2 Ti Mô Thê 3
Thánh Thư
Em có bao giờ cảm thấy lòng nặng trĩu hoặc lo lắng về tình trạng thuộc linh của thế gian ngày nay không? Trong bức thư gửi cho Ti Mô Thê, Phao Lô đã tiên tri rằng những ngày sau cùng sẽ bao gồm “thời kỳ khó khăn” (2 Ti Mô Thê 3:1), nhưng ông cũng dạy rằng Chúa đã ban cho em ân tứ là thánh thư để giúp em trong thời kỳ khó khăn (xin xem 2 Ti Mô Thê 3:14–17). Bài học này nhằm giúp em cảm thấy có ước muốn học thánh thư, là điều có thể giúp bảo vệ em khỏi những sự tà ác trong thời của chúng ta.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Những ngày sau cùng
Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và suy ngẫm về lý do tại sao việc sống vào thời điểm này khiến em cảm thấy biết ơn, lo lắng hoặc cả hai.
Chúng ta đang sống trong những khoảng thời gian rất thú vị nhưng cũng thật kỳ diệu. …
Khi gần đến Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta biết rằng thế gian của chúng ta sẽ đầy dẫy sự xáo trộn và hoang mang. Nhiều người trong xã hội sẽ coi thường những giáo lệnh của Thượng Đế. Tôi thường trích dẫn lời phát biểu này của Chủ Tịch Thomas S. Monson: “Trước kia, các tiêu chuẩn đạo đức của Giáo Hội và các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội gần như tương hợp, nhưng giờ đây đã có một sự ngăn cách lớn và sự ngăn cách này sẽ càng ngày càng lớn hơn.”
(Neil L. Andersen, “A Compensatory Spiritual Power for the Righteous” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 18 tháng Tám năm 2015], speeches.byu.edu)
-
Về những phương diện nào mà thời điểm chúng ta đang sống là kỳ diệu?
-
Điều gì có thể khiến em cảm thấy lo lắng khi sống trong thế giới mà Anh Cả Andersen đã mô tả?
Khi em học bài học này, hãy tìm những cách mà Thượng Đế đã nhân từ cung cấp sự giúp đỡ trước sự hoang mang, nguy hiểm về mặt thuộc linh hoặc nỗi lo lắng mà em có thể cảm thấy từ những tình trạng của thế gian.
Hãy đọc 2 Ti Mô Thê 3:1–7, 12–13 ; 4:3–4 , tìm kiếm những lời mô tả của Phao Lô về những nguy hiểm trong những ngày sau. Em có thể muốn sử dụng những cước chú để giúp em hiểu bất kỳ từ khó nào.
-
Em đã nhìn thấy ví dụ nào về những tình trạng mà Phao Lô đã mô tả trên thế gian ngày nay?
Một ân tứ từ Thượng Đế
Cha Thiên Thượng đã không để chúng ta tự mình đương đầu với những hiểm họa của những ngày sau. Với lòng nhân từ và tình yêu thương của Ngài, Ngài đã ban cho chúng ta nhiều ân tứ kỳ diệu.
Anh Cả Andersen tiếp tục:
Khi chúng ta tìm kiếm con đường của mình trong một thế gian ít chú ý đến những lệnh truyền của Thượng Đế, chúng ta chắc chắn sẽ thường cầu nguyện, nhưng chúng ta không cần quá lo lắng. Chúa sẽ ban phước cho Các Thánh Hữu của Ngài với sức mạnh bổ trợ cần thiết về mặt thuộc linh để giải quyết những thử thách trong thời của chúng ta.
(Neil L. Andersen, “A Compensatory Spiritual Power for the Righteous” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 18 tháng Tám năm 2015], speeches.byu.edu)
Hãy đọc 2 Ti Mô Thê 3:14–17 , tìm kiếm một trong những ân tứ mà Thượng Đế đã ban để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong thời của mình.
-
Em nhận thấy trong những câu này có một số phước lành nào mà chúng ta có thể nhận được từ việc học thánh thư?
Việc nghiên cứu thánh thư có thể giúp em:
-
Gia tăng đức tin của em nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Nhận được sự thông sáng và chỉ dẫn trong những tình huống mà em gặp phải.
-
Hiểu giáo lý hoặc những lẽ thật của phúc âm.
-
Sửa chữa những ý tưởng sai lầm hoặc những thói quen không tốt.
-
Trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
-
Em sẽ tóm tắt như thế nào về những điều Phao Lô đã dạy về việc học thánh thư?
Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy viết về một thời điểm mà thánh thư đã giúp em bằng một trong những cách mà Phao Lô mô tả. Nếu em không thể nghĩ ra được một kinh nghiệm nào, thì hãy viết lý do tại sao em nghĩ rằng thánh thư có thể giúp em bằng một trong những cách mà Phao Lô đã mô tả.
-
Chúa có thể ban phước cho em theo những cách nào khác trong khi học thánh thư?
