2020
Suy Ngẫm về Lòng Nhân Từ và Sự Vĩ Đại của Thượng Đế
Tháng Năm 2020


2:3

Suy Ngẫm về Lòng Nhân Từ và Sự Vĩ Đại của Thượng Đế

Tôi mời anh chị em mỗi ngày hãy ghi nhớ sự vĩ đại của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và điều mà Hai Ngài đã làm cho anh chị em.

Trong suốt lịch sử nhân loại, nhất là trong những thời kỳ khó khăn, các vị tiên tri đã khuyến khích chúng ta ghi nhớ sự vĩ đại của Thượng Đế và suy ngẫm điều Ngài đã làm cho chúng ta, ở phương diện cá nhân, gia đình, và cả một dân tộc.1 Sự chỉ dẫn này được tìm thấy trong khắp các thánh thư nhưng đặc biệt rõ nét nhất là trong Sách Mặc Môn. Trang tựa giải thích một trong những mục đích của Sách Mặc Môn là để “chỉ cho đám dân còn sót lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên biết những việc vĩ đại mà Chúa đã làm cho tổ phụ họ.”2 Phần kết của Sách Mặc Môn gồm có lời khẩn khoản của Mô Rô Ni: “Này, tôi muốn khuyên nhủ các người rằng, khi các người đọc được những điều này … thì các người hãy nhớ Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao, … và [hãy] suy ngẫm [những điều này] trong lòng.”3

Sự nhất quán trong những lời khẩn nài từ các vị tiên tri để suy ngẫm về lòng nhân từ của Thượng Đế thật đáng chú ý.4 Cha Thiên Thượng muốn chúng ta nhớ về lòng nhân từ của Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, không phải để làm hài lòng hai Ngài, nhưng là vì ảnh hưởng mà chúng ta có được khi ghi nhớ tấm lòng rộng lượng đó. Bằng cách suy ngẫm về lòng nhân từ của Hai Ngài, quan điểm và sự hiểu biết của chúng ta được mở rộng. Bằng cách nghĩ về lòng trắc ẩn của Hai Ngài, chúng ta càng trở nên khiêm nhường, thành tâm, và vững vàng hơn.

Một kinh nghiệm thương tâm với một bệnh nhân cũ sẽ cho thấy cách mà lòng biết ơn đối với sự rộng lượng và trắc ẩn có thể làm thay đổi chúng ta. Vào năm 1987, tôi đã gặp và quen biết Thomas Nielson, một người đàn ông đặc biệt đang cần được ghép tim. Ông ấy 63 tuổi và sống tại Logan, Utah, Hoa Kỳ. Sau khi phục vụ quân đội trong Đệ Nhị Thế Chiến, ông kết hôn với Donna Wilkes trong Đền Thờ Logan Utah. Ông trở thành một người thợ xây mạnh mẽ và thành công. Những năm về sau ông đặc biệt thích làm việc cùng đứa cháu lớn nhất của mình, tên là Jonathan, trong những kỳ nghỉ hè. Cả hai người phát triển một mối gắn kết đặc biệt, một phần bởi vì Jonathan có những đặc điểm và tính cách giống với Tom.

Tom đang nôn nóng khi phải chờ đợi một quả tim hiến tặng. Ông ấy không phải là một người kiên nhẫn lắm. Ông đã luôn luôn có thể đặt ra mục tiêu và hoàn thành chúng nhờ làm việc siêng năng và quyết tâm tuyệt đối. Gặp khó khăn với chứng suy tim, với cuộc sống bị đảo lộn, đôi khi Tom hỏi tôi đang làm gì để thúc đẩy quá trình cho nhanh hơn. Ông còn nói đùa để gợi ý những cách thức mà tôi nên làm để sớm tìm ra một quả tim hiến tặng cho ông.

Vào một ngày vui nhưng khủng khiếp, một quả tim hiến tặng lý tưởng được dành cho Tom. Kích cỡ và nhóm máu phù hợp, và người hiến còn trẻ, mới chỉ 16 tuổi. Quả tim đó là của Jonathan, đứa cháu trai yêu dấu của Tom. Vào sáng hôm đó, Jonathan bị trọng thương khi chiếc xe ô tô chở em bị một chiếc xe lửa chạy ngang đâm vào.

