2021
Sự Bất Công Gây Phẫn Nộ
Tháng Năm 2021


14:51

Sự Bất Công Gây Phẫn Nộ

Chúa Giê Su Ky Tô vừa hiểu sự bất công vừa có quyền năng để đưa ra cách khắc phục.

Vào năm 1994, một nạn diệt chủng đã xảy ra ở quốc gia Đông Phi Rwanda mà một phần nguyên nhân là do những căng thẳng sâu đậm giữa các bộ tộc. Ước tính hơn nửa triệu người đã thiệt mạng.1 Đáng chú ý, phần lớn người dân Rwanda đã hòa giải,2 nhưng những sự kiện này vẫn gây ra những hậu quả.

Một thập niên trước, khi đến thăm Rwanda, vợ tôi và tôi đã bắt chuyện với một hành khách khác tại sân bay Kigali. Anh ấy than thở về sự bất công của nạn diệt chủng và hỏi một cách chua chát: “Nếu có Thượng Đế, chẳng phải Ngài đã làm gì đó sao?” Đối với người đàn ông này—và đối với nhiều người trong chúng ta—sự đau khổ và bất công tàn bạo có thể dường như không phù hợp với thực tế về một Cha Thiên Thượng nhân từ, yêu thương. Tuy nhiên, Ngài là có thật, Ngài nhân từ, và Ngài yêu thương từng đứa con của Ngài một cách trọn vẹn. Sự đối lập này đã có từ rất lâu và không thể giải thích một cách đơn giản hoặc bằng một câu ngắn gọn.

Để bắt đầu hiểu về nó, chúng ta hãy khám phá nhiều loại bất công khác nhau. Hãy suy ngẫm về một gia đình mà mỗi đứa trẻ nhận được tiền hằng tuần khi làm những công việc lặt vặt thông thường trong nhà. Một cậu con trai, John, mua kẹo; một cô con gái, Anna, đã tiết kiệm tiền của mình. Cuối cùng, Anna đã mua cho mình một chiếc xe đạp. John nghĩ rằng thật bất công khi Anna có được một chiếc xe đạp trong khi cậu ấy không có. Nhưng những lựa chọn của John đã tạo ra sự bất bình đẳng chứ không phải là hành động của cha mẹ. Quyết định của Anna là từ bỏ cảm giác thích ăn kẹo ngay lập tức đã không áp đặt bất kỳ sự bất công nào đối với John vì cậu ấy cũng có cơ hội như em gái mình.

Các quyết định của chúng ta cũng có thể mang lại lợi thế hoặc bất lợi về lâu dài. Như Chúa đã mặc khải: “Nếu một người thu hoạch được nhiều kiến thức và tri thức hơn kẻ khác qua sự tận tụy và sự tuân lời của mình trong cuộc sống này, thì người ấy sẽ có rất nhiều lợi thế trong thế giới mai sau.”3 Khi những người khác nhận được lợi ích vì những lựa chọn siêng năng của họ, chúng ta không thể kết luận một cách đúng đắn rằng chúng ta đã bị đối xử bất công trong khi chúng ta cũng có cùng cơ hội như vậy.

Một ví dụ khác về sự bất công bắt nguồn từ tình huống mà vợ tôi, Ruth, gặp phải khi còn nhỏ. Một ngày nọ, Ruth biết rằng mẹ mình đang dẫn em gái Merla đi mua giày mới. Ruth phàn nàn: “Mẹ ơi, thật không công bằng! Merla đã có đôi giày mới gần đây nhất.”

Mẹ của Ruth hỏi: “Ruth, giày của con có vừa không?”

Ruth trả lời: “Vâng, vừa ạ.”

Sau đó, mẹ của Ruth nói: “Giày của Merla không còn vừa nữa.”

Ruth đồng ý rằng mỗi đứa trẻ trong gia đình phải có đôi giày vừa vặn. Mặc dù Ruth rất thích những đôi giày mới, nhưng cảm giác bị đối xử bất công đã tan biến khi cô bé nhìn hoàn cảnh theo quan điểm của mẹ mình.

