2021
Thượng Đế Yêu Thương Con Cái của Ngài
Tháng Năm 2021


8:40

Thượng Đế Yêu Thương Con Cái của Ngài

Tôi muốn chia sẻ ba cách cụ thể Cha Thiên Thượng của chúng ta biểu lộ tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, con cái của Ngài.

Thưa anh chị em, tôi hân hoan cùng với anh chị em trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi mang cùng với tôi tình yêu thương từ những tín hữu kiên cường ở Philippines và nói thay cho họ rằng, Mabuhay!

Vào buổi sáng lễ Phục Sinh này, tôi làm chứng về Đấng Ky Tô hằng sống, rằng Ngài sống lại từ cõi chết và rằng tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và cho Cha Thiên Thượng của chúng ta là thuần khiết và vĩnh cửu. Hôm nay, tôi mong muốn tập trung vào tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho tất cả chúng ta, mà được biểu lộ qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài” (Giăng 3:16).

Khi được một thiên sứ hỏi về sự hiểu biết của ông về Thượng Đế, tiên tri Nê Phi đã đơn giản đáp lại rằng: “Tôi biết Ngài yêu thương con cái của Ngài” (xin xem 1 Nê Phi 11:16–17).

Một câu thánh thư từ Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô miêu tả một cách mạnh mẽ tình yêu thương hoàn hảo của Đấng Cứu Rỗi: “Và thế gian, vì sự bất chính của mình, sẽ xét đoán Ngài như một người hư không; … họ quất Ngài bằng roi, … họ đánh đập Ngài, … họ khạc nhổ vào Ngài, Ngài cũng hứng chịu cho họ khạc nhổ, vì lòng thương yêu nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người” (1 Nê Phi 19:9). Tình yêu thương dành cho nhân loại của Ngài là động lực đằng sau tất cả những gì Ngài làm. Chúng ta biết rằng tình yêu thương đó cũng giống như tình yêu thương Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta vì Đấng Cứu Rỗi đã khiêm nhường dạy bảo rằng Ngài và Đức Chúa Cha “là một” (xin xem Giăng 10:30; 17:20–23).

Vậy thì, làm thế nào để chúng ta đáp lại và bày tỏ lòng biết ơn của mình cho tình yêu thương dành cho nhân loại của hai Ngài? Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta qua lời mời gọi giản dị mà tuyệt đối này: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15).

Chủ tịch Dallin H. Oaks dạy rằng, “tình yêu thương chung dành cho nhân loại và trọn vẹn của Thượng Đế được cho thấy trong tất cả những phước lành của kế hoạch phúc âm, kể cả sự thật là các phước lành quý báu nhất được dành cho những người tuân theo luật pháp của Ngài.”1

Tôi muốn chia sẻ ba cách cụ thể Cha Thiên Thượng của chúng ta biểu lộ tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, con cái của Ngài.

Trước hết, Các Mối Quan Hệ với Thượng Đế và Gia Đình Biểu Lộ Tình Yêu Thương của Ngài

Các mối quan hệ quý báu nhất của chúng ta là với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và với gia đình của mình bởi vì các mối quan hệ của chúng ta với hai Ngài và gia đình là vĩnh cửu. Kế hoạch hạnh phúc vĩ đại là một sự biểu lộ tuyệt vời về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta. Khi tập trung vào kế hoạch của Thượng Đế, chúng ta sẵn lòng chọn loại bỏ sự chai đá mà ủng hộ cho những ước muốn ích kỷ trong chúng ta và thay thế chúng bằng nền tảng xây dựng các mối quan hệ vĩnh cửu. Nói một cách khác, đây có thể được gọi là “sự tìm tòi thuộc linh.” Để thực hiện sự tìm tòi thuộc linh của mình, chúng ta trước hết phải tìm đến Thượng Đế và kêu cầu lên Ngài (xin xem Giê Rê Mi 29:12–13).

Việc tìm đến và kêu cầu Ngài sẽ bắt đầu tiến trình đó và chừa chỗ để vun đắp cùng củng cố các mối quan hệ vĩnh cửu của chúng ta. Điều đó mang đến cho chúng ta một tầm nhìn thuộc linh lớn lao hơn, và giúp chúng ta tập trung vào việc thay đổi những gì chúng ta có thể kiểm soát thay vì những nỗi sợ hãi ngoài tầm kiểm soát của mình. Việc nghiên cứu cuộc sống và giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ cho phép chúng ta xem những mối bận tâm khác này theo một quan điểm vĩnh cửu.

