Lớp Giáo Lý
An Ma 1:19–33: Tìm Thấy Sự Bình An nơi Đấng Ky Tô bằng cách Giữ Sự Trung Tín Khi bị Ngược Đãi


“An Ma 1:19–33: Tìm Thấy Sự Bình An nơi Đấng Ky Tô bằng cách Giữ Sự Trung Tín Khi bị Ngược Đãi”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 1:19–33”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 1:19–33

Tìm Thấy Sự Bình An nơi Đấng Ky Tô bằng cách Giữ Sự Trung Tín Khi bị Ngược Đãi

những người truyền giáo vui vẻ đang dạy cho một người phụ nữ và một đứa trẻ

Chúng ta tin rằng tất cả mọi người có quyền thờ phượng Thượng Đế theo tiếng gọi lương tâm riêng của mình (xin xem Những Tín Điều 1:11). Nhưng nếu những người khác ngược đãi em vì niềm tin của em thì sao? Làm thế nào em có thể đối phó và tìm thấy sự bình an nếu người khác chỉ trích em vì đức tin của em? Trong thời của An Ma, dân chúng “bắt đầu ngược đãi những người thuộc Giáo Hội của Thượng Đế” (xin xem An Ma 1:19). Bài học này có thể giúp em ứng phó một cách trung tín và cảm thấy sự bình an ngay cả khi em phải đối mặt với sự ngược đãi vì là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Giúp học viên phát triển các kỹ năng học tập thánh thư.Việc tìm kiếm các bản liệt kê trong thánh thư có thể giúp các giảng viên và học viên nhận ra những điểm then chốt mà người viết đang nhấn mạnh đến. Học viên cũng có thể lập bản liệt kê các suy nghĩ, ý kiến hoặc hướng dẫn liên quan để giúp các em hiểu những điều đang học.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về những thời điểm trong cuộc sống của các em khi niềm tin của các em bị thử thách và cách các em đối phó.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bị ngược đãi vì những niềm tin của các em

Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland. Hoặc cân nhắc mời học viên đóng kịch một tình huống mà trong đó các em có thể bị ngược đãi vì niềm tin của mình.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã khuyên bảo giới trẻ của Giáo Hội. Xem video “Cái Giá—và Phước Lành—để Làm Môn Đồ” từ phút 0:25 đến 2:05, trên trang ChurchofJesusChrist.org, hoặc đọc lời phát biểu dưới đây:

14:45

Với lòng ngưỡng mộ và nhằm khích lệ tất cả mọi người là những người sẽ cần phải luôn luôn cương quyết vững vàng trong những ngày sau này, tôi xin nói với tất cả mọi người và nhất là giới trẻ của Giáo Hội rằng nếu các anh chị em chưa thấy, thì một ngày nào đó các anh chị em sẽ thấy mình được kêu gọi để bảo vệ đức tin của mình hoặc thậm chí có lẽ còn chịu đựng một số ngược đãi cá nhân chỉ vì các anh chị em là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Những giây phút như vậy đòi hỏi các anh chị em phải có cả lòng dũng cảm lẫn lễ độ.

Ví dụ, gần đây một chị truyền giáo đã viết cho tôi: “Người bạn đồng hành của tôi và tôi thấy một người đang ngồi ăn trưa trên một cái ghế băng ở quảng trường của thị trấn. Khi chúng tôi đến gần, người ấy nhìn lên và thấy thẻ tên truyền giáo của chúng tôi. Với một ánh mắt giận dữ, người ấy nhảy lên và giơ tay đánh tôi. Tôi né tránh kịp, nhưng lại bị người ấy phun thức ăn lên khắp cả người tôi và bắt đầu chửi thề những điều khủng khiếp nhất. Chúng tôi bỏ đi không nói gì cả. Tôi cố gắng lau chùi thức ăn trên mặt mình, và bất ngờ cảm thấy có một nhúm khoai tây nghiền ném trúng vào phía sau đầu tôi. Đôi khi rất khó để làm một người truyền giáo vì tôi muốn quay trở lại ngay lúc đó, túm lấy người đàn ông nhỏ con đó, và nói: ‘XIN LỖI, ông làm gì vậy!’ Nhưng tôi đã không làm như vậy”. (Jeffrey R. Holland, “Cái Giá—và Phước Lành—để Làm Môn Đồ”, Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 6)

Giúp học viên suy ngẫm về những cảm nghĩ của chính các em bằng cách đặt ra một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây.

  • Em sẽ phản ứng như thế nào nếu em là người truyền giáo trong hoàn cảnh đó?

  • Tại sao có thể khó để phản ứng theo cách giống như Đấng Ky Tô?

  • Khi nào em đã bị đối xử tệ bạc hoặc bị ngược đãi vì những niềm tin của mình?

  • Một số tình huống nào trong tương lai mà em có thể bị ngược đãi vì những niềm tin của mình?

Khi em nghiên cứu các ví dụ về các tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô trong Sách Mặc Môn, hãy tìm những cách thức để em có thể luôn luôn cương quyết vững vàng và tìm thấy sự bình an nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi bị ngược đãi.

