Giăng 14:1–6; 15:1–11
“Ta Là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống”
Trong buổi tối cuối cùng của Ngài với các môn đồ, Chúa Giê Su Ky Tô đã giảng dạy cho họ về thiên tính và giáo vụ của Ngài. Ngài dạy rằng Ngài là con đường để trở về với Cha Thiên Thượng, và Ngài so sánh mối quan hệ của các môn đồ với Ngài như những cành trên gốc nho. Bài học này có thể giúp em suy ngẫm về mối quan hệ của mình với Chúa Giê Su Ky Tô và cách em có thể tuân theo Ngài và nhận được sức mạnh và sự hỗ trợ của Ngài.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Một số lời giảng dạy cuối cùng của Đấng Cứu Rỗi dành cho các môn đồ của Ngài là nhằm giúp họ hiểu rõ về mối quan hệ của họ và sự lệ thuộc vào Ngài. Đấng Cứu Rỗi đã so sánh chính Ngài với một con đường, cũng như với một gốc nho hay cây có cành. Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những lĩnh vực trong cuộc sống mà em có thể cần giúp đỡ. Có lẽ là em cảm thấy như mình cần được giúp đỡ khi cố gắng trở về cùng Cha Thiên Thượng. Em có thể cảm thấy cần phải có thêm sức mạnh để đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Khi em nghiên cứu những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, hãy tìm những điều em học được về Ngài và cách Ngài có thể giúp em.
Chúa Giê Su Ky Tô, là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” ( Giăng 14:6)
Hãy đọc Giăng 14:1–6 , tìm kiếm cách mà Đấng Cứu Rỗi đã hứa sẽ giúp những người theo Ngài.
-
Đấng Cứu Rỗi đã dạy những lẽ thật nào trong những câu này?
-
Mỗi tước vị này dạy cho em điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô và mối quan hệ của em với Ngài?
Nếu em đã tạo một bản liệt kê các tước vị và vai trò khác nhau của Chúa Giê Su Ky Tô trong một bài học trước, thì em có thể muốn thêm vào bài học đó những điều mình đã khám phá được trong Giăng 14 .
Sách Mặc Môn có thể gia tăng sự hiểu biết của em về những điều em đang nghiên cứu trong Kinh Tân Ước. Hãy đọc Mô Si A 3:17 và suy ngẫm về cách câu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn Giăng 14:6 .
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi ấy thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy:
Thượng Đế muốn các anh chị em tìm đường trở về cùng Ngài, và Đấng Cứu Rỗi là con đường [xin xem Giăng 14:6]. Thượng Đế muốn các anh chị em phải học hỏi nơi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và cảm nhận sự bình an và niềm vui sâu sắc phát sinh từ việc đi theo con đường của các môn đồ của Chúa.
(Dieter F. Uchtdorf, “Nhận Được một Chứng Ngôn về Ánh Sáng và Lẽ Thật”, Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 21)
-
Vào lúc nào mà em hoặc người nào đó em biết đã cảm nhận sự bình an và niềm vui sâu sắc đến từ việc đi theo Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Chúng ta có thể đi theo Đấng Cứu Rỗi để trở về cùng Cha Thiên Thượng bằng một số cách nào?
-
Làm cách nào chúng ta có thể biết được mình có đang đi đúng đường hay không?
Chúa Giê Su Ky Tô là “gốc nho” ( Giăng 15:5)
Chúa Giê Su Ky Tô đã dùng phép so sánh để giảng dạy cho các môn đồ của Ngài về mối quan hệ của họ với Ngài. Hãy đọc Giăng 15:1–11 , và tìm kiếm sự so sánh này.
Nếu em đã tạo một bản liệt kê các tước vị và vai trò khác nhau của Chúa Giê Su Ky Tô trong một bài học trước, thì em có thể muốn thêm vào bài học đó những điều em đã khám phá được trong Giăng 15 .
-
Em nghĩ Chúa Giê Su đang dạy gì qua sự so sánh này?
-
Em có thể học được những lẽ thật nào qua sự so sánh này về mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô?
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích rằng lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để ở trong Ngài là lời mời gọi chúng ta “ở lại, … ở lại mãi mãi” (“Ở trong Ta”, Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 32). Anh Cả Holland đã giải thích lý do tại sao việc chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để ở trong Ngài là điều rất quan trọng đối với chúng ta.Em có thể muốn đọc lời phát biểu sau đây.
Chúa Giê Su đã phán: “Vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” [ Giăng 15:5]. Tôi làm chứng rằng đó là lẽ thật từ Thượng Đế. Đấng Ky Tô là tất cả đối với chúng ta và chúng ta cần “ở” trong Ngài lâu dài, một cách cứng cỏi, một cách kiên định, mãi mãi. Để cho phúc âm kết trái và ban phước cho cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải gắn bó một cách vững vàng với Ngài, Đấng Cứu Rỗi của tất cả chúng ta, và với Giáo Hội này của Ngài, mà mang thánh danh của Ngài. Ngài là gốc nho tức là nguồn sức mạnh thật sự của chúng ta và là nguồn duy nhất mang lại cuộc sống vĩnh cửu. Ở trong Ngài chúng ta không những sẽ kiên trì mà còn sẽ áp đảo và chiến thắng vì mục đích thiêng liêng này sẽ không bao giờ làm chúng ta thất bại.
(Jeffrey R. Holland, “Abide in Me”, Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 32)
Sách Mặc Môn có thể giúp em gia tăng sự hiểu biết của mình về những điều em đang nghiên cứu trong Kinh Tân Ước. Hãy đọc An Ma 26:12 và suy ngẫm xem câu này có liên quan như thế nào đến Giăng 15:1–11 .
-
Một số trái (kết quả hoặc phước lành) em đã nhìn thấy trong cuộc sống của em khi cố gắng ở trong Chúa Giê Su Ky Tô là gì?
-
Em có thể thực hiện một số hành động nào để giúp em ở trong Chúa Giê Su Ky Tô?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Có nhiều gian nhà trong nhà của Cha Thiên Thượng nghĩa là gì?
Tiên Tri Joseph Smith (1805–1844) đã dạy:
[Câu nói] “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở” [ Giăng 14:2 ] … cần phải là—“Trong vương quốc của Cha ta có nhiều vương quốc,” ngõ hầu các ngươi có thể là kẻ kế tự Thượng Đế và đồng kế tự với ta. … Có những chỗ ở cho những người tuân theo luật thiên thượng, và có những chỗ ở khác cho những người không tuân theo luật pháp, mỗi người theo sự trật tự dành riêng cho mình.
(Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith[năm 2007], trang 236)