1–2 Ti Mô Thê; Tít; Phi Lê Môn
Khái Quát
Việc nghiên cứu những lời của Phao Lô trong các bài học của tuần này có thể giúp trả lời nhiều câu hỏi, chẳng hạn như “Vai trò của giám trợ là gì?” “Thượng Đế đã ban cho chúng ta ân tứ đặc biệt nào để giúp chúng ta vượt qua những thử thách trong những ngày sau cùng?” “Làm thế nào để chúng ta có thể kiên trì đến cùng?” Trước đây, em đã học về những bức thư của Phao Lô gửi cho các tín hữu của Giáo Hội ở các thành phố khác nhau. Tuần này, em sẽ nghiên cứu những lẽ thật hữu ích mà Phao Lô viết trong bức thư gửi cho ba người: Ti Mô Thê, Tít và Phi Lê Môn.
Chuẩn Bị Giảng Dạy
Thông tin sau đây cung cấp cho giảng viên những ý tưởng về những điều có thể cần phải chuẩn bị trước cho mỗi bài học:
1 Ti Mô Thê 3:1–7; Tít 1:6–9
Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên hiểu rõ hơn các thuộc tính của vị giám trợ và chủ tịch chi nhánh và cách những người tôi tớ này của Chúa có thể giúp các em trong cuộc sống của mình.
-
Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm câu hỏi sau đây và chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ ý kiến của các em. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô ban phước cho các em hoặc gia đình của các em qua một vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh như thế nào?
-
Học cụ cho học viên: Học cụ để viết một ghi chú hoặc một bức thư cho giám trợ của các em
-
Dụng cụ trực quan: Một quả bóng
-
Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Nếu có thể, hãy cân nhắc mời một vị giám trợ đương nhiệm hoặc cựu giám trợ tham gia lớp học và làm chứng về vai trò thiết yếu của các giám trợ trong Giáo Hội phục hồi. Hãy nhớ cần phải được điều phối viên hoặc quản trị viên chương trình của anh chị em chấp thuận trước khi mời các vị khách đến chia sẻ với lớp học. Nếu anh chị em mời một cựu giám trợ thay vì vị giám trợ đương nhiệm, hãy nhớ xin sự chấp thuận từ người lãnh đạo chức tư tế ở địa phương của vị cựu giám trợ đó.
1 Ti Mô Thê 4:12–16
Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên cố gắng trở thành một tấm gương môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô khi còn trẻ.
-
Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về câu hỏi sau đây và chuẩn bị chia sẻ những suy nghĩ của mình: Nếu người nào đó đi theo các em trong vòng một tuần, thì họ sẽ thấy bằng chứng nào cho thấy các em đang cố gắng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Gợi ý giảng dạy trực tuyến qua video: Khi học viên nghĩ về những người đã là tấm gương cho các em theo những cách khác nhau mà Phao Lô đã mô tả, hãy mời học viên viết vào tính năng trò chuyện tên của một hoặc hai người mà các em nghĩ đến. Những cái tên này có thể bao gồm những bạn khác trong lớp. Sau đó, mời một vài học viên giải thích lý do tại sao các em viết một trong những cái tên đó và chia sẻ về việc người đó đã là một tấm gương cho các em như thế nào. Mời học viên suy ngẫm về những người mà các em biết ngày nay và những người trong quá khứ, đặc biệt là Đấng Cứu Rỗi.
2 Ti Mô Thê 3
Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên cảm thấy có ước muốn học thánh thư, là điều có thể giúp bảo vệ các em khỏi những sự tà ác trong thời của chúng ta.
-
Học viên chuẩn bị: Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) với học viên: “Việc dành thời giờ để học hỏi thánh thư mỗi ngày sẽ chắc chắn củng cố nền tảng đức tin của chúng ta và chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật” (“Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 68). Mời học viên suy ngẫm về lời phát biểu này và nghĩ đến những kinh nghiệm cá nhân cho thấy điều đó là đúng.
-
Gợi ý giảng dạy trực tuyến qua video: Để bắt đầu bài học, hãy cân nhắc yêu cầu học viên đăng một vài biểu tượng cảm xúc trong tính năng trò chuyện mà thể hiện cảm giác của các em về việc sống trong những ngày sau cùng. (Ví dụ, các em có thể cảm thấy biết ơn, lo lắng hoặc cả hai.)
Thông Thạo Giáo Lý: 2 Ti Mô Thê 3:15–17
Mục đích của bài học: Bài học này sẽ giúp học viên học thuộc lòng phần tham chiếu thông thạo giáo lý này và cụm từ thánh thư then chốt cho 2 Ti Mô Thê 3:15–17 , giải thích giáo lý và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh trong tình huống thực tế.
-
Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về bất kỳ thử thách nào ngăn cản các em học thánh thư hằng ngày. Khuyến khích các em nghĩ ra những cách mà các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh có thể giúp các em vượt qua những trở ngại của mình.
-
Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Thay vì mời học viên viết phần tham chiếu thánh thư thông thạo giáo lý và cụm từ thánh thư then chốt trong hình vẽ một cuốn sách, hãy mời học viên nhập phần tham chiếu và cụm từ then chốt ba hoặc bốn lần trong tính năng trò chuyện. Hãy nhớ yêu cầu các em nhập từng từ, không sử dụng tính năng cắt và dán. Có thể là hiệu quả để xem học viên có thể nhập phần tham chiếu và cụm từ then chốt bao nhiêu lần trong một khoảng thời gian giới hạn nhất định (ví dụ: 90 giây).
2 Ti Mô Thê 4
Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên trở thành hoặc tiếp tục cam kết với vai trò làm môn đồ suốt đời với Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Học viên chuẩn bị: Mời học viên tìm một đoạn thánh thư mà các em có thể chia sẻ với một người đang cảm thấy chán nản trong nỗ lực noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Hình ảnh cần trưng ra: Hình ảnh về một cuộc chiến đấu và hình ảnh của một cuộc đua
-
Học cụ cho học viên: Một tờ giấy nhỏ cho mỗi học viên
-
Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Nếu có sẵn, hãy cân nhắc sử dụng một công cụ khảo sát ẩn danh để cho học viên chia sẻ một tình huống về người nào đó có thể cảm thấy bị cám dỗ để từ bỏ việc cố gắng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Cho học viên biết là các em thậm chí có thể chọn để chia sẻ lý do thực sự khiến cho một người thân yêu quyết định ngừng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.