Thư Viện
Sự Cầu Nguyện


“Sự Cầu Nguyện,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

gia đình đang cầu nguyện

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Sự Cầu Nguyện

Sự giao tiếp chân thành và thành thật với Cha Thiên Thượng

Có lẽ anh chị em có thể nghĩ về những khoảnh khắc trong cuộc sống của mình khi anh chị em cần sự giúp đỡ hoặc hướng dẫn thiêng liêng. Có lẽ anh chị em đã mất một điều gì đó, có một câu hỏi quan trọng, hoặc trải qua một nhu cầu cấp bách để được giải cứu. Và đôi khi anh chị em có thể chỉ tìm kiếm sức mạnh hoặc sự can đảm để tiếp tục tiến bước. Cầu nguyện là hành động tìm đến Thượng Đế một cách chân thành và chia sẻ với Ngài những cảm nghĩ, ý nghĩ, và nhu cầu của anh chị em. Phép lạ của sự cầu nguyện là khi anh chị em tìm đến Cha Thiên Thượng, thì Ngài sẽ lắng nghe anh chị em (xin xem Giê Rê Mi 29:12–13). Bất kể anh chị em là ai, bất kể những lỗi lầm hoặc khuyết điểm của anh chị em là gì đi nữa thì Cha Thiên Thượng vẫn muốn anh chị em giao tiếp với Ngài qua sự cầu nguyện. Tình yêu thương trọn vẹn của Thượng Đế bảo đảm rằng anh chị em có thể thưa với Ngài bất cứ điều gì, và Ngài sẽ lắng nghe.

Sự Cầu Nguyện Là Gì?

Cầu nguyện là giao tiếp với Cha Thiên Thượng một cách chân thành và thành thật. Đó là một trong những phước lành lớn lao nhất mà Thượng Đế ban cho con cái của Ngài để tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng của Ngài mỗi ngày. Chúa Giê Su đã dạy: “Các ngươi phải luôn luôn cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong danh ta” (3 Nê Phi 18:19).

Khái quát về đề tài: Cầu Nguyện

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm liên quan: Thượng Đế Đức Chúa Cha, Thờ Phượng Thượng Đế Đức Chúa Cha, Sự Mặc Khải Cá Nhân, Nhịn Ăn, Sống Theo Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô

Tiết 1

Thượng Đế Mời Gọi Con Cái của Ngài Cầu Nguyện Luôn Luôn

người đàn ông đang lái xe

Chúa Giê Su Ky Tô dạy các tín đồ của Ngài phải cầu nguyện lên Thượng Đế Đức Chúa Cha (xin xem Ma Thi Ơ 6:5–13; 3 Nê Phi 17:11–20). Cha Thiên Thượng truyền lệnh cho chúng ta phải “cầu nguyện luôn luôn” (Giáo Lý và Giao Ước 19:38), vì Ngài yêu thương chúng ta và mong muốn ban phước cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta thiết lập một mẫu mực để tìm đến Ngài hằng ngày trong việc cầu nguyện. Ngài cũng muốn chúng ta tiếp tục cầu nguyện trong lòng mình suốt cả ngày (xin xem Mô Si A 24:11–12; 3 Nê Phi 20:1). Khi chúng ta cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 18:19; 19:6), chúng ta cho thấy đức tin của mình nơi Đấng Cứu Rỗi và sự sẵn lòng của mình để noi theo Ngài. Do đó, chúng ta gọi danh Chúa một cách tôn kính khi kết thúc một lời cầu nguyện: “trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.”