Sự Ngược Đãi trong Sách Mặc Môn

An Ma đã gặp nhiều thử thách trong thời gian làm trưởng phán quan. Sau khi Nê Hô bị xử tử vì tội giết Ghê Đê Ôn, một số người dân vẫn tiếp tục tin vào những lời dạy của Nê Hô. Đọc An Ma 1:19-24, tìm kiếm những thử thách mà dân Nê Phi phải đối mặt.

  • Em thấy có những điểm tương đồng nào giữa những điều dân Nê Phi đã phải đối mặt và những kinh nghiệm của em?

  • Những hành động nào từ các tín hữu của Giáo Hội đã góp phần vào những thử thách này (xin xem câu 22)?

Anh chị em có thể muốn chỉ cho học viên thấy Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng sự tranh chấp là sai trái và thuộc về quỷ dữ (xin xem 3 Nê Phi 11:29–30). Điều này bao gồm cả khi những điều chúng ta đang giảng dạy là chân chính và đúng đắn.

Đọc An Ma 1:25–28, tìm kiếm những điều các tín hữu ngay chính của Giáo Hội đã làm. Để giúp em sắp xếp những điều đã học, hãy lập một bản liệt kê những điều dân chúng đã làm. Em có thể lập bản liệt kê này trong nhật ký ghi chép việc học tập, hoặc có thể đánh dấu những điều em tìm thấy trong thánh thư của mình.

Có thể dạy học viên kỹ năng lập bản liệt kê trong khi học tập thánh thư. Các em có thể đánh dấu các câu thánh thư theo cách có ý nghĩa đối với mình. Một số học viên có thể muốn thêm tiêu đề vào bản liệt kê chẳng hạn như “Cách Để Có Được Sự Bình An Khi Bị Ngược Đãi” hoặc một tiêu đề khác trong thánh thư của các em.

Có thể mời học viên chọn một điều từ bản liệt kê của các em, sau đó di chuyển xung quanh phòng học và trả lời những câu hỏi dưới đây với càng nhiều học viên càng tốt.

  • Các tín hữu Giáo Hội đã phản ứng với sự ngược đãi theo một số cách khác nhau nào?

Hoàn thành cụm từ sau đây với một điều gì đó em đã học được từ tấm gương của dân Nê Phi.

  • … có thể giúp chúng ta cảm nhận được sự bình an luôn luôn của Đấng Cứu Rỗi ngay cả khi chúng ta bị ngược đãi vì tin tưởng nơi Ngài.

  • Em nghĩ làm thế nào mà việc phản ứng theo những cách này có thể giúp người nào đó cảm thấy sự bình an của Đấng Cứu Rỗi?

  • Em muốn nhớ nhất điều gì từ những câu này hoặc từ bản liệt kê nếu em từng phải đối mặt với sự ngược đãi vì những niềm tin của mình? Tại sao?

    Nếu có thời gian, hãy cân nhắc thảo luận một số lời dạy của Đấng Cứu Rỗi về việc chịu đựng sự ngược đãi trong 3 Nê Phi 12:10–12, 43–45.

    Có thể là hữu ích khi mời học viên suy ngẫm về câu hỏi tiếp theo thay vì yêu cầu các em trả lời thành tiếng. Việc làm như vậy có thể cho phép Đức Thánh Linh hướng dẫn riêng cá nhân các em mà không khiến các em cảm thấy bị buộc phải chia sẻ những sự thúc giục cá nhân.

  • Những trải nghiệm nào trong cuộc sống khiến em cảm thấy cần đến sự bình an mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho?

Hơn cả sự bình an

Ngoài việc có được sự bình an, Cha Thiên Thượng còn ban phước cho những người dân Nê Phi trung tín theo những cách thức khác. Đọc An Ma 1:29–32, tìm kiếm những phước lành mà Cha Thiên Thượng ban cho dân Nê Phi khi họ vẫn một lòng vững chắc trong những lúc khó khăn.

  • Em đã nhìn thấy những phước lành của Cha Thiên Thượng như thế nào khi em hoặc những người khác mà em biết vẫn trung tín khi bị ngược đãi?

Cân nhắc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân về cách Chúa đã ban phước cho em hoặc người mà em biết vì vẫn trung tín khi bị ngược đãi.

Chọn ít nhất hai trong số các hành động mà những người dân Nê Phi trung tín đã làm để cho thấy tình thương yêu và lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người mặc dù họ bị ngược đãi (xin xem An Ma 1:25–30). Mô tả cách một người nào đó trong thời kỳ của chúng ta có thể làm điều tương tự.

Mời học viên chia sẻ những câu trả lời của các em.

Hãy chia sẻ với học viên niềm tin của anh chị em rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp các em luôn luôn cương quyết vững vàng nơi Ngài ngay cả khi đang bị ngược đãi. Mời các em cân nhắc hành động theo những điều các em hoặc một trong những bạn cùng lớp đã chia sẻ.