Lớp Giáo Lý
An Ma 45–46: Mô Rô Ni Giơ Cao Lá Cờ Tự Do


“An Ma 45–46: Mô Rô Ni Giơ Cao Lá Cờ Tự Do”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 45–46”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 45–46

Mô Rô Ni Giơ Cao Lá Cờ Tự Do

Mô Rô Ni và lá cờ tự do

Khi Mô Rô Ni nghe về những mối bất hòa giữa những người dân của ông do A Ma Lịch Gia gây ra, ông đã nổi giận. Ông đã dựng lên một lá cờ tự do, trên đó ông liệt kê những điều quan trọng để dân của mình luôn ghi nhớ. Những lời của Mô Rô Ni đã soi dẫn cho người dân để củng cố cam kết của họ với Thượng Đế. Bài học này có thể giúp em hiểu những cách thức mà em có thể cho thấy cam kết của mình với Thượng Đế.

Giúp học viên nhớ đến Chúa. Nhớ đến Chúa và lòng tốt của Ngài là một chủ đề nhất quán trong toàn bộ Sách Mặc Môn (xin xem 2 Nê Phi 10:2; Gia Cốp 6:4; Mô Rô Ni 10:3). Mời học viên tham gia vào những sinh hoạt học tập mà sẽ giúp các em nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô và suy ngẫm về cách Ngài đã ban phước và củng cố các em.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên lập một bản liệt kê những điều soi dẫn hoặc nhắc các em tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Đừng quên

Hãy trưng ra những câu hỏi sau đây. Học viên có thể trả lời những câu hỏi này với một người bạn hoặc trong một nhóm nhỏ. Anh chị em cũng có thể chia sẻ một ví dụ cá nhân từ cuộc sống của mình.

  • Có khi nào em đã quên một điều gì đó quan trọng không? Kết quả là điều gì đã xảy ra?

  • Một số điều nào mà em không bao giờ muốn quên? Tại sao?

Hôm nay em sẽ học về một thời kỳ khi dân Nê Phi đã không nhớ đến Chúa, ngay cả sau khi họ đã trải qua sự giải thoát kỳ diệu nhờ Ngài. Em có thể nhớ từ việc học An Ma 43–44 rằng Chúa đã giúp dân Nê Phi đánh bại dân La Man trong một trận chiến, mặc dù dân Nê Phi bị áp đảo về số lượng (xin xem An Ma 43:51–54).

Hãy đọc An Ma 45:1, và tìm kiếm xem dân Nê Phi đã phản ứng như thế nào sau chiến thắng kỳ diệu này.

  • Em đã tìm thấy điều gì?

Trong thời gian hòa bình này, Hê La Man, con trai của An Ma, đã chỉ định các thầy tư tế và các thầy giảng cai quản Giáo Hội trên khắp xứ, và ông đã đi thuyết giảng lời của Thượng Đế cùng với các anh em của mình.

Hãy đọc An Ma 45:23–24; 46:1–5, 7–8, tìm kiếm xem dân chúng đáp lại những lời dạy này như thế nào.

  • Em thấy điều gì là nổi bật về thái độ và hành vi của dân Nê Phi trong những câu này?

  • Chúng ta có thể học được lẽ thật nào từ câu 8 về những điều có thể xảy ra khi chúng ta quên Chúa?

Một lẽ thật chúng ta có thể học được từ An Ma 46:8khi chúng ta quên Chúa, thì chúng ta có thể dễ dàng bị dẫn dắt để làm điều bất chính.

Hãy nghĩ về cách em đã nhìn thấy bằng chứng về lẽ thật này như thế nào trong cuộc sống của chính mình. Khi em tiếp tục nghiên cứu hôm nay, hãy tìm kiếm những lời giảng dạy có thể giúp em tưởng nhớ đến Chúa nhiều hơn và chứng tỏ cam kết của mình với Ngài.

Mô Rô Ni dựng lên lá cờ tự do

Mô Rô Ni tức giận A Ma Lịch Gia vì đã gây ra những mối bất hòa này giữa những người dân Nê Phi.

