Lớp Giáo Lý
An Ma 2–3: Chúng Ta Chọn Ai để Vâng Theo


“An Ma 2–3: Chúng Ta Chọn Ai để Vâng Theo”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 2–3”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 2–3

Chúng Ta Chọn Ai để Vâng Theo

giới trẻ đang suy ngẫm về thánh thư

Trong thánh thư, các vị tiên tri đã liên tục cảnh báo chúng ta rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với hậu quả đến từ những hành động của mình, tùy theo người mà chúng ta chọn vâng theo. Ví dụ, sau một cuộc xung đột giữa dân Nê Phi và dân Am Li Si, tiên tri Mặc Môn đã dạy rằng những người chết sẽ “gặt hái được hạnh phúc vĩnh cửu hay sự bất hạnh đời đời tùy theo thần linh thiện hay ác mà họ tuân theo” (An Ma 3:26). Bài học này có thể giúp em hiểu rõ hơn về những hậu quả của việc em chọn ai để vâng theo trong cuộc sống này.

Chuẩn bị với Mục Tiêu trong tâm trí.Hãy dành thời gian để suy ngẫm xem học viên sẽ trải nghiệm những điều gì trong lớp học mà sẽ giúp các em “hiểu và dựa vào những lời giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô”. Chủ Tịch Russell M. Nelson khuyến khích các giảng viên “hãy nhớ mục đích đó mỗi ngày trước khi các anh chị em dạy học viên của mình” (“Teaching Youth in the Day of the Wave” [Buổi phát sóng qua hệ thống vệ tinh của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý], ngày 6 tháng 8 năm 2013).

Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc hoặc nghe An Ma 2–3 trước khi đến lớp. Yêu cầu các em suy ngẫm về những điều các em có thể học được từ câu chuyện trong các chương này.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bài học rút ra từ câu chuyện này là gì?

Cân nhắc mời học viên nghĩ đến những câu chuyện hoặc truyện ngụ ngôn dạy những bài học và mời các em chia sẻ với cả lớp. Nếu cần, anh chị em có thể sử dụng ví dụ sau đây. Nếu học viên đã quen thuộc với ví dụ đó, hãy cân nhắc mời các em kể câu chuyện bằng lời của riêng mình và nhận ra ý nghĩa hoặc bài học của câu chuyện đó. Điều này sẽ giúp học viên xác định các nguyên tắc Mặc Môn muốn cho chúng ta học hỏi từ các bài viết của ông.

  • Em có thể nghĩ ra một câu chuyện hoặc truyện ngụ ngôn dạy một bài học về cuộc sống không?

Có một câu chuyện ngụ ngôn cổ điển, của một người kể chuyện Hy Lạp thời xưa có tên Aesop, là “Cậu Bé Chăn Cừu”. Câu chuyện kể về một cậu bé chăn cừu nhỏ tuổi đã hai lần lừa gạt hàng xóm của mình là có một con sói đang tấn công đàn cừu của làng. Trước sự thích thú của cậu bé, một số dân làng vội vã chạy đến giúp đỡ, rồi nhận ra là không có con sói nào cả. Cuối cùng, một con sói thực sự đã tấn công đàn cừu. Nhưng khi cậu bé kêu cứu lần thứ ba, không ai đến giúp đỡ cậu nữa.

  • Chúng ta có thể học được bài học nào từ câu chuyện này?

Hãy tìm kiếm cơ hội trong quá trình học tập Sách Mặc Môn để giúp học viên nhận ra và xác định các nguyên tắc và bài học được tiên tri Mặc Môn nhấn mạnh.