Sự sao lãng đôi khi có thể ngăn cản chúng ta trải nghiệm tình yêu thương của Thượng Đế trong các mối quan hệ và sinh hoạt gia đình của mình. Khi cảm thấy rằng các thiết bị điện tử đang gây hại đến các mối quan hệ gia đình của mình, một người mẹ đã đưa ra một giải pháp. Tại bàn ăn tối và vào những lúc tụ họp gia đình khác, chị nói, “hãy dẹp điện thoại đi; chúng ta sẽ trò chuyện trực tiếp với nhau.” Chị bảo rằng điều này là điều bình thường mới cho gia đình của họ và nó củng cố mối quan hệ của họ như là một gia đình khi họ trò chuyện trực tiếp với nhau. Giờ đây, gia đình họ cùng nhau vui hưởng các buổi thảo luận Hãy Đến Mà Theo Ta đầy chất lượng.

Thứ hai, Ngài Biểu Lộ Tình Yêu Thương của Ngài cho Con Cái của Ngài bằng cách Kêu Gọi Các Vị Tiên Tri

Thế giới hiện tại của chúng ta đang bị tràn ngập trong một “trận khẩu chiến và xung đột về quan điểm” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:10). Phao Lô nhắc nhở chúng ta rằng “trong thế gian có lắm thứ tiếng” (1 Cô Rinh Tô 14:10). Vậy tiếng nói nào sẽ vượt lên trên sự bất đồng quan điểm một cách rõ ràng và đầy ý nghĩa đây? Đó là tiếng nói của các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải của Thượng Đế.

Tôi nhớ rõ về lúc tôi đang ở trong bãi đậu xe tại trụ sở Giáo Hội khi trở lại làm việc sau cuộc phẫu thuật vào năm 2018. Tôi chợt nghe giọng nói của Chủ Tịch Russell M. Nelson gọi, “Taniela, Taniela.” Tôi chạy đến với ông, và ông hỏi thăm sức khỏe của tôi.

Tôi đáp, “Tôi đang hồi phục rất tốt, thưa Chủ Tịch Nelson.”

Ông đã cho tôi một lời khuyên và một cái ôm. Tôi thực sự cảm nhận được giáo vụ cá nhân của một vị tiên tri đến với “từng cá nhân một.”

Chủ Tịch Nelson đã đi đến nhiều quốc gia khắp trái đất. Trong tâm trí của tôi, ông không chỉ phục sự hàng ngàn người, mà ông đang phục sự hàng ngàn “từng cá nhân một.” Bằng cách làm như vậy, ông chia sẻ tình yêu thương của Thượng Đế dành cho tất cả các con cái của Ngài.

Gần đây, những lời của Chủ Tịch Nelson đã là nguồn sức mạnh và soi dẫn cho người dân ở Philippines. Cũng tương tự như mỗi đất nước trên thế giới, trong suốt năm 2020, Philippines bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch COVID-19, ngoài ra còn có một trận phun trào núi lửa, những trận động đất, những cơn bão cuồng phong dữ dội, và những cơn lũ thảm khốc.

Tuy nhiên, như là một luồng ánh sáng xuyên thủng qua những đám mây đen tối của sự sợ hãi, nỗi cô đơn, và sự tuyệt vọng, những lời nói của vị tiên tri đã đến. Những lời nói đó bao gồm lời kêu gọi nhịn ăn và cầu nguyện khắp thế giới và lời khuyên hãy tiến bước bất chấp cơn đại dịch. Ông đã mời gọi chúng ta hãy biến mái nhà của mình trở thành những nơi trú ẩn của đức tin. Ông đã kêu gọi Thánh Hữu Ngày Sau khắp mọi nơi tôn trọng tất cả các con cái của Thượng Đế và hãy để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta.2

Cũng đầy soi dẫn như vậy là đoạn phim ngắn gần đây về chứng ngôn của Chủ Tịch Nelson về quyền năng của lòng biết ơn, và lời cầu nguyện kết thúc của ông ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp Phillipines.3 Trong tỉnh Leyte, đoạn phim đã được chiếu trong một sự kiện đa tôn giáo, và nó cũng được nhắc đến trong một phần của bài diễn thuyết từ một người lãnh đạo tôn giáo khác. Người dân Philippines, cùng với toàn thế giới, thật được phước để cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế thông qua những lời nói của vị tiên tri được chọn lọc của Ngài.

Thứ ba, Sự Sửa Phạt Có Thể Là một Sự Biểu Lộ Tình Yêu Thương của Thượng Đế dành cho Con Cái của Ngài

Thỉnh thoảng, Thượng Đế biểu lộ tình yêu thương của Ngài bằng cách sửa phạt chúng ta. Đó là một cách để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta và rằng Ngài biết chúng ta là ai. Phước lành về sự bình an được hứa của Ngài được dành cho tất cả những ai dũng cảm bước đi trên con đường giao ước và sẵn sàng tiếp nhận sự chỉnh sửa.

