Thông Thạo Giáo Lý: 2 Ti Mô Thê 3:15–17
“Kinh Thánh … Có Thể Khiến Con Khôn Ngoan để được Cứu”
Việc học thánh thư thường xuyên có thể ban phước cho cuộc sống của em theo nhiều cách, bao gồm cả việc giúp em vượt qua nhiều thử thách trong những ngày sau cùng. Bài học này có thể giúp em học thuộc lòng phần tham chiếu thông thạo giáo lý này và cụm từ thánh thư then chốt cho 2 Ti Mô Thê 3:15–17 , giải thích giáo lý và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh trong tình huống thực tế.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Học thuộc lòng và giải thích
Hãy vẽ một bức tranh về một cuốn sách thánh thư đang mở mà chiếm gần hết hoặc toàn bộ một tờ giấy. Ở đầu bức vẽ của em, hãy viết 2 Ti Mô Thê 3:15–17. Bên trong hình vẽ, hãy viết cụm từ thánh thư then chốt Thánh Thư … có thể khiến con khôn ngoan để được cứu. Che cụm từ bằng vật gì đó và viết thuộc lòng cụm từ đó lần nữa. Hãy kiểm tra xem em có viết chính xác không và lặp lại bài tập này vài lần cho đến khi em viết đầy vào hình vẽ của mình.
Trong bài học trước, em đã học được rằng khi học thánh thư, chúng ta có thể nhận được sự thông sáng mà sẽ dẫn dắt chúng ta đến sự cứu rỗi qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy đọc lại 2 Ti Mô Thê 3:15–17 , tìm kiếm bằng chứng về nguyên tắc này, cũng như những phước lành khác mà chúng ta có thể nhận được từ việc học thánh thư.
Hãy tưởng tượng rằng em là một người truyền giáo đang dạy một thiếu nữ tên là Suravi. Suravi tiếp nhận sứ điệp về Sự Phục Hồi nhưng do dự để đọc những đoạn thánh thư mà em và người bạn đồng hành đã gợi ý. Trong một lần đến thăm, em hỏi Suravi điều gì đã khiến cô ấy không đọc thánh thư. Cô ấy trả lời rằng cô ấy không thích đọc thánh thư và cảm thấy thánh thư nhàm chán.
Sử dụng 2 Ti Mô Thê 3:15–17 , viết một câu trả lời để giải thích những phước lành và lợi ích của việc học thánh thư theo cách có thể giúp thúc đẩy Suravi. Nếu có thể, hãy cân nhắc thêm những kinh nghiệm cá nhân và chứng ngôn vào câu trả lời của em.
Thực hành áp dụng
-
Nếu em phải tóm tắt ba nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh trong một câu, thì em sẽ nói gì?
Nếu cần, hãy dành một vài phút để ôn lại các đoạn 5–12 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2022).
Ngay cả nếu chúng ta biết và hiểu những phước lành của việc học thánh thư, đôi khi vẫn khó có thể thực hiện việc này một cách thường xuyên và hiệu quả.
-
Một số thử thách có thể gây khó khăn cho việc học thánh thư thường xuyên và hiệu quả là gì?
Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em nhận ra một hoặc hai trở ngại khiến em không thể học thánh thư một cách thường xuyên và hiệu quả. (Nếu em không gặp bất kỳ trở ngại nào, thì hãy nghĩ đến những trở ngại mà bạn bè hoặc những người trong gia đình có thể gặp phải.)
Hãy viết ra ít nhất ba cách em có thể sử dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh để giúp em vượt qua những thử thách này. Những câu hỏi và ý kiến sau đây có thể giúp ích.
-
Làm thế nào em có thể xem xét những trở ngại trong việc học thánh thư của mình với một quan điểm vĩnh cửu?
-
Làm thế nào mà những lẽ thật trong 2 Ti Mô Thê 3:15–17 có thể giúp em có quan điểm vĩnh cửu khi đang gặp khó khăn với việc học thánh thư?
-
Làm cách nào em có thể tìm cách để hiểu biết thêm qua các nguồn phương tiện đã được Chúa quy định?
Sau đây là một vài ý tưởng:
-
Tìm các đoạn về việc học thánh thư trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, có trên trang ChurchofJesusChrist.org, và tìm kiếm các phước lành và lời hứa có thể giúp giải quyết trở ngại của em. Những câu thánh thư như Giô Suê 1:8 ; 2 Nê Phi 32:3 ; và Giáo Lý và Giao Ước 1:37 có thể giúp ích.
-
Hỏi người nào đó mà em tin tưởng về lý do tại sao họ học thánh thư hằng ngày và lời khuyên của họ để em có thể vượt qua trở ngại của mình.
-
Tra cứu những lời phát biểu của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương hoặc các bài viết trên tạp chí của Giáo Hội mà có thể hữu ích. Ví dụ, lời phát biểu sau đây có thể giúp ích cho những người đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thời gian để học thánh thư.
Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế mỗi ngày còn quan trọng hơn giấc ngủ, việc học hành, công việc làm, chương trình truyền hình, trò chơi video, hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Các anh chị em có thể cần phải sắp xếp lại các ưu tiên của mình để dành thời gian cho việc học lời của Thượng Đế. Nếu vậy, thì hãy làm điều đó!
(Richard G. Scott, “Hãy Đặt Việc Sử Dụng Đức Tin Làm Ưu Tiên Hàng Đầu của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 93)
Hãy dành vài phút để bắt đầu một trong những ý tưởng của em.
-
Làm cách nào em có thể hành động với đức tin để vượt qua những trở ngại để học thánh thư hằng ngày một cách hiệu quả? Hãy liệt kê một số ý tưởng trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.