Khi tôi đến thăm Tom và Donna ở trong bệnh viện, họ đang rối trí. Thật khó mà tưởng tượng nổi điều họ phải trải qua, khi biết rằng mạng sống của Tom có thể được kéo dài nhờ vào quả tim của cháu trai họ. Ban đầu, họ từ chối lời đề nghị hiến quả tim đó từ cha mẹ đau buồn của Jonathan, tức là con gái và con rể của họ. Mặc dù vậy, Tom và Donna biết rằng Jonathan đã bị chết não, và hiểu được rằng những lời cầu nguyện của họ để xin có được một quả tim hiến tặng cho Tom không hề khiến Jonathan gặp tai nạn. Đúng vậy, quả tim của Jonathan là một món quà có thể ban phước cho Tom lúc ông gặp hoạn nạn. Họ đã nhận ra rằng một điều gì đó tốt lành có thể đến từ thảm kịch này và đã quyết định tiến hành.

Tiến trình ghép tim diễn ra thuận lợi. Sau đó, Tom trở thành một người khác. Sự thay đổi đến không chỉ ở sức khỏe đã được cải thiện hay thậm chí lòng biết ơn. Ông ấy kể với tôi rằng vào mỗi buổi sáng, ông đã nghĩ về Jonathan, về con gái và con rể của ông, về món quà mà ông đã nhận được, và về những điều đi kèm với món quà ấy. Mặc dù khiếu hài hước và tính gan góc vốn có của ông vẫn hiển hiện rõ ràng, tôi quan sát thấy Tom nghiêm trang hơn, sâu sắc hơn, và tốt bụng hơn.

Tom đã sống thêm được 13 năm sau khi được ghép tim, là những năm mà ông không thể có được nếu mọi việc khác đi. Cáo phó của ông viết rằng những năm đó đã cho phép ông tác động đến cuộc sống của những người trong gia đình ông và những người khác với lòng rộng lượng và tình yêu thương. Ông là ân nhân và là một tấm gương về sự lạc quan và nghị lực.

Giống như Tom, mỗi chúng ta nhận được các món quà mà không thể tự mình có được, là những ân tứ từ Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, kể cả sự cứu chuộc qua sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.5 Chúng ta đã nhận được cuộc sống trên thế giới này; chúng ta sẽ nhận được cuộc sống trong thế giới mai sau, và nhận được sự cứu rỗi và sự tôn cao vĩnh cửu—nếu chúng ta chọn điều đó—tất cả là nhờ vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Mỗi lần chúng ta sử dụng, hưởng lợi, hoặc thậm chí nghĩ về những ân tứ này, chúng ta cần phải suy ngẫm về sự hy sinh, lòng quảng đại, và trắc ẩn của những người ban tặng. Lòng tôn kính dành cho Các Đấng ban tặng không chỉ làm cho chúng ta cảm thấy biết ơn. Việc suy ngẫm về các ân tứ của Hai Ngài có thể và nên làm thay đổi chúng ta.

Có một sự thay đổi đáng kinh ngạc là sự thay đổi của An Ma Con. Trong lúc An Ma đang “đi khắp nơi để chống lại Thượng Đế,”6 một thiên sứ xuất hiện. Với một “lời nói … như tiếng sấm sét,”7 vị thiên sứ khiển trách An Ma vì đã ngược đãi Giáo Hội và “khéo chiếm đoạt lòng dân chúng.”8 Vị thiên sứ còn thêm vào lời khuyên răn này: “Hãy đi, và hãy nhớ sự tù đày của các tổ phụ ngươi …; và hãy nhớ những điều [Thượng Đế] đã làm cho họ thật vĩ đại biết bao.”9 Trong số những lời khuyên có thể đưa ra, đó là điều mà vị thiên sứ đã chọn để nhấn mạnh.

An Ma đã hối cải và ghi nhớ. Sau này ông chia sẻ lời khuyên răn của vị thiên sứ với con trai mình là Hê La Man. An Ma khuyên rằng: “Cha mong rằng con sẽ làm như cha đã làm, trong sự ghi nhớ tới sự tù đày của tổ phụ chúng ta; vì họ đã ở trong vòng nô lệ, và không một ai có thể giải thoát cho họ được ngoại trừ Thượng Đế của Áp Ra Ham, … Y Sác, và … Gia Cốp; và quả thật Ngài đã giải thoát họ ra khỏi cảnh thống khổ của họ.”10 An Ma chỉ nói: “Cha đã đặt tin cậy vào Ngài.”11 An Ma hiểu rằng bằng cách nhớ đến sự giải thoát khỏi vòng nô lệ và sự nâng đỡ trong “những cơn thử thách và khó khăn đủ loại,” chúng ta dần biết được Thượng Đế và sự chắc chắn trong những lời hứa của Ngài.12

Ít người trong chúng ta có kinh nghiệm đầy kịch tính như An Ma, tuy vậy sự thay đổi của chúng ta có thể vẫn không kém phần sâu sắc. Đấng Cứu Rỗi đã hứa từ xưa rằng:

“Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá … và ban cho các ngươi lòng bằng thịt.

“Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi. …

“… Các ngươi sẽ làm dân ta, ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi.”13

Đấng Cứu Rỗi sau khi phục sinh đã phán với dân Nê Phi về cách mà sự thay đổi này bắt đầu. Ngài chỉ ra một điểm mấu chốt trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng khi Ngài phán rằng:

“Và Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta. …

“Và cũng chính vì lý do đó mà ta đã bị treo lên; vậy nên, nhờ quyền năng của Đức Chúa Cha, ta sẽ thu hút tất cả mọi người đến cùng ta.”14

Anh chị em cần điều gì để được thu hút đến cùng Đấng Cứu Rỗi? Hãy nghĩ về sự phục tùng của Chúa Giê Su Ky Tô theo ý muốn của Cha Ngài, việc Ngài chiến thắng cái chết, việc Ngài mang lên mình những tội lỗi và lỗi lầm của anh chị em, việc Ngài nhận được quyền năng của Cha Thiên Thượng để can thiệp cho anh chị em, và sự cứu rỗi tột bậc của Ngài dành cho anh chị em.15 Có phải những điều này không đủ để thu hút anh chị em đến cùng Ngài không? Chúng là đủ cho tôi rồi. Chúa Giê Su Ky Tô “với vòng tay mở rộng, đang hy vọng và sẵn lòng chữa lành, tha thứ, gột sạch, củng cố, thanh tẩy và thánh hóa [anh chị em và tôi].”16

Những lẽ thật này nên mang lại cho chúng ta một tấm lòng mới và thúc giục chúng ta chọn theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Mặc dù vậy những tấm lòng mới có thể “dễ luôn thất lạc, … dễ rời bỏ Thượng Đế mà [chúng ta] yêu mến.”17 Để chống lại khuynh hướng này, mỗi ngày chúng ta cần phải nhớ đến những ân tứ mà chúng ta nhận được và suy ngẫm những điều đi kèm với những ân tứ ấy. Vua Bên Gia Min đã khuyên rằng: “Tôi mong rằng các người hãy ghi nhớ, và luôn luôn ghi nhớ, về sự vĩ đại của Thượng Đế … cùng lòng nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với các người.”18 Khi làm như vậy, chúng ta đủ điều kiện cho các phước lành đặc biệt từ thiên thượng.

Việc suy ngẫm về lòng nhân từ và thương xót của Thượng Đế giúp chúng ta trở nên dễ tiếp thu những sự việc thuộc linh hơn. Đổi lại, việc gia tăng sự nhạy cảm thuộc linh cho phép chúng ta dần biết được lẽ thật của tất cả mọi điều bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.19 Lẽ thật này gồm có một chứng ngôn về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn; sự hiểu biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc cho cá nhân chúng ta; và chấp nhận rằng phúc âm của Ngài đã được phục hồi trong những ngày sau này.20

Khi chúng ta ghi nhớ sự vĩ đại của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta và những điều mà Các Ngài đã làm cho chúng ta, chúng ta sẽ không nhận lấy bằng sự hời hợt, cũng như Tom đã không nhận lấy trái tim của Jonathan một cách hời hợt. Trong một cách đầy vui mừng và tôn trọng, mỗi ngày Tom đều nhớ về bi kịch mà đã giúp kéo dài mạng sống của ông ấy. Trong sự hồ hởi vì biết rằng chúng ta có thể được cứu rỗi và được tôn cao, chúng ta cần ghi nhớ rằng sự cứu rỗi và tôn cao đến từ một cái giá rất đắt.21 Chúng ta có thể kính cẩn vui mừng khi nhận ra rằng nếu không có Chúa Giê Su Ky Tô thì chúng ta sẽ bị diệt vong, nhưng nhờ có Ngài mà chúng ta có thể nhận được ân tứ lớn lao nhất mà Cha Thiên Thượng có thể ban cho.22 Thật vậy, lòng tôn kính này cho phép chúng ta vui hưởng lời hứa “của cuộc sống vĩnh cửu trong thế gian này” và cuối cùng nhận được “cuộc sống vĩnh cửu … vinh quang bất diệt” trong thế giới mai sau.23

