Nhắm tới Mục Đích
Những gì chúng ta đang trải qua trong đời sống không quan trọng bằng con người chúng ta đang trở thành.
Khi đọc sách Công Vụ Các Sứ Đồ và thư của Phao Lô, tôi kinh ngạc trước cách Phao Lô được tình yêu thương và lòng biết ơn thúc đẩy để phục vụ, giảng dạy và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào một người như vậy có thể phục vụ với tình yêu thương và lòng biết ơn như thế, nhất là khi suy nghĩ về những nỗi đau khổ tột cùng của ông? Điều gì đã thúc đẩy Phao Lô phục vụ? “Tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô.”1
Việc nhắm tới mục đích là kiên định tiếp tục trên “con đường chật và hẹp dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu”2 với Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng của chúng ta. Phao Lô đã coi nỗi đau khổ của ông là “chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.”3 Thư của Phao Lô gửi cho người Phi Líp, mà ông viết khi bị giam cầm trong tù, là một bức thư tràn ngập niềm vui sướng và hân hoan cùng sự khích lệ cho tất cả chúng ta, nhất là trong thời điểm khó khăn và bấp bênh này. Chúng ta đều cần phải lấy can đảm từ Phao Lô: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê Su Ky Tô là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Ky Tô.”4
Trong khi nhìn vào sự phục vụ của Phao Lô, chúng ta được soi dẫn và nâng cao tinh thần bởi những người giống như “Phao Lô” trong thời kỳ chúng ta, là những người cũng phục vụ, giảng dạy và làm chứng với tình yêu thương và lòng biết ơn ở giữa những thử thách mà họ gặp phải trong cuộc sống của họ và của những người thân yêu của họ. Một kinh nghiệm mà tôi có cách đây chín năm đã giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của việc nhắm tới mục đích.
Năm 2012, khi lần đầu tiên bước vào buổi họp đại hội trung ương dành cho giới lãnh đạo, tôi không khỏi cảm thấy choáng ngợp và không thích đáng. Trong tâm trí tôi có một giọng nói liên tục lặp lại: “Ngươi không thuộc nơi đây! Ngươi đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng!” Ngay khi tôi đang đi tìm một chỗ ngồi thì Anh Cả Jeffrey R. Holland đã thấy tôi. Ông ấy đến nói với tôi: “Edward, rất vui được gặp anh ở đây,” và ông ấy dịu dàng vỗ nhẹ vào mặt tôi. Tôi cảm thấy như một đứa bé! Tình yêu thương và cái ôm của ông ấy đã sưởi ấm lòng tôi và giúp tôi cảm nhận được tinh thần thuộc về, tinh thần huynh đệ. Vào ngày hôm sau, tôi quan sát Anh Cả Holland làm điều tương tự mà ông đã làm với tôi vào ngày hôm trước, vỗ nhẹ vào mặt Chủ Tịch Dallin H. Oaks lúc bấy giờ còn là Anh Cả, là người thâm niên hơn ông!
Vào giây phút đó, tôi đã cảm thấy được tình yêu thương của Chúa qua những người đàn ông này mà chúng ta tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Anh Cả Holland, qua những hành động tử tế, tự nhiên của ông, đã giúp tôi vượt qua sự tự mãn và cảm nghĩ không thích đáng của mình. Ông ấy đã giúp tôi tập trung vào công việc thiêng liêng và vui vẻ mà tôi đã được kêu gọi để làm—là mang người khác đến với Đấng Ky Tô. Ông ấy, giống như Phao Lô ngày xưa, đã chỉ cho tôi cách nhắm tới mục đích.
Điều thú vị là Phao Lô đang khuyên nhủ chúng ta nên tiến về phía trước, đồng thời kêu gọi chúng ta nên quên đi những gì đã qua—nỗi sợ hãi, sự tập trung, thất bại cùng nỗi buồn trong quá khứ của chúng ta. Ông đang mời gọi chúng ta, cũng giống như vị tiên tri thân yêu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, thực hiện “một phương pháp mới hơn, thiêng liêng hơn.”5 Lời hứa của Đấng Cứu Rỗi là có thật: “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại.”6
Trong bài nói chuyện đầu tiên trong đại hội trung ương của mình, tôi đã chia sẻ một kinh nghiệm về việc mẹ tôi đã dạy tôi làm công việc đồng áng. Mẹ nói: “Đừng bao giờ nhìn lại phía sau.” “Mà hãy nhìn về phía trước vào những gì mà chúng ta vẫn còn phải làm.”7
Về cuối đời mình, trong khi chiến đấu với căn bệnh ung thư, Mẹ đã sống với Naume và tôi. Một đêm nọ, tôi nghe mẹ khóc nức nở trong phòng ngủ của bà. Cơn đau của bà trở nên rất dữ dội, ngay cả sau khi uống liều morphin hằng ngày cuối cùng chỉ hai giờ trước đó.