Hãy đọc An Ma 46:12–14, 19–20, tìm kiếm những điều Mô Rô Ni đã làm để soi dẫn cho dân Nê Phi trở nên trung tín với Thượng Đế.

Trước khi đặt ra những câu hỏi sau đây, hãy cân nhắc liệt kê các từ này từ câu 12 lên trên bảng: Thượng Đế, tôn giáo, tự do, hòa bình, gia đình (vợ con).

  • Em nghĩ tại sao Mô Rô Ni đã chọn các từ này để cho những người khác nhìn thấy trong thời gian khó khăn này?

  • Em thấy một hoặc nhiều trong số những điều này bị lãng quên hoặc không được nhấn mạnh như thế nào trong thế giới ngày nay?

Giống như Mô Rô Ni, các lãnh đạo của Giáo Hội trong thời đại chúng ta đã mời chúng ta ghi nhớ và bảo vệ những giá trị tương tự. Hãy đọc những câu sau đây, tìm kiếm những lời dạy ở thời hiện đại liên quan đến những điều được liệt kê trên lá cờ tự do.

biểu tượng tài liệu phát tay Phát tay tài liệu dưới đây và cho học viên thời gian để nghiên cứu những câu trên đó một mình hoặc cùng với một người bạn.

Hoặc anh chị em có thể in các câu này riêng lẻ và trưng ra trên các bức tường trong phòng. Có thể in hoặc dán mỗi câu lên hình ảnh của một lá cờ để trông giống như lá cờ tự do. Có thể cho học viên thời gian để đi quanh lớp và đọc từng câu.

Những Lời Giảng Dạy ở Thời Hiện Đại Có Liên Quan đến Lá Cờ Tự Do

Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)—“An Ma 45–46: Mô Rô Ni Giơ Cao Lá Cờ Tự Do”

“Để tưởng nhớ đến Thượng Đế của chúng ta”

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Có nhiều người trên thế giới biết rất ít về Chúa Giê Su Ky Tô, và, ở một số vùng trên thế giới nơi danh Ngài đã được rao truyền cả hàng thế kỷ, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô lại đang suy giảm. …

Trong khi thế gian ít nói về Chúa Giê Su Ky Tô hơn, chúng ta hãy nói nhiều về Ngài hơn. Khi bản chất của chúng ta với tư cách là các môn đồ của Ngài được thể hiện thì nhiều người xung quanh chúng ta sẽ được chuẩn bị để lắng nghe. (Neil L. Andersen, “Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 88, 90)

“Để tưởng nhớ đến … tôn giáo của chúng ta”

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:

Nếu chúng ta không còn coi trọng giáo hội của mình nữa vì bất cứ lý do gì, thì chúng ta đang đe dọa cuộc sống thuộc linh cá nhân của mình, và một con số đáng kể những người đang tự mình tách ra khỏi Thượng Đế sẽ làm giảm các phước lành của Ngài dành cho các quốc gia của chúng ta.

Việc tham dự và sinh hoạt trong một giáo hội giúp chúng ta trở thành người tốt hơn và có ảnh hưởng tốt hơn đến cuộc sống của người khác. Trong giáo hội, chúng ta được dạy cách để áp dụng các nguyên tắc tôn giáo. Chúng ta học hỏi lẫn nhau. …

… Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta sẽ trở nên vững vàng trong những kinh nghiệm này của Giáo Hội khi chúng ta tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả các ân tứ của Thượng Đế. (Dallin H. Oaks, “Sự Cần Thiết Phải Có một Giáo Hội”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 24, 26)

“Để tưởng nhớ đến … sự tự do của chúng ta”

Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Tự do tôn giáo là gì?

Đó là quyền tự do thờ phượng theo mọi hình thức: tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do hành động theo tín ngưỡng cá nhân, và quyền tự do của người khác để làm như vậy. Quyền tự do tôn giáo cho phép mỗi người chúng ta tự quyết định điều mình tin tưởng, cách mình sống và hành động theo đức tin của mình và những gì Thượng Đế kỳ vọng nơi chúng ta. …

Tôi mời [các em] hãy bênh vực chính nghĩa của sự tự do tôn giáo. Đó là một sự biểu lộ về nguyên tắc tự quyết do Thượng Đế ban cho.

