2021
Có Đủ Chỗ trong Giáo Hội của Ngài
Tháng Năm 2021


14:45

Có Đủ Chỗ trong Giáo Hội của Ngài

Vào mùa Lễ Phục Sinh này, Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta hãy trở nên, giống như Ngài, một người Sa Ma Ri nhân lành, để làm cho Nhà Quán của Ngài (Giáo Hội của Ngài) thành một nơi trú ẩn cho tất cả mọi người.

Thưa anh chị em, mặc dù cha tôi đã qua đời 20 năm rồi, nhưng có những lúc tôi thấy nhớ ông. Lời hứa phục sinh là tôi sẽ gặp lại ông.

Trong khi tôi đang học cao học ở Anh, cha tôi đã sang thăm tôi. Với tấm lòng của một người cha, ông biết tôi rất nhớ nhà.

Cha tôi thích phiêu lưu khám phá nhưng không phải với thức ăn. Thậm chí khi ở Pháp, với ẩm thực nổi tiếng, ông vẫn nói: “Chúng ta ăn đồ Tàu đi.” Là một tộc trưởng phục vụ lâu năm trong Giáo Hội, cha tôi rất vững mạnh về phần thuộc linh và giàu lòng trắc ẩn. Một đêm nọ, khi những chiếc xe cấp cứu hú còi báo động phóng nhanh trên đường phố Paris, ông nói “Gerrit à, đó là tiếng khóc than cho những nỗi đau trong thành phố đấy.”

Trong chuyến đi đó, tôi đã cảm nhận được những tiếng khóc than và nỗi đau khác. Một cô gái trẻ bán kem trên một chiếc xe đẩy nhỏ. Cô bán những cây ốc quế chỉ vừa đủ cho một muỗng kem. Không hiểu sao, một người đàn ông cao lớn đến đứng trước mặt cô. Anh ta quát mắng, xô đẩy, lật đổ chiếc xe đẩy, làm tung tóe những cây ốc quế của cô. Tôi không thể giúp được gì khi thấy anh ta giẫm nát mấy cây ốc quế với đôi ủng của mình. Tôi vẫn có thể mường tượng cảnh cô gái trẻ quỳ ngay trên đường, cố gắng vớt vát những những mảnh vụn ốc quế, những giọt nước mắt đau khổ chảy dài trên khuôn mặt cô. Cảnh tượng đó vẫn ám ảnh tôi, là lời nhắc nhở về sự thiếu tử tế, thiếu quan tâm, hiểu lầm mà chúng ta quá thường xuyên gây ra cho nhau.

Một buổi chiều khác, ở gần Paris, tôi cùng cha tôi đi tham quan thánh đường tráng lệ ở Chartres. Malcolm Miller,1 một chuyên gia hàng đầu thế giới về thánh đường này, chỉ vào bộ ba ô cửa sổ kính màu của thánh đường Chartres. Ông nói là chúng kể lại một câu chuyện.

Ô cửa sổ thứ nhất minh họa A Đam và Ê Va rời khỏi Vườn Ê Đen.

Ô cửa sổ thứ hai kể lại truyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành.

Ô cửa sổ thứ ba mô tả Sự Tái Lâm của Chúa.

Kết hợp lại, những ô cửa sổ kính màu này có thể mô tả cuộc hành trình vĩnh cửu của chúng ta. Chúng mời gọi chúng ta hãy chào đón tất cả mọi người vào trong vương quốc của Ngài.2

Cửa Sổ ở Thánh Đường Chartres

iStock.com/digitalimagination

Giống như A Đam và Ê Va, chúng ta bước vào một thế giới đầy chông gai và cỏ dại.3

Cửa Sổ ở Thánh Đường Chartres

iStock.com/digitalimagination

Trên con đường bụi bặm của chúng ta đến thành Giê Ri Cô, chúng ta bị tấn công, bị thương, và bị bỏ rơi trong đau đớn.4

Mặc dù chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau, nhưng quá nhiều lần chúng ta tránh đi chỗ khác, vì bất cứ lý do gì.

Tuy vậy, với lòng trắc ẩn, Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành dừng lại và băng bó vết thương của chúng ta với dầu và rượu. Những biểu tượng của Tiệc Thánh và các giáo lễ khác, dầu và rượu đều hướng chúng ta đến sự chữa lành phần thuộc linh nơi Chúa Giê Su Ky Tô.5 Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành đặt chúng ta lên trên lưng con lừa của chính Ngài, hoặc như trong câu chuyện trên những ô cửa sổ kính màu, vác chúng ta trên vai Ngài. Ngài mang chúng ta đến nhà quán, mà có thể tượng trưng cho Giáo Hội của Ngài. Trong Nhà Quán, Đấng Sa Ma Ri nhân lành phán rằng: “Hãy săn sóc người này; … khi [Ta] trở về sẽ trả”6 Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành, một biểu tượng cho Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, hứa sẽ trở lại, lần này trong vẻ uy nghi và vinh quang.