Cũng giống như những câu chuyện hoặc truyện ngụ ngôn thường có các bài học đạo đức, thánh thư cũng dạy những bài học và minh họa các nguyên tắc. Một kỹ năng học tập thánh thư hữu ích khi các em học Sách Mặc Môn là hãy chú ý khi Mặc Môn nêu rõ mục đích của ông để đưa vào một số câu chuyện nhất định trong biên sử. Ông thường sử dụng các cụm từ như “Và do đó chúng ta có thể nhận thức một cách rõ ràng”, “và như vậy là chúng ta đã trông thấy”, “quả thật, quả thật”, hoặc “nhưng này”, để cho chúng ta biết ông đang chia sẻ các nguyên tắc và bài học với chúng ta (xin xem An Ma 24:30; 30:60; 48:17; 62:41; Hê La Man 3:27–28). Việc xác định các bài học và lẽ thật mà Mặc Môn đã nhấn mạnh có thể giúp em tìm thấy sự liên quan đến cá nhân mình. Việc đó cũng có thể làm gia tăng hiệu quả của việc học tập thánh thư của em.

Đọc An Ma 3:26–27, tìm kiếm một lẽ thật mà Mặc Môn muốn chúng ta học hỏi từ câu chuyện trong An Ma 2–3. Cân nhắc đánh dấu những điều em tìm thấy.

  • Em đã khám phá ra điều gì?

Cân nhắc chia sẻ những thông tin sau đây nếu học viên cần giúp đỡ để hiểu những lẽ thật được dạy trong An Ma 3:26–27.

Để giúp em hiểu rõ hơn về đoạn này, hãy lưu ý rằng cụm từ “mỗi người đều nhận được thù lao của kẻ mình tuân theo” mời chúng ta tưởng tượng rằng chúng ta là những người làm công và lựa chọn của chúng ta sẽ quyết định người trả công của chúng ta là Cha Thiên Thượng hay là Sa Tan (xin xem An Ma 3:27). Trong ngữ cảnh này, từ tuân theo nói đến việc thuận theo bên này hay bên kia. Do đó, những người nghiêng về phía Sa Tan sẽ sớm thấy mình bị hắn sử dụng và nhận được “sự bất hạnh đời đời” (An Ma 3:26). Cuối cùng, các lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta sẽ tiết lộ người mà chúng ta đã chọn làm người trả công vĩnh cửu của mình.

Có thể là hữu ích khi viết lẽ thật sau đây lên trên bảng để học viên có thể tham khảo trong suốt bài học.

Một lẽ thật có thể có từ An Ma 3:26–27người mà chúng ta chọn để tuân theo trong cuộc sống này quyết định hạnh phúc vĩnh cửu hay sự bất hạnh đời đời của chúng ta.

Hãy suy ngẫm về cuộc sống của em và người mà các em đang chọn để vâng theo. Em có đang cố gắng đi theo Chúa Giê Su Ky Tô không? Hay em đang đi theo một người khác? Hãy suy ngẫm về những câu hỏi này khi em tiếp tục học tập hôm nay.

Am Li Si mưu đồ lên làm vua

Trong những năm đầu của chế độ các phán quan, An Ma và dân của ông đã gặp phải một thử thách khó khăn đối với đức tin và hạnh phúc của họ.

Đọc An Ma 2:1–12, tìm kiếm thử thách mà dân Nê Phi phải đối mặt.

Cân nhắc đưa vào gợi ý về sự tự do tôn giáo trong phần Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung tại thời điểm này trong bài học.

  • Am Li Si dự định làm gì nếu hắn trở thành vua? (Xin xem câu 4.)

  • Dân Nê Phi đã phản ứng như thế nào?

  • Dân Nê Phi bày tỏ mong muốn noi theo Đấng Cứu Rỗi ra sao?

