Lớp Giáo Lý
Bài Học 156—Tuyên Ngôn Chính Thức 2: Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế


“Bài Học 156—Tuyên Ngôn Chính Thức 2: Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Tuyên Ngôn Chính Thức 2”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 156: Những Tín Điều và Tuyên Ngôn Chính Thức 1 và 2

Tuyên Ngôn Chính Thức 2

Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế

cặp vợ chồng đang mỉm cười

Khi phúc âm lan truyền khắp thế giới trong thế kỷ hai mươi, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã cầu nguyện để được hướng dẫn về chính sách không cho phép các tín hữu gốc Phi của Giáo Hội tiếp nhận chức tư tế. Nhiều Thánh Hữu đã chọn thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi họ đối mặt với những câu hỏi về chính sách này. Vào ngày 8 tháng Sáu năm 1978, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn loan báo một điều mặc khải bãi bỏ những hạn chế này. Bài học này có thể giúp học viên hành động với đức tin khi gặp những tình huống không rõ ràng hoặc các câu hỏi thuộc linh.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Những tấm gương về đức tin

Hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách mời học viên suy nghĩ về những người các em biết đã thực hành đức tin lớn lao nơi Chúa Giê Su Ky Tô trong một tình huống khó khăn. Sau đó giải thích rằng Anh Cả Helvécio Martins (1930–2005) thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi và vợ của ông là Rudá đã có lần đối mặt với một tình huống đòi hỏi đức tin lớn lao. Anh chị em hoặc một học viên có thể đọc đoạn sau đây cho cả lớp nghe.

Anh Cả Helvécio

Vào tháng Tư năm 1972, những người truyền giáo từ Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đến căn hộ của Helvécio và Rudá Martins ở Rio de Janeiro, Brazil. Gia đình Martins nhanh chóng nhận được một chứng ngôn về lẽ trung thực của sứ điệp của những người truyền giáo. Họ cũng biết về một chính sách của Giáo Hội không cho phép những người nam Da Đen gốc Phi được sắc phong chức tư tế. Helvécio và Rudá, là những người gốc Phi, đã đặt ra những câu hỏi cho những người truyền giáo (xin xem “Elder Helvécio Martins of the Seventy”, Ensign, tháng Năm năm 1990, trang 106; Mark Grover, The Autobiography of Elder Helvécio Martins [năm 1994], trang 43).

  • Các em có thể hỏi những người truyền giáo những câu hỏi nào nếu các em ở trong tình huống này?

  • Một người có thể có những phản ứng nào trước một tình huống như vậy?

Hãy mời học viên suy nghĩ về những tình huống không rõ ràng mà các em đang hoặc đã gặp trong cuộc sống của mình. Điều này có thể bao gồm các câu hỏi thuộc linh chưa được trả lời mà các em hiện có. Các em có thể viết về tình huống hoặc câu hỏi của mình vào nhật ký học tập. Hãy khuyến khích học viên chú ý đến những lời dạy hoặc những thúc giục của Thánh Linh mà có thể giúp các em trong hoàn cảnh của mình.

Hành động với đức tin

Để giúp học viên thấy cách gia đình Martins phản ứng với tình huống này, hãy cân nhắc mời một học viên đọc to các đoạn sau đây cho cả lớp nghe:

Sau khi biết về sự hạn chế về việc sắc phong chức tư tế, gia đình Martins đã chọn hành động với đức tin. Chẳng bao lâu, họ chịu phép báp têm và phục vụ trung tín trong Giáo Hội trong nhiều năm. Về sau Anh Cả Martins nhớ lại: “Chúng tôi đã tìm thấy lẽ thật, và không có điều gì có thể ngăn cản chúng tôi sống theo lẽ thật đó.”