Sự tự do tôn giáo mang lại sự cân bằng cho các triết lý cạnh tranh của thế gian. Lợi ích, sự tiếp cận của tôn giáo và những hành vi yêu thương hằng ngày mà tôn giáo cảm ứng chỉ tăng gấp bội khi chúng ta bảo vệ sự tự do để bày tỏ và hành động dựa trên những niềm tin cốt lõi. (Ronald A. Rasband, “Để Chữa Lành Thế Gian”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 91, 93)

“Để tưởng nhớ đến … hòa bình của chúng ta”

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Đấng Chữa Lành cho mọi vết thương, Đấng sửa chữa mọi điều sai trái, yêu cầu chúng ta hãy lao nhọc với Ngài trong nhiệm vụ khó khăn để mang sự bình an đến một thế giới không thể tìm thấy điều đó bằng bất cứ cách thức nào khác. …

… Tôi yêu cầu chúng ta hãy làm những người giải hòa—yêu thích sự bình an, tìm kiếm sự bình an, tạo ra sự bình an, trân quý sự bình an. Tôi đưa ra lời thỉnh cầu này trong tôn danh của Hoàng Tử Bình An. (Jeffrey R. Holland, “Chức Vụ Giảng Hoà”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 79)

“Để tưởng nhớ đến … [gia đình] của chúng ta”

Chị Bonnie L. Oscarson, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:

Tất cả mọi người, bất kể tình trạng hôn nhân là gì hoặc có bao nhiêu con cái thì cũng có thể là người bênh vực cho kế hoạch của Chúa như đã được mô tả trong bản tuyên ngôn về gia đình. Nếu đó là kế hoạch của Chúa, thì đó cũng phải là kế hoạch của chúng ta! …

… Chúng ta hãy giúp xây đắp vương quốc của Thượng Đế bằng cách mạnh dạn đứng lên và bênh vực cho hôn nhân, vai trò làm cha mẹ, và mái gia đình. Chúa cần chúng ta phải là các chiến sĩ dũng cảm, bền bỉ, và vững vàng, là những người sẽ bênh vực cho kế hoạch của Ngài và dạy cho các thế hệ sắp tới về các lẽ thật của Ngài. (Bonnie L. Oscarson, “Những Người Bênh Vực cho Bản Tuyên Ngôn về Gia Đình”, Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 15, 17)

Mời học viên chia sẻ điều gì nổi bật với các em từ những lời phát biểu này. Hãy thảo luận về những cách cụ thể mà các em có thể nhớ đến và bảo vệ các điều được liệt kê trên lá cờ tự do theo cách giống như Đấng Ky Tô.

  • Em có thể nhớ các giá trị được liệt kê trong lá cờ tự do bằng những cách nào?

  • Em có thể bảo vệ những giá trị đó theo một số cách thức nào giống như Đấng Ky Tô?

Ảnh hưởng của lá cờ tự do

Sau khi được Mô Rô Ni nhắc về những lẽ thật quan trọng này, nhiều người dân Nê Phi đã lập một giao ước rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ Thượng Đế và sẽ đấu tranh vì hòa bình (xin xem An Ma 46:21–22, 28–31).

Hãy đọc An Ma 46:36–38, tìm kiếm những điều Mô Rô Ni đã làm để giúp dân của ông nhớ đến Thượng Đế và những điều quan trọng khác được liệt kê trên lá cờ tự do.

  • Trong cuộc sống của mình, em cảm thấy muốn ghi nhớ hoặc ủng hộ điều gì một cách trọn vẹn hơn trong số những điều được liệt kê trên lá cờ tự do?

  • Em có thể làm điều gì để ghi nhớ rõ hơn đề tài này hoặc để bảo vệ niềm tin của em về điều đó?

Hãy làm chứng về các lẽ thật được thảo luận hôm nay. Khuyến khích học viên nỗ lực để tôn trọng và tưởng nhớ đến Thượng Đế và các điều khác được liệt kê trên lá cờ tự do.