1 Giăng 2–4; 2 Giăng
Thể Hiện Tình Yêu Thương với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô
Khi người nào đó cảm thấy được yêu thương hoặc yêu thương một người khác, hành động của họ thường thay đổi. Giăng đã dạy rằng tình yêu thương của chúng ta dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể thúc đẩy chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Hai Ngài. Bài học này nhằm giúp em hiểu cách em có thể cho thấy tình yêu thương dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô qua việc tuân giữ các giáo lệnh.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Những sự bảo vệ đầy yêu thương của Thượng Đế
Khi ở trên một bãi biển ở Úc, Anh Cả Von G. Keetch (1960–2018) thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã gặp một số vận động viên lướt sóng đã đến đó du lịch trong một lần hiếm hoi. Họ phàn nàn về một hàng rào lưới dày trong nước, khiến họ không thể lướt trên những con sóng lớn.
Để khám phá điều gì đã xảy ra, hãy xem video “Trạng Thái Đầy Phước Lành và Hạnh Phúc của Những Người Tuân Giữ Các Lệnh Truyền của Thượng Đế” (5:41) từ mã thời gian 0:00 đến 2:34. Video này có trên trang ChurchofJesusChrist.org. Hoặc đọc lời phát biểu sau đây.
Khi những người Mỹ lướt sóng trở nên khó chịu hơn, thì tôi chú ý đến một người lướt sóng khác ở gần đó—một người đàn ông lớn tuổi hơn và rõ ràng là dân địa phương. Ông ta dường như càng mất kiên nhẫn hơn khi lắng nghe những lời than phiền càng lúc càng nhiều hơn về cái hàng rào cản.
Cuối cùng ông ta đứng lên và đi về phía nhóm người đó. Không nói gì, ông ta lôi ra một cái ống nhòm từ túi đeo lưng và đưa cho một trong những người lướt sóng đó, chỉ tay về phía hàng rào cản. Mỗi người lướt sóng nhìn qua ống nhòm. Rồi đến lượt tôi, với sự giúp đỡ của thiết bị phóng đại, tôi có thể thấy được một cái gì đó mà tôi đã không thể thấy trước đây: vây trên lưng cá—những con cá mập to lớn đang ăn gần rặng san hô ở phía bên kia hàng rào cản.
Nhóm người đó nhanh chóng trở nên hết giận dữ. Ông lão lướt sóng lấy lại ống nhòm của mình và quay đi. Trong khi làm như vậy, ông nói những lời mà tôi sẽ không bao giờ quên: “Đừng phê phán quá khắt khe cái hàng rào cản. Đó là vật duy nhất giữ cho mấy người khỏi bị ăn thịt đó thôi.”
Trong khi đứng trên bãi biển tuyệt đẹp đó, quan điểm của chúng tôi đột nhiên thay đổi. Một hàng rào cản mà dường như cứng nhắc và hạn chế—dường như cướp đi sự thú vị và phấn khởi của việc cưỡi trên những làn sóng thật lớn—đã trở thành một điều gì đó rất khác biệt. Với sự hiểu biết mới của chúng tôi về mối nguy hiểm ẩn núp ngay dưới mặt nước, thì hàng rào cản giờ đây mang đến sự bảo vệ, an toàn và bình an.
(Von G. Keetch, “Trạng Thái Đầy Phước Lành và Hạnh Phúc của Những Người Tuân Giữ Các Lệnh Truyền của Thượng Đế”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 115–116)
-
Mọi người có thể có thái độ gì về việc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế?
Cân nhắc viết vào nhật ký ghi chép việc học tập câu trả lời của em cho câu hỏi sau đây.
-
Tôi cảm thấy như thế nào về những giáo lệnh của Thượng Đế? Tại sao tôi tuân giữ những giáo lệnh đó hoặc tại sao tôi không tuân giữ những giáo lệnh đó?
Tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế
Tất cả chúng ta đều có những lý do riêng ảnh hưởng đến việc chúng ta có chọn tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế hay không. Hãy đọc những câu sau đây, tìm kiếm những điều Sứ Đồ Giăng đã dạy có thể thúc đẩy chúng ta tuân giữ những giáo lệnh đó. Có thể là hữu ích khi nhớ rằng Giăng đã viết thư cho những tín đồ đang phải đương đầu với những lời dạy sai lạc.
(Cũng có thể là hữu ích khi đọc những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Giăng 14:15, 23–24 .)
-
Em đã tìm thấy những lẽ thật nào?
-
Làm thế nào mà việc biết những lẽ thật này có thể làm gia tăng mong muốn của một người nào đó để tuân giữ các giáo lệnh?
Giăng đã dạy những lẽ thật khác nhau trong những câu này. Một trong số những lẽ thật em có thể đã nhận ra là chúng ta càng biết và yêu thương Cha Thiên Thượng cùng Chúa Giê Su Ky Tô thì chúng ta càng sẵn lòng tuân giữ các giáo lệnh của Hai Ngài (xin xem 1 Giăng 1:5–7 ; 2:3–6 ; 2 Giăng 1:6–9).
