Lớp Giáo Lý
Mô Rô Ni 7:44–48: “Tình Thương Yêu Thanh Khiết của Đấng Ky Tô”


“Mô Rô Ni 7:44–48: ‘Tình Thương Yêu Thanh Khiết của Đấng Ky Tô’”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)

“Mô Rô Ni 7:44–48”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Mô Rô Ni 7:44–48

“Tình Thương Yêu Thanh Khiết của Đấng Ky Tô”

Đấng Cứu Rỗi ôm một đứa trẻ

Hãy nghĩ về những lần mà em cảm nhận được tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô. Tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô đã tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc sống của em? Mô Rô Ni đã ghi lại phần kết luận của bài thuyết giảng do cha của ông là Mặc Môn đưa ra trong một nhà hội nhiều năm trước đó. Ông đã dạy cách để “nắm vững được mọi điều tốt lành” (Mô Rô Ni 7:20, 25), đặc biệt là lòng bác ái, “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:47). Bài học này nhằm giúp em hiểu và tìm kiếm lòng bác ái trong cuộc sống của mình.

Tìm kiếm ân tứ về lòng bác ái. Mặc Môn dạy rằng chúng ta có thể nhận được một cách trọn vẹn hơn ân tứ về lòng bác ái bằng cách chân thành cầu xin ân tứ đó (xin xem Mô Rô Ni 7:48). Hãy cầu xin Cha Thiên Thượng làm tràn đầy lòng anh chị em với lòng bác ái dành cho học viên của anh chị em. Những nỗ lực trung tín của anh chị em để phát triển lòng trắc ẩn và sự hiểu biết có thể giúp học viên của anh chị em cảm nhận được tình thương yêu thanh khiết của Đấng Cứu Rỗi.

Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên nghĩ đến những ví dụ khi Đấng Cứu Rỗi cho thấy tình thương yêu, cũng như những ví dụ ngày nay về tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tình thương yêu giống như Đấng Ky Tô

Nếu có thể, hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách cho học viên xem hoặc đọc ít nhất một trong số những câu chuyện sau đây về một người nào đó đang tìm đến giúp đỡ trong tình thương yêu. Hãy mời học viên suy ngẫm xem tình thương yêu giống như Đấng Ky Tô có thể tạo ra sự khác biệt nào.

Hãy cân nhắc mời học viên tự đánh giá cách các em đang phát triển lòng bác ái. Sinh hoạt sau đây là một cách để các em có thể làm điều này.

Cả Mặc Môn và Sứ Đồ Phao Lô đều dạy rằng việc phát triển tình thương yêu giống như Đấng Ky Tô là điều cần thiết cho sự tiến triển của chúng ta (xin xem Mô Rô Ni 7:44; 1 Cô Rinh Tô 13:2). Để giúp em đánh giá mức độ em đang phát triển tình thương yêu giống như Đấng Ky Tô, hãy suy nghĩ xem các câu sau đây đúng với em như thế nào trên thang điểm từ 1 đến 5 (1 = không bao giờ đúng; 5 = luôn luôn đúng):

  • Tôi cố gắng giúp đỡ và phục vụ những người khác, đặc biệt là khi họ đang gặp khó khăn hoặc nản lòng.

  • Tôi cố gắng tử tế, kiên nhẫn và tha thứ cho những người khác, ngay cả khi khó để hòa hợp với họ.

  • Khi thích hợp, tôi nói với những người khác rằng tôi yêu thương họ và quan tâm đến họ.

Khi em nghiên cứu Mô Rô Ni 7, hãy cầu xin Chúa giúp em hiểu và tìm kiếm lòng bác ái.

Bài giảng của Mặc Môn về lòng bác ái

Gần cuối biên sử của mình, Mô Rô Ni đưa vào một bài thuyết giảng do cha của ông là Mặc Môn đã đưa ra cho “những tín đồ hiền hòa của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:3). Mặc Môn đã dạy các nguyên tắc về tình thương yêu mà, nếu được nghe theo thì có thể đã ngăn chặn sự hủy diệt của dân Nê Phi. Những lời dạy này hẳn cũng liên quan đến Mô Rô Ni, người đã chứng kiến dân Nê Phi bị dân La Man hủy diệt tàn bạo và phải lang thang một mình trong nhiều năm.

Hãy đọc Mô Rô Ni 7:47 và đánh dấu cụm từ mô tả tình yêu thương mà Mặc Môn đã dạy.

Hãy cân nhắc viết lẽ thật này lên trên bảng: Lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.

Chúa Giê Su Ky Tô nêu gương toàn hảo cho chúng ta về cách yêu thương những người khác. Hãy đọc Mô Rô Ni 7:45–48, tìm kiếm các cụm từ (1) mô tả thêm về lòng bác ái, hoặc cách yêu thương như Đấng Cứu Rỗi, và (2) gia tăng mong muốn phát triển lòng bác ái trong cuộc sống của em.

Mô Rô Ni 7:45–48 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách riêng biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Trong bài học tiếp theo, em sẽ có cơ hội thực hành áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn này vào một câu hỏi hoặc một tình huống.

Để thêm sự đa dạng và ý nghĩa cho sinh hoạt này, thì anh chị em có thể đặt một bức hình về Đấng Cứu Rỗi lên trên bảng. Xung quanh bức hình, hãy viết các cụm từ mà học viên tìm thấy. Nếu hữu ích, hãy giúp học viên hiểu được các thông tin sau.