Vào năm 1975, Giáo Hội loan báo rằng một đền thờ sẽ được xây cất ở São Paulo, Brazil. Anh Cả Martins nhớ lại: “Mặc dù không mong đợi được vào đền thờ, nhưng chúng tôi đã làm việc để xây cất đền thờ giống như các tín hữu khác. ‘Xét cho cùng, đó là nhà của Chúa.’ Chị Martins đã bán đồ trang sức của mình để giúp gây quỹ, và Anh Martins đã phục vụ trong ủy ban quảng bá” (trong “Elder Helvécio Martins of the Seventy”. Ensign, tháng Năm năm 1990, trang 106).

  • Các em thấy điều gì ấn tượng về phản ứng của gia đình Martins?

  • Các em nghĩ tại sao họ đã chọn hành động với đức tin trong tình huống này?

Nếu cần, hãy chỉ ra rằng thay vì tập trung vào điều mình không biết, gia đình Martins đã tập trung vào lẽ thật mà Thượng Đế đã mặc khải cho họ qua Đức Thánh Linh.

Cân nhắc mời học viên lập một bản liệt kê những lẽ thật mà các em biết về Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm mà có thể giúp các em tiến bước với đức tin khi gặp những câu hỏi hoặc tình huống không rõ ràng. Sau đó, mời các em chia sẻ điều các em đã viết và giải thích cách mà những lẽ thật đó có thể giúp các em tiến bước với đức tin.

Tuyên Ngôn Chính Thức 2

Để giúp học viên hiểu các hoàn cảnh liên quan đến sự hạn chế sắc phong chức tư tế và điều mặc khải đã bãi bỏ sự hạn chế đó, hãy mời các em tìm lời giới thiệu của Tuyên Ngôn Chính Thức 2 trong thánh thư của các em. Nếu cần, hãy cung cấp bản sao của lời giới thiệu cho những học viên có các ấn bản thánh thư cũ hơn.

Hãy đọc lời giới thiệu của Tuyên Ngôn Chính Thức 2, tìm kiếm thông tin bối cảnh liên quan đến bản tuyên ngôn này.

  • Theo các em thì điều gì từ đoạn này là quan trọng cần phải hiểu?

Giải thích rằng dòng “Hồ sơ Giáo Hội không cho thấy những sự hiểu biết rõ ràng nào về nguồn gốc của sự thực hành này” tượng trưng cho quan điểm chính thức của Giáo Hội về sự hạn chế sắc phong chức tư tế. Điều quan trọng là chúng ta không nên suy đoán về lý do sự hạn chế này được ban ra.

Anh chị em cũng có thể cân nhắc việc chỉ ra đoạn tham khảo 2 Nê Phi 26:33 trong câu đầu tiên của lời giới thiệu. Hãy cân nhắc mời học viên đọc câu này và chia sẻ những lẽ thật quan trọng cần ghi nhớ khi suy nghĩ về chính sách này.

Tuyên Ngôn Chính Thức 2 gồm có lời loan báo chính thức về sự mặc khải mà Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nhận được vào ngày 01 tháng Sáu năm 1978.

Thay vì cả lớp nghiên cứu Tuyên Ngôn Chính Thức 2, hãy cân nhắc mời học viên nghiên cứu Tuyên Ngôn Chính Thức 2 theo nhóm nhỏ. Nếu được, các em có thể sử dụng các nguồn tài liệu từ “The Long-Promised Day” (Liahona, tháng Sáu năm 2018, trang 34–37) để giúp các em hiểu rõ hơn một số lời phát biểu được đưa ra trong Tuyên Ngôn Chính Thức 2.

Đọc bốn đoạn dưới cụm từ “Các Anh Em thân mến” trong Tuyên Ngôn Chính Thức 2. Cân nhắc đánh dấu các từ hoặc cụm từ mà các em cảm thấy có ý nghĩa.

  • Các em thấy điều gì là nổi bật từ những điều các em đọc được?