-
Tại sao việc tuân giữ các giáo lệnh là một cách thức để thể hiện tình yêu thương với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Em biết gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô giúp thể thúc đẩy em tuân giữ các giáo lệnh của Ngài? Tại sao việc biết điều đó lại thúc đẩy em?
-
Em đã học được điều gì về Hai Ngài khi tuân giữ các giáo lệnh của Hai Ngài?
Em sẽ thể hiện tình yêu thương của mình dành cho Cha Thiên Thượng bằng cách nào?
Hãy nhìn vào bức tranh này và suy ngẫm về những điều em biết về Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng cũng như cảm nghĩ của Hai Ngài về em. Em cũng có thể muốn nghĩ về cảm nhận của em về Hai Ngài.
Mặc dù có vẻ khó thể hiện tình yêu thương của chúng ta dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô vì Hai Ngài không hiện diện bằng xương bằng thịt với chúng ta, nhưng chúng ta có thể cho thấy tình yêu của mình dành cho Hai Ngài bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Hai Ngài. Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những điều em muốn ghi nhớ hoặc làm qua bài học này. Sau đây là một số cách thức em có thể thực hiện điều này:
-
Viết ra một cách em muốn tiến đến việc biết và yêu thương Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn.
-
Suy ngẫm về các giáo lệnh mà em hiện đang tuân giữ và lý do tại sao em đang tuân giữ các giáo lệnh đó. Cân nhắc xem em có được thúc đẩy bởi tình yêu thương dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hay không hoặc em có thể cải thiện trong lĩnh vực đó hay không.
-
Nhận ra một hoặc nhiều giáo lệnh mà em có thể tuân giữ một cách trọn vẹn hơn để thể hiện tình yêu thương của em dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Lập kế hoạch về cách em sẽ tuân giữ một cách trọn vẹn hơn những giáo lệnh này.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Làm thế nào mà những giáo lệnh là sự biểu lộ về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta?
Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã nói:
Các giáo lệnh của Thượng Đế không phải được ban cho để làm cho chúng ta thất vọng hoặc làm trở ngại hạnh phúc của chúng ta. Ngược lại [mới] đúng. Ngài là Đấng đã sáng tạo ra chúng ta và yêu thương chúng ta trọn vẹn, Ngài biết là chúng ta cần phải sống như thế nào để đạt được hạnh phúc lớn nhất mà mình có thể đạt được. Ngài đã ban cho chúng ta những phương hướng mà nếu chúng ta tuân theo thì sẽ hướng dẫn chúng ta một cách an toàn qua cuộc sống trần thế đầy nguy hiểm này. …
… Ngài hiểu rằng khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh, cuộc sống của chúng ta sẽ được hạnh phúc hơn, mãn nguyện hơn, và ít phức tạp hơn. Những thử thách và vấn đề của chúng ta sẽ dễ chịu đựng hơn, và chúng ta sẽ nhận được các phước lành đã được hứa của Ngài.
(Thomas S. Monson, “Tuân Giữ Các Giáo Lệnh”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 83)
Làm thế nào mà việc tuân giữ các giáo lệnh lại cho Thượng Đế thấy tình yêu thương của tôi?
Anh Cả Von G. Keetch (1960–2018) thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã nói:
Chúng ta bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Thượng Đế—và đức tin của chúng ta nơi Ngài—bằng cách làm hết sức mình để noi theo hướng đi mà Ngài đã đặt ra cho chúng ta và bằng cách tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta đặc biệt biểu lộ đức tin và tình yêu thương đó trong tình huống mà mình không hoàn toàn hiểu được lý do của lệnh truyền của Thượng Đế hoặc con đường đặc biệt mà Ngài phán bảo chúng ta phải đi theo.
(Von G. Keetch, “Trạng Thái Đầy Phước Lành và Hạnh Phúc của Những Người Tuân Giữ Các Lệnh Truyền của Thượng Đế”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 116)
Tôi có thể gia tăng tình yêu thương của mình dành cho Thượng Đế bằng cách nào?
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi ấy thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã giải thích:
Chúng ta gia tăng tình yêu mến Cha Thiên Thượng và cho thấy tình yêu mến đó bằng cách tập trung ý nghĩ, hành động của mình vào lời phán của Thượng Đế. Tình thương yêu thanh khiết của Ngài hướng dẫn và khuyến khích chúng ta trở nên thanh khiết và thánh thiện hơn. Tình thương yêu này soi dẫn chúng ta bước đi trong sự ngay chính—không phải vì sợ hãi hoặc bổn phận mà vì ước muốn thiết tha để trở thành giống như Ngài hơn, bởi vì chúng ta yêu mến Ngài.
(Dieter F. Uchtdorf, “Tình Thương Yêu của Thượng Đế”, Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 23)