Lớp Giáo Lý
Bài Học 47: Giáo Lý và Giao Ước 30–36, Phần 1: “Rao Truyền Phúc Âm của Ta”


“Giáo Lý và Giao Ước 30–36, Phần 1: ‘Rao Truyền Phúc Âm của Ta’”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Giáo Lý và Giao Ước 30–36, Phần 1”, Sách Hướng Dẫn Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 47: Giáo Lý và Giao Ước 30–36

Giáo Lý và Giao Ước 30–36, Phần 1

“Rao Truyền Phúc Âm của Ta”

những người truyền giáo thuyết giảng Phúc Âm

Chỉ một vài tháng sau khi Giáo Hội được tổ chức chính thức, Đấng Cứu Rỗi đã chỉ thị cho một số tín hữu mới để đi phục vụ công việc truyền giáo. Dù cho họ chỉ mới chấp nhận và sự hiểu biết còn hạn chế về phúc âm phục hồi, Chúa đã kêu gọi những người này rao truyền phúc âm của Ngài với “tiếng vang của kèn đồng” (Giáo Lý và Giao Ước 30:9). Bài học này có thể giúp học viên hiểu một số lý do của Đấng Cứu Rỗi khi truyền lệnh cho chúng ta thuyết giảng phúc âm của Ngài.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Đây là bài đầu tiên trong hai bài học đề cập đến Giáo Lý và Giao Ước 30–36. Phần 1 sẽ tập trung vào những lý do mà Chúa muốn chúng ta chia sẻ phúc âm của Ngài, và phần 2 sẽ tập trung vào sự giúp đỡ mà Ngài cung ứng cho chúng ta và cách chúng ta có thể thuyết giảng cho những người khác. Nếu thời gian trên lớp bị hạn chế và chỉ có thể dạy một bài học về Giáo Lý và Giao Ước 30–36, thì hãy cân nhắc cách kết hợp hai bài học này một cách hiệu quả.

Nhiệm vụ của chúng ta là thuyết giảng phúc âm

Hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách trưng ra một thư kêu gọi truyền giáo gần đây và đọc to lên. Hãy mời học viên chia sẻ cảm nghĩ của các em về những điều thú vị và có lẽ liên quan đến các em khi nghĩ đến việc phục vụ một công việc truyền giáo.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã chia sẻ lời khuyên bảo sau đây liên quan đến công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian:

5:34
Chủ Tịch Russell M. Nelson

Hôm nay, tôi tái khẳng định một cách mạnh mẽ rằng Chúa đã phán bảo mọi thanh niên xứng đáng, có khả năng, cần phải chuẩn bị và phục vụ truyền giáo. Đối với các thiếu niên Thánh Hữu Ngày Sau, công việc truyền giáo là một trách nhiệm của chức tư tế. …

Đối với các em là các thiếu nữ trẻ tuổi và có khả năng thì công việc truyền giáo cũng là một cơ hội mạnh mẽ, nhưng không bắt buộc. Chúng tôi yêu mến các chị em truyền giáo và nồng nhiệt chào đón họ. Những gì các em đóng góp cho công việc này thật là tuyệt vời! Hãy cầu nguyện để biết liệu Chúa có muốn các em phục vụ truyền giáo hay không, và Đức Thánh Linh sẽ đáp ứng cho tâm trí của các em.

Các bạn trẻ thân mến, mỗi em đều quan trọng đối với Chúa. Ngài đã giữ các em lại cho đến bây giờ để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Quyết định của các em để phục vụ truyền giáo, cho dù đó là công việc truyền giáo giảng đạo hay là truyền giáo phục vụ, thì cũng ban phước cho các em và nhiều người khác …

Tất cả những người truyền giáo đều giảng dạy và làm chứng về Đấng Cứu Rỗi. Bóng tối thuộc linh trên thế gian làm cho ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Mọi người đều xứng đáng có cơ hội để biết về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi người đều xứng đáng để được biết nơi nào họ có thể tìm thấy niềm hy vọng và sự bình an mà “[vượt quá] mọi sự hiểu biết” [Phi Líp 4:7]. (Russell M. Nelson, “Thuyết Giảng Phúc Âm về Sự Bình An”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 6–7)

  • Em có suy nghĩ hoặc cảm nghĩ gì về lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson?

  • Em thấy bằng chứng nào cho thấy ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô là cần thiết hơn bao giờ hết trên thế gian?

Hãy giải thích rằng việc thuyết giảng phúc âm của Đấng Cứu Rỗi không chỉ là một bổn phận của những người truyền giáo toàn thời gian mà còn là một trách nhiệm chung của tất cả các tín hữu của Giáo Hội. Hãy nói với học viên rằng bài học hôm nay sẽ tập trung vào những lời giảng dạy của Chúa về lý do tại sao chúng ta nên chia sẻ phúc âm của Ngài. Hãy cân nhắc chia sẻ những lời mời sau đây để giúp học viên chuẩn bị nghiên cứu bài học này.

