2020
Tìm Nơi Trú Ẩn khỏi Những Cơn Bão Tố của Cuộc Đời
Tháng Năm 2020


2:3

Tìm Nơi Trú Ẩn khỏi Những Cơn Bão Tố của Cuộc Đời

Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài là nơi trú ẩn mà tất cả chúng ta đều cần, bất kể những cơn bão tố nào đang vùi dập cuộc sống chúng ta.

Vào giữa những năm chín mươi, trong những năm đại học của mình, tôi là thành viên trong Đội Thứ Tư của Sở Cứu Hỏa Santiago ở Chile. Trong lúc phục vụ ở đó, tôi sống ở trạm cứu hỏa như là một phần của đội gác đêm. Vào gần cuối năm, tôi được yêu cầu phải có mặt tại trạm cứu hỏa vào Đêm Giao Thừa bởi vì hầu như luôn luôn có tình huống khẩn cấp vào ngày đó. Tôi trả lời trong sự bất ngờ: “Thật sao?”

Tôi còn nhớ việc chờ đợi cùng với những đồng nghiệp của mình khi pháo bông bắt đầu bắn vào lúc nửa đêm tại trung tâm thành phố Santiago. Chúng tôi bắt đầu ôm chầm lấy nhau và chúc nhau những lời tốt lành cho năm mới. Bỗng nhiên những cái chuông ở trạm cứu hỏa bắt đầu reo lên, cho biết rằng đã có một tình huống khẩn cấp. Chúng tôi lấy những trang bị của mình và nhảy vào xe cứu hỏa. Trên đường đến nơi có tình huống khẩn cấp, khi chúng tôi chạy ngang qua đám đông của những người đang ăn mừng năm mới, tôi để ý rằng họ hầu như hoàn toàn vô tư và không có gì lo lắng. Họ rất thoải mái và tận hưởng một đêm mùa hè đầy ấm áp. Tuy nhiên ở một nơi gần đó, những người mà chúng tôi đang vội vã đến giúp đang gặp rắc rối trầm trọng.

Kinh nghiệm này đã giúp tôi nhận ra rằng mặc dù cuộc sống của chúng ta có thể đôi lúc tương đối suôn sẻ, sẽ có lúc mà mỗi người trong chúng ta sẽ phải đối mặt với những thử thách và những cơn bão tố bất ngờ mà sẽ đẩy chúng ta đến giới hạn khả năng chịu đựng của mình. Những thử thách về mặt thể chất, tinh thần, gia đình, và công việc; những thiên tai; và những vấn đề sống chết khác chỉ là một số ví dụ của những cơn bão tố mà chúng ta sẽ đối mặt trong cuộc đời này.

Khi đối mặt với các cơn bão tố này, chúng ta thường trải qua những cảm giác tuyệt vọng hoặc sợ hãi. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói rằng: “Đức tin làm giảm nỗi sợ hãi”—đức tin trong Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta (“Hãy Cho Thấy Đức Tin của Mình,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 29). Vì đã thấy được những cơn bão tố mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác, tôi đã kết luận rằng bất kể loại bão tố nào đang vùi dập chúng ta—bất kể là có giải pháp hoặc chúng có sớm kết thúc hay không—thì chỉ có duy nhất một nơi trú ẩn, và đó là cùng một nơi trú ẩn cho tất cả mọi loại bão tố. Nơi trú ẩn này được cung cấp bởi Cha Thiên Thượng chính là Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Không ai trong chúng ta được miễn khỏi phải đối mặt với những cơn bão tố này. Hê La Man, một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn, đã dạy chúng ta như sau: “Hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được.” (Hê La Man 5:12).

Anh Cả Robert D. Hales, người đã có những kinh nghiệm riêng của mình trong việc kiên trì chịu đựng những cơn bão, đã nói rằng: “Ai cũng phải chịu đau khổ; nhưng cách chúng ta phản ứng với sự đau khổ là tùy vào từng cá nhân. Sự đau khổ có thể thay đổi chúng ta bằng một trong hai cách. Nó có thể kết hợp với đức tin để trở thành một kinh nghiệm mang tính củng cố và thánh hóa, hoặc nó có thể là một thế lực hủy diệt trong cuộc sống chúng ta nếu chúng ta không có đức tin vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa” (“Your Sorrow Shall Be Turned to Joy,” Ensign, tháng Mười Một năm 1983, trang 66).

Để tận hưởng sự che chở mà Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài mang lại, chúng ta phải có đức tin nơi Ngài—là đức tin mà sẽ cho phép chúng ta vượt lên trên tất cả những nỗi đau đớn đến từ một quan điểm hạn hẹp và trần tục. Ngài đã hứa sẽ làm nhẹ đi những gánh nặng của chúng ta nếu chúng ta đến cùng Ngài trong tất cả mọi việc chúng ta làm.

Ngài phán “Hãy đến cùng ta, hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:28–30; xin xem thêm Mô Si A 24:14–15).

Người ta nói rằng “đối với những ai có đức tin, thì không cần thiết phải giải thích. Đối với những ai không có đức tin, thì không có lời giải thích nào là đủ.” (Lời phát biểu này được cho là của Thomas Aquinas nhưng rất có khả năng là một lời diễn giải về những điều mà ông đã dạy.) Tuy nhiên, chúng ta có sự hiểu biết hạn hẹp về những điều xảy ra ở đây trên thế gian, và thường chúng ta không có câu trả lời cho câu hỏi tại sao. Tại sao điều này lại xảy ra? Tại sao điều này lại xảy đến với tôi? Tôi học được gì? Khi chúng ta không tìm được câu trả lời là khi mà những lời mà Đấng Cứu Rỗi đã bày tỏ với Tiên Tri Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty hoàn toàn có thể áp dụng được:

“Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi;

“Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao” (Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8).

Mặc dù nhiều người thực sự tin vào Chúa Giê Su Ky Tô, câu hỏi chính yếu là chúng ta có tin Ngài và có tin những điều mà Ngài dạy và phán bảo chúng ta phải làm hay không. Có lẽ một ai đó sẽ nghĩ: “Chúa Giê Su Ky Tô biết điều gì về những việc đang xảy đến với tôi? Làm thế nào Ngài biết được điều tôi cần để được hạnh phúc?” Quả thật, Ngài chính là Đấng Cứu Chuộc và Đấng Cầu Thay cho chúng ta mà tiên tri Ê Sai đã đề cập đến khi ông nói:

“Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm. …

“Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta. …

“Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi của chúng ta, người đã bị bầm mình vì những điều bất chính của chúng ta; bởi sự sửa phạt Ngài gánh chịu chúng ta được bình an, và bởi lằn roi quất vào người mà chúng ta được lành bệnh” (Ê Sai 53:3–5).

Sứ Đồ Phi E Rơ cũng đã dạy chúng ta về Đấng Cứu Rỗi khi nói rằng: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh” (1 Phi E Rơ 2:24).

Mặc dù thời điểm cho sự tuẫn đạo của riêng Phi E Rơ đang đến gần, nhưng lời của ông không hề thể hiện nỗi sợ hãi hoặc sự bi quan; thay vì thế, ông đã dạy các Thánh Hữu nên “vui mừng”, mặc dù họ “vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu.” Phi E Rơ khuyên chúng ta hãy nhớ rằng “sự thử thách đức tin [của chúng ta], … dầu đã bị thử lửa,” sẽ dẫn đến việc “ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển khi Đức Chúa Giê Su Ky Tô hiện ra” và dẫn đến “sự cứu rỗi linh hồn [chúng ta]” (1 Phi E Rơ 1:6–7, 9).

Phi E Rơ nói tiếp:

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường:

“Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Ky Tô bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót” (1 Phi E Rơ 4:12–13).

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng: “Các Thánh Hữu có thể vui vẻ trong mọi hoàn cảnh. … Khi điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế … và Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình. Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài. Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui” (“Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82).

Tất nhiên, sẽ dễ dàng cho chúng ta để nói những điều này khi không ở trong một cơn bão hơn là khi phải sống và áp dụng chúng giữa một cơn bão. Nhưng với tư cách là người anh em của anh chị em, tôi hy vọng anh chị em có thể cảm thấy rằng tôi thành thật muốn chia sẻ về giá trị của việc biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài chính là nơi trú ẩn mà tất cả chúng ta cần, bất kể những cơn bão tố nào đang vùi dập cuộc sống của chúng ta.

Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều là con cái của Thượng Đế, rằng Ngài yêu thương chúng ta, và rằng chúng ta không hề đơn độc. Tôi mời anh chị em đến và thấy rằng Ngài có thể làm nhẹ đi những gánh nặng của anh chị em và là nơi trú ẩn mà anh chị em đang tìm kiếm. Đến và giúp người khác tìm nơi trú ẩn mà họ đang khao khát. Đến và ở cùng với chúng tôi trong nơi trú ẩn này, là nơi mà sẽ giúp anh chị em chống chọi với những cơn bão tố của cuộc đời. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng nếu anh chị em đến, thì anh chị em sẽ thấy, sẽ giúp đỡ, và sẽ ở lại.

Tiên tri An Ma đã làm chứng về điều sau đây với con trai của ông là Hê La Man: “Cha biết rằng, kẻ nào tin cậy nơi Thượng Đế thì sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, trong những khó khăn và những thống khổ của mình, và sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng” (An Ma 36:3).

Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán:

“Hãy để cho lòng mình được an ủi …; vì mọi xác thịt đều ở trong tay ta; hãy yên tâm và hiểu rằng ta là Thượng Đế. …

“Vậy nên, chớ sợ hãi chi dù phải chết; vì trong thế gian này, niềm vui của các ngươi không trọn vẹn, nhưng trong ta, niềm vui của các ngươi trọn vẹn” (Giáo Lý và Giao Ước 101:16, 36).

Bài thánh ca “Be Still, My Soul,” mà đã cảm động lòng tôi rất nhiều lần, có một thông điệp để an ủi tâm hồn chúng ta. Lời bài hát có viết như sau:

Hãy yên lặng, hỡi tâm hồn tôi: Giờ khắc sắp đến gần rồi

Khi chúng ta sẽ vĩnh viễn được ở cùng Chúa,

Khi nỗi thất vọng, đau buồn, và sợ hãi biến mất,

Quên nỗi buồn phiền, niềm vui thanh khiết từ tình thương được phục hồi.

Hãy yên lặng, hỡi tâm hồn tôi: Khi sự thay đổi và nước mắt giờ là quá khứ,

Tất cả được an toàn và ban phước khi chúng ta cuối cùng sẽ hội ngộ. (Hymns, số 124)

Khi chúng ta đối mặt với những cơn bão tố của cuộc đời, tôi biết rằng nếu chúng ta nỗ lực hết sức và trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài để làm nơi trú ẩn cho mình, thì chúng ta sẽ được ban phước với sự nhẹ nhõm, sự an ủi, sức mạnh, tiết độ, và sự bình an mà chúng ta tìm kiếm, và biết chắc chắn trong lòng rằng khi kết thúc cuộc sống của mình trên thế gian, chúng ta sẽ nghe được những lời này từ Đức Thầy: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm: … hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi” (Ma Thi Ơ 25:21). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.