Tôi bước vào phòng của bà và khóc với bà. Tôi đã cầu nguyện thành tiếng cho bà để nhận được sự xoa dịu tức thì cơn đau của bà. Và rồi bà cũng làm điều tương tự mà bà đã làm trong công việc đồng áng cách đây nhiều năm: bà ngừng lại và giảng dạy cho tôi một bài học. Tôi sẽ không bao giờ quên được gương mặt của bà vào giây phút đó: yếu đuối, buồn bã và đầy đau đớn, nhìn chăm chăm với ánh mắt thương hại vào đứa con trai đang đau khổ của bà. Bà mỉm cười qua hàng nước mắt, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Nỗi đau đớn này có biến mất hay không cũng không tùy thuộc vào con hay bất cứ ai khác mà là tùy thuộc vào Thượng Đế.”
Tôi lặng lẽ ngồi lên. Bà cũng ngồi trong yên lặng. Tôi sẽ nhớ mãi cảnh tượng đó. Đêm đó, qua mẹ tôi, Chúa đã dạy cho tôi một bài học mà tôi sẽ nhớ mãi. Khi mẹ tôi bày tỏ sự chấp nhận ý muốn của Thượng Đế, tôi đã nhớ lại lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô phải chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá ở Đồi Sọ. Ngài phán: “Này ta đã ban phúc âm của ta cho các ngươi, và đây là phúc âm mà ta đã ban cho các ngươi—rằng ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, và Cha ta đã sai ta đến.”8
Tôi nghĩ về vị tiên tri thân yêu của chúng ta, những câu hỏi của vị tiên tri, Chủ Tịch Nelson, đưa ra cho chúng ta trong đại hội trung ương lần trước. Chủ Tịch Nelson đã hỏi: “Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không? … Anh chị em có chịu để cho tiếng nói của Ngài được ưu tiên hơn bất cứ tiếng nói nào khác không? Anh chị em có sẵn lòng để cho ý muốn của mình lọt vào trong ý muốn của Ngài không?”9 Mẹ tôi sẽ đáp lại bằng một câu “dạ có” đầy xúc động nhưng kiên quyết, và các tín hữu trung thành khác của Giáo Hội trên toàn cầu cũng sẽ đáp lại bằng một câu “dạ có” đầy xúc động nhưng kiên quyết. Chủ Tịch Nelson, cảm ơn chủ tịch đã soi dẫn và nâng đỡ tinh thần của chúng tôi với những câu hỏi này của vị tiên tri.
Gần đây, tôi đã có một cuộc trò chuyện ở Pretoria, Nam Phi, với một vị giám trợ là người đã chôn cất vợ và đứa con gái trưởng thành của ông trong cùng một ngày. Đại dịch coronavirus này đã cướp đi mạng sống của họ. Tôi hỏi thăm ông ấy. Câu trả lời của Giám Trợ Teddy Thabethe đã củng cố quyết tâm của tôi để làm theo những lời khuyên từ các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải của Chúa. Giám Trợ Thabethe đã trả lời rằng luôn luôn có hy vọng và niềm an ủi khi biết rằng Đấng Cứu Rỗi đã tự gánh lấy những nỗi đau đớn của dân Ngài, để Ngài có thể biết cách giúp đỡ chúng ta.10 Ông đã làm chứng với đức tin sâu sắc: “Tôi biết ơn về kế hoạch cứu rỗi, kế hoạch hạnh phúc.” Rồi ông hỏi tôi: “Đây không phải là điều mà vị tiên tri của chúng ta đã cố gắng giảng dạy cho chúng ta trong đại hội lần trước sao?”
Mặc dù những thử thách của cái chết sẽ đến với tất cả chúng ta theo cách này hay cách khác nhưng chúng ta hãy tập trung vào mục tiêu “nhắm mục đích mà chạy,” tức là “giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời.”11
Tôi khiêm nhường mời tất cả chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc! Chúng ta được kêu gọi nên ″quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Đức Chúa Giê Su, là cội rễ và cuối cùng của đức tin.”12
Những gì chúng ta đang trải qua trong đời sống không quan trọng bằng con người chúng ta đang trở thành. Có niềm vui trong việc nhắm tới mục đích. Tôi làm chứng rằng Ngài là Đấng đã chiến thắng tất cả và sẽ giúp đỡ chúng ta khi chúng ta kính trọng Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.