Cửa Sổ ở Thánh Đường Chartres

iStock.com/digitalimagination

Vào mùa Lễ Phục Sinh này, Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta hãy trở nên, giống như Ngài, một người Sa Ma Ri nhân lành, để làm cho Nhà Quán của Ngài (Giáo Hội của Ngài) thành một nơi trú ẩn cho tất cả mọi người khỏi những thử thách và bão tố của cuộc đời.7 Chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm đã được hứa của Ngài khi mỗi ngày chúng ta làm việc đó cho “một người trong những người rất hèn mọn này”8 như thể chúng ta sẽ làm như vậy với Ngài. “Một người trong những người rất hèn mọn này” là mỗi người chúng ta.

Khi chúng ta cùng với Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành đến Giáo Hội của Ngài, chúng ta học được năm điều về Chúa Giê Su Ky Tô và bản thân mình.

Thứ nhất, chúng ta đến Giáo Hội của Ngài trong tình trạng hiện tại của mình, với những khuyết điểm và sai sót, mà ai cũng có. Nhưng chúng ta đều có một điều gì đó thiết thực để đóng góp. Chúng ta thường cần có nhau để tìm ra con đường đến với Thượng Đế. Chúng ta thuộc vào một cộng đồng đoàn kết—dù là khi đương đầu với những trận đại dịch, bão tố, cháy rừng, hạn hán, hay khi thầm lặng đáp ứng những nhu cầu hằng ngày. Chúng ta nhận được sự soi dẫn khi hội ý với nhau, lắng nghe mỗi người, gồm cả của mỗi chị em phụ nữ, và của Thánh Linh.

Khi chúng ta thay đổi tấm lòng và thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình,9 chúng ta thấy Ngài và thấy chính mình trong Giáo Hội của Ngài. Nhờ Ngài, chúng ta được sáng tỏ, chứ không mâu thuẫn. Nhờ Ngài, chúng ta tìm thấy động lực để làm điều tốt, lý do để làm người tốt, và càng nhiều khả năng để trở nên tốt hơn. Nhờ Ngài, chúng ta khám phá đức tin vững chắc, lòng vị tha không thành kiến, sự thay đổi đầy quan tâm, và sự tin cậy nơi Thượng Đế. Trong Giáo Hội của Ngài, chúng ta tìm thấy và gia tăng mối quan hệ của cá nhân mình với Thượng Đế Đức Chúa Cha của chúng ta và Chúa Giê Su Ky Tô.

Ngài tin cậy chúng ta giúp làm cho Giáo Hội thành nơi mà Ngài cần Giáo Hội phải được như vậy. Khi chúng ta chia sẻ tài năng của mình và nỗ lực hết mình, các ân tứ thuộc linh của Ngài cũng sẽ củng cố và ban phước chúng ta.10

Một thông dịch viên tiếng Tây Ban Nha có nói với tôi: “Thưa Anh Cả Gong, nhờ Thánh Linh mà tôi biết được điều anh sẽ nói để tôi có thể phiên dịch,” người anh em trung tín này nói, “bởi ân tứ về ngôn ngữ.”

Những ân tứ về đức tin và sự bảo đảm sẽ đến, được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Một chị phụ nữ đáng mến đã nhận được sự an ủi thuộc linh khi chồng chị qua đời vì COVID-19. Chị nói: “Tôi biết rằng người chồng yêu quí của tôi và tôi sẽ gặp lại nhau.” Trong một trường hợp khác cũng liên quan đến COVID, một chị phụ nữ đáng mến khác đã nói: “Tôi cảm thấy tôi nên cầu xin Chúa và các bác sĩ cho chồng tôi thêm chút ít thời gian nữa thôi.”

Thứ hai, Ngài khẩn nài chúng ta hãy làm cho Giáo Hội của Ngài thành một nơi mà ai ai cũng tử tế và chào đón tất cả mọi người. Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả chúng ta đều bình đẳng, không có ai là thấp kém.

Tất cả đều được hoan nghênh khi tham dự lễ Tiệc Thánh, các buổi họp khác của ngày Chủ Nhật và các sinh hoạt liên hoan của Giáo Hội.11 Khi nghiêm trang thờ phượng Đấng Cứu Rỗi của mình, chúng ta ân cần và quan tâm lẫn nhau. Chúng ta nhìn thấy và nhận biết mỗi người. Chúng ta mỉm cười, ngồi cạnh người nào đang ngồi một mình, nhớ tên của họ, kể cả những người mới cải đạo, các anh em và chị em đang trở lại sinh hoạt trong Giáo Hội, các thiếu niên và thiếu nữ, mỗi đứa trẻ yêu quý trong Hội Thiếu Nhi .

