Lớp Giáo Lý
Hê Bơ Rơ 11, Phần 1


Hê Bơ Rơ 11, Phần 1

Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh
A woman holding a small picture of Jesus Christ. The picture is a reproduction of a painting by Robert Barrett.

Nhiều người nói về việc có đức tin—vào bản thân, vào những người khác và thậm chí là vào các sự kiện hoặc đồ vật. Vậy thì, điều gì làm cho việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là quan trọng và có khả năng trao quyền? Trong Hê Bơ Rơ 11, chúng ta đọc được những lời giảng dạy của Sứ Đồ Phao Lô về việc phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này sẽ giúp em hiểu đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là gì và tại sao điều đó lại quan trọng đối với cá nhân em.

Tập trung vào các nguyên tắc cải đạo. Trong khi xác định tiến độ bài học, hãy đảm bảo dành đủ thời gian để giúp học viên tham gia vào các phần của bài học mà tập trung vào các nguyên tắc cải đạo.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên hoàn thành lời phát biểu “Đức tin là ________” và sẵn sàng chia sẻ câu trả lời của các em trong buổi học.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Sự quả quyết về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Đây là phần đầu tiên của bài học gồm hai phần nhấn mạnh đến những lời dạy của Phao Lô về đức tin trong Hê Bơ Rơ 11. Nếu thời gian trên lớp có hạn và chỉ có thể dạy một bài học về Hê Bơ Rơ 11, hãy suy ngẫm cách kết hợp hiệu quả hai bài học.

Học viên có thể sử dụng sự chuẩn bị của mình cho sinh hoạt sau đây. Có thể là hữu ích khi viết lên trên bảng một định nghĩa của cả lớp về đức tin và yêu cầu học viên điều chỉnh từ ngữ trong suốt bài học.

  • Em sẽ nói gì nếu có người nào đó hỏi em đức tin là gì?

Hãy viết định nghĩa của em trong nhật ký ghi chép việc học tập của mình hoặc trong sổ ghi chú kỹ thuật số. Cân nhắc thay đổi hoặc bổ sung vào định nghĩa này và ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng khác trong khi em học hôm nay.

Hãy đọc Hê Bơ Rơ 11:1 và đánh dấu cách Sứ Đồ Phao Lô định nghĩa đức tin. Có thể là hữu ích khi biết rằng trong Bản Dịch Joseph Smith cho câu này, Vị Tiên Tri đã thay đổi từ sự biết chắc vững vàng thành sự biết chắc, một từ có nghĩa là chắc chắn hoặc tin tưởng (xin xem Hê Bơ Rơ 11:1).

Cân nhắc mời học viên đọc lại Hê Bơ Rơ 11:1 bằng lời của riêng mình để đảm bảo rằng các em hiểu các từ trong câu.

  • Em nghĩ việc quả quyết hoặc tin tưởng vào những điều mình hy vọng có nghĩa là gì?

  • Làm thế nào để có bằng chứng về những điều em không thể nhìn thấy?

  • Dựa trên câu này, em có thể thay đổi ra sao hoặc thêm gì vào định nghĩa của mình về đức tin?

Cân nhắc viết câu sau đây lên trên bảng hoặc mời học viên điều chỉnh định nghĩa của cả lớp để đưa vào những ý kiến tương tự.

Một lẽ thật giản dị mà Hê Bơ Rơ 11:1 dạy là đức tin là sự biết chắc những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.

Để tạo sự đa dạng khi đọc các câu tiếp theo, hãy cân nhắc chia lớp làm đôi hoặc mời học viên làm việc theo cặp. Yêu cầu một nửa lớp đọc An Ma 32:21 và nửa lớp còn lại đọc Những Tín Điều 1:4. Sau đó, học viên có thể so sánh những điều các em học hỏi được.

Hãy đọc An Ma 32:21Những Tín Điều 1:4 , tìm kiếm thêm những hiểu biết sâu sắc về đức tin. Em có thể muốn tham khảo chéo hoặc liên kết hai câu này với Hê Bơ Rơ 11:1 .

  • Em đã học được điều gì khác về đức tin?

  • Em có thể thay đổi ra sao hoặc thêm gì vào định nghĩa của mình về đức tin từ những điều em đã học được?

Hình Ảnh
“Christ and the Rich Young Ruler,” by Heinrich Hofmann.

Một cách để điều chỉnh câu phát biểu trước về lẽ thật là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là sự biết chắc những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy mà có thật.

Nếu câu phát biểu trước đó hoặc định nghĩa của cả lớp được viết lên trên bảng, thì hãy điều chỉnh từ ngữ để “đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” được truyền đạt rõ ràng.

Để giúp các học viên gia tăng sự hiểu biết của mình về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hãy cân nhắc việc đặt ra một số câu hỏi sau đây. Giúp các em nhận ra vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong kế hoạch cứu rỗi và vai trò cá nhân của Ngài trong cuộc sống của các em.

Có thể là hữu ích khi chia sẻ lời phát biểu đầu tiên của Chủ Tịch Russell M. Nelson trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình” của bài học.

  • Em nghĩ việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khác với việc có đức tin nơi người nào đó hay vào điều gì khác như thế nào?

  • Làm thế nào mà đức tin của em nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp em tin cậy Ngài khi em gặp phải những thắc mắc hoặc những điều không biết chắc?

Gia tăng sự hiểu biết của em về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Hãy suy ngẫm xem em cảm thấy như thế nào về đức tin của cá nhân mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Em cảm thấy đức tin của mình nơi Ngài là mạnh mẽ trong những phương diện nào? Em cảm thấy đức tin của mình nơi Ngài có thể mạnh mẽ hơn trong những phương diện nào?

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Official portrait of Elder Neil L. Andersen of the Quorum of the Twelve Apostles, 2010, August.

Đức tin không tình cờ đến với chúng ta, hoặc ở lại với chúng ta bởi quyền thừa kế. … Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là một ân tứ từ thiên thượng, chúng ta có được ân tứ đó khi chọn để tin và tìm kiếm cùng giữ chặt đức tin đó. Đức tin của các anh em phát triển mạnh hơn hoặc trở nên yếu hơn. Đức tin là một nguyên tắc về quyền năng, không những quan trọng trong cuộc sống này, mà còn trong sự tiến triển của chúng ta sau khi chết nữa. Bởi ân điển của Đấng Ky Tô, một ngày nào đó chúng ta sẽ được cứu nhờ vào đức tin nơi danh Ngài [xin xem Ê Phê Sô 2:8]. Tương lai của đức tin của các anh em không phải là tình cờ mà là do các anh em chọn.

(Neil L. Andersen, “Đức Tin Không Đến Một Cách Tình Cờ mà là Do Chúng Ta Chọn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 65)

  • Em nhận thấy điều gì là nổi bật trong những lời của Anh Cả Andersen?

  • Ông đã giúp em hiểu gì về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Hãy dành thời gian để tìm hiểu thêm về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách nghiên cứu một số nguồn tài liệu sau đây. Ghi lại những hiểu biết sâu sắc của em trong nhật ký ghi chép việc học tập. Hãy suy nghĩ kỹ và mời Đức Thánh Linh giúp em học những điều mình cần hôm nay.

Trưng ra các câu hỏi sau đây và các nguồn tài liệu gợi ý để học viên tham khảo khi các em học. Có thể là hữu ích nếu cung cấp một vài bản in của một hoặc nhiều bài nói chuyện cho những học viên không có thiết bị kỹ thuật số để truy cập vào các tài liệu này.

Cân nhắc kỹ năng lực học tập hoặc nhu cầu của từng học viên trong lớp. Một số học viên có thể được lợi ích từ việc học với người bạn cùng nhóm. Điều chỉnh bài tập hoặc các câu hỏi liên quan nếu cần.

Em có thể muốn suy ngẫm về những câu hỏi này hoặc câu hỏi của riêng mình trong khi nghiên cứu:

  • Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có ý nghĩa gì đối với tôi?

  • Tại sao tôi cần phát triển đức tin nơi Ngài?

  • Tôi có thể làm gì để gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Cân nhắc di chuyển khắp lớp học khi học viên nghiên cứu để nhận ra những cá nhân có thể có câu hỏi hoặc cần hỗ trợ. Khuyến khích học viên tiếp tục cố gắng hoặc đặt ra những câu hỏi làm rõ vấn đề để giúp học viên chắt lọc suy nghĩ của các em.

Các đoạn thánh thư gợi ý và phần giúp đỡ học tập

An Ma 32:26–34

Ê The 12:6–9

Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “ Đức Tin

Em có thể tìm thấy những nguồn tài liệu khác trong thánh thư hoặc trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm bằng cách tìm kiếm cụm từ “Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”

Lời khuyên bảo gợi ý từ các vị lãnh đạo Giáo Hội

Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 101–104

Neil L. Andersen, “Đức Tin Không Đến Một Cách Tình Cờ mà là Do Chúng Ta Chọn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 65–68

Richard C. Edgley, “Đức Tin—Sự Lựa Chọn Là Của Các Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 31–33

Hãy cân nhắc chia lớp học thành từng cặp hoặc nhóm nhỏ để học viên có thể chia sẻ những điều các em đã học được. Nếu thời gian cho phép, thì những học viên đã sẵn sàng có thể chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của các em với cả lớp. Khuyến khích học viên tìm kiếm cơ hội để chia sẻ những điều các em đã học được với gia đình hoặc tại nhà thờ. Cân nhắc hỏi học viên định nghĩa của các em về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã thay đổi như thế nào trong bài học này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Tại sao việc tôi đặt đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô là điều quan trọng?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyên bảo:

Hình Ảnh
Official portrait of President Russell M. Nelson taken January 2018

Khi nói về đức tin—đức tin mà có thể dời núi—chúng ta không nói về đức tin theo một cách tổng quát mà là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. …

Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi, đức tin của mình ở đâu? Có phải là đức tin nơi một đội bóng không? Có phải là đức tin nơi một thương hiệu không? Có phải nơi một người nổi tiếng không? Thậm chí những đội bóng giỏi nhất cũng có thể thất bại. Những người nổi tiếng có thể phai mờ. Chỉ có một Đấng mà đức tin của các anh chị em luôn được an toàn, và đó là nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

(Russell M. Nelson, “Hãy Cho Thấy Đức Tin của Mình,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 29)

Tại sao tôi nên cố gắng gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Hình Ảnh
Official portrait of President Russell M. Nelson taken January 2018

Tôi xin kêu gọi anh chị em … là phải bắt đầu ngay hôm nay để gia tăng đức tin của mình. Qua đức tin của anh chị em, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gia tăng khả năng của anh chị em để dời núi trong cuộc đời của anh chị em [xin xem 1 Nê Phi 7:12 ], mặc dù những thử thách cá nhân của anh chị em có thể to lớn như Núi Everest.

Núi của anh chị em có thể là nỗi cô đơn, nghi ngờ, bệnh tật hoặc các vấn đề cá nhân khác. Núi của anh chị em sẽ khác nhau, nhưng sự đáp ứng cho mỗi thử thách của anh chị em là để gia tăng đức tin của anh chị em. Điều đó cần phải có sự làm việc. …

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là quyền năng lớn nhất dành cho chúng ta trong cuộc sống này. Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả [xin xem Mác 9:23].

(Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 102–103, 104)

Để học hỏi bằng đức tin đòi hỏi điều gì ở tôi?

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:

Hình Ảnh
Elder David A. Bednar, Quorum of the Twelve Apostles official portrait. 2020.

Kinh nghiệm đã giúp tôi hiểu rằng một lời giải đáp do người khác đưa ra thường không được ghi nhớ lâu, nếu có được nhớ đến đi nữa. Nhưng thường thì một câu trả lời mà chúng ta khám phá ra hoặc đạt được qua việc sử dụng đức tin thì sẽ được lưu giữ cho cả cuộc đời. Những bài học quan trọng nhất của cuộc đời là do mình tự học được—chứ không phải được người khác dạy.

Sự hiểu biết thuộc linh mà các anh chị em và tôi đã được phước để nhận được, cũng như được xác nhận là chân chính trong tấm lòng chúng ta, đều không thể nào dễ dàng mà đưa cho người khác được. Cái giá của sự chuyên cần cũng như của việc học hỏi bằng đức tin cần phải được trả để nhận được và “sở hữu” riêng sự hiểu biết đó. Chỉ bằng cách này, điều được biết trong tâm trí mới có thể được chuyển hóa thành những điều được cảm nhận trong tấm lòng. Chỉ bằng cách này, một người mới có thể vượt qua khỏi việc dựa vào sự hiểu biết thuộc linh và kinh nghiệm của những người khác và thỉnh cầu các phước lành đó cho chính mình. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể được chuẩn bị phần thuộc linh cho những điều đang xảy đến. Chúng ta cần “tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” ( Giáo Lý và Giao Ước 88:118).

(David A. Bednar, “Seek Learning by Faith,” Ensign, tháng Chín năm 2007, trang 67)

Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Năm gợi ý của Chủ Tịch Russell M. Nelson để gia tăng đức tin

Cân nhắc chia sẻ năm gợi ý của Chủ Tịch Russell M. Nelson để gia tăng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, có trong bài nói chuyện của ông “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi” (Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 103–104). Khuyến khích học viên chọn một trong các gợi ý và lập kế hoạch thực hiện theo gợi ý đó trong một tuần. Mời các em báo cáo trước lớp về sự tiến triển của mình hoặc các thử thách mà các em đã trải qua.

In