Lớp Giáo Lý
Mô Rô Ni 7:1–19: “Tìm Kiếm Một Cách Cần Mẫn trong Ánh Sáng của Đấng Ky Tô”


“Mô Rô Ni 7:1–19: ‘Tìm Kiếm Một Cách Cần Mẫn trong Ánh Sáng của Đấng Ky Tô’”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)

“Mô Rô Ni 7:1–19”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Mô Rô Ni 7:1–19

“Tìm Kiếm Một Cách Cần Mẫn trong Ánh Sáng của Đấng Ky Tô”

đám đông lắng nghe Đấng Ky Tô

Đôi khi thật khó biết được điều gì là đúng và điều gì là không đúng. Tuy nhiên, Thượng Đế đã ban cho chúng ta sự giúp đỡ. Dùng những lời của cha mình, Mô Rô Ni đã khuyến khích chúng ta sử dụng Ánh Sáng của Đấng Ky Tô để phân biệt điều đúng với điều sai. Bài học này có thể giúp em trông cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô để xét đoán giữa điều thiện và điều ác.

Hãy khuyến khích học viên suy nghĩ kỹ về các nguyên tắc phúc âm. Việc nghiên cứu kỹ thánh thư có thể soi dẫn cho học viên nhớ lại xem các nguyên tắc phúc âm đã ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của các em. Hãy mời học viên nhớ lại những kinh nghiệm trong quá khứ mà đã giúp các em đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để sẵn sàng chia sẻ xem niềm tin của các em nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã ảnh hưởng như thế nào đến những lựa chọn của các em.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Hình vuông nào sáng hơn?

Hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách trưng ra hình ảnh sau đây. Hãy mời học viên nhìn vào hai hình vuông màu xám và nói cho người bạn cùng cặp biết hình vuông nào sáng hơn.

ảo ảnh quang học với các hình vuông màu xám trên các đường trắng và đen

Em có ngạc nhiên khi biết rằng cả hai hình vuông màu xám đều có cùng sắc độ không? Bộ não của em nhận thấy hai hình vuông màu xám có sắc độ khác nhau là do màu sáng hoặc tối xung quanh các hình đó.

Thay vì đọc đoạn sau đây, hãy cân nhắc mời học viên đọc Ê Sai 5:20 và yêu cầu các em so sánh ảo ảnh của các hình vuông với lời tiên tri của Ê Sai về thời kỳ của chúng ta.

Giống như ảo ảnh này, có thể có những tình huống khó để chúng ta đưa ra đánh giá chính xác. Ê Sai tiên tri rằng trong những ngày sau cùng, một số người sẽ “gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối” (Ê Sai 5:20; xin xem thêm 2 Nê Phi 15:20).

Để giúp học viên suy nghĩ về việc các em nhìn thấy lời tiên tri của Ê Sai đã được ứng nghiệm như thế nào trong thời kỳ của chúng ta, thì hãy cân nhắc thảo luận một hoặc nhiều câu hỏi này với học viên.

  • Em đã thấy một ví dụ nào cho thấy có những người trong thời kỳ chúng ta “gọi dữ là lành, và gọi lành là dữ”?

  • Điều gì làm cho một người khó để nhìn thấy lẽ thật một cách dễ dàng hoặc rõ ràng?

Hãy mời học viên im lặng suy ngẫm câu trả lời của các em cho các câu hỏi sau đây.

  • Làm thế nào em xác định được điều gì đó là đúng hay sai?

  • Em tự tin đến mức nào rằng mình có thể phân biệt điều thiện với điều ác? Tại sao?

Hãy nghĩ về một điều gì đó mà em muốn phân biệt rõ ràng hơn điều đó là tốt hay xấu. Ví dụ, người nào đó có thể nghĩ rằng lựa chọn âm nhạc của họ là tốt, nhưng cha mẹ của họ có thể không đồng ý. Ai mới đúng? Các ví dụ khác có thể là quyết định nên đưa ra lập trường nào về một vấn đề xã hội, chọn ai làm bạn, tham gia vào một sở thích, v.v.