Khi chúng ta suy ngẫm về lòng nhân từ của Cha Thiên Thượng của chúng ta và Chúa Giê Su Ky Tô, niềm tin cậy của chúng ta nơi Hai Ngài gia tăng. Những lời cầu nguyện của chúng ta thay đổi bởi vì chúng ta biết Thượng Đế là Cha của mình và chúng ta là con cái của Ngài. Chúng ta không tìm cách thay đổi ý muốn của Ngài mà sẽ thay đổi ý muốn của chúng ta theo Ngài và đảm bảo cho bản thân có được những phước lành mà Ngài muốn ban cho, với điều kiện là chúng ta phải cầu xin.24 Chúng ta khao khát trở nên khiêm nhường hơn, thanh khiết hơn, vững vàng hơn, giống như Đấng Ky Tô hơn.25 Những sự thay đổi này làm cho chúng ta đủ điều kiện để nhận được thêm các phước lành từ thiên thượng.

Bằng cách thừa nhận rằng mọi điều tốt lành đều đến từ Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ bày tỏ đức tin của mình một cách hữu hiệu hơn cho những người khác.26 Chúng ta sẽ có can đảm khi đối mặt với những hoàn cảnh và bổn phận dường như không thể làm được.27 Chúng ta sẽ củng cố quyết tâm của mình để tuân giữ các giao ước đã lập để noi theo Đấng Cứu Rỗi.28 Chúng ta sẽ được tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế, muốn giúp những ai hoạn nạn mà không phán xét, yêu thương con cái mình và nuôi dạy chúng trong sự ngay chính, có được sự xá miễn các tội lỗi mình, và luôn luôn hân hoan.29 Đây là những kết quả đáng kể đến từ việc ghi nhớ lòng nhân từ và thương xót của Thượng Đế.

Ngược lại, Đấng Cứu Rỗi đã cảnh cáo: “Và loài người không xúc phạm Thượng Đế trong bất cứ việc gì, hay Ngài cũng không nổi giận với ai, ngoại trừ những kẻ không chịu thú nhận có bàn tay của Ngài trong mọi sự việc.”30 Tôi không nghĩ rằng Thượng Đế bị xúc phạm khi chúng ta quên Ngài. Thay vì vậy, tôi nghĩ là Ngài cảm thấy vô cùng thất vọng. Ngài biết rằng chúng ta đã tự đánh mất cơ hội để đến gần Ngài hơn bằng cách nhớ đến Ngài và lòng nhân từ của Ngài. Rồi chúng ta đánh mất cơ hội để Ngài đến gần chúng ta và để nhận được những phước lành cụ thể mà Ngài đã hứa.31

Tôi mời anh chị em mỗi ngày hãy ghi nhớ sự vĩ đại của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và điều mà Hai Ngài đã làm cho anh chị em. Hãy để cho sự suy ngẫm của anh chị em về lòng nhân từ của Hai Ngài gắn kết trái tim lưu lạc của anh chị em với Hai Ngài một cách bền chặt hơn.32 Hãy suy ngẫm về lòng trắc ẩn của Hai Ngài, và anh chị em sẽ được ban phước với nhiều sự nhạy cảm thuộc linh hơn và trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Việc nghĩ về lòng cảm thông của Hai Ngài sẽ giúp anh chị em “trung thành cho đến cùng,” cho đến khi anh chị em “được thu nhận vào thiên thượng” để “ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”33

Cha Thiên Thượng của chúng ta, khi giới thiệu Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, đã phán: “Hãy nghe lời Người!”34 Khi anh chị em hành động theo những lời đó và lắng nghe Ngài, ghi nhớ, một cách vui mừng và kính cẩn, rằng Đấng Cứu Rỗi mong muốn phục hồi điều anh chị em không thể phục hồi; Ngài mong muốn chữa lành những gì anh chị em không thể chữa lành; Ngài mong muốn sửa lại những gì đã bị vỡ nát không sửa chữa được;35 Ngài bồi thường cho bất kỳ sự bất công nào đến với anh chị em;36 và Ngài mong muốn chữa lành vĩnh viễn những tấm lòng đau khổ.37

Khi tôi suy ngẫm về những ân tứ từ Cha Thiên Thượng của chúng ta và từ Chúa Giê Su Ky Tô, tôi dần biết được tình yêu thương vô hạn của Hai Ngài và lòng trắc ẩn không thể hiểu thấu nổi của Hai Ngài dành cho tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng.38 Sự hiểu biết này đã thay đổi tôi, và nó cũng sẽ thay đổi anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.