều nhất phải là bên trong gia đình riêng của mình. Sẽ có lúc mà những người trong gia đình và bạn bè thân thiết gặp khó khăn. Tiếng nói của thế gian, và có lẽ cả ước muốn của riêng cá nhân họ, có thể khiến họ thắc mắc về lẽ thật. Chúng ta cần làm mọi điều chúng ta có thể làm để giúp họ cảm thấy tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi lẫn của chúng ta. Tôi nhớ đến câu thánh thư mà đã trở thành bài thánh ca yêu thích của chúng ta, “Love One Another (Hãy Yêu Mến Đồng Loài),” dạy chúng ta rằng “Như thế mới biết được, người đang dẫn bước theo ta, thì ngươi phải thật lòng yêu mến lẫn nhau.”13

Trong tình yêu thương của chúng ta dành cho những người thắc mắc về lẽ thật, kẻ thù của tất cả mọi niềm vui có thể cố gắng làm cho chúng ta cảm thấy rằng chúng ta phản bội những người mình yêu thương nếu bản thân chúng ta tiếp tục sống theo phúc âm trọn vẹn và giảng dạy các lẽ thật của phúc âm.

Khả năng của chúng ta để giúp đỡ người khác đến cùng Đấng Ky Tô hoặc trở về với Đấng Ky Tô phần lớn sẽ được xác định bởi tấm gương mà chúng ta nêu ra qua cam kết cá nhân của chúng ta để ở trên con đường giao ước.

Nếu ước muốn chân chính của chúng ta là để giải cứu những người mình yêu thương, thì bản thân chúng ta cần phải luôn đứng vững vàng với Đấng Ky Tô bằng cách chấp nhận Giáo Hội của Ngài và phúc âm trọn vẹn của Ngài.

Trở lại với câu chuyện về Nê Phi, chúng ta biết rằng khuynh hướng tin cậy nơi Chúa của Nê Phi được ảnh hưởng bởi thiên hướng tin cậy nơi Chúa của cha mẹ ông và bởi tấm gương của họ trong việc tuân giữ giao ước. Điều này được minh họa rất rõ trong khải tượng của Lê Hi về cây sự sống. Sau khi ăn trái có hương vị ngọt ngào và tràn đầy niềm vui của cây đó, Lê Hi “đưa mắt nhìn quanh để may ra [ông] có thể tìm thấy gia đình [ông].”14 Ông thấy Sa Ri A, Sam, và Nê Phi đang đứng đó “hình như không biết phải đi đâu.”15 Sau đó Lê Hi nói: “Cha ra dấu cho họ; và cha cũng gọi to lên, bảo họ lại với cha và ăn trái cây ấy.”16 Xin lưu ý rằng Lê Hi không hề rời xa cây sự sống. Ông ở cùng với Chúa về phần thuộc linh và mời gọi gia đình ông đến nơi ông ăn trái cây ấy.

Kẻ nghịch thù sẽ cám dỗ một số người rời xa niềm vui của phúc âm bằng cách tách rời những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô ra khỏi Giáo Hội của Ngài. Nó sẽ làm cho chúng ta tin rằng chúng ta có thể vững mạnh ở trên con đường giao ước của riêng mình, nhờ sức mạnh thuộc linh của riêng mình, riêng rẽ khỏi Giáo Hội Ngài.

Trong những ngày sau này, Giáo Hội của Đấng Ky Tô đã được phục hồi nhằm giúp con cái giao ước của Đấng Ky Tô luôn ở trên con đường giao ước của Ngài.

Chúng ta đọc trong sách Giáo Lý và Giao Ước “Này, đây là giáo lý của ta—bất cứ ai hối cải và đến cùng ta, thì kẻ đó sẽ thuộc giáo hội của ta.”17

Thông qua Giáo Hội của Đấng Ky Tô, chúng ta được củng cố qua những kinh nghiệm của mình với tính cách là một cộng đồng Các Thánh Hữu. Chúng ta nghe tiếng Ngài qua các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải của Ngài. Quan trọng hơn hết, thông qua Giáo Hội của Ngài, chúng ta được ban cho tất cả các phước lành thiết yếu của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô mà chỉ có thể được nhận thấy bằng cách dự phần vào các giáo lễ thiêng liêng.

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội của Đấng Ky Tô trên thế gian, được phục hồi trong những ngày sau này vì lợi ích của tất cả con cái của Thượng Đế.

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta “đến cùng Đấng Ky Tô” và sống với tư cách là Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta sẽ được ban phước dồi dào hơn nữa với tình yêu thương của Ngài, niềm vui của Ngài, và sự bình an của Ngài. Giống như Nê Phi, chúng ta có thể làm những việc khó và giúp đỡ người khác cũng làm như vậy, vì chúng ta biết chúng ta có thể đặt lòng tin cậy nơi ai.18 Đấng Ky Tô là sự sáng, sự sống, và sự cứu rỗi của chúng ta.19 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.