Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 11–17 tháng Tư. Lễ Phục Sinh: “Ngài Đã Nuốt Sự Chết Đến Đời Đời”


“Ngày 11–17 tháng Tư. Lễ Phục Sinh: ‘Ngài Đã Nuốt Sự Chết Đến Đời Đời,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 11–17 tháng Tư. Lễ Phục Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022

ngôi mộ với hòn đá đã được lăn ra khỏi cửa

Tranh vẽ ngôi mộ trống do Maryna Kriuchenko minh họa

Ngày 11–17 tháng Tư

Lễ Phục Sinh

“Ngài Đã Nuốt Sự Chết Đến Đời Đời”

Khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy, hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể giúp các trẻ em đạt được một sự hiểu biết và chứng ngôn sâu sắc hơn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Hỏi các em xem gia đình chúng thường làm gì để kỷ niệm Lễ Phục Sinh. Họ làm gì để tưởng nhớ đến Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô?

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của tôi.

Ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh là một dịp tốt để giảng dạy cho các trẻ em về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi trong vườn Ghết Sê Ma Nê và cái chết của Ngài trên thập tự giá. Điều này có thể giúp các em cảm nhận được tình thương yêu của Chúa Giê Su dành cho chúng.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy cho thấy các bức hình của Đấng Cứu Rỗi từ đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình hoặc các bức hình khác về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số. 56, 57, 58), và để cho các em chia sẻ với anh chị em điều chúng biết về các sự kiện được mô tả trong hình. Kể cho các em nghe về việc Chúa Giê Su chịu đau đớn trong vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá (xin xem Ma Thi Ơ 26:36–46; 27:35–50; Lu Ca 22:39–46; Giăng 19:16–30; “Chương 51: Chúa Giê Su Chịu Đau Đớn trong Vườn Ghết Sê Ma Nê,” trong Các Câu Chuyện Trong Kinh Tân Ước, trang 129–32). Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng Chúa Giê Su đã sẵn lòng chịu đau đớn và chết cho chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Mời các em chia sẻ cảm nghĩ của chúng về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Hãy đọc cho các em nghe Giăng 10:9 và nhấn mạnh những lời của Chúa Giê Su: “Ta là cái cửa.” Bởi vì Chúa Giê Su đã chịu đau đớn cho tội lỗi của chúng ta, đã chết và đã được phục sinh, Ngài giúp cho mỗi người chúng ta có thể sống với Thượng Đế một lần nữa. Hãy sử dụng cánh cửa trong lớp học của anh chị em để dạy rằng Chúa Giê Su cũng giống như một khung cửa để cho phép chúng ta trở về cùng Cha Thiên Thượng.

  • Hãy đọc cho các em nghe Ê Sai 53:6, và cho chúng thấy một bức hình hoặc tranh vẽ một con cừu. Hãy để một em đặt bức hình vào một góc xa của căn phòng. Giải thích rằng khi chúng ta đưa ra những lựa chọn sai lầm, thì chúng ta đang lang thang xa rời khỏi Cha Thiên Thượng giống như một con chiên đi lạc lối. Sau đó mời một em mang bức hình con cừu quay trở lại, và làm chứng rằng bởi vì Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau đớn và chết cho chúng ta, Ngài có thể mang chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng. (Anh chị em có thể cho thấy một bức hình của Chúa Giê Su với tư cách là một người chăn chiên, chẳng hạn như hình số 64 trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm.)

  • Cùng hát với các em một bài hát về Chúa Giê Su Ky Tô, chẳng hạn như “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 12). Hãy giúp các em chú ý đến bất kỳ cảm giác bình an và yêu thương nào mà chúng có trong khi hát. Đồng thời hãy chỉ ra những từ trong bài hát mà mô tả tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Làm cách nào chúng ta có thể chia sẻ tình yêu thương của Ngài với người khác?

Chúa Giê Su đã chết và được phục sinh vì lợi ích của tôi.

Làm cách nào anh chị em có thể giúp các trẻ em hiểu rằng nhờ Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta và những người thân yêu của mình một ngày nào đó sẽ được phục sinh?

Đấng Ky Tô trên thập tự giá

Grey Day Golgotha (Ngày Buồn Thảm ở Đồi Sọ), tranh do J. Kirk Richards họa

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy kể cho các em nghe về cái chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su (xin xem Mác 15–16). Hãy sử dụng các bức hình trong đại cương của tuần này, các bức hình số 57–60 trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm, hoặc “Chương 54: Chúa Giê Su Phục Sinh” trong Các Câu Chuyện Trong Kinh Tân Ước (các trang 139–44) để giúp các em hình dung ra câu chuyện.

  • Hãy giúp các em hiểu rằng sự phục sinh có nghĩa là sau khi chúng ta chết, chúng ta sẽ sống lại vĩnh viễn với một cơ thể hoàn hảo và sẽ không bao giờ chết nữa. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về Sự Phục Sinh, và để cho các em hoàn thành trang sinh hoạt của tuần này. Mời các em sử dụng nó để chia sẻ với gia đình chúng câu chuyện về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su.