Hãy suy ngẫm về những điều em đã biết về lý do tại sao Chúa kỳ vọng các tín đồ của Ngài thuyết giảng phúc âm, cho dù với tư cách là một người truyền giáo toàn thời gian hay trong các tương tác hằng ngày đi nữa. Em có thể viết những lý do này vào nhật ký ghi chép việc học tập. Trong khi học bài hôm nay, hãy tìm kiếm những lời dạy giúp em hiểu rõ hơn tại sao Chúa rất mong muốn các tín đồ của Ngài chia sẻ phúc âm của Ngài.

“Từ nay ngươi phải bắt đầu thuyết giảng”

Trước khi bắt đầu bài học, hãy trưng ra những cái tên sau đây trên bảng hoặc trên tường trong khắp phòng: Peter Whitmer Jr., John Whitmer, Thomas B. Marsh, Parley P. Pratt, Ziba Peterson, Ezra Thayer, Northrop Sweet, Orson Pratt, Sidney Rigdon và Edward Partridge. Hãy hỏi học viên xem liệu các em có nhận ra bất kỳ cái tên nào hay không. Hãy giải thích rằng tất cả những người này đều được Chúa kêu gọi để phục vụ truyền giáo và thuyết giảng phúc âm ngay sau khi Giáo Hội được tổ chức. Hãy chỉ ra rằng một số người trong số họ đã chịu phép báp têm chưa đầy một tháng trước khi họ được kêu gọi.

biểu tượng tài liệu phát taySinh hoạt nghiên cứu sau đây có thể giúp học viên hiểu một số lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta thuyết giảng phúc âm của Ngài. Cân nhắc chia học viên thành các nhóm và đưa cho mỗi học viên một tài liệu phát tay đi kèm. Mỗi nhóm có thể được chỉ định một trong các đoạn thánh thư để nghiên cứu.

Lời Khuyên Bảo của Chúa dành cho Những Người Truyền Giáo trong Giáo Lý và Giao Ước 30–36

Hãy nghiên cứu lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi dành cho các cá nhân được liệt kê dưới đây, và thảo luận về các câu hỏi tiếp theo.

Giáo Lý và Giao Ước 31:1–5 (Thomas B. Marsh)

  • Một số lẽ thật nào từ những câu thánh thư này có thể giúp em hiểu lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta chia sẻ phúc âm của Ngài?

  • Em nghĩ tại sao Chúa Giê Su Ky Tô gọi phúc âm của Ngài là “tin lành vui mừng lớn lao”? (câu 3). Phúc âm của Đấng Cứu Rỗi mang lại niềm vui cho em như thế nào?

Giáo Lý và Giao Ước 33:1–7, 10–12 (Ezra Thayer và Northrop Sweet)

  • Một số lẽ thật nào từ những câu thánh thư này có thể giúp em hiểu lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta chia sẻ phúc âm của Ngài?

  • Tại sao Chúa muốn phúc âm của Ngài được rao giảng bằng một tiếng nói lớn như “tiếng vang của kèn đồng”? (câu 2).

Giáo Lý và Giao Ước 34:1–7 (Orson Pratt)

  • Một số lẽ thật nào từ những câu thánh thư này có thể giúp em hiểu lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta chia sẻ phúc âm của Ngài?

  • Em nghĩ tại sao chúng ta “càng [được] phước thay” (câu 5) khi được kêu gọi để thuyết giảng phúc âm của Đấng Cứu Rỗi hơn là khi chúng ta chỉ tin vào phúc âm đó?

Giáo Lý và Giao Ước 35:1–3, 6–8, 12–13 (Sidney Rigdon)

  • Một số lẽ thật nào từ những câu thánh thư này có thể giúp em hiểu lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta chia sẻ phúc âm của Ngài?

  • Em nghĩ tại sao Chúa kêu gọi những “kẻ ít học” và thiếu kinh nghiệm để rao giảng phúc âm của Ngài cho “các quốc gia” trên thế gian? (câu 13).

Sau khi học viên đã học và thảo luận những câu này, hãy mời các em chia sẻ những điều đã học được. Một cách để thực hiện điều này có thể là viết cụm từ Những lý do mà Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta chia sẻ phúc âm của Ngài ở giữa bảng. Sau đó, nhiều học viên có thể lên bảng và viết những ý tưởng mà các em đã học được từ việc nghiên cứu của mình. Hãy khuyến khích học viên nghĩ ra càng nhiều lý do càng tốt. Sau đây là một vài ví dụ về câu trả lời mà các em có thể chia sẻ:

Sau khi học viên chia sẻ những lẽ thật mà các em đã học được, thì hãy cân nhắc đặt ra một vài câu hỏi như sau:

  • Làm thế nào mà việc biết những lẽ thật này có thể soi dẫn cho chúng ta chia sẻ phúc âm của Đấng Cứu Rỗi với người khác, cho dù với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian hay trong các tương tác hằng ngày của chúng ta?

  • Một số lý do nào quan trọng nhất khiến các em chia sẻ phúc âm của Đấng Cứu Rỗi?

Hãy làm chứng về những lẽ thật mà anh chị em đã thảo luận ngày hôm nay. Hãy khuyến khích học viên hành động theo những thúc giục các em đã nhận được. Hãy cân nhắc mời các em thành tâm suy ngẫm cách hưởng ứng lời khuyên bảo của Chủ Tịch Nelson về công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian.