2021
“Các Nguyên Tắc Phúc Âm của Ta”
Tháng Năm 2021


15:0

“Các Nguyên Tắc Phúc Âm của Ta”

(Giáo Lý và Giao Ước 42:12)

Một nguyên tắc phúc âm là một sự hướng dẫn dựa trên giáo lý dành cho việc sử dụng ngay chính quyền tự quyết về mặt đạo đức.

Tại đại hội trung ương của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vào tháng Mười năm 1849, Anh Cả John Taylor thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã được kêu gọi để mở cửa nước Pháp cho việc thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự phục vụ của ông gồm có biên tập tạp chí định kỳ chính thức đầu tiên của Giáo Hội ở quốc gia đó. Anh Cả Taylor đã chuẩn bị và cho xuất bản một bài viết vào năm 1851 giải đáp những thắc mắc thường gặp mà ông đã được hỏi về Giáo Hội. Và gần cuối bài viết đó, Anh Cả Taylor đã nhớ lại tình tiết sau đây:

“Cách đây một vài năm, ở Nauvoo, có một vị đến với tôi, một vị trong Cơ Quan Lập Pháp, đã hỏi Joseph Smith làm thế nào ông đã có thể chi phối được nhiều người như vậy, và duy trì trật tự hoàn hảo như vậy; đồng thời nhận xét rằng việc làm điều đó đối với họ thì không thể nào thực hiện được ở nơi nào khác. Ông Smith đã nhận xét rằng thật là dễ dàng để làm điều đó. Vị ấy đáp: ‘Làm thế nào? Đối với chúng tôi thì rất là khó.’ Ông Smith trả lời: ‘Tôi dạy cho họ các nguyên tắc đúng và họ tự quyết định lấy.’”1

Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ chỉ dẫn và gây dựng mỗi chúng ta khi tôi nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nguyên tắc trong phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Nguyên Tắc

Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith rằng “các anh cả, thầy tư tế, thầy giảng của giáo hội này phải giảng dạy các nguyên tắc phúc âm của ta, là các nguyên tắc nằm trong Kinh Thánh và Sách Mặc Môn, là nơi chứa đựng phúc âm trọn vẹn.”2 Ông cũng tuyên bố rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau cần phải “được chỉ dẫn một cách hoàn hảo hơn về lý thuyết, về nguyên tắc, về giáo lý, và về luật pháp của phúc âm, về tất cả mọi sự việc liên quan đến vương quốc của Thượng Đế, là điều mà các ngươi cần hiểu rõ.”3

Nói một cách ngắn gọn, một nguyên tắc phúc âm là một sự hướng dẫn dựa trên giáo lý dành cho việc sử dụng ngay chính quyền tự quyết về mặt đạo đức. Các nguyên tắc đều bắt nguồn từ các lẽ thật sâu rộng hơn của phúc âm và cung cấp sự hướng dẫn và các tiêu chuẩn trong khi chúng ta tiến bước trên con đường giao ước.

Ví dụ, ba Tín Điều đầu tiên xác định các khía cạnh cơ bản của giáo lý của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô: thiên tính của Thiên Chủ Đoàn trong tín điều thứ nhất, những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va trong tín điều thứ hai, và các phước lành mà có thể thực hiện được qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky tô trong tín điều thứ ba.4tín điều thứ tư đề ra các nguyên tắc đầu tiên—những hướng dẫn trong việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải—và các giáo lễ đầu tiên của chức tư thế mà làm cho Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trở nên có hiệu quả trong cuộc sống chúng ta.5

Lời Thông Sáng là một ví dụ khác về một nguyên tắc như là một sự hướng dẫn. Xin lưu ý đến các câu mở đầu này trong tiết 89 của sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Lời này được ban ra như một nguyên tắc kèm theo lời hứa, phù hợp với khả năng của những người yếu đuối và những người yếu đuối nhất trong số tất cả các thánh hữu, là những người được gọi hoặc có thể được gọi là thánh hữu.

“Này, thật vậy, Chúa đã phán với các ngươi như vầy: Vì hậu quả của những điều tà ác và những ý định xấu xa hiện đang có và sẽ có trong lòng những kẻ âm mưu trong những ngày sau cùng, nên ta đã cảnh cáo các ngươi và nay cảnh cáo các ngươi trước, bằng cách ban cho các ngươi lời thông sáng này qua sự mặc khải.”6

Chỉ dẫn đầy soi dẫn theo sau phần mở đầu này đưa ra những hướng dẫn lâu dài cho cả sự an lạc về mặt thể chất lẫn thuộc linh và làm chứng về các phước lành cụ thể tùy theo mức độ trung tín của chúng ta với nguyên tắc đó.