Khi em học bài hôm nay, hãy tìm kiếm những điều có thể giúp em biết liệu điều gì đó có tốt hay không.

Sự khác biệt giữa điều thiện và điều ác

Giống như Ê Sai, Mô Rô Ni cũng đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta (xin xem Mặc Môn 8:35). Ông đã cho thấy sự giúp đỡ dành cho chúng ta trong Sách Mặc Môn. Sau khi giảng dạy về tầm quan trọng của việc làm những việc tốt với ý định chân thật (xin xem Mô Rô Ni 7:1–11), ông đã ghi lại những lời mà cha của ông, Mặc Môn, đã dạy các tín hữu Giáo Hội về cách xét đoán giữa điều thiện và điều ác.

Hãy đọc Mô Rô Ni 7:12–17 và cân nhắc đánh dấu những điều em tìm thấy cho mỗi gợi ý dưới đây:

  1. Làm thế nào chúng ta có thể biết được điều gì đó có tốt hay không

  2. Làm thế nào chúng ta có thể biết được điều gì đó có xấu xa hay không

  3. Điều mà Đấng Cứu Rỗi làm để giúp chúng ta

Nếu anh chị em cảm thấy sẽ hiệu quả hơn, thì hãy viết ba gợi ý ở trên lên trên bảng và mời học viên viết những cụm từ thích hợp mà các em đã phát hiện ra bên dưới mỗi gợi ý.

  • Dựa trên điều mà các em đã tìm thấy trong những câu này, các em sẽ tóm tắt các nguyên tắc đã được thảo luận như thế nào?

Từ Mô Rô Ni 7:12–17, chúng ta có thể khám phá ra rằng tất cả những gì thuộc về Thượng Đế đều mời gọi chúng ta làm điều thiện, tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, yêu thương và phục vụ Thượng Đế. Trái lại, điều tà ác thuyết phục chúng ta phạm tội, chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô hoặc chống lại Thượng Đế.

Học viên có thể thực hiện sinh hoạt sau đây một mình, theo nhóm nhỏ hoặc cùng với cả lớp.

Để giúp em hiểu những lời dạy của Mặc Môn, hãy giả sử có một người tin rằng âm nhạc mà họ nghe và cách họ sử dụng điện thoại và công nghệ khác là tốt, nhưng cha mẹ hoặc các lãnh đạo của họ không đồng tình.

  • Dựa trên những lẽ thật mà em đã xác định, người này có thể tự hỏi mình điều gì để khám phá xem việc sử dụng âm nhạc và công nghệ của họ có tốt hay không?

Hãy lắng nghe kỹ những câu trả lời của học viên và cân nhắc viết những câu trả lời đó lên trên bảng. Nếu học viên không đề cập đến, thì hãy cân nhắc sử dụng các ví dụ sau đây:

  • Việc nghe bản nhạc này hoặc cách tôi sử dụng điện thoại và công nghệ có đang …

    • … làm cho tâm trí của tôi đầy dẫy những suy nghĩ để làm điều thiện hay điều sai phạmi?

    • … khuyến khích tôi làm những điều mà một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ làm hay không làm?

    • … giúp tôi yêu những điều thuộc về Thượng Đế hay không?

Hãy lưu ý rằng em có thể cần phải suy ngẫm về một số nghệ sĩ hoặc bài hát nhất định, cũng như một số ứng dụng, trò chơi hoặc phương tiện truyền thông nhất định. Ngoài ra, lượng thời gian mà em dành cho một sinh hoạt có thể là một yếu tố quan trọng cần xem xét.

Ánh sáng để giúp em nhìn thấy

Em có thể đã nhận thấy rằng trong một số tình huống, có thể khó để đánh giá giữa đúng và sai.

