Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 2
Xem Xét Các Khái Niệm và Câu Hỏi với một Quan Điểm Vĩnh Cửu
Một trong những mục đích của việc thông thạo giáo lý là giúp em học và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Bài học này có thể giúp em học cách xem xét các vấn đề với một quan điểm vĩnh cửu để nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Các câu hỏi và thử thách
Đôi khi chúng ta gặp phải những thử thách hoặc khó khăn mà có thể thử thách đức tin của chúng ta. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã chia sẻ một thử thách như vậy mà cháu dâu của ông đã trải qua.
Xem “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị” từ mã thời gian 5:50 đến 6:39 hoặc đọc văn bản sau đây:
Cách đây không lâu, một đứa cháu dâu của chúng tôi đang gặp khó khăn về phần thuộc linh. Tôi sẽ gọi nó là “Jill.” Mặc dù có sự nhịn ăn, cầu nguyện và các phước lành của chức tư tế, nhưng cha của Jill cũng đang hấp hối. Jill rất sợ rằng nó sẽ mất cả cha nó lẫn chứng ngôn của nó.
Vào một đêm nọ, vợ tôi, Chị Wendy Nelson, đã kể cho tôi nghe về tình trạng của Jill. Sáng hôm sau, Wendy cảm thấy có ấn tượng nên chia sẻ với Jill về phản ứng của tôi đối với cuộc vật lộn phần thuộc linh của nó gồm vào trong một từ! Từ đó là thiển cận.
(Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 93)
Từ thiển cận nghĩa là không nhìn xa hoặc không trông rộng.
-
Một số lẽ thật về Thượng Đế và kế hoạch của Ngài có thể giúp Jill không quá sợ hãi về những điều có thể xảy ra trong tương lai là gì?
Suy ngẫm về một thử thách hoặc câu hỏi mà em hiện đang gặp phải. Điều này có thể giống với điều mà em đã nhận ra trong bài học “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 1”.
-
Tại sao em muốn và cần giúp đỡ với câu hỏi hoặc thử thách này?
Hãy nhớ rằng việc trải qua nỗi ưu phiền và đau đớn là bình thường. Ngay cả Chúa Giê Su cũng phiền muộn vì những người mà Ngài yêu thương (xin xem Giăng 11:32–36). Khi chúng ta nhìn hoàn cảnh của mình với một quan điểm vĩnh cửu, Chúa có thể giúp chúng ta đối phó với những cảm nghĩ này. Hãy tìm kiếm lẽ thật trong bài học này mà có thể giúp em làm như vậy với những câu hỏi và thử thách của riêng mình.
Các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh
Khi chúng ta trải qua những thử thách trong cuộc sống hoặc gặp phải những câu hỏi chưa có câu trả lời, các nguyên tắc sau đây để đạt được sự hiểu biết thuộc linh có thể giúp chúng ta:
1. Hành động theo đức tin.2. Xem xét các khái niệm và câu hỏi với một quan điểm vĩnh cửu.3. Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định.
Trong bài học này, chúng ta sẽ chú trọng vào lẽ thật là khi chúng ta xem xét các vấn đề với một quan điểm vĩnh cửu, Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta nhìn thấy các vấn đề đó rõ ràng hơn.
Nghiên cứu đoạn 8 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý và ít nhất một trong những đoạn thánh thư sau đây. Đánh dấu những từ hoặc cụm từ có thể giúp Jill nhìn thấy những thử thách của mình với một quan điểm vĩnh cửu.
-
Dựa trên những gì em đã đọc, em muốn Jill biết gì về việc có một quan điểm vĩnh cửu?
-
Em (hoặc những người khác) đã có kinh nghiệm gì về việc có một quan điểm vĩnh cửu mà em có thể chia sẻ với Jill?
Cách xem xét các câu hỏi hoặc nỗi lo lắng với một quan điểm vĩnh cửu
Khi chúng ta có các câu hỏi hoặc nỗi lo lắng, một tiến trình chúng ta có thể tuân theo để giúp chúng ta nhìn mọi việc từ một quan điểm vĩnh cửu là:
1. Nhận biết bất kỳ giả thuyết mà chúng ta đang đưa ra mà có thể dẫn đến sự hiểu lầm về Cha Thiên Thượng hoặc kế hoạch của Ngài.2. Nhận biết các lẽ thật về Cha Thiên Thượng hoặc kế hoạch của Ngài để sửa đổi những giả thuyết này.3. Điều chỉnh lại câu hỏi bằng cách cân nhắc câu hỏi đó với một quan điểm vĩnh cửu hoặc bằng cách chỉnh sửa câu hỏi để cho thấy các lẽ thật phúc âm.