Việc học hỏi, thấu hiểu, và sống theo các nguyên tắc phúc âm củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi, gia tăng sự tận tâm của chúng ta với Ngài, và mời gọi nhiều phước lành và ân tứ thuộc linh vào cuộc sống chúng ta. Các nguyên tắc ngay chính cũng giúp chúng ta nhìn xa hơn những sở thích cá nhân và ước muốn ích kỷ của mình bằng cách cung ứng quan điểm quý báu về lẽ thật vĩnh cửu trong khi chúng ta đương đầu với những hoàn cảnh, thử thách, quyết định, và kinh nghiệm khác nhau của cuộc sống trần thế.

Những Ví Dụ Hiện Đại về Việc Giảng Dạy Các Nguyên Tắc Đúng

Lời phát biểu của Tiên Tri Joseph Smith về việc giảng dạy các nguyên tắc đúng có lẽ là một trong những lời giảng dạy được trích dẫn nhiều nhất của ông. Và chúng ta thấy những ví dụ hùng hồn về mẫu mực chỉ dẫn đầy soi dẫn này trong những lời giảng dạy chính thức của các tôi tớ có thẩm quyền của Chúa ngày nay.

Nguyên Tắc Không Phân Tâm

Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã nói tại đại hội trung ương năm 1998 về các bổn phận của người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn liên quan tới việc chuẩn bị và ban phước lành Tiệc Thánh. Ông mô tả nguyên tắc không phân tâm và nêu ra rằng một người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn sẽ không bao giờ muốn bất cứ điều gì trong diện mạo hoặc hành vi của mình làm cho bất kỳ tín hữu nào của Giáo Hội bị sao lãng khỏi sự thờ phượng và tái lập giao ước của người ấy. Chủ Tịch Oaks cũng nhấn mạnh đến các nguyên tắc liên quan về sự trật tự, trong sạch, nghiêm trang, và phẩm giá.

Thú vị thay, Chủ Tịch Oaks đã không đưa ra cho các thiếu niên một danh sách dài những điều phải làm và không phải làm. Thay vì thế, ông giải thích nguyên tắc với kỳ vọng rằng các thiếu niên và cha mẹ của các em ấy cùng các giảng viên có thể và nên sử dụng óc xét đoán và sự soi dẫn của riêng mình để tuân theo hướng dẫn.

Ông giải thích: “Tôi sẽ không đề nghị những luật lệ chi tiết, vì hoàn cảnh trong các tiểu giáo khu và chi nhánh trong Giáo Hội toàn cầu của chúng ta khác nhau rất nhiều đến mức một luật lệ mà dường như được đòi hỏi ở một nơi có thể không thích hợp ở một nơi khác. Thay vào đó, tôi sẽ đề nghị một nguyên tắc dựa trên các giáo lý. Nếu tất cả mọi người đều hiểu nguyên tắc này và hành động phù hợp với nguyên tắc đó, thì sẽ không cần phải có nhiều luật lệ. Nếu cần phải có luật lệ hoặc tư vấn cho riêng cá nhân, thì các vị lãnh đạo địa phương có thể cung cấp sự trợ giúp này, phù hợp với giáo lý và các nguyên tắc liên quan đến giáo lý đó.”7

Nguyên Tắc Ngày Sa Bát là Một Dấu Hiệu

Tại đại hội trung ương tháng Tư năm 2015, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy chúng ta rằng “ngày Sa Bát là một ngày vui thích.”8 Ông cũng giải thích cách mà chính ông đã tiến đến việc hiểu một nguyên tắc cơ bản về việc tôn trọng ngày Sa Bát:

“Chúng ta thánh hóa ngày Sa Bát như thế nào? Khi còn rất trẻ, tôi đã nghiên cứu các bản liệt kê mà những người khác đã lập ra về những việc cần làm và những việc không được làm vào ngày Sa Bát. Mãi cho đến sau này tôi đã học được từ thánh thư rằng hành động và thái độ của tôi về ngày Sa Bát tạo thành một dấu hiệu giữa tôi và Cha Thiên Thượng. Với sự hiểu biết đó, tôi không còn cần bản liệt kê về những việc cần làm và không nên làm. Khi tôi phải đưa ra một quyết định về một sinh hoạt có thích hợp cho ngày Sa Bát hay không, tôi chỉ cần tự hỏi: ‘Tôi muốn dâng lên Thượng Đế dấu hiệu gì?’ Câu hỏi đó làm cho sự lựa chọn của tôi về ngày Sa Bát rất rõ ràng.”9

Câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc của Chủ Tịch Nelson nhấn mạnh đến một nguyên tắc mà giải đáp bất kỳ điều gì không chắc chắn về ý nghĩa và điều gì chúng ta cần làm để tôn trọng ngày Sa Bát. Câu hỏi của ông tóm tắt một hướng dẫn và tiêu chuẩn mà có thể ban phước cho tất cả chúng ta trong nhiều hoàn cảnh riêng của chúng ta.