Cân nhắc giúp học viên trải nghiệm những điều các em được yêu cầu tưởng tượng trong đoạn sau đây.

Có thể thực hiện điều này bằng cách tắt đèn và yêu cầu học viên cố gắng mô tả một bức tranh hoặc đọc một cái gì đó. Sau đó, bật đèn lên và mời các em mô tả hoặc đọc lại.

Với hình ảnh này trong tâm trí, hãy lưu ý các cụm từ trong câu 16 cho thấy cách Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta.

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để giúp em hiểu được Ánh Sáng của Đấng Ky Tô:

Mỗi một người con của Cha Thiên Thượng sinh ra trên thế gian đều được ban cho Ánh Sáng của Đấng Ky Tô với tính cách là ân tứ được cho không. Các em cảm thấy được điều đó. Đó là cảm giác về một điều gì là đúng và một điều gì là sai, một điều gì là chân chính và một điều gì là dối trá. Điều đó ở với các em kể từ khi cuộc hành trình của các em trong đời bắt đầu. …

… Các em [đưa ra những sự] chọn lựa hằng ngày và hầu như mỗi giờ mà có thể giữ cho các em bước đi trong sự sáng hoặc xa lánh bóng tối. (Henry B. Eyring, “Bước Đi trong Sự Sáng”, Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 123–124)

  • Em đã học được điều gì về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô?

Để biết thêm thông tin về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ánh Sáng của Đấng Ky Tô”, topics.ChurchofJesusChrist.org.

Hãy đọc Mô Rô Ni 7:18–19, tìm kiếm lời khuyên khác mà Mặc Môn đã đưa ra về cách xét đoán giữa điều thiện và điều ác.

  • Em nghĩ “tìm kiếm một cách cần mẫn trong ánh sáng của Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì?

    Hãy lắng nghe kỹ những câu trả lời của học viên. Học viên có thể đề cập đến việc lặng lẽ suy ngẫm, suy nghĩ về các quyết định và lắng nghe lương tâm hoặc tiếng nói nội tâm của chúng ta. Một ý tưởng khác là suy nghĩ về điều sẽ đưa chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Nếu hữu ích, thì hãy cân nhắc đặt ra một số câu hỏi sau đây:

  • Tấm gương và những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi có thể giống như một ánh sáng để giúp chúng ta đánh giá chính xác giữa điều đúng và điều sai ngày nay như thế nào?

  • Có một số cách nào khác mà chúng ta có thể nghe những lời của Ngài và cảm nhận được ảnh hưởng của Ngài hướng dẫn chúng ta?

Cũng có thể là hữu ích khi hỏi: “Khi nào các em đã có thể nhận ra điều gì đó là điều thiện hay điều ác nhờ ánh sáng của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của mình?”

Áp dụng những điều em đã học được

Hãy nhớ lại tình huống mà em đã nghĩ đến trước đó khi được yêu cầu nghĩ về một điều gì đó em muốn phân biệt rõ hơn là điều tốt đẹp hay không. Hãy dành một vài phút để thành tâm suy ngẫm về cách em có thể sử dụng các nguyên tắc đã học được ngày hôm nay để xác định xem điều đó đúng hay sai. Hãy cố gắng tìm kiếm một cách cần mẫn trong Ánh Sáng của Đấng Ky Tô khi em suy ngẫm về tình huống này. Hãy ghi lại những suy nghĩ của em trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Anh chị em có thể sử dụng những câu hỏi sau đây để kết thúc bài học với một cuộc thảo luận về những điều mà học viên đã học được.

  • Điều gì em đã học được ngày hôm nay có thể giúp em cải thiện khả năng của mình để lựa chọn giữa điều đúng và điều sai?

  • Em thấy có hai hoặc ba lĩnh vực nào trong cuộc sống mà cần phải phân biệt được giữa điều thiện với điều ác? Tại sao?