Khi chúng ta nhận ra và sẵn lòng tiếp nhận sự sửa phạt, điều đó trở thành một cuộc phẫu thuật thuộc linh. Nhân đây, đâu có ai mà lại thích phẫu thuật phải không nào? Tuy nhiên đối với những ai cần và sẵn sàng để tiếp nhận điều đó thì nó có thể cứu giúp. Chúa sửa phạt những người Ngài yêu thương. Các thánh thư cho chúng ta biết như thế (xin xem Hê Bơ Rơ 12:5–11; Hê La Man 12:3; Giáo Lý và Giao Ước 1:27; 95:1). Sự sửa phạt đó, hay cuộc giải phẫu thuộc linh, sẽ mang đến sự thay đổi cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng, thưa các anh chị em, điều đó tôi luyện và thanh lọc mặt trong bình chứa của chúng ta.

Joseph Smith, Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi, đã bị sửa phạt. Sau khi Joseph đánh mất 116 trang bản thảo Sách Mặc Môn, Chúa đã vừa chỉnh sửa và vừa biểu lộ tình yêu thương bằng cách phán bảo: “Lẽ ra ngươi không nên sợ loài người hơn sợ Thượng Đế. … Nếu ngươi đã trung thành. … Này, ngươi là Joseph, và ngươi được chọn. … Hãy ghi nhớ rằng, Thượng Đế đầy lòng thương xót; vậy hãy hối cải” (Giáo Lý và Giao Ước 3:7–10).

Vào năm 2016, trong khi phục vụ truyền giáo ở Little Rock, tiểu bang Arkansas, tôi nhờ Anh Cava chuyển một bưu kiện đến chị của tôi là người đang sinh sống trên một hòn đảo ở Fiji. Câu trả lời của anh ấy không phải là một điều mà tôi đoán trước được. Anh ấy bùi ngùi đáp: “Thưa chủ tịch Wakolo, chị của chủ tịch đã qua đời và được chôn cất cách đây 10 ngày rồi ạ.” Tôi cảm thấy tủi thân và thậm chí hơi bực mình rằng gia đình tôi không hề đoái hoài cho tôi biết.

Ngày hôm sau, trong khi vợ tôi đang giảng dạy những người truyền giáo, ý nghĩ này thấm vào tận trong tâm hồn tôi: “Taniela, tất cả những kinh nghiệm này là lợi ích và sự phát triển cho chính ngươi. Ngươi đã giảng dạy và chia sẻ chứng ngôn của mình về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô; giờ đây hãy sống cho đúng với lời mình giảng dạy.” Tôi được nhắc nhở rằng “người mà Đức Chúa Trời quở trách lấy làm phước thay! Vậy, [chúng ta nên] chớ khinh sự sửa phạt của Đấng Toàn Năng” (Gióp 5:17). Đó là một cuộc giải phẫu thuộc linh của tôi, và kết quả đến ngay lập tức.

Ngay khi tôi đang suy ngẫm về kinh nghiệm này, tôi được mời để chia sẻ vài điều kết thúc cho phần thảo luận. Ngoài những điều khác ra, tôi chia sẻ về những bài học tôi vừa được dạy: thứ nhất, tôi vừa được Đức Thánh Linh sửa phạt và tôi yêu thích điều đó vì tôi là người duy nhất nghe được điều đó; thứ hai, nhờ có sự hy sinh và cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi, tôi sẽ không còn nhắc đến những thử thách của tôi như là những nỗi gian nan hay đau khổ nữa mà sẽ là “những kinh nghiệm học hỏi” của mình; và thứ ba, nhờ có cuộc sống hoàn hảo và vô tội của Ngài, tôi sẽ không còn nhắc đến những thiếu sót và khuyết điểm của mình như là sự yếu kém nữa mà thay vào đó sẽ là “những cơ hội phát triển” của mình. Kinh nghiệm này đã giúp tôi biết rằng Thượng Đế sửa phạt chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta.

Tôi xin kết thúc. Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, biểu lộ tình yêu thương của hai Ngài bằng cách cho phép chúng ta có được các mối quan hệ vĩnh cửu với hai Ngài và với gia đình của chúng ta, kêu gọi các vị tiên tri thời nay để giảng dạy và phục sự chúng ta, và sửa phạt chúng ta để giúp chúng ta học hỏi và tăng trưởng. “[Tôi] xin tạ ơn Thượng Đế cho món quà độc nhất vô nhị của Vị Nam Tử thiêng liêng của Ngài,”4 Đức Chúa phục sinh của chúng ta, chính là Đấng Ky Tô hằng sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.