Nguyên Tắc Phải Trở Nên Sẵn Lòng Để Cho Thượng Đế Ngự Trị

Trong đại hội trung ương cách đây sáu tháng, Chủ Tịch Nelson đã mô tả niềm vui sướng của ông khi ông được dẫn dắt đến một sự hiểu biết sâu sắc mới về ý nghĩa của từ Y Sơ Ra Ên. Ông nói với chúng ta rằng ông cảm thấy khuấy động khi học được rằng “chính cái tên Y Sơ Ra Ên dùng để chỉ một người mà sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình.”10 Chủ Tịch Nelson sau đó đã xác định một số hàm ý quan trọng bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc này.

Sứ điệp của ông về việc trở nên sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị là một ví dụ nổi bật về việc giảng dạy các nguyên tắc chính xác để chúng ta có thể tự điều khiển lấy mình. Và cũng giống như ông đã làm trong sứ điệp của ông về việc làm cho ngày Sa Bát là một ngày vui thích, Chủ Tịch Nelson đặt ra những câu hỏi dựa trên nguyên tắc có vai trò hướng dẫn và tiêu chuẩn cho mỗi chúng ta.

Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không?”

Ông nói tiếp:

“Hãy xem xét sự sẵn lòng đó có thể ban phước cho anh chị em như thế nào. Nếu anh chị em chưa lập gia đình và đang tìm kiếm một người bạn đời vĩnh cửu thì ước muốn của anh chị em để ‘thuộc về Y Sơ Ra Ên’ sẽ giúp anh chị em quyết định hẹn hò với ai và như thế nào.

“Nếu anh chị em kết hôn với một người bạn đời đã vi phạm các giao ước của họ, thì việc anh chị em sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình sẽ cho phép các giao ước của anh chị em với Thượng Đế luôn luôn được nguyên vẹn. Đấng Cứu Rỗi sẽ chữa lành tâm hồn đau khổ của anh chị em. Các tầng trời sẽ mở ra khi anh chị em cố gắng biết được cách tiến bước. Anh chị em không cần phải đi lang thang hay băn khoăn.

“Nếu có những câu hỏi chân thành về phúc âm hoặc về Giáo Hội, trong khi chọn để Thượng Đế ngự trị thì anh chị em sẽ được dẫn dắt để tìm kiếm và thông hiểu những lẽ thật tuyệt đối, vĩnh cửu mà sẽ hướng dẫn cuộc sống của anh chị em và giúp anh chị em kiên định ở trên con đường giao ước.

“Khi anh chị em đối phó với sự cám dỗ—cho dù sự cám dỗ đến khi anh chị em cảm thấy kiệt sức hoặc cô đơn hay bị hiểu lầm—hãy tưởng tượng anh chị em có thể thu hết can đảm khi chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình và khi anh chị em cầu xin Ngài thêm sức cho anh chị em.

“Khi ước muốn lớn nhất của anh chị em là để cho Thượng Đế ngự trị, trở thành một phần của Y Sơ Ra Ên, thì nhiều quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, có nhiều vấn đề trở thành không quan trọng! Anh chị em biết cách tốt nhất để được gọn gàng chỉnh tề. Anh chị em biết xem và đọc gì, dành ra thời gian của mình ở đâu và kết giao với ai. Anh chị em biết điều anh chị em muốn đạt được. Anh chị em biết con người mà anh chị em thực sự muốn trở thành.”11

Xin lưu ý đến bao nhiêu quyết định quan trọng và kinh nghiệm sống có thể bị ảnh hưởng bởi nguyên tắc trở nên sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị: hẹn hò và hôn nhân, những thắc mắc và mối quan tâm về phúc âm, cám dỗ, chải chuốt cá nhân, nên xem gì đọc gì, nên dành thời gian ở đâu, nên kết giao với ai và còn rất nhiều điều nữa. Những câu hỏi đầy soi dẫn của Chủ Tịch Nelson nhấn mạnh đến một nguyên tắc đơn giản mang đến sự hướng dẫn trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta và cho phép chúng ta tự điều khiển lấy mình.

