Lớp Giáo Lý
An Ma 4: Chướng Ngại Vật bởi Tính Kiêu Ngạo


“An Ma 4: Chướng Ngại Vật bởi Tính Kiêu Ngạo”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 4”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 4

Chướng Ngại Vật bởi Tính Kiêu Ngạo

An Ma Con thuyết giảng ở Ghê Đê Ôn

Tính kiêu ngạo là không có tính khiêm nhường và làm cho con người tự đặt mình lên trên hết hoặc đối nghịch với nhau và với Thượng Đế (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kiêu Ngạo, Kiêu Hãnh”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Hãy suy nghĩ về tính kiêu ngạo em thấy trên thế gian ngày nay và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với em và những người xung quanh em. Tính kiêu ngạo và sự tranh chấp của một số tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi trong thời của An Ma đã khiến cho Giáo Hội suy yếu trên đà tiến triển của nó. Từ đó, An Ma cảm thấy được soi dẫn để trao lại chức vụ trưởng phán quan cho người khác và cống hiến hết mình cho việc thuyết giảng lời của Thượng Đế. Bài học này có thể giúp em sử dụng lời của Thượng Đế để khắc phục thói kiêu căng và sự tranh chấp.

Giúp học viên khám phá giáo lý và các nguyên tắc phúc âm.Giáo lý và các nguyên tắc cần được trình bày một cách rõ ràng và ngắn gọn. Giáo lý và các nguyên tắc có thể dạy cho học viên sự liên quan của các câu thánh thư và cách áp dụng những câu chuyện và lời giảng dạy trong thánh thư vào cuộc sống hằng ngày của các em. Việc hiểu giáo lý và các nguyên tắc có thể giúp thúc đẩy học viên học hỏi và áp dụng những lời dạy phúc âm.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị trước để khi đến lớp chia sẻ về một câu thánh thư hoặc lời phát biểu từ một vị lãnh đạo Giáo hội về tính khiêm nhường.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Chướng ngại vật

Trên sàn lớp học ở lối vào, hãy dán một mảnh giấy có ghi từ “chướng ngại vật”. Hỏi có bao nhiêu học viên vô tình dẫm lên tờ giấy đó trước khi các em nhận thấy nó ở đó khi bước vào lớp. Nếu muốn, học viên cũng có thể chia sẻ về những lần các em trượt chân hoặc vấp ngã.

Nhớ lại một thời điểm khi em trượt chân hoặc vấp ngã. Em có nhớ cái gì đã khiến em bị trượt chân không? Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta vấp phải những thứ có thể được gọi là “chướng ngại vật”. Điều này cũng đúng về mặt thuộc linh.

Có thể thực hiện bài tập vẽ theo gợi ý sau đây trên bảng cùng với cả lớp. Hoặc học viên có thể tự mình hoàn thành bài tập vẽ này.

hình ảnh các chướng ngại vật

Vẽ một vài chướng ngại vật và chú thích bên dưới những điều có thể khiến giới trẻ vấp ngã về mặt thuộc linh. Ví dụ, một số em có thể gặp khó khăn để nghe theo vị tiên tri hoặc vâng theo Lời Thông Sáng.

Hãy suy nghĩ về những hậu quả của việc vấp phải những điều này. Hãy suy nghĩ về lý do tại sao em cần sự giúp đỡ của Thượng Đế để nhận thấy, tránh và vượt qua những chướng ngại vật này.

Dân An Ma vừa trải qua những mất mát lớn lao trong cuộc chiến với dân La Man. Vì sự buồn khổ của họ, họ đã được “thức tỉnh để nhớ đến bổn phận của mình”, và nhiều người đã chịu phép báp têm (xin xem An Ma 4:1–5). Tuy nhiên, sự bình an của họ không kéo dài lâu vì họ bắt đầu vấp ngã về mặt thuộc linh.

Đọc An Ma 4:6–8, tìm kiếm lý do tại sao các vị lãnh đạo Giáo Hội rất phiền muộn.

Mời học viên chia sẻ những điều các em đã tìm thấy và giúp các em nhận thấy rằng tính kiêu ngạo có thể là một trở ngại về mặt thuộc linh.

  • Em nghĩ tại sao các vị lãnh đạo Giáo Hội đã “rất phiền muộn” (An Ma 4:7) bởi sự kiêu căng ngày càng tăng của mọi người?

Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) đã dạy:

Tính kiêu ngạo là chướng ngại vật lớn lao đối với Si Ôn. Tôi nhắc lại: Tính kiêu ngạo chướng ngại vật lớn lao đối với Si Ôn. (Ezra Taft Benson, “Beware of Pride”, Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 7)

Hãy vẽ một vật cản lớn tượng trưng cho chướng ngại vật bởi tính kiêu ngạo. Trên vật cản đó, liệt kê câu trả lời cho các câu hỏi sau đây:

  • Em nghĩ làm thế nào mà tính kiêu ngạo có thể khiến người nào đó vấp ngã về mặt thuộc linh?

  • Làm thế nào tính kiêu ngạo ngăn cản chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn?

Khi em tiếp tục nghiên cứu An Ma 4, hãy suy ngẫm xem làm thế nào tính kiêu ngạo có thể là một chướng ngại vật đối với em và những điều em có thể làm để khắc phục nó.