-
Jill có thể có những giả thuyết nào dẫn đến sự nghi ngờ hoặc nỗi sợ hãi?
Thông thường, việc đưa ra những giả thuyết tương tự có thể khiến chúng ta thêm buồn phiền hoặc đau đớn hơn cả những gì chúng ta đã trải qua. Việc nhận ra các lẽ thật về Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài có thể hữu ích.
-
Em biết những lẽ thật nào về Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài mà có thể giúp ích?
-
Một số cách mà em có thể thay đổi những nỗi lo lắng mà một người nào đó trong hoàn cảnh của Jill có thể có bằng một quan điểm vĩnh cửu là gì? (Ví dụ: em có thể đặt những câu hỏi cho thấy một quan điểm vĩnh cửu, như “Làm thế nào tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế trong khi tôi trải qua sự mất mát đau đớn này mặc dù tôi mãi mãi biết rằng đó chỉ là tạm thời?” hoặc “Làm thế nào tôi có thể trông cậy vào đức tin của mình nơi Đấng Cứu Rỗi để tin tưởng rằng tôi sẽ gặp lại người thân yêu của mình?”)
Chủ Tịch Nelson đã chia sẻ Jill đã được ban phước như thế nào khi phát triển một quan điểm vĩnh cửu qua thử thách của mình.Xem “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị”, trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 6:58 đến 8:24 hoặc đọc lời phát biểu dưới đây:
Sau khi cha của Jill qua đời, thì từ thiển cận cứ hiện ra trong tâm trí của nó. Nó đã mở lòng ra để hiểu một cách càng sâu sắc hơn rằng thiển cận có nghĩa là “không nhìn xa”. Và suy nghĩ của nó bắt đầu thay đổi. Rồi Jill nói: “Thiển cận đã khiến cho cháu dừng lại, suy nghĩ và được chữa lành. Giờ đây, cái từ đó làm cho cháu tràn đầy bình an. Nó nhắc nhở cháu mở rộng quan điểm của cháu và tìm kiếm các phước lành vĩnh cửu. Nó nhắc nhở cháu rằng có một kế hoạch thiêng liêng và ba cháu vẫn còn sống và yêu thương cùng chăm sóc cháu. Thiển cận đã dẫn cháu đến với Thượng Đế”.
Tôi rất hãnh diện về đứa cháu dâu quý báu của chúng tôi. Trong khoảng thời gian đau khổ này của cuộc đời nó, Jill yêu quý đang học cách chấp nhận ý muốn của Thượng Đế dành cho cha nó, với một quan điểm vĩnh cửu cho cuộc sống của chính nó. Bằng cách chọn để cho Thượng Đế ngự trị, nó đang tìm thấy sự bình an.
(Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị”, trang 93)
-
Jill đã được ban phước như thế nào khi cô ấy giữ một quan điểm vĩnh cửu?
Hãy suy ngẫm về thử thách hoặc câu hỏi mà em đã nhận ra trước đó trong bài học này. Xem xét câu hỏi hoặc thử thách của em trong nhật ký ghi chép việc học tập bằng cách sử dụng ba bước mà em vừa học.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Làm thế nào mà việc giữ một quan điểm vĩnh cửu có thể giúp ích cho tôi khi trải qua ưu phiền hoặc mất mát?
Chủ Tịch Russell M. Nelson giải thích việc giữ một quan điểm vĩnh cửu đã giúp ích cho ông như thế nào khi vợ ông Dantzel đột ngột qua đời và khi con gái Wendy của ông qua đời sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư:
Vào năm 2005, sau gần 60 năm kết hôn, Dantzel yêu mến của tôi đột ngột qua đời. Trong một khoảng thời gian, nỗi đau buồn khiến tôi gần như tê liệt. Nhưng sứ điệp của Lễ Phục Sinh và lời hứa về sự phục sinh đã củng cố tôi.
(Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 94)
Chúng tôi nhớ con gái của mình rất nhiều. Tuy nhiên, nhờ vào phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô nên chúng tôi không lo lắng về nó. Khi tiếp tục tôn trọng các giao ước của mình với Thượng Đế, chúng tôi sống trong hy vọng về việc chúng tôi sẽ được ở bên nó một lần nữa. Trong khi đó, chúng tôi đang phục vụ Chúa ở đây và nó đang phục vụ Ngài ở đó—trên thiên đàng.
(Russell M. Nelson, “Hãy Đến Mà Theo Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 88)
Tại sao những giả thuyết của chúng ta lại quan trọng?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chia sẻ:
Bởi vì Các Thánh Hữu Ngày Sau biết về kế hoạch của Cha Thiên Thượng chúng ta dành cho con cái của Ngài, chúng ta biết rằng cuộc sống trần thế này không phải là một vở kịch một màn nằm ngăn cách giữa một quá khứ không hề được biết đến và một tương lai bấp bênh. Cuộc sống này giống như màn hai của một vở kịch ba màn. Mục đích của cuộc sống này được vạch rõ bởi điều được tiết lộ về sự tồn tại phần thuộc linh của chúng ta trong Màn 1 và sứ mệnh vĩnh cửu của chúng ta trong Màn 3. Bởi vì sự hiểu biết của chúng ta về Kế Hoạch này và các lẽ thật khác mà Thượng Đế đã mặc khải, chúng ta bắt đầu với các giả thuyết khác biệt so với những người không chia sẻ sự hiểu biết của chúng ta. Kết quả là, chúng ta có các kết luận khác biệt về nhiều đề tài quan trọng mà những người khác chỉ xét đoán theo ý kiến rcủa họ về cuộc sống trần thế.
(Dallin H. Oaks, “As He Thinketh in His Heart” [một buổi họp tối với một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ngày 8 tháng Hai năm 2013], trang 3–4)
Làm thế nào tôi có thể thay đổi các câu hỏi và nỗi lo lắng của mình để nhìn chúng từ một quan điểm vĩnh cửu?
Anh Chad H Webb, quản trị viên Các Lớp Giáo Lý và Học Viện Tôn Giáo, đã nói:
Nếu chúng ta bắt đầu với một quan điểm vĩnh cửu thì chúng ta sẽ đi đến những kết luận cho thấy lẽ thật vĩnh cửu. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu với những giả thuyết của thế gian thì chúng ta có khả năng đi đến những kết luận của thế gian. Vì vậy, chúng ta có thể cần phải thay đổi một số câu hỏi chỉ đơn giản là vì chúng ta không chấp nhận những cơ sở của các câu hỏi này.
Ví dụ, em có thể đã từng được hỏi: “Không lẽ hai người yêu nhau lại không thể kết hôn được sao?” Từ quan điểm này của phần lớn thế gian, câu trả lời dường như là có. Nhưng hãy suy ngẫm về những điều em biết về kế hoạch cứu rỗi và về mục đích của Cha Thiên Thượng dành cho hôn nhân. Kế hoạch cứu rỗi cung cấp một quan điểm vĩnh cửu và một cơ sở phúc âm giúp thay đổi câu hỏi đó. Một số câu hỏi mà em có thể cân nhắc là “Tại sao gia đình được Thượng Đế quy định?” hoặc “Tại sao Chúa thiết lập hôn nhân giữa một người nam và một người nữ?” Hãy suy ngẫm về những điều em biết về con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng—họ đến từ đâu và những điều Ngài muốn cho họ bây giờ và trong thời vĩnh cửu. Hãy suy ngẫm về lý do tại sao Ngài đã ban phước cho chúng ta với quyền năng làm lễ gắn bó cho các gia đình trong đền thờ. Làm thế nào mà sự hiểu biết của em về những nguyên tắc này giúp thay đổi câu hỏi và cho phép em nhìn vấn đề qua ánh sáng của phúc âm?
(Chad H Webb, “That They May Know How to Come unto Him and Be Saved” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University–Hawaii, ngày 22 tháng Ba năm 2016], byuh.edu)