Một Tay Lái Thật Nhỏ Bé

Khi Joseph Smith bị cầm tù ở Ngục Thất Liberty, ông đã viết những bức thư để chỉ dẫn các tín hữu và các vị lãnh đạo Giáo Hội và nhắc nhở họ rằng “một chiếc tàu lớn cần sự giúp đỡ rất nhiều của một tay lái thật nhỏ bé để giữ cho nó được vững trên sóng gió.”12

Tay lái của con tàu

“Tay lái” là một cái bánh lái hoặc cần lái cùng những thiết bị liên quan được sử dụng để lái một con tàu hoặc con thuyền. Và “vững trên sóng gió” có nghĩa là xoay con tàu để nó giữ được thăng bằng và không bị lật trong cơn bão.

Tàu đang quay mũi trong cơn bão

Các nguyên tắc phúc âm giúp đỡ cho anh chị em và tôi cũng giống như tay lái giúp cho một con tàu. Các nguyên tắc đúng cho phép chúng ta tìm kiếm con đường của mình và vững vàng, kiên định, và không lay chuyển để chúng ta không bị mất thăng bằng và rơi vào những cơn bão ngày sau đầy bóng tối và hoang mang.

Chúng ta đã được ban phước dồi dào trong đại hội trung ương kỳ này để học hỏi về các nguyên tắc vĩnh cửu từ các tôi tớ có thẩm quyền của Chúa. Giờ đây, trách nhiệm riêng của mỗi chúng ta là tự điều khiển lấy mình theo các lẽ thật mà họ đã làm chứng.13

Chứng Ngôn

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy: “Trong sáu tháng tới, tạp chí [Liahona] số đại hội cần phải để ở bên cạnh các tác phẩm tiêu chuẩn của anh chị em và cần được sử dụng thường xuyên.”14

Với tất cả nghị lực của tâm hồn tôi, tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy học hỏi, sống theo, và yêu thích các nguyên tắc ngay chính. Chỉ có các lẽ thật phúc âm mới có thể cho phép chúng ta “vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta” để tiến bước trên con đường giao ước và “thấy sự cứu rỗi của Thượng Đế, và thấy cánh tay Ngài được để lộ ra.”15

Tôi biết rằng giáo lý và các nguyên tắc của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn hướng dẫn cơ bản và duy nhất cho cuộc sống chúng ta và cho niềm vui lâu dài trong cuộc sống trần thế và cuộc sống vĩnh cửu. Và vào ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh vinh quang này, tôi hân hoan làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống của chúng ta là nguồn gốc của các lẽ thật này. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. John Taylor, trong Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 284.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 42:12.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 88:78.

  4. Xin xem Những Tín Điều 1:1–3.

  5. Xin xem Những Tín Điều 1:4.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 89:3-4.

  7. Dallin H. Oaks, “The Aaronic Priesthood and the Sacrament,” Liahona, tháng Một năm 1999, trang 45–46.

  8. Xin xem Russell M. Nelson, “Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 129–132.

  9. Russell M. Nelson, “Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích,” trang 130; sự nhấn mạnh đã được thêm vào.

  10. Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,”Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 92.

  11. Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,” trang 94.

  12. Giáo Lý và Giao Ước 123:16.

  13. Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) đã khuyến khích các tín hữu hãy để cho các bài nói chuyện tại đại hội “ảnh huởng đến hành động và lời lẽ của họ trong sáu tháng tới.” Ông giải thích: “Đây là những vấn đề quan trọng Chúa đã quyết định để mặc khải cho dân này trong thời kỳ này” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1946, trang 68).

    Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các sứ điệp đại hội trung ương. Ông nói: “Không có văn bản hay sách vở nào ngoài các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội mà có vị trí quan trọng trên tủ sách của thư viện cá nhân của anh chị em—không phải vì lời lẽ hùng biện xuất sắc hay cách nói hùng hồn, mà là những khái niệm nhắm vào cuộc sống vĩnh cửu” (In the World but Not of It, Brigham Young University Speeches of the Year [ngày 14 tháng Năm năm 1968], trang 3).

    Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) tái khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu các bài nói chuyện tại đại hội. Ông nói: “Cầu xin cho chúng ta ghi nhớ lâu dài điều mà chúng ta đã được nghe trong đại hội trung ương này. Mỗi sứ điệp mà đã được đưa ra sẽ được đăng trên các tạp chí EnsignLiahona số tháng sau. Tôi khuyến khích các anh chị em học tập các sứ điệp đó và suy ngẫm về những điều giảng dạy của các sứ điệp đó” (“Cho Đến Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 106).

  14. Ezra Taft Benson, “Come unto Christ, and Be Perfected in Him,” Ensign, tháng Năm năm 1988, trang 84.

  15. Giáo Lý và Giao Ước 123:17.