Đọc An Ma 4:8–12, tìm kiếm những ảnh hưởng của tính kiêu ngạo trong Giáo Hội. Lưu ý rằng tranh giành có nghĩa là tức giận hoặc bất đồng gay gắt hoặc tranh chấp. Thù ghét là mong muốn làm điều tà ác, hoặc có ý định xấu.

Mời học viên liệt kê lên trên bảng những ảnh hưởng của tính kiêu ngạo trong Giáo Hội. Bản liệt kê này sẽ được đề cập sau trong bài học. Nếu anh chị em có đủ bút viết, thì hãy cho phép nhiều học viên lên trên bảng cùng một lúc. Rồi mời học viên trả lời những câu hỏi sau đây:

  • Những hậu quả của tính kiêu ngạo trong Giáo Hội là gì?

  • Những hành động này không phù hợp với các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi về các phương diện nào?

  • Những người không thuộc Giáo Hội bị ảnh hưởng như thế nào?

Tránh tính kiêu ngạo và sự tranh chấp

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy rằng:

Liều thuốc giải cho tính kiêu ngạo là sự khiêm nhường—là nhu mì hiền dịu, biết phục tùng [xin xem An Ma 7:23]. (Ezra Taft Benson, “Beware of Pride”, Ensign, tháng Năm năm 1989, trang 6)

Đọc An Ma 4:13–14, tìm kiếm những điều mà một số tín hữu của Giáo Hội đã làm để tránh tính kiêu ngạo và giữ được sự trung tín. Lưu ý rằng sự hạ mình trong câu 13 nói đến việc trở nên khiêm nhường và hiền dịu hơn.

Mời học viên viết những hành động khiêm nhường của các tín hữu Giáo Hội lên trên bảng.

  • Những hành động và thái độ nào trong câu 13–14 nhắc em về Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Làm thế nào mà việc phát triển những thái độ này và thực hiện những hành động này giúp chúng ta trở nên giống như Ngài hơn?

  • Em đã thấy những người khác sống theo những thái độ hoặc hành động giống như Đấng Ky Tô ra sao, và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến em?

Hãy dành thời gian để học viên im lặng suy ngẫm về tính kiêu ngạo hoặc sự tranh chấp có thể tồn tại trong cuộc sống của các em và cách các em noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi.

An Ma xác định rằng ông cần dành thời gian cho việc giúp đỡ dân chúng về mặt thuộc linh. Ông đã trao lại ghế xét xử cho Nê Phi Ha trong khi vẫn giữ lại chức phẩm thầy tư tế thượng phẩm cho mình (xin xem An Ma 4:15–18).

Đọc An Ma 4:19 và tìm kiếm những điều An Ma biết là có thể “hạ xuống” tính kiêu ngạo và sự tranh chấp trong dân chúng. ChurchofJesusChrist.org

10:24
  • An Ma đã hành động giống như Chúa Giê Su Ky Tô về các phương diện nào?

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương của An Ma?

Một lẽ thật từ An Ma 4:19lời của Đức Chúa Trời và việc nghe lời chứng thuần khiết có thể giúp chúng ta khắc phục tính kiêu ngạo và sự tranh chấp.

Hãy tìm kiếm những điều Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy về lời của Thượng Đế trong lời phát biểu sau đây.

Lời của Thượng Đế, như được tìm thấy trong thánh thư, trong những lời của các vị tiên tri tại thế và trong sự mặc khải cá nhân, có quyền năng để củng cố Các Thánh Hữu và trang bị cho họ Thánh Linh để họ có thể chống lại điều tà ác, giữ vững điều tốt lành và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống này. (Ezra Taft Benson, “The Power of the Word”, Ensign, tháng Năm năm 1986, trang 80)

  • Lời của Thượng Đế và việc đưa ra lời chứng thuần khiết có thể giúp hạ xuống tính kiêu ngạo và sự tranh chấp bằng các cách thức nào?

Mời học viên chọn hai hoặc ba trong số các ảnh hưởng của tính kiêu ngạo mà các em đã liệt kê trước đó trên bảng, và cho các em thời gian để nghiên cứu cách khắc phục những vấn đề đó trong các nhóm nhỏ.

Học viên có thể tìm kiếm các đề tài như “Khiêm Nhường, Khiêm Tốn” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Cũng có thể là hữu ích khi chỉ cho các em cách tìm kiếm thông tin trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm.

Mời các nhóm chia sẻ những điều các em học được với cả lớp, bao gồm cả cách thức chúng ta có thể đối xử với người khác giống như cách của Đấng Cứu Rỗi hơn. Ngoài ra, sau khi nghiên cứu, các em có thể viết một bài nói chuyện ngắn về cách giải quyết các vấn đề với tính kiêu ngạo và sự tranh chấp.

Khuyến khích học viên hành động theo bất kỳ ấn tượng nào các em đã nhận được về cách áp dụng những điều học được trong bài học này.

  • Liệt kê hai hoặc ba vấn đề phát sinh từ tính kiêu ngạo và sự tranh chấp.

  • Liệt kê những câu thánh thư và lời dạy của các vị tiên tri hiện đại mà em cảm thấy có thể giúp giải quyết những vấn đề này.

  • Xác định lý do tại sao hoặc làm thế nào những điều em đã liệt kê sẽ giúp em đối xử với những người khác giống như cách của Đấng Cứu Rỗi.

Tìm kiếm để chú ý và nhận ra những sự thúc giục từ Đức Thánh Linh về cách em có thể áp dụng những điều em đã học trong bài học này. Tìm kiếm cơ hội để làm theo những ấn tượng đó.