Những định nghĩa sau đây có thể hữu ích:

  • “nhịn nhục lâu dài” = kiên nhẫn chịu đựng thử thách

  • “không ganh tỵ” = không ghen tỵ với người khác

  • “không cao ngạo” = khiêm tốn

  • “không tìm lợi lộc cho cá nhân mình” = đặt Thượng Đế và nhu cầu của người khác lên trên bản thân

  • “không dễ bị khiêu khích” = không dễ nổi giận

  • “tin tưởng mọi sự” = chấp nhận mọi lẽ thật

Hãy cân nhắc đánh dấu từ cụm từ “lòng bác ái không bao giờ hư mất” trong câu 46 cho đến cụm từ “nó bền bỉ mãi mãi” trong câu 47. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Cuộc sống có những nỗi sợ hãi và thất bại. Đôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ. Đôi khi người khác làm chúng ta thất vọng, hoặc nền kinh tế, doanh nghiệp hoặc chính phủ làm chúng ta thất vọng. Nhưng có một điều trong thời tại thế và thời vĩnh cửu không làm chúng ta thất vọng—đó là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô. (Jeffrey R. Holland, Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [năm 1997], trang 337)

  • Em nghĩ tại sao tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng?

  • Tình thương yêu của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta như thế nào theo những cách mà không điều gì khác có thể làm được?

Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã dạy về lòng bác ái một cách chi tiết. Nếu có thể, hãy xem “Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất”, có sẵn trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 15:05 đến 17:22. Hoặc hãy đọc bài nói chuyện, bắt đầu với “tôi nghĩ đến lòng bác ái” và kết thúc với “không để cho bị thúc đẩy để phân biệt những người khác” (“Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất”, Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 124). Hãy tìm kiếm những cụm từ khác mà Chủ Tịch Monson đã sử dụng để mô tả tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.

19:49

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã nghe hoặc đọc được và viết thêm các cụm từ hoặc từ then chốt xung quanh bức hình về Đấng Cứu Rỗi.

Những câu hỏi của em về lòng bác ái

Em có những câu hỏi nào về lòng bác ái là gì hoặc làm thế nào để được tràn đầy tình thương yêu này?

Hãy cân nhắc viết những câu hỏi của học viên lên trên bảng.

Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để biết học viên nên thực hiện sinh hoạt sau đây một mình hay theo nhóm nhỏ.

Để giúp trả lời những câu hỏi của em, hãy làm những điều sau đây:

  1. Hãy nghiên cứu những lời dạy sau đây của Đấng Cứu Rỗi về tình thương yêu hoặc lòng bác ái: Ma Thi Ơ 5:43–44; Ma Thi Ơ 22:37–40; Giăng 15:12.

  2. Hãy nghĩ về một câu chuyện trong thánh thư khi Đấng Cứu Rỗi cho thấy lòng bác ái. Hãy tìm và đọc ví dụ mà em đã nghĩ đến hoặc sử dụng một trong các câu sau:

    1. Đấng Cứu Rỗi đã ngồi ăn chung với những người thâu thuế và kẻ tội lỗi (xin xem Ma Thi Ơ 9:10–13). (Người thâu thuế đi thu thuế cho Rô Ma là quốc gia đã chinh phục Y Sơ Ra Ên vào thời điểm đó.)

    2. Đấng Cứu Rỗi đã giải cứu và dạy cho một người đàn bà đã bị bắt vì phạm tội tà dâm (xin xem Giăng 8:1–11).

    3. Đấng Cứu Rỗi đã chịu đau đớn, chuộc tội và chịu chết cho toàn thể nhân loại (xin xem Lu Ca 22:41–44; 23:33–34; 1 Nê Phi 19:9; Giáo Lý và Giao Ước 19:16–19).

    4. Đấng Cứu Rỗi đã chữa lành và ban phước cho dân chúng ở Châu Mỹ (xin xem 3 Nê Phi 17:5–12, 21–24).

  3. Hãy nghĩ về những kinh nghiệm khi em đã cảm nhận được tình thương yêu thanh khiết mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho em hoặc khi em cảm thấy lòng bác ái đối với người khác.

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã học được hoặc nhớ được và cách mà điều đó có thể giúp trả lời các câu hỏi của các em.

Làm thế nào để có được lòng bác ái và cho thấy tình thương đó

Hãy cân nhắc đánh dấu lời khuyên nhủ của Mặc Môn “hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này” (Mô Rô Ni 7:48).

  • Em nghĩ rằng việc cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng có thể giúp chúng ta tràn đầy lòng bác ái như thế nào?

Có thể là hữu ích khi chỉ ra cho học viên rằng lòng bác ái là một ân tứ thiêng liêng đến từ Cha Thiên Thượng để giúp chúng ta trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Chúng ta có thể cố gắng hết sức để noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng cuối cùng thì ân tứ về lòng bác ái đến từ Cha Thiên Thượng qua Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử của Ngài.

Hãy giúp học viên tạo ra một tình huống thực tế, trong đó cách phản ứng của một thiếu niên có thể chứng minh rằng em ấy có tràn đầy lòng bác ái hay không. Hãy yêu cầu học viên thảo luận những câu hỏi sau đây.

  • Theo những điều em đã học được từ Mô Rô Ni 7:45, 47–48 và tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, em có thể cho thấy tình thương yêu giống như Đấng Ky Tô trong tình huống này như thế nào?

  • Làm thế nào mà lời cầu nguyện chân thành có thể giúp em phản ứng với tình yêu thương trong tình huống này?

  • Em có thể gặp phải những thử thách nào khi cố gắng áp dụng những điều mình đã học được? Em có thể hành động trong đức tin như thế nào ngay cả với những thử thách này?

Hãy dành một chút thời gian để viết ra những điều em muốn làm để hiểu rõ hơn và phát triển thuộc tính bác ái.