  • Kinh nghiệm này giúp các em hiểu được hoặc cảm nhận được điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Tác động của sự mặc khải

Các thánh hữu Châu Phi chịu phép báp têm

Điều mặc khải này đã tác động mạnh đến những người nam và người nữ trên khắp thế giới. Ngay sau khi nó được tiếp nhận, những người truyền giáo đã được gửi đến Châu Phi. Kể từ đó, các đền thờ được xây cất trên lục địa đó và hàng trăm ngàn người gốc Phi trên khắp thế giới đã nhận được các giáo lễ phúc âm cho chính mình và cho tổ tiên đã qua đời của mình.

Giải thích rằng trong số những người được tác động bởi điều mặc khải này có Helvécio và Rudá Martins. Hãy cân nhắc việc mời một học viên đọc to các đoạn sau đây cho cả lớp nghe:

Sau khi biết về điều mặc khải cho phép chức tư tế được ban cho tất cả những người nam xứng đáng, Helvécio nhớ lại:

“Tôi không thể kìm nén cảm xúc của mình. Rudá và tôi đi vào phòng ngủ của chúng tôi, quỳ xuống và cầu nguyện. Chúng tôi khóc khi cảm tạ Cha Thiên Thượng về một sự kiện mà chúng tôi chỉ dám mơ ước mà thôi. Nó đã thật sự trở thành hiện thực, ngay trong cuộc sống trần thế của chúng tôi” (The Autobiography of Elder Helvécio Martins [1994], trang 69–70).

Không lâu sau sự mặc khải vào năm 1978, gia đình Martins đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Helvécio trở thành một lãnh đạo chức tư tế địa phương và cuối cùng được kêu gọi phục vụ với tư cách là một thành viên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi (xin xem “Elder Helvécio Martins of the Seventy”, trang 106).

  • Mọi việc có thể đã khác biệt ra sao đối với gia đình Martins nếu họ không chọn thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Các em đã học được gì từ tấm gương của gia đình Martins mà có thể giúp các em giải quyết những tình huống không rõ ràng hoặc những thắc mắc chưa được trả lời của mình?

    Là một phần của cuộc thảo luận, hãy cân nhắc việc viết lẽ thật sau đây lên bảng: Khi hành động theo đức tin trong những tình huống không rõ ràng, chúng ta tự chuẩn bị để tiếp nhận các phước lành của Chúa.

  • Các em có thể hành động với đức tin bằng một số cách nào khi gặp những tình huống không rõ ràng hoặc các câu hỏi thuộc linh?

    Nếu cần, học viên có thể ôn lại các đoạn 5–7 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023).

  • Chúa đã ban phước cho các em hoặc những người các em biết như thế nào nhờ hành động trong đức tin?

Hãy cân nhắc việc chia sẻ một ví dụ từ cuộc sống của anh chị em. Anh chị em cũng có thể cho xem video “Struggling with the History of Race and the Priesthood” (4:04), có sẵn trên ChurchofJesusChrist.org.

0:0

Ngoài ra, anh chị em có thể mời học viên tìm kiếm các ví dụ từ thánh thư cho thấy Chúa ban phước cho những người hành động trong đức tin. Ví dụ như người đàn bà góa ở thành Sa Rép Ta (1 Các Vua 17:8–24); gia đình của Lê Hi (1 Nê Phi 2:2–5; 17:1–3); và Tiên Tri Joseph Smith (Joseph Smith—Lịch Sử 1:8–17).

Lập một kế hoạch

Nhắc học viên về tình huống hoặc câu hỏi từ cuộc sống mà các em đã nghĩ đến ở đầu bài học. Sau đó, mời học viên trả lời những câu hỏi sau trong nhật ký học tập của các em:

  • Các em đã học hoặc cảm thấy điều gì hôm nay có thể giúp các em giải quyết những tình huống không rõ ràng hoặc câu hỏi thuộc linh của mình?

  • Các em sẽ làm điều gì cụ thể để thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô trong những tình huống này?