Một số bất công không thể giải thích được; và sự bất công không thể giải thích được đang gây ra sự phẫn nộ. Sự bất công đến từ việc sống với những cơ thể không hoàn hảo, bị thương tổn hoặc bệnh tật. Cuộc sống trần thế vốn dĩ không công bằng. Một số người được sinh ra trong sự sung túc; những người khác thì không. Một số người có cha mẹ yêu thương; những người khác thì không. Một số người sống lâu; những người khác thì không. Và còn nhiều điều khác nữa. Một số người mắc sai lầm nghiêm trọng ngay cả khi họ đang cố gắng làm điều tốt. Một số người chọn không giảm bớt sự bất công khi họ có thể. Đáng buồn thay, một số người sử dụng quyền tự quyết mà Thượng Đế ban cho để làm tổn thương người khác khi mà họ không bao giờ nên làm như vậy.

Các loại bất công khác nhau có thể hợp lại, tạo ra một cơn sóng thần tràn ngập sự bất công. Ví dụ, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng khác nhau đến những người đã phải chịu những bất lợi khác nhau. Lòng tôi đau đớn cho những người phải đối mặt với sự bất công như vậy, nhưng tôi tuyên bố với tất cả tấm lòng đau đớn của mình rằng Chúa Giê Su Ky Tô vừa hiểu sự bất công vừa có quyền năng đưa ra giải pháp khắc phục. Không gì có thể so sánh được với sự bất công mà Ngài đã chịu đựng. Thật bất công khi Ngài đã trải qua tất cả những đau đớn và ưu phiền của nhân loại. Thật bất công khi Ngài phải chịu đau khổ cho những tội lỗi và sai lầm của tôi và anh chị em. Nhưng Ngài đã chọn làm như vậy vì tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và Cha Thiên Thượng. Ngài hiểu một cách hoàn hảo về những gì chúng ta đang trải qua.4

Thánh thư ghi lại rằng dân Y Sơ Ra Ên thời xưa ta thán rằng Thượng Đế đối xử bất công với họ. Đức Giê Hô Va phán lại rằng: “Người đàn bà há dễ quên được đứa con còn bú của mình, để đến nỗi không thương hại đến đứa con trai ruột thịt của mình hay sao?” Không giống như người mẹ yêu mến sẽ quên đứa con thơ của mình, Đức Giê Hô Va phán rằng sự tận tâm của Ngài càng kiên định hơn. Ngài khẳng định: “Phải, dầu có thể là họ quên, nhưng ta sẽ không quên ngươi đâu. … Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta; các tường thành ngươi thường ở trước mặt ta luôn.”5 Bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng sự hy sinh chuộc tội vô hạn, nên Ngài hoàn toàn thông cảm với chúng ta.6 Ngài luôn biết về chúng ta và hoàn cảnh của chúng ta.

Trong cuộc sống trần thế, chúng ta có thể “vững lòng đến” với Đấng Cứu Rỗi và nhận được lòng trắc ẩn, sự chữa lành và sự giúp đỡ.7 Ngay cả khi chúng ta chịu đau khổ vô cớ, Thượng Đế có thể ban phước cho chúng ta theo những cách đơn giản, bình thường và đầy ý nghĩa. Khi chúng ta biết cách nhận ra những phước lành này, thì sự tin cậy của chúng ta nơi Thượng Đế sẽ tăng lên. Trong thời vĩnh cửu, Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ giải quyết mọi sự bất công. Thật dễ hiểu khi chúng ta muốn biết làm thế nàokhi nào. Làm thế nào Hai Ngài sẽ thực hiện điều đó? Khi nào Hai Ngài sẽ thực hiện điều đó? Theo sự hiểu biết của tôi, Hai Ngài đã không mặc khải làm thế nào hay khi nào. 8 Những gì tôi biết là Hai Ngài sẽ thực hiện.

Trong những tình huống bất công, một trong những nhiệm vụ của chúng ta là tin tưởng rằng: “tất cả những gì bất công trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”9 Chúa Giê Su Ky Tô đã chiến thắng thế gian và “nhận lấy” mọi sự bất công. Nhờ Ngài, chúng ta có sự bình an trên thế gian này và luôn vững lòng.10 Nếu chúng ta để cho Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ biệt riêng sự bất công cho lợi ích của chúng ta.11 Ngài sẽ không chỉ an ủi chúng ta và khôi phục những gì đã mất;12 Ngài sẽ biến sự bất công thành lợi ích của chúng ta. Khi việc làm thế nàokhi nào xảy ra, chúng ta cần nhận ra và chấp nhận, như An Ma đã làm, rằng “điều đó cũng không quan hệ gì; vì Thượng Đế biết tất cả mọi việc này; và cha chỉ cần biết trường hợp đó sẽ xảy ra là đủ rồi.”13