Những lựa chọn và hậu quả

Giúp học viên tìm kiếm và chia sẻ những hậu quả khác nhau của việc tuân theo Thượng Đế hay quỷ dữ. Một cách để thực hiện điều này là sao chép bảng biểu sau đây lên trên bảng và yêu cầu học viên điền vào bảng biểu đó. Một lựa chọn khác là chuẩn bị trước giờ học một số mẩu giấy nhỏ tượng trưng cho tiền hoặc “thù lao” (An Ma 3:27). Sau đó, mang theo hai túi hoặc hai hộp giấy, và ghi một cái là “Đi theo Thượng Đế” và cái còn lại là “Đi theo quỷ dữ hoặc tôi tớ của nó”. Cung cấp cho mỗi học viên ít nhất một tờ giấy và mời một nửa lớp đọc từng đoạn thánh thư được liệt kê dưới đây. Khi học viên khám phá ra các loại thù lao khác nhau từ mỗi câu chuyện, hãy mời các em viết chúng lên tờ giấy của mình và đặt thù lao của các em vào hộp đựng tương ứng. Khi học viên hoàn thành, hãy đọc to vài loại thù lao. Cân nhắc mời học viên chia sẻ các thù lao được hưởng thêm từ việc đi theo Thượng Đế mà các em đã nhận thấy trong cuộc sống của chính mình hoặc cuộc sống của những người khác.

Sao chép bảng biểu sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập. Đọc những câu tiếp theo, và liệt kê những “thù lao” nào đến từ việc đi theo Thượng Đế hoặc quỷ dữ vào cột thích hợp.

“Thù lao của kẻ mình tuân theo” (An Ma 3:27)

Đi theo Thượng Đế

Đi theo quỷ dữ hoặc tôi tớ của nó

An Ma 2:16–18, 26–31 (An Ma và dân Nê Phi)

An Ma 3:4, 13–14, 18–19 (dân Am Li Si)

  • Em đã nhận thấy điều gì ở hai câu chuyện này?

Lưu ý: Sự nguyền rủa mà cả dân Am Li Si và dân La Man đều hứng chịu là sự tách biệt khỏi Thượng Đế bởi sự phản nghịch và bất tuân của họ (xin xem 2 Nê Phi 5:20–21). Dấu hiệu, vào thời điểm đó phân biệt dân La Man với dân Nê Phi, là “nước da của dân La Man thì sậm” (An Ma 3:6). Điều quan trọng cần nhớ là bản chất và sự xuất hiện của dấu hiệu này không được hiểu đầy đủ. Các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn và các vị tiên tri hiện đại đã dạy rằng thật sai lầm khi thóa mạ hoặc coi thường người khác vì màu da của họ (xin xem Gia Cốp 3:9).

Tùy thuộc vào khả năng của học viên, thay vì cung cấp ba nhóm câu tiếp theo, anh chị em có thể mời học viên tìm các câu thánh thư khác mô tả “thù lao” của việc đi theo Thượng Đế hoặc một người nào đó khác. Anh chị em có thể khuyến khích các em sử dụng các đoạn thông thạo giáo lý.

Đọc các đoạn thánh thư sau đây và thêm những điều em tìm thấy vào biểu đồ của mình.

2 Nê Phi 2:27

An Ma 30:60

Ma Thi Ơ 11:28–30

Khi học viên đã hoàn thành việc điền vào bảng biểu, hãy mời các em chia sẻ những điều các em đã tìm thấy. Hỏi thêm học viên những câu hỏi như ví dụ sau đây khi các em chia sẻ để giúp các em liên hệ những điều đã tìm thấy trong thánh thư với cuộc sống cá nhân của mình.

Áp dụng cho cá nhân

  • Em đã quan sát hoặc trải nghiệm điều gì trong cuộc sống cho em thấy lẽ trung thực của nguyên tắc được minh họa trong An Ma 3:26–27?

Hãy suy nghĩ về những lựa chọn em đang đưa ra mà giúp em đi theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào những lựa chọn này sẽ đưa đến hạnh phúc vĩnh cửu? Em có đang đưa ra bất kỳ lựa chọn nào có thể khiến em rời xa Đấng Cứu Rỗi không? Quyết định xem em có thể cần phải làm gì để thay đổi. Hãy suy ngẫm xem Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể ban phước và củng cố em như thế nào khi em cố gắng đưa ra những lựa chọn đúng đắn mà sẽ dẫn em trở lại với hai Ngài.