  • Đọc cho các em nghe An Ma 40:23. Cho chúng thấy bàn tay của anh chị em trong một cái găng tay. Nói với chúng rằng bàn tay của anh chị em cũng giống như một linh hồn và cái găng tay cũng giống như một thể xác. Tháo găng tay ra để cho thấy rằng khi chúng ta chết, linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể chúng ta. Đeo găng tay vào lại để tượng trưng cho Sự Phục Sinh.

  • Cùng nhau hát một bài hát về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, chẳng hạn như “Ngài Phục Sinh” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 55). Hãy chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ sống lại một lần nữa và có được một thể xác hoàn hảo sau khi chết.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau đớn cho tôi.

Khi anh chị em nghiên cứu về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, hãy suy ngẫm về cách mà anh chị em có thể giúp các trẻ em hiểu xem Đấng Cứu Rỗi có thể ban phước và củng cố chúng như thế nào.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Chia các trẻ em ra thành ba nhóm, và cho mỗi nhóm một trong các đoạn thánh thư sau đây: Ê Sai 53:4–12; An Ma 7:11–13; và Giáo Lý và Giao Ước 19:16–19. Mời các em tìm kiếm những từ và cụm từ mà miêu tả những điều mà Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau đớn cho chúng ta. Mời các em viết những câu trả lời của chúng lên trên bảng và chia sẻ cảm nghĩ của chúng về Đấng Cứu Rỗi sau khi đã đọc những đoạn thánh thư này.

  • Hãy chuẩn bị nhiều mẩu giấy. Trên một nửa trong số các mẩu giấy, hãy viết các câu thánh thư tham khảo của Kinh Cựu Ước về những lời tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô. Trên nửa còn lại, hãy viết các câu thánh thư tham khảo tương ứng trong Kinh Tân Ước về cách mà những lời tiên tri này đã được ứng nghiệm. (Đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình có liệt kê một số ví dụ.) Giúp các trẻ em đọc các câu thánh thư đó và ghép các lời tiên tri sao cho tương xứng với sự ứng nghiệm của những lời tiên tri ấy.

  • Giúp các trẻ em ghi nhớ tín điều thứ ba. Câu thánh thư này dạy chúng ta điều gì về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch của Cha Thiên Thượng cho con cái của Ngài?

  • Hỏi các em xem chúng sẽ miêu tả Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cho một người nào đó như thế nào. Khuyến khích các em sử dụng thánh thư, thánh ca, hoặc hình ảnh để bày tỏ ý nghĩa của sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi đối với chúng. Chúng ta được ban phước như thế nào nhờ có Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi?

Chúa Giê Su đã chết và được phục sinh vì lợi ích của tôi.

Sự thật về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô có thể mang đến cho chúng ta niềm hy vọng và niềm vui lớn lao—đặc biệt là khi chúng ta trải qua việc mất đi một người thân. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các em tìm được niềm an ủi qua Sự Phục Sinh?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy trưng bày các bức hình số 57–59 trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm. Yêu cầu các em xếp các bức hình sao cho tương ứng với các đoạn thánh thư sau đây: Ma Thi Ơ 27:29–38; Ma Thi Ơ 27:59–60; và Giăng 20:10–18. Sau đó hãy mời các em kể lại câu chuyện về cái chết, sự chôn cất, và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su bằng lời riêng của mình.

  • Hãy cùng đọc Gióp 14:14 với các em. Mời các em chia sẻ cách chúng sẽ trả lời câu hỏi của Gióp. Giúp các em tìm những câu thánh thư mà làm chứng về Sự Phục Sinh (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Phục Sinh,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

  • Hãy cùng đọc Môi Se 1:39 với các em. Hỏi xem chúng có biết sự khác biệt giữa “sự bất diệt” và “cuộc sống vĩnh cửu” không. Ai sẽ nhận được sự bất diệt? Điều gì được đòi hỏi để nhận được cuộc sống vĩnh cửu? Hãy làm chứng rằng cả hai ân tứ quí báu này có được là nhờ có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Hãy cùng nhau hát một bài hát về Lễ Phục Sinh, chẳng hạn như “Ngày Nay Chúa Phục Sinh” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 54) hoặc “Ngài Phục Sinh” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 55). Mời các em chia sẻ cảm nghĩ của chúng khi hát những bài hát này. Những bài hát này dạy chúng ta điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô? Mời các em viết xuống chứng ngôn của chúng về Đấng Cứu Rỗi để chia sẻ ở nhà với gia đình của mình.

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Để giúp các em chia sẻ với gia đình chúng về điều chúng học được trong lớp, hãy khuyến khích chúng hát một bài hát ở nhà trong tuần này về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Trẻ em có thể nhận biết ảnh hưởng của Thánh Linh. Hãy dạy cho các trẻ em rằng những cảm nhận chúng có được khi thảo luận hoặc hát về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài đến từ Đức Thánh Linh và rằng những cảm nhận này có thể xây đắp chứng ngôn của chúng.