Chúng ta có thể cố gắng để dành những câu hỏi của mình về làm thế nàokhi nào và tập trung vào việc phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài có cả quyền năng để làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn và khao khát được thực hiện điều đó.14 Đối với chúng ta, việc khăng khăng muốn biết làm thế nàokhi nào là không có hiệu quả và, sau cùng, là nông cạn.15

Khi phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta cũng nên cố gắng trở nên giống như Ngài. Sau đó, chúng ta đối xử với người khác với lòng trắc ẩn và cố gắng giảm bớt sự bất công khi gặp phải;16 chúng ta có thể cố gắng làm mọi thứ đúng trong phạm vi ảnh hưởng của chúng ta. Thật vậy, Đấng Cứu Rỗi đã hướng dẫn rằng chúng ta “phải biết thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa, và làm được nhiều việc theo ý muốn của mình, và thực hiện nhiều điều ngay chính.”17

Một người đã tích cực tham gia vào việc chống lại sự bất công là luật sư Bryan Stevenson. Việc hành nghề pháp lý của ông tại Hoa Kỳ là để bảo vệ những người bị buộc tội oan, chấm dứt hình phạt quá mức và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Cách đây vài năm, ông Stevenson đã bảo vệ một người đàn ông bị vu oan tội giết người và bị kết án tử hình. Ông Stevenson đã yêu cầu nhà thờ Ky Tô Giáo tại địa phương của người đàn ông này hỗ trợ, mặc dù người đàn ông này không tích cực trong giáo hội của mình và bị chê bai trong cộng đồng do có mối quan hệ ngoại tình được nhiều người biết đến.

Để giúp cho giáo đoàn tập trung vào những gì thực sự quan trọng, ông Stevenson đã nói chuyện với họ về người đàn bà bị buộc tội ngoại tình đã được đưa đến gặp Chúa Giê Su. Những kẻ tố cáo muốn ném đá người đàn bà ấy đến chết, nhưng Chúa Giê Su phán: “Ai … là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người.”18 Những kẻ tố cáo người đàn bà đã đi khỏi. Chúa Giê Su không kết tội người đàn bà nhưng buộc người đó không phạm tội nữa.19

Sau khi kể lại tình tiết này, ông Stevenson nhận thấy rằng việc tự cho mình là đúng, sợ hãi và tức giận đã khiến ngay cả những người theo đạo Ky Tô cũng ném đá vào những người phạm lỗi lầm. Sau đó, ông ấy nói, “Chúng ta không thể chỉ đơn giản là xem điều đó xảy ra”, và ông ấy khuyến khích mọi người trong giáo đoàn trở thành “những người hứng đá.”20 Anh chị em ơi, việc không ném đá là bước đầu tiên trong việc đối xử nhân ái với người khác. Bước thứ hai là cố gắng hứng lấy những viên đá do người khác ném.

Cách chúng ta đối phó với những thuận lợi và bất lợi là một phần trong bài kiểm tra của cuộc đời. Chúng ta sẽ không bị phán xét quá nhiều bởi những gì chúng ta nói mà bởi cách chúng ta đối xử với những người dễ bị tổn thương và thiệt thòi.21 Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta cố gắng noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, để tiếp tục làm điều tốt.22 Chúng ta thể hiện tình yêu thương của mình đối với người lân cận bằng cách cố gắng bảo vệ phẩm giá của tất cả con cái của Cha Thiên Thượng.

Việc suy nghĩ sâu sắc về những thuận lợi và bất lợi của bản thân là điều tốt. Việc John hiểu lý do tại sao Anna có được chiếc xe đạp là sự khám phá. Việc Ruth nhìn thấy nhu cầu mua giày của Merla theo quan điểm của mẹ mình là một điều kỳ diệu. Việc cố gắng nhìn mọi thứ với một quan điểm vĩnh cửu có thể giúp hiểu rõ. Khi chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, chúng ta phát triển thêm sự đồng cảm, hiểu biết và lòng bác ái.

Tôi quay trở lại câu hỏi được đặt ra bởi người bạn hành khách của chúng tôi ở Kigali khi anh ấy than thở về sự bất công của nạn diệt chủng ở Rwanda và hỏi: “Nếu có Thượng Đế, chẳng phải Ngài đã làm gì đó sao?”

Không làm giảm thiểu những đau khổ do nạn diệt chủng gây ra, và sau khi thừa nhận rằng chúng tôi không thể hiểu được những sự đau khổ đó, chúng tôi trả lời rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã làm điều gì đó về sự bất công gây phẫn nộ.23 Chúng tôi đã giải thích nhiều lời giảng dạy phúc âm liên quan đến Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Hồi của Giáo Hội của Ngài.24

Sau đó, người mới quen của chúng tôi hỏi, với đôi mắt ngấn lệ: “Ý anh là tôi có thể làm gì đó cho cha mẹ và người chú đã qua đời của tôi?”

Chúng tôi nói: “Vâng, đúng rồi!” Sau đó chúng tôi làm chứng rằng tất cả những gì không công bằng trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và nhờ quyền năng của Ngài mà các gia đình có thể được gắn bó với nhau mãi mãi.

Khi đối mặt với sự bất công, chúng ta có thể tự đẩy mình ra xa khỏi Thượng Đế hoặc chúng ta có thể đến gần hơn về phía Ngài để được giúp đỡ và hỗ trợ. Ví dụ, cuộc chiến kéo dài giữa người Nê Phi và người La Man đã ảnh hưởng khác nhau đến mọi người. Mặc Môn quan sát thấy rằng “nhiều người đã trở nên chai đá” trong khi đó những người khác “lại trở nên hiền dịu vì những nỗi thống khổ của họ, nên họ đã biết hạ mình trước mặt Thượng Đế.”25

Đừng để sự bất công làm anh chị em chai đá hoặc làm suy yếu đức tin của anh chị em nơi Thượng Đế. Thay vào đó, hãy cầu xin Thượng Đế giúp đỡ. Gia tăng lòng biết ơn cũng như sự tin cậy của anh chị em đối với Đấng Cứu Rỗi. Thay vì cảm thấy cay đắng, hãy để Ngài giúp anh chị em trở nên tốt hơn.26 Hãy để Ngài giúp anh chị em kiên trì, để cho những đau buồn của anh chị em “được nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô.”27 Hãy tham gia cùng Ngài trong sứ mệnh của Ngài “để chữa lành con tim đau khổ,”28 cố gắng giảm thiểu sự bất công và trở thành một người hứng đá.29

Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Ngài thấu hiểu sự bất công. Các dấu đinh trong lòng bàn tay của Ngài liên tục nhắc nhở Ngài về anh chị em và hoàn cảnh của anh chị em. Ngài phục sự anh chị em trong mọi sự đau khổ của anh chị em. Đối với những ai đến cùng Ngài, một mão hoa sẽ thay thế cho tro bụi của sự than khóc; niềm vui và sự vui mừng sẽ thay thế sự đau buồn và phiền muộn; sự biết ơn và sự ăn mừng sẽ thay thế sự chán nản và tuyệt vọng.30 Đức tin của anh chị em nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ được đền đáp nhiều hơn những gì anh chị em có thể tưởng tượng. Mọi sự bất công—đặc biệt là sự bất công gây phẫn nộ—sẽ được biệt riêng vì lợi ích của anh chị em. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem John Reader, Africa: A Biography of the Continent (năm 1999), các trang 635–636, 673–679.

  2. Mặc dù có hy vọng nhưng sự hòa giải ở Rwandan rất phức tạp. Có một số người nghi ngờ về độ sâu sắc và bền vững của nó. Ví dụ xin xem “The Great Rwanda Debate: Paragon or Prison?,” Economist, ngày 27 tháng Ba năm 2021, trang 41–43.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 130:19; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Xin xem Hê Bơ Rơ 4:15.

  5. 1 Nê Phi 21:15–16.

  6. Xin xem An Ma 7:11–13.

  7. Xin xem Hê Bơ Rơ 4:16; cũng xem Ê Sai 41:10; 43:2; 46:4; 61:1–3.

  8. Một lời cảnh báo: Chúng ta nên chống lại sự cám dỗ để tạo ra các lý thuyết của riêng mình về việc làm thế nàokhi nào, bất kể lý do chính đáng hay hợp lý ra sao. Chúng ta không thể tự thêm vào một cách chính đáng cho những gì Thượng Đế chưa mặc khải.

  9. Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2018), trang 52; cũng xem thêm Ê Sai 61:2–3; Khải Huyền 21:4. “Tất cả những gì bất công trong cuộc sống đều có thể được làm cho đúng” có nghĩa là hệ quả của sự bất công đối với chúng ta sẽ được giải quyết, giảm nhẹ hoặc chấm dứt. Trong bài nói chuyện cuối cùng của ông tại đại hội trung ương, “Chuyện Gì Đến Thì Cứ Để Cho Nó Đến và Hân Hoan Chấp Nhận Nó,” Anh Cả Joseph B. Wirthlin đã nói: “Mỗi giọt lệ ngày hôm nay thì rốt cuộc sẽ được đền bù gấp trăm lần với những giọt lệ vui mừng và cảm tạ. … Một nguyên tắc đền bù” (Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 28).

  10. Xin xem Giăng 16:33.

  11. Xin xem 2 Nê Phi 2:2.

  12. Xin xem Gióp 42:10, 12–13; Gia Cốp 3:1.

  13. An Ma 40:5.

  14. Xin xem Mô Si A 4:9.

  15. Xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 93. Nông cạn có nghĩa là thiển cận.

  16. Ví dụ, Tổng Lãnh Binh Mô Rô Ni khẳng định rằng việc những người chỉ đứng yên và “không làm gì” là sai trong khi họ có thể hỗ trợ người khác (xin xem An Ma 60:9–11); cũng xem thêm 2 Cô Rinh Tô 1:3–4.

  17. Giáo Lý và Giao Ước 58:27; cũng xem các câu 26, 28–29.

  18. Giăng 8:7.

  19. Xin xem Giăng 8:10–11; câu 11 trong Bản Dịch của Joseph Smith bao gồm: “Và người đàn bà đã tôn vinh Đức Chúa Trời từ giờ đó và tin vào danh Ngài,” cho thấy rằng việc Đấng Cứu Rỗi không lên án và lệnh truyền “không phạm tội nữa” của Ngài đã ảnh hưởng đến phần đời còn lại của người đàn bà.

  20. Bryan Stevenson, Just Mercy: A Story of Justice and Redemption (năm 2015), các trang 308–309.

  21. Xin xem Ma Thi Ơ 25:31-46.

  22. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Giáo Lệnh Lớn Thứ Hai,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019.

  23. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:17, 22–23.

  24. Những lời giảng dạy này được trình bày rõ ràng trong “Sự Phục Hồi Phúc Âm Trọn Vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô: Bản Tuyên Ngôn Kỷ Niệm Hai Trăm Năm cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org.

  25. An Ma 62:41.

  26. Xin xem Amos C. Brown, in Boyd Matheson, “‘It Can Be Well with This Nation’ If We Lock Arms as Children of God,” Church News, ngày 25 tháng Bảy năm 2019, thechurchnews.com.

  27. An Ma 31:38.

  28. Xin xem Lu Ca 4:16–19. Để chữa lành những trái tim bị tổn thương là phục hồi những người mà tâm trí, ý chí, trí tuệ hoặc nội tâm của họ đã bị tan vỡ hoặc tổn thương nghiêm trọng (xin xem James Strong, The New Strong’s Expanded Exhaustive Concordance of the Bible [năm 2010], phần từ điển tiếng Hê Bơ Rơ, trang 139 và 271).

  29. Ví dụ, xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020; Dallin H. Oaks, “Hãy Yêu Kẻ Thù Nghịch Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020. Chủ Tịch Nelson đã khuyến khích: “Hôm nay tôi kêu gọi các tín hữu của chúng ta ở khắp mọi nơi phải dẫn đầu trong việc từ bỏ thái độ và hành động thành kiến. Tôi khẩn nài với anh chị em hãy khuyến khích sự tôn trọng đối với tất cả con cái của Thượng Đế.” Điều này không chỉ là chống lại thái độ và hành động của sự thành kiến. Chủ Tịch Oaks trích lời Mục Sư Theresa A. Dear: “Nạn phân biệt chủng tộc phát triển mạnh trên sự thù hận, áp bức, cấu kết, thụ động, thờ ơ và im lặng.” Sau đó ông nói: “Với tư cách là các công dân và các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải làm tốt hơn nữa để giúp xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc.”

  30. Xin xem Ê Sai 61:3. Nhận mão hoa có nghĩa là chúng ta trở thành người thừa kế chung với Chúa Giê Su Ky Tô trong vương quốc của Thượng Đế. Cũng xem Donald W. Parry, Jay A. Parry, và Tina M. Peterson, Understanding Isaiah (năm 1998), các trang 541–543.