Bởi vì sự cầu nguyện là cách chúng ta tiếp cận Thượng Đế Đức Chúa Cha, nên chúng ta cố gắng sử dụng những lời cho thấy sự chân thành và tôn kính. Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã giải thích: “Tiên Tri Joseph Smith đã nói: ‘Thật là điều vô cùng tuyệt vời để cầu vấn từ bàn tay của Thượng Đế, hoặc bước vào nơi hiện diện của Ngài.’ … Lời lẽ đặc biệt của sự cầu nguyện nhắc nhở chúng ta về tính trọng đại của đặc ân đó.” Với tính thiêng liêng của lời cầu nguyện trong tâm trí, khi thích hợp, chúng ta nên sử dụng “các đại từ trong thánh thư khi chúng ta thưa chuyện cùng Thượng Đế—Ngài, Cha, và của Ngài, của Cha, thay vì những đại từ phổ biến hơn là ông, của ông.

Những điều để suy nghĩ

  • Chúa phán bảo cùng Joseph Smith: “Hãy cầu nguyện luôn luôn để ngươi có thể trở thành kẻ chiến thắng; phải, để ngươi có thể chiến thắng được quỷ Sa Tan, và để ngươi có thể thoát khỏi bàn tay các tôi tớ của nó là những kẻ ủng hộ việc làm của nó” (Giáo Lý và Giao Ước 10:5). Cầu nguyện luôn luôn có nghĩa là gì? Một số lý do nào mà mỗi người chúng ta cần đến sự bảo vệ thuộc linh của Cha Thiên Thượng?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Thánh thư gồm có nhiều ví dụ về sự cầu nguyện. Cùng đọc 2 Nê Phi 4:30–35An Ma 34:17–27 với những người khác cùng tìm kiếm sự hướng dẫn về khi nào chúng ta nên cầu nguyện và cho điều chúng ta nên cầu nguyện. Mẫu mực cầu nguyện được tìm thấy trong các đoạn này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta chọn cầu nguyện?

Tìm hiểu thêm

Tiết 2

Lời Cầu Nguyện Chân Thành Sẽ Mang Anh Chị Em Đến Gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô Hơn

người cha đang bế đứa con sơ sinh

Thỉnh thoảng, khi cầu nguyện, chúng ta có thể thấy mình sử dụng nhiều lần cùng một từ hoặc cụm từ. Anh chị em có thể tưởng tượng ra việc sử dụng lời lẽ thường ngày hoặc vô nghĩa mỗi lần mình đến thăm bạn bè hoặc những người trong gia đình không? Những nỗ lực của chúng ta để giao tiếp với người khác một cách chân thành sẽ nhắc nhở chúng ta cách nói chuyện với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện. Thượng Đế muốn những lời cầu nguyện của chúng ta phải chân thành. Trong Sách Mặc Môn, tiên tri Ê Nót “đã đem hết tâm hồn mình dâng lên Thượng Đế” trong lời cầu nguyện để tìm kiếm các phước lành (Ê Nót 1:9). Tương tự như vậy, chúng ta tìm đến Thượng Đế để có được các phước lành cụ thể cho bản thân mình lẫn cho người khác.

Là một hình thức thờ phượng, sự cầu nguyện có quyền năng để mang chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:62–64). Khi lời cầu nguyện chân thành được kết hợp với việc nhịn ăn, chúng ta có thể nhận được tinh thần mặc khải và tâm hồn chúng ta có thể được thanh tẩy và thánh hóa (xin xem An Ma 17:3; Hê La Man 3:35).

Những điều để suy nghĩ

  • Sứ Đồ Phao Lô đã dạy Các Thánh Hữu phải “cầu nguyện không thôi” và “phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa” (1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:17–18). “Cầu nguyện không thôi” có nghĩa là gì đối với anh chị em? Tại sao việc bày tỏ lòng biết ơn là một phần quan trọng của sự cầu nguyện? Anh chị em có thể làm gì để làm cho lời cầu nguyện chân thành trở thành một phần lớn hơn trong nỗ lực của anh chị em để đến gần Cha Thiên Thượng?

  • Cha Thiên Thượng nghe và đáp ứng mỗi lời cầu nguyện chân thành. Một số lời cầu nguyện thì thầm lặng; những lời cầu nguyện khác thì nói ra thành tiếng. Đọc các ví dụ sau đây về lời cầu nguyện nói ra thành tiếng: Ma Thi Ơ 26:39–44; Giăng 17:1; 2 Nê Phi 4:24; Ê Nót 1:4; Joseph Smith—Lịch Sử 1:14. Kinh nghiệm của anh chị em với lời cầu nguyện nói ra thành tiếng là gì? Anh chị em đã thấy điều gì hữu ích về việc cầu nguyện thành tiếng không?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Đọc hoặc xem “Ước Muốn Chân Thành của Tâm Hồn” của Chị Carol F. McConkie. Trong sứ điệp này, Chị McConkie đã nói: “Chúng ta cầu nguyện bằng đức tin, chúng ta lắng nghe, và chúng ta vâng lời để có thể học cách trở nên hiệp một với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử.” Thảo luận điều mọi người đã học được từ sứ điệp này. Làm thế nào sự cầu nguyện có thể được xem là thời gian dành cho Cha Thiên Thượng?

Tìm hiểu thêm

Tiết 3

Cha Thiên Thượng Nghe và Đáp Ứng Những Lời Cầu Nguyện của Anh Chị Em

bé gái đang cầu nguyện trong bữa ăn

Anh chị em có bao giờ tự hỏi liệu những lời cầu nguyện của mình có được Thượng Đế lắng nghe không? Cha Thiên Thượng luôn nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện chân thành của chúng ta: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho” (Ma Thi Ơ 7:7). Nhưng Chúa đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta theo ý muốn và kỳ định của Ngài (xin xem Mô Si A 7:33; Giáo Lý và Giao Ước 64:31–32).

“Sự cầu nguyện là hành động qua đó ý muốn của Đức Chúa Cha và ý muốn của người con được phù hợp với nhau. Mục đích của sự cầu nguyện không phải là để thay đổi ý muốn của Thượng Đế, mà là để chúng ta và những người khác đạt được các phước lành mà Thượng Đế đã sẵn lòng ban cho, nhưng với điều kiện là chúng ta phải cầu xin các phước lành đó.”

Những điều để suy nghĩ

  • Những ước muốn mãnh liệt nhất trong lòng của anh chị em là gì? Việc tìm cách làm cho ý muốn của anh chị em phù hợp với ý muốn của Thượng Đế có thể ảnh hưởng tới những ước muốn và lời cầu nguyện của anh chị em như thế nào?

  • Cha Thiên Thượng thường đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta qua Đức Thánh Linh. Đôi khi những lời cầu nguyện của chúng ta được đáp ứng khi chúng ta đọc và nghiên cứu thánh thư. Thượng Đế cũng tác động những người khác để mang đến sự phụ giúp hoặc câu trả lời mà chúng ta tìm kiếm. Đọc các đoạn thánh thư sau đây để xem xét một số cách thức mà sự giao tiếp từ Thượng Đế có thể đến với anh chị em qua Đức Thánh Linh: 1 Các Vua 19:12; Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3; 11:11–14. Có khi nào anh chị em đã nhận ra rằng Thượng Đế có nghe những lời cầu nguyện của mình không?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Cùng với nhóm của anh chị em, liệt kê ra một vài cách thức mà chúng ta có thể sử dụng công nghệ để giao tiếp với người khác. Thảo luận câu hỏi “Tại sao đôi khi chúng ta thấy khó để giao tiếp một cách hiệu quả với Cha Thiên Thượng?” Cùng nhau đọc 3 Nê Phi 14:7–11. Chúa Giê Su Ky Tô đã giảng dạy điều gì về sự sẵn lòng của Cha Thiên Thượng để đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta?

Tìm hiểu thêm

Ghi Chú

  1. Dallin H. Oaks, “The Language of Prayer,” Ensign, tháng Năm năm 1993, trang 18.

  2. Gospel Topics, “Prayer,” Gospel Library.

  3. Carol F. McConkie, “Ước Muốn Chân Thành của Tâm Hồn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 25.

  4. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cầu Nguyện.”