-
Chúa đã ban cho em ân tứ là các thánh thư để giúp em trong những ngày sau. Việc này dạy cho em điều gì về Ngài?
Sử dụng thánh thư
Để luyện tập cách sử dụng thánh thư nhằm củng cố đức tin của em nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hãy chọn hai trong số những thử thách vào ngày sau mà Phao Lô đã tiên tri trong 2 Ti Mô Thê 3:1–7, 12–13 ; 4:3–4 , hoặc chọn những thử thách khác có liên quan đến cuộc sống của em. Tìm kiếm những đoạn thánh thư có thể giúp ích cho người nào đó đang đương đầu với những thử thách này. Có thể là hữu ích khi tìm kiếm các từ then chốt trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư có trên trang ChurchofJesusChrist.org. Hoặc trước tiên, em có thể chọn một số câu thánh thư yêu thích của em, sau đó quyết định xem những câu này có thể giúp cho em trong những thử thách nào vào ngày sau.
-
Em đã tìm thấy những đoạn thánh thư nào có thể giúp ích cho người nào đó đang đương đầu với những thử thách cụ thể? Hãy giải thích xem những đoạn đó có thể giúp ích như thế nào.
Mục tiêu học thánh thư của em
Phao Lô nhắc nhở Ti Mô Thê rằng Ti Mô Thê đã được ban phước để biết thánh thư từ khi còn trẻ (xin xem 2 Ti Mô Thê 3:15). Tương tự như vậy, Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho em vì đã học thánh thư khi còn trẻ. Hãy dành vài phút để thành tâm đặt ra một mục tiêu hoặc suy ngẫm về mục tiêu hiện tại của em cho việc học thánh thư riêng cá nhân hằng ngày. Suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:
-
Mục tiêu của em đang tiến triển ra sao?
-
Mục tiêu của em giúp em như thế nào trong việc phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và vượt qua những thử thách trong thời của chúng ta?
-
Em cảm thấy em nên thực hiện những điều chỉnh nào, nếu có, đối với mục tiêu của em?
Hãy cân nhắc nói với giảng viên, cha mẹ hoặc người khác mà em tin cậy về mục tiêu học thánh thư và mời họ theo dõi mục tiêu đó với em.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Làm thế nào tôi có thể hiểu được những hiểm họa được liệt kê trong 2 Ti Mô Thê 3:1–7 ?
Các định nghĩa sau đây có thể hữu ích:
-
“Vô tình” ( 2 Ti Mô Thê 3:3) có thể bao gồm các hành vi liên quan đến việc thiếu tình cảm hoặc sự quan tâm, cảm giác thù hận và khinh miệt, hoặc những ham muốn dâm dục dẫn đến vô luân
-
“Không tiết độ” ( 2 Ti Mô Thê 3:3) có nghĩa là không tự chủ
-
“Hay nóng giận” ( 2 Ti Mô Thê 3:4) có nghĩa là hấp tấp, liều lĩnh
-
“Lên mình kiêu ngạo” ( 2 Ti Mô Thê 3:4) có nghĩa là vênh váo, tự phụ
Làm thế nào tôi có thể hiểu rõ hơn 2 Ti Mô Thê 3:16–17 ?
Cân nhắc đọc bài viết “Line upon Line: 2 Timothy 3:16–17” (New Era, tháng Tư năm 2012, trang 19), trong đó có phần trợ giúp về từ ngữ, lời bình luận từ các tiên tri và những lời giải thích có thể giúp các em hiểu thêm những câu này.
Việc học thánh thư có thể giúp ích như thế nào cho tôi trong cuộc sống?
Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:
Chúng ta nói chuyện với Thượng Đế qua lời cầu nguyện. Ngài thường truyền đạt lại cho chúng ta qua những lời đã được viết ra của Ngài. Để biết tiếng nói của Đấng Thiêng Liêng được nghe và cảm thấy như thế nào, hãy đọc lời của Ngài, học và suy ngẫm thánh thư. Làm cho thánh thư thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. …
Qua việc học thánh thư hàng ngày một cách kiên định, các anh chị em sẽ tìm thấy sự bình an trong cảnh náo động xung quanh mình và sức mạnh để chống lại những cám dỗ. Các anh chị em sẽ phát triển đức tin vững mạnh trong ân điển của Thượng Đế và biết rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô tất cả mọi điều sẽ được thực hiện đúng theo kỳ định của Thượng Đế.
(Richard G. Scott, “Hãy Đặt Việc Sử Dụng Đức Tin Làm Ưu Tiên Hàng Đầu của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 93–94)
Làm thế nào tôi có thể cảm thấy lạc quan về tương lai nếu hướng đi của xã hội có vẻ trái ngược với những giáo lệnh của Thượng Đế?
Chủ Tịch Boyd K. Packer (1924–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giúp trả lời câu hỏi này trong bài nói chuyện “Trên Đồi Si Ôn” trên trang ChurchofJesusChrist.org.