Khi tưởng tượng bản thân mình ở vị trí của họ, chúng ta chào đón bạn bè, khách đến thăm, người mới chuyển đến, những người bận rộn với nhiều bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khóc, chúng ta vui, và luôn hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Khi không đạt được những kỳ vọng lý tưởng của mình và bị dồn ép, thiếu nhận thức, xét đoán, hoặc có thành kiến, thì chúng ta tìm kiếm sự tha thứ của nhau và làm tốt hơn.

Một gia đình từ châu Phi hiện sống ở Hoa Kỳ đã nói: “Ngay từ hôm đầu, các tín hữu Giáo Hội đã rất thân thiện và chào đón chúng tôi. Mọi người đều làm cho chúng tôi cảm thấy thoải mái như trong gia đình. Không ai coi thường chúng tôi.” Người cha đã nói: “Kinh Thánh dạy rằng gốc rễ tốt lành của phúc âm của Đấng Ky Tô sinh ra trái tốt.” “Và những người truyền giáo,” người cha và người mẹ đều nói, “chúng tôi muốn con trai và con gái chúng tôi lớn lên giống như những người truyền giáo đó.” Thưa anh chị em, cầu xin cho mỗi chúng ta nồng nhiệt chào đón tất cả mọi người vào Giáo Hội của Ngài.

Thứ ba, trong Giáo Hội của Ngài, chúng ta biết được sự hoàn hảo là ở Chúa Giê Su Ky Tô, chứ không phải ở sự hoàn hảo của thế gian. Thế giới ảo tưởng và hão huyền, với những bài đăng “Instagram hoàn hảo” mà đã lọc bỏ mọi vấn đề và khó khăn trong thực tế hằng ngày có thể khiến chúng ta cảm thấy không tương xứng, và bị buộc phải bày tỏ sự đồng thuận. Ngược lại, Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô biết mọi điều về chúng ta mà chúng ta không muốn ai biết, và Ngài vẫn yêu thương chúng ta. Phúc âm của Ngài cho chúng ta nhiều cơ hội để sửa đổi và cải thiện, mà có thể thực hiện được nhờ sự hy sinh chuộc tội của Ngài.12 Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy là người Sa Ma Ri nhân lành, bớt xét đoán và dễ tha thứ cho bản thân và cho nhau hơn, thậm chí khi chúng ta cố gắng một cách trọn vẹn hơn để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.

Chúng ta giúp đỡ chính mình khi chúng ta giúp đỡ lẫn nhau. Tôi biết một gia đình sống ở gần một con đường đông đúc. Người qua lại thường ghé vào hỏi xin giúp đỡ. Một buổi sáng sớm, gia đình đó nghe thấy một tiếng đập mạnh ở ngoài cửa. Mệt mỏi và lo lắng không biết ai gõ cửa vào lúc 2 giờ sáng, họ tự hỏi liệu có ai khác có thể giúp đỡ, chỉ lần này thôi. Khi tiếng gõ cửa vẫn không ngớt, họ nghe thấy tiếng nói “Cháy, có cháy ở phía sau nhà anh chị đấy!” Những người Sa Ma Ri nhân lành giúp đỡ lẫn nhau.

Thứ tư, trong Giáo Hội của Ngài, chúng ta trở thành một phần của cộng đồng phúc âm đặt trọng tâm nơi Chúa Giê Su Ky Tô, bám chặt vào lẽ thật được phục hồi, các vị tiên tri và các sứ đồ tại thế, và một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô—Sách Mặc Môn. Ngài mang chúng ta đến Giáo Hội của Ngài và cả nhà của Ngài nữa—là đền thờ Thánh. Nhà của Chúa là một nơi mà, giống như người đàn ông bị thương trên đường đến thành Giê Ri Cô, Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành có thể thanh tẩy, che chở chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta trở về nơi hiện diện của Thượng Đế, và kết nối chúng ta vĩnh viễn trong gia đình của Thượng Đế. Đền thờ của Ngài rộng mở chào đón tất cả những ai sống theo phúc âm Ngài với đức tin và sự vâng lời.

Niềm vui đến từ việc thờ phượng trong đền thờ bao gồm sự đoàn kết phúc âm giữa các di sản đa dạng, các nền văn hóa, ngôn ngữ, và thế hệ. Tại lễ động thổ cho Đền Thờ Taylorsville Utah, em Max Harker 17 tuổi đã chia sẻ một di sản đức tin của gia đình mà đã bắt đầu từ sáu thế hệ trước bởi ông cố tổ bên nội của em là Joseph Harker và vợ của ông, Susannah Sneath. Trong phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một mối liên kết mạnh mẽ trong các thế hệ của gia đình mình.

Cuối cùng, thứ năm, chúng ta hân hoan rằng Thượng Đế yêu thương con cái của Ngài thuộc mọi hoàn cảnh và nguồn gốc khác nhau, thuộc mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, ai cũng có chỗ trong Giáo Hội của Ngài.

Trong hơn 40 năm qua, các tín hữu quốc tế của Giáo Hội ngày càng đông đảo. Kể từ năm 1998, có nhiều tín hữu Giáo Hội sinh sống ở bên ngoài hơn bên trong Hoa Kỳ và Canada . Đến năm 2025, chúng tôi dự đoán số tín hữu Giáo Hội sống ở Châu Mỹ La Tinh có thể ngang bằng số tín hữu sống ở Hoa Kỳ và Canada. Sự quy tụ các con cháu trung tín của Tổ Phụ Lê Hi đang làm ứng nghiệm lời tiên tri. Các Thánh Hữu trung tín, gồm cả ở những tiểu bang của những người tiền phong, tiếp tục là nguồn lực tận tụy và sự phục vụ cho Giáo Hội toàn cầu.

Ngoài ra, phần lớn các tín hữu thành niên của Giáo Hội hiện đang không kết hôn, góa vợ góa chồng, hoặc ly dị. Đây là một sự thay đổi đáng kể. Con số này chiếm hơn nửa số các chị em trong Hội Phụ Nữ và hơn nửa số các anh em thành niên trong chức tư tế của chúng ta. Xu hướng này về dân số đã và đang là một tình trạng của Giáo Hội toàn cầu kể từ năm 1992 và trong Giáo Hội ở Hoa Kỳ và Canada kể từ năm 2019.

Vị thế của chúng ta trước Chúa và trong Giáo Hội của Ngài không phải là vấn đề về tình trạng hôn nhân của chúng ta mà là việc chúng ta trở thành môn đồ trung tín và dũng cảm của Chúa Giê Su Ky Tô.13 Những người thành niên mong muốn được xem là đã chững chạc và trưởng thành, và muốn chịu trách nhiệm cũng như đóng góp cho xã hội như người trưởng thành. Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đến từ khắp mọi nơi, có mọi vóc dáng, kích thước, màu da, tuổi tác, mỗi người với những tài năng, ước muốn ngay chính, và khả năng bao la để ban phước và phục vụ. Chúng ta tìm cách để noi theo Ngài mỗi ngày với đức tin đưa đến sự hối cải14 và niềm vui lâu dài.

Trong cuộc đời này, đôi khi chúng ta trông đợi Chúa. Chúng ta có thể chưa ở vị trí mà chúng ta hy vọng và mong ước trong tương lai. Một chị phụ nữ tận tụy nói rằng “Việc trung tín trông đợi Chúa cho các phước lành của Ngài là một lối sống thánh thiện. Chúng ta không thể trông đợi điều này bằng cách đáp ứng với thái độ thương hại, chiếu cố, hay xét đoán mà là với sự tôn trọng thiêng liêng”15 Tuy vậy, chúng ta vẫn sống cuộc sống của mình, chứ không chờ đến khi cuộc sống bắt đầu.

Ê Sai hứa: “[Ai] trông đợi Đức Giê Hô Va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.”16

Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành của chúng ta hứa sẽ trở lại. Phép lạ sẽ xảy ra khi chúng ta chăm sóc lẫn nhau giống như Ngài sẽ làm. Khi chúng ta đến với tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối,17 chúng ta có thể tìm thấy tiếng nói nơi Chúa Giê Su Ky Tô, được bao bọc trong vòng tay an toàn thấu hiểu của Ngài.18 Các giáo lễ thiêng liêng mang đến sự đùm bọc trong giao ước và “quyền năng của sự tin kính”19 để thanh tẩy ý định trong thâm tâm và hành động bên ngoài. Với tình yêu thương nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài, Giáo Hội của Ngài trở thành nơi chúng ta chào đón mọi người.

Khi chúng ta mở rộng chỗ trong Giáo Hội của Ngài, chào đón tất cả mọi người, thì Đấng Sa Ma Ri Nhân Lành của chúng ta có thể chữa lành chúng ta trên con đường bụi bặm của cuộc sống trần thế. Với tình yêu thương hoàn hảo, Đức Chúa Cha của chúng ta và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hứa “sự bình an trong đời này, và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau”20—“hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó.”21 Tôi biết ơn và làm chứng như vậy trong